Cho khế có nhận được vàng?

Vào một buổi tối đã khuya, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty sách First News, mời lên văn phòng công ty chơi và đưa cho tôi một cuốn sách có nhan đề: Give and Take. Anh bảo: “Em nghĩ cho anh cái tựa tiếng Việt, sẽ hậu tạ nhé!”


Vốn không hứng thú lắm với dòng sách self-help, nhưng đã trót hứa nên đến đó tôi đành vắt óc ra nghĩ xem tên nào nghe được. Sáng hôm sau, tôi nhắn tin cho anh “ nên đặt tên sách là Cho khế nhận vàng. Người Việt Nam ai cũng biết chuyện cổ tích Ăn khế trả vàng nên đặt thế dễ bán sách”.


Một buổi tối năm tháng sau đó, anh Phước gọi điện rủ đi ăn tối để mừng ra cuốn “Give and Take”. Ra tới nhà hàng, tôi được tặng một cuốn sách có tựa Cho khế nhận vàng. Anh Nguyễn Văn Phước lật bìa 4 và chỉ cho tôi một câu danh ngôn anh đã chọn: “Những người đã cho sẽ nhận lại rất nhiều. Những người chưa cho, những gì đã có từ từ sẽ lấy đi hết.”


Trong vòng 36 giờ sau khi nhận được sách, tôi đã miệt mài đọc Cho khế nhận vàng, cuốn sách hóa ra không phải là dòng self-help như tôi đã nghĩ. Đây là một cuốn sách thuộc một thể loại được gọi là “New Perspectives”, nghĩa là đưa ra những góc nhìn hoàn toàn mới dựa trên các nghiên cứu có tính học thuật. Tác giả cuốn sách là Adam Grant, giáo sư trẻ nhất của Trường Kinh doanh Wharton, ngôi trường nằm trong top nhất nhì về MBA ở Hoa Kỳ hiện nay.


Adam Grant bắt đầu cuốn sách bằng cách chia thế giới ra làm hai loại người dựa trên cách họ “tiếp cận và tương tác với người khác”: người sẵn sàng cho (giver) và người chỉ muốn nhận (taker).


Đặc điểm của người chỉ muốn nhận là họ luôn muốn nhận được nhiều hơn những gì mình đã cho đi. Họ cho rằng: “thế giới là nơi người ta tranh đoạt, dẫm đạp lên nhau để tồn tại”, nên “chẳng ai lo lắng cho anh ngoài chính bản thân anh cả”, vì thế luôn cần “đảm bảo rằng những gì mình bỏ ra sẽ thu được thành quả tương xứng”, và “cán cân lợi ích luôn phải nghiêng về phía họ”.


Ngược lại, người sẵn sàng cho luôn cân nhắc đến lợi ích của người khác, “sẵn sàng cho đi nhiều hơn thứ nhận về” “luôn “chú ý vào lợi ích của người khác”, “quan tâm những gì mình có thể mang lại cho người khác”. Người cho khác người nhận ở chỗ sẵn sàng hỗ trợ người khác mà không quá bận tâm tới sự hồi đáp.


Thực tế xã hội cho thấy nhóm sẵn sàng cho thuộc về thiểu số, nhóm chỉ muốn nhận rất nhiều nhưng không thể không kể tới nhóm thứ ba gọi là nhóm dung hoà. Nhóm này hành động trên cơ sở “giúp đỡ người khác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi” và kiểm soát mọi hành vi của mình trên cơ sở tương đồng lợi ích.


Câu hỏi là: nhóm nào trong số ba nhóm trên sẽ thành công? Adam Grant mở đầu cuốn sách với một thông tin dựa trên nhiều nghiên cứu được thực hiện ở Hoa Kỳ: những người sẵn sàng cho luôn “chịu thiệt nhất”, “đứng cuối cùng trong thang bậc thành công”, “lao động kém hiệu quả nhất”, “năng suất thấp nhất”… Một cảm giác thất vọng lan tỏa trong tôi khi đọc những nghiên cứu được trích dẫn bởi Adam Grant, hóa ra, người hào phóng cho đi sự tử tế cuối cùng mãi vẫn là người thất bại?


May mắn là không phải thế. Adam Grant đã nhanh chóng đi vào thông điệp chính của cuốn sách: cho dù người sẵn sàng cho luôn “đứng cuối cùng trong thang bậc thành công” nhưng “những người thành công nhất cũng chính là những người thuộc nhóm sẵn sàng cho”. Những người hào phóng cho đi mới là những người chiến thắng cuối cùng.


Toàn bộ cuốn sách của giáo sư Trường Kinh doanh Wharton đưa ra nhiều câu chuyện thực tế và nghiên cứu học thuật để chứng minh cho thông điệp ấy. Không chỉ chứng minh, Adam Grant lý giải tại sao cuối cùng việc hào phóng cho đi lại trở thành công thức của thành công. Hóa ra, “những người phấn đấu quên mình vì người khác bị cho là mù quáng thì những người tử tế và thành đạt lại là một trường hợp đặc biệt. Họ tử tế một cách khôn ngoan, biết quan tâm đến lợi ích của người khác nhưng vẫn nuôi tham vọng đạt được những mong muốn của riêng mình”, họ đã thành công trong việc dung hòa lợi ích của người khác với lợi ích của cá nhân.


Adam Grant trích dẫn một câu nói ấm lòng: “Tôi sẽ tóm gọn lại nguyên tắc thành công bằng một cụm từ thật ngắn gọn: sự tử tế.” Còn tôi, tôi không biết môi trường Mỹ và Việt Nam liệu có khác nhau, và tôi cũng không chắc chắn hào phóng sự tử tế sẽ thành công ở Việt Nam. Nhưng, sự xuất hiện của cuốn sách bestseller “Cho khế nhận vàng” phiên bản tiếng Việt ít nhất cũng lời một lời nhắc nhở đối với những ai chỉ lo nhận phần hơn về mình, và cũng là lời khích lệ cho những ai đã nỗ lực cho đi rất nhiều nhưng chưa nhận về phần tương xứng. Tuy không chắc, nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng: cho khế rồi một ngày sẽ nhận được vàng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)