Chống dịch trong thời gian tới: Để không trượt vào vết xe cũ
Hiện nay chúng ta vẫn đang truy vết, cách ly tập trung, hạn chế dòng người từ vùng dịch trở về các địa phương, tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp các khu cách ly quá tải và lây nhiễm âm thầm lan rộng trong cộng đồng? Để tránh các nguy cơ khi xảy ra kịch bản hệ thống y tế quá tải, chúng ta cần ưu tiên phủ vaccine cho người trên 50 tuổi, nâng cao năng lực y tế cơ sở, chữa trị tại cộng đồng, theo TS.BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney, Úc.
TS Nguyễn Thu Anh.
Tiêm cho người có nguy cơ để bảo vệ các vùng nguy cơ
Nguy cơ rủi ro mới đang được dự báo khi ở các cửa ngõ TP. HCM, những đoàn người đứng chờ trở về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là vùng có lượng người di cư đi lớn* của cả nước nên số người trở về sẽ vẫn còn rất lớn. Chị nghĩ thế nào về những áp lực y tế sắp tới?
Có lẽ không chỉ tôi mà tất cả chúng ta đều đang nhìn thấy nguy cơ đó rồi. Trong dòng người trở về ĐBSCL chắc chắn có người nhiễm SARS-CoV- 2, một số người có thể đã phát hiện được trong lần xét nghiệm trước khi ra khỏi cửa ngõ TP, tuy nhiên một số còn đang trong giai đoạn ủ hoặc vì xét nghiệm chưa đủ nhậy để phát hiện, một thời gian nữa xét nghiệm lại ra, và sẽ có khả năng lây lan dịch ở khu vực ĐBSCL. Vì vậy, các địa phương này cần chuẩn bị cho kịch bản “vỡ trận” hệ thống y tế khi có quá nhiều người nhiễm có nguy cơ tăng nặng, tử vong trong một thời gian ngắn. Đồng thời, chúng ta cần phải xác định rằng: với các vaccine hiện có, vaccine chỉ bảo vệ người được tiêm chứ không thể đạt miễn dịch cộng đồng. Vì thế phải tiêm vaccine ngay cho người trên 50 tuổi, mặc dù tiêm bây giờ cũng hơi muộn vì người dân đã về rồi, lây truyền cũng đã bắt đầu âm thầm. Tôi đã ngồi tạm tính, số lượng vaccine cần đổ về đây cho người trên 50 tuổi ở 12 tỉnh ĐBSCL rơi vào khoảng 6,5 triệu liều vaccine. Sau khi tiêm vaccine cho người trên 50 ở ĐBSCL, ở Đông Nam Bộ, sẽ tới người cao tuổi vùng nguy cơ khác như Nam Trung Bộ, rồi Tây Nguyên, vì người di cư cũng đang di chuyển về quê.
Thứ hai là không còn cách nào khác, chúng ta phải giãn cách đến lúc phủ mũi thứ hai cho người trên 50 tuổi. May mắn là vùng ngoài Đông Nam Bộ thì các vùng còn lại có mật độ dân số trung bình thấp hơn nhiều lần nên tôi cũng hi vọng là giảm tình trạng lây lan. Giãn cách ở đây là tạo khoảng cách giữa người với người, giảm mật độ người chứ không phải “bế quan tỏa cảng”. Các hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn vẫn nên cho phép hoạt động.
Hiện nay, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phủ được toàn bộ mũi 1 còn mũi 2 là 67% với TP. HCM và gần 30% với Hà Nội. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp thiếu vaccine, nên tạm hoãn thời gian tiêm mũi 2 ở hai nơi này lại để dành vaccine tiêm cho người trên 50 tuổi ở các tỉnh nguy cơ cao của Đồng bằng sông Cửu Long (và sau đó tới các vùng nguy cơ cao còn lại theo thứ tự). Các tỉnh không có nguy cơ cao có thể phải chờ các đợt tiêm sau. Mặc dù cách làm này không phải tối ưu nhưng chúng ta buộc phải làm như vậy để tránh quá tải y tế cho các vùng nguy cơ.
Trong bối cảnh vaccine chưa có, nguồn lực y tế mỏng, phần lớn các tỉnh vẫn đang kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng bằng cách truy vết và cách ly tập trung. Nhưng thực ra, trước đây, TP. HCM, Bình Dương cũng từng quá tải khu cách ly tập trung.
Bây giờ, các tỉnh vẫn đang tổ chức cách ly tập trung và hy vọng làm giảm lây nhiễm ra cộng đồng. Thực ra, vẫn có thể cách ly tập trung khi số lượng người cần cách ly không lớn và địa phương có thể đảm bảo một số điều kiện như thông thoáng để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, đảm bảo nhu cầu đời sống hằng ngày, tránh tình trạng thiếu cả thuốc hạ sốt, cơm ăn nước uống từng xảy ra tại một số nơi cách ly. Tuy nhiên, với số lượng người lao động lớn đi về các địa phương như hiện nay, chắc chắn các khu cách ly tập trung sẽ quá tải, là nguy cơ dẫn tới lây nhiễm chéo.
Vì vậy, chúng ta cũng phải chuẩn bị phương án là nếu không thể cách ly được tốt như đã làm trong năm 2020 thì phải dùng mạng lưới xã phường để hỗ trợ quản lý cách ly tại nhà. Tôi cũng suy nghĩ nhiều về phương án cách ly tại nhà ở các tỉnh khác ngoài TP. HCM và vùng lân cận, vì nó sẽ dễ dẫn đến tình trạng lây lan ra cộng đồng. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận là thực ra có thể dịch bệnh đã âm thầm lây lan, hoặc sớm muộn gì cũng lây. Nên ngoài việc ưu tiên khẩn cấp tiêm vaccine cho những người dễ tử vong và tăng nặng, chúng ta phải tăng năng lực hệ thống y tế cơ sở; thay đổi mô hình điều trị như tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở, tập huấn cho người dân, huy động đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ được F0 tại cộng đồng khi số lượng lớn.
Thuận lợi lớn nhất cho chúng ta lúc này là đã có quy trình, kinh nghiệm chăm sóc, điều trị người mắc Covid từ trường hợp TP. HCM, giờ chỉ cần nhân rộng và thực hiện điều đó. Dĩ nhiên, chúng ta phải tập huấn thì cán bộ cơ sở mới hiểu và làm được chứ không thể ngay lập tức nâng cao năng lực chăm sóc điều trị được.
Người dân ở cửa ngõ Bình Chánh, TP HCM để trở về miền Tây ngày 1/10. Ảnh: Trương Thanh Tùng.
Là một nhà dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm về hô hấp thường làm việc với y tế cấp cơ sở, chị thấy có thể làm gì để giúp nâng cao năng lực y tế cơ sở trong điều kiện ngặt nghèo về thời gian theo chu kỳ ủ bệnh của virus?
Trong thời gian còn đang tạm giãn cách quý giá này, chúng ta phải chuẩn bị cả về quy trình, con người, thuốc men và hệ thống oxy. Điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị năng lực chữa trị tại cộng đồng, tại trạm y tế và chỉ chuyển tuyến các trường hợp nặng chứ không dồn tất cả các ca lên tuyến trên gây gánh nặng lên tuyến trên. Hệ thống y tế cơ sở phải chuẩn bị trước như dự trù máy đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2), thuốc cơ bản, tìm kiếm và thương thuyết với nhà cung cấp oxy, các xe oxy di động, lắp hệ thống ống dẫn oxy trong các bệnh viện tuyến huyện trở lên để xe oxy di động đến là có thể lắp vào cho bệnh nhân thở. Các bệnh viện công có nhiều thủ tục đấu thầu, mua sắm nên phải bắt đầu ngay từ bây giờ, nếu không là sẽ không kịp. Một ví dụ đơn giản mà chúng ta đều thấy là oresol và paracetamol thường chẳng bao giờ thiếu nhưng ở giai đoạn đỉnh dịch, một số bệnh viện đã thiếu cả oresol, do đó cũng phải lên phương án là nếu thiếu oresol thì phải biết cách pha dung dịch bù nước và điện giải từ muối và đường như thế nào. Đó là những cái phải chuẩn bị trước, còn khi có bệnh nhân tăng lên thì nhân viên y tế sẽ sốc, choáng váng, tập huấn cũng không kịp nữa.
Nhiều thứ chuẩn bị dồn dập trong thời gian này nên sẽ rất vất vả nhưng vấn đề là chúng ta có đủ quyết tâm chính trị để làm không. Tôi nghĩ nếu xác định được như vậy thì mình có thể làm được.
Tôi mong mỗi một tỉnh sẽ có một đơn vị y tế đỡ đầu để được hỗ trợ về năng lực. Trường Đại học Y Dược TP. HCM mới xây dựng được mô hình trạm cấp cứu F0, nếu họ đỡ đầu được 1-2 tỉnh, nhân mô hình ấy lên, tương tự bệnh viện Đại học Y Hà Nội đỡ đầu 1-2 tỉnh, Bệnh viện Nhi Trung ương đang ở Vĩnh Long đỡ đầu Vĩnh Long, Bệnh viện Phổi Trung ương ở Đồng Nai có thể vào miền Tây hỗ trợ cho một tỉnh… Cứ nhân dần dần lên như vậy, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế thì mới được, chứ còn hỗ trợ từ xa, hỗ trợ online, hỗ trợ bằng các văn bản chính sách không ăn thua.
Đòi hỏi sự chuẩn bị ấy ở hệ thống y tế cơ sở trong bối cảnh mỗi ngày chỉ có chục, vài chục F0 thì có phải là lo lắng thái quá không?
Nếu may mắn không bùng phát dịch thì chúng ta quá mừng, nhưng nếu rủi ro bùng phát thì sao? Tôi chỉ sợ là khi đó, chúng ta hỗ trợ an sinh không kịp, đầu tư cho hệ thống cách ly tốt cũng không đủ, và đầu tư cho hệ thống y tế cũng không kịp thì sẽ lại dẫm lại vào con đường mà chúng ta vừa bước ra.
Chúng ta đều hiểu là những vùng có nguy cơ hiện nay như Đồng Bằng sông Cửu Long có một điểm tốt là dân cư thưa hơn TP. HCM nhưng tất cả các điều kiện về y tế, hỗ trợ an sinh đều không bằng TP. HCM. Do đó, muốn an toàn thì phải dự trù xa, nhìn xa trông rộng, tính tới đủ các nguy cơ, còn để bị động thì nếu chúng ta không kiểm soát được thì hệ quả sẽ rất tệ. Với đặc điểm của đại dịch này, khi bùng phát thì quy mô điều trị sẽ tăng cực kỳ nhanh, không ai có thể lường hết được. Tôi nghĩ đừng có chờ tới khi có nhiều bệnh nhân rồi mới chuẩn bị mà phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Trước đây mình lên kế hoạch, dự trù dựa trên số bệnh nhân, số bác sĩ, tóm lại dựa trên các con số mà mình dự đoán, còn với đặc điểm của COVID thì khi đã bùng dịch, mình không còn cơ hội dự đoán được.
Nhìn rộng ra, việc chúng ta chuẩn bị, tăng năng lực cho hệ thống y tế từ cấp cơ sở thì không chỉ tốt cho việc quản lý dịch bệnh này mà còn tốt cho cả quản lý hậu đại dịch tới đây và các bệnh tật khác. Những năm gần đây, ngành y đang có chiến lược tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở cũng đề án xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Đây chính là cơ hội để ngành y thu hút đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế. Ví dụ một trưởng trạm y tế cho nhân viên đi học về COVID, phát hiện bệnh, phân loại bệnh nặng nhẹ, tuyên truyền cho người dân tự cách ly ở nhà và tự chăm sóc như thế nào, tại trạm cần có những trang thiết bị cơ bản như máy đo oxy, máy đo nhiệt độ, thuốc hạ sốt, oserol chứ không phải những thứ quá đắt đỏ ghê gớm. Ở tuyến quận, huyện thì cơ sở y tế cần lo oxy, thuốc chống đông, corticoid… Cán bộ y tế chăm sóc, điều trị Covid cho người dân, có thể đồng thời phát hiện và quản lý các bệnh tật phổ biến khác, tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức như World Bank hoặc Quỹ toàn cầu cho các mục tiêu này.
Nhìn chung, tất cả sự chuẩn bị ở đây là y tế trong ngưỡng chịu đựng được khi chưa bao phủ vaccine. Chủng Delta lây rất nhanh, tới mức vượt ngưỡng y tế cực nhanh. Tôi có trao đổi với một số bác sĩ, nếu mình lập các bệnh viện dã chiến, số bệnh nhân nằm chỉ chiếm ¼ số giường bệnh thôi là cảnh báo chuẩn bị quá tải vì số ca tăng quá nhanh.
Tỉ lệ bao phủ vaccine, số liệu đến ngày 1/10. Nguồn: TS Nguyễn Thu Anh.
Không có “người xanh”
Bên cạnh sự chuẩn bị năng lực tới ngưỡng cho hệ thống y tế, việc triển khai tiêm vaccine theo đúng đối tượng cũng hết sức quan trọng, làm giảm nguy cơ tử vong do COVID tại các địa phương như chị đã đề cập?
Dự thảo kế hoạch thích nghi an toàn vẫn chưa được phê duyệt, kể cả chưa được phê duyệt nhưng lãnh đạo Bộ Y tế đã công bố, “đánh tiếng” rằng tiêm vaccine cho người cao tuổi là điều kiện tiên quyết để mở cửa thì đến nay các địa phương vẫn chưa thực hiện. Chúng tôi cũng không có số liệu để đánh giá toàn cảnh về tỉ lệ tiêm của người cao tuổi nhưng nhìn chung có thể thấy rằng trừ Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Long An thì người cao tuổi vẫn chưa được ưu tiên tiêm trước người trẻ, họ tiêm cùng với người trẻ hoặc thậm chí phải tiêm sau.
Hiện nay chúng ta đã tiêm gần 49 triệu liều vaccine, điều tôi luôn mơ ước là số vaccine đã tiêm cho người tuyến đầu và người trên 50 tuổi, với số lượng vaccine đó là gần đủ phủ rồi. Và nếu làm điều đó, chúng ta đã có thể nới lỏng được trên toàn quốc. Nhưng chúng ta đã không làm thế nên sẽ còn đóng cửa các tỉnh, các vùng (đến khi tiêm người trên 50 tuổi và nới dần), không ai dám mở ra khi nguy cơ tăng nặng và tử vong quá lớn.
Để có được các vùng an toàn, chúng ta phải thay đổi quan điểm. Về cơ bản, chúng ta phải sử dụng vaccine để tránh quá tải hệ thống, điều trị từ cơ sở để quản lý nguy cơ tử vong và tăng nặng nhưng với sự khó lường của dịch bệnh, chúng ta không thể quản lý nguy cơ lây nhiễm bằng vaccine đâu mà phải quản lý bằng giãn cách theo các cấp độ khác nhau. Nhưng ở đây, chúng ta vẫn lại vướng phải tư duy cũ là người tiêm vaccine thì an toàn và không làm lây nhiễm cho người khác, chúng ta vẫn còn tin vào miễn dịch cộng đồng.
Như vậy việc cho phép những “người xanh” được di chuyển giữa các vùng, kể cả các vùng không có virus là mang theo nguy cơ? Và cũng khá mâu thuẫn với việc tiêm cho người trên 50 vì phần lớn người già thì không di chuyển.
Đúng vậy, tôi muốn nhấn mạnh là “người xanh” không giúp mở cửa kinh tế, chỉ người rủi ro tử vong cao được tiêm vaccine mới giúp mở cửa kinh tế. Không có khái niệm “người xanh” (vì tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm virus), chỉ có khái niệm người rủi ro tử vong cao và người rủi ro tử vong thấp hơn… (tùy thuộc vào tình trạng tiêm vaccine, tuổi và bệnh nền). “Người xanh” đi từ vùng dịch đến “vùng xanh” nếu mang theo virus sẽ biến “vùng xanh” thành “vùng tử vong” nếu người trên 50 tuổi ở “vùng xanh” chưa được tiêm đủ liều vaccine.
Từ mục tiêu tới hành động, đến chính sách không xuyên suốt nên mới vướng mắc, do đó mình trách người trẻ tiêm thì cũng chỉ trách một phần thôi, điểm thắt nút chính ở đây là tư duy quản lý bị nhầm lẫn. Người ta không hiểu rằng người già không an toàn thì hệ thống y tế sụp đổ và lại phải giãn cách. Tất nhiên, có thể có những người nghĩ rằng đằng nào người già cũng chết nhưng không một chính phủ một nước nào dám mặc kệ cho nhiều người chết. Vậy là những người xanh đó cũng chẳng được đi lại, chẳng được làm, tất cả lại có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn như cũ.
Như vậy thì khái niệm “vùng an toàn” không thực sự an toàn?
Đó phải là vùng cân bằng giữa vaccine ưu tiên cho các nhóm nguy cơ, năng lực điều trị tới tận tuyến cơ sở và kiểm soát không tăng nhiều F0 khi hai yếu tố đầu chưa đạt. Tất nhiên nếu mình có nhiều vaccine thì không cần phải lo đếm F0 nữa, còn khi không có vaccine thì mình buộc phải giảm F0 xuống mức hệ thống y tế chịu được. Còn nếu nghĩ “vùng xanh” là vùng không có ca nhiễm là quan điểm sai lầm, vì sớm muộn gì cũng sẽ lây lan. Chẳng phải chúng ta đã thống nhất rằng Việt Nam sẽ không đi theo con đường ZeroCovid nữa hay sao?
Trong trường hợp chúng ta vẫn không nhất quán từ chiến lược tới lời nói và hành động thì rất có thể sai lầm sẽ nối tiếp sai lầm, ví dụ như không xét nghiệm người đã tiêm đủ hai mũi khi họ vào vùng không có dịch là điều rất ngớ ngẩn. Một là nếu đã tiêm hết toàn dân thì không cần xét nghiệm tất cả nữa mà chỉ cần xét nghiệm người có triệu chứng, còn nếu chưa tiêm hết mà người tiêm đủ hai mũi đi vào vùng không có virus thì vẫn cần xét nghiệm vì họ vẫn có thể mang theo virus mà. Nếu tôi là người ở TP.HCM đi tới nơi khác thì vẫn cần xét nghiệm chứ, còn người đi vào TP. HCM thì không cần xét nghiệm bởi vì tôi quá nhỏ bé trong một môi trường nhiều người đã nhiễm. Xét nghiệm là phải dựa trên nguy cơ an toàn của từng vùng chứ không phải dựa trên “thẻ xanh”.
Còn có một vấn đề là dường như cả chính quyền và người dân ở nhiều vùng quá căng thẳng, kỳ thị, thậm chí ngăn không cho người dân trở về.
Với chính quyền các địa phương, chúng ta cũng có thể hiểu được là vì họ vẫn đang ở thế khó: muốn chuyển và sớm muộn gì cũng phải “sống chung” với virus nhưng lại chưa kịp chuẩn bị nhân lực, không đủ nguồn lực cách ly, chưa kịp chuẩn bị hệ thống y tế tới tận cơ sở hay còn chưa có hướng dẫn chăm sóc tại cộng đồng. Nhưng như tôi đã khuyến nghị, “nước xa không cứu được lửa gần”, phải chuẩn bị thôi, nếu không thì sẽ không kịp. Thời gian qua, có nhiều địa phương đã sáng tạo, chủ động trong phòng chống dịch theo đúng nghĩa “thời thế tạo anh hùng”. Tôi hy vọng rằng sẽ tiếp tục có nhiều địa phương như vậy.
Còn đối với người dân, thực sự điều tôi lo và buồn nhất từ năm ngoái là ngăn chặn, rồi tố giác nhau, sứt mẻ cả tình làng nghĩa xóm, có những người đi bộ về quê đã bị gia đình đuổi ra khỏi nhà. Những cách ứng xử như thế sẽ tạo ra tâm lý không hợp tác, trốn tránh, càng lẩn trốn thì càng lây lan.
Trong quản lý dịch bệnh, quản lý khủng hoảng cần phải đặt lòng nhân hậu lên hàng đầu thì mới quản lý được. Tất nhiên là có những luồng suy nghĩ khác nhau, có người cho rằng cần phải nghiêm như thời chiến thì mới quản lý được, nhưng sau một thời gian dài chúng ta thắt lưng buộc bụng, cách ly, khóa chặt một cách nghiêm ngặt nhất, giờ đây sự nghiêm như thời chiến không ăn thua. Nghiêm thì vẫn phải nghiêm nhưng buộc phải đặt lòng nhân hậu, quan tâm đến con người một cách thực sự mới có được sự hợp tác, tuân thủ còn nếu coi những người khác thuộc về bên đối lập thì họ sẽ không hợp tác. □
Cảm ơn chị về cuộc trao đổi!
Thu Quỳnh thực hiện
—
* ĐBSCL, Duyên hải miền Trung lần lượt chiếm 18,5%, 19,6% người di cư trong cả nước.