Chủ nghĩa giáo điều trong nghiên cứu khoa học một thời

Tôi có người bạn kỹ sư nông nghiệp, kể lại sau năm 1975, anh được học môn Thổ nhưỡng học, với bài đầu tiên trong tập giáo trình là “Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về độ phì đất đai”. Nghe hơi lạ, sau có dịp kiểm chứng lại thì thấy đúng sự thật!

Có thể coi câu chuyện nhỏ trên đây là một thí dụ khá tiêu biểu về chủ nghĩa giáo điều trong nghiên cứu khoa học của một thời, đầu tiên ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, rồi lần lần ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng nặng nhất vẫn là ở Trung Quốc, đặc biệt trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966-1976) do Mao Trạch Đông làm chủ soái.

Như chúng ta đều biết, trong suốt thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền, lời nói của Mao luôn được coi là thiên kinh địa nghĩa. Việc gì của Mao làm cũng được ca tụng, thành công gì trong các hoạt động khoa học, chính trị, văn hóa… cũng đều quy công cho tư tưởng chỉ đạo anh minh của Mao. Các sách khoa học tự nhiên thời đó từ y học, thực vật học cho đến địa chất học… đều phải tôn Mao làm minh chủ.

Trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, ở Trung Quốc lưu hành rộng rãi một cuốn sách nhỏ loại bỏ túi, bìa đỏ, khổ 7 x 10 cm, gọi là Mao Chủ tịch ngữ lục, mà ai cũng phải thủ sẵn một cuốn dùng làm cẩm nang, kim chỉ nam, giúp giải quyết mọi tình huống gặp phải trong công tác cách mạng cũng như trong cuộc sống đời thường hằng ngày. Ngữ lục thông thường là loại sách sưu tập lời dạy của các bậc cao tăng hiền triết thời cổ (như ở nước ta có Huệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục thời Trần…) để hậu bối học tập, tham khảo, coi là khuôn vàng thước ngọc phải noi theo. Đầu sách có hình Mao Trạch Đông mặc áo đại cán, tiếp theo là mấy câu kêu gọi phải học tập Mao Chủ tịch (viết bằng chữ Hán thảo rất đẹp), lời nói đầu, mục lục, rồi mới đến phần chính văn gồm tất cả 33 mục, tổng cộng 270 trang. Tôi còn giữ một quyển như vậy cho vui, với Lời nói đầu của Lâm Bưu nhân dịp sách tái bản năm 1966. Lúc này Lâm Bưu (1907-1971) với Mao còn là đồng chí thân thiện, đến tháng 9 năm 1971 Lâm mới phát động chính biến định sát hại Mao, trở thành nhân vật phản cách mạng (xem Trần Văn Chánh-Nguyễn Hữu Tài-Huỳnh Quang Vinh, Từ điển Lịch sử Trung Hoa, NXB Thanh Niên, 2006, tr. 552).

Có điều khá lạ lẫm: ai cũng biết Mao Trạch Đông là một trong những ông vua của chủ nghĩa giáo điều và tệ sùng bái cá nhân ở Châu Á, và cuộc Đại cách mạng văn hóa do ông phát động đã làm tổn thương đất nước-con người Trung Quốc như thế nào, đến nay còn phải lo khắc phục hậu quả chưa xong, thế mà trong lời nói đầu của Lâm Bưu ở cuốn Mao Chủ tịch ngữ lục, lại coi “Tư tưởng Mao Trạch Đông là vũ khí tư tưởng lớn mạnh… chống chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa giáo điều”. Chi tiết này làm cho người đọc đâm ra khó hiểu, không biết chủ nghĩa giáo điều theo quan niệm của Mao và của Lâm là thế nào, và như vậy giữa các ông và những người bị các ông chống lại, ai mới thật sự là những kẻ giáo điều chủ nghĩa?

Để trả lời câu hỏi này, tốt nhất nên giở những bộ từ điển triết học cũ của Liên Xô (cũ), được biên soạn đồng thời với thời kỳ Mao Trạch Đông làm cách mạng văn hóa, để tìm hiểu, ở mục GIÁO ĐIỀU, CHỦ NGHĨA GIÁO ĐIỀU: “Giáo điều là một nguyên lý mà người ta tiếp thu một cách mù quáng, bằng sự tín ngưỡng, không có phê phán, không chú ý đến những điều kiện ứng dụng nó. Chủ nghĩa giáo điều là đặc điểm của tất cả những hệ thống lý luận bảo vệ cái lỗi thời, cũ kỹ, phản động và chống lại cái mới, cái tiến bộ…” (Từ điển triết học, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr. 312). Nếu hiểu theo nghĩa này, thì tất cả các nhà cải cách ở Trung Quốc, có lúc không đồng quan điểm với Mao Trạch Đông (như Đặng Tiểu Bình chẳng hạn…), đều là những người theo chủ nghĩa giáo điều, chỉ có Mao mới thật sự là người đại diện cho những tư tưởng tiến bộ nhất thời đại (?!). Hay là, cùng giáo điều cả, nhưng có nhiều kiểu khác nhau: kiểu của Mao Trạch Đông, và những kiểu khác bị Mao chống lại vì nó không đồng quan điểm với ông? Vấn đề này, tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể tự tìm lấy lời giải đáp hợp lý nhất cho mình.

Riêng trong thời kỳ lãnh đạo của Mao Trạch Đông thì chủ nghĩa giáo điều trở nên cực đoan, theo nghĩa bác bỏ mọi sự hoài nghi và phê phán, đã thật sự chủ đạo tất cả hoạt động chính trị-kinh tế-văn hóa-giáo dục-khoa học, và ngay cả các ngành khoa học tự nhiên cũng không thoát khỏi. Vì vậy, ở mọi công trình biên soạn-nghiên cứu về khoa học tự nhiên trong thời kỳ này, nơi phần đầu sách, ngoài các câu khẩu hiệu thông thường (in chữ đỏ), đều có lời lẽ của các nhà khoa học đưa Mao lên đến tận mây xanh. Thậm chí, nếu quyển sách xuất bản trong thời gian có nhân vật nào đang bị Mao chống, thì nhân vật “phản diện” đó cũng bị lôi luôn ra ngay trong lời đầu sách để công kích một cách không khoan nhượng, như trường hợp Lưu Thiếu Kỳ (1898-1969), từng là chủ tịch nước, bị bức hại đến chết trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (xem Từ điển Lịch sử Trung Hoa, sđd, tr. 531), sau được đánh giá lại là thành phần tiến bộ chống chủ nghĩa giáo điều.

Để hình dung một cách cụ thể, xin trích dịch ra đây vài đoạn trong vài sách thuộc một số ngành khoa học tự nhiên của thời kỳ nói trên ở Trung Quốc. Mục đích không có ý moi lại chuyện cũ để phê phán một cách vô trách nhiệm những nhân vật đã thuộc về quá khứ, vì sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của họ đều có những lý do thuộc về lịch sử cần được tôn trọng, mà chỉ để giúp một số người trẻ ngày nay có tư liệu tìm hiểu theo tinh thần “ôn cố tri tân”, tránh vết xe đổ của người xưa.

Đây là đoạn đầu “Lời nói đầu” (Tiền ngôn) quyển Anh Hán Tổng hợp Địa chất học Từ hối (Từ vựng Địa chất học Tổng hợp Anh-Hán), do Khoa Học Xuất Bản Xã (Trung Quốc) xuất bản năm 1970: “Ba năm trở lại đây, cuộc Đại cách mạng văn hóa của giai cấp vô sản đã đạt được những thắng lợi to lớn. Mặt trận xuất bản khoa học-kỹ thuật của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của bộ tư lịnh giai cấp vô sản coi lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch đứng đầu và Phó chủ tịch Lâm Bưu đứng kế, đã trải qua một cuộc đấu tranh dữ dội giữa hai giai cấp, hai con đường, hai đường lối, đã triệt để đập tan đường lối xuất bản cải lương chủ nghĩa phản cách mạng mà đại biểu là tên phản động, nội gian, công tặc Lưu Thiếu Kỳ, đã phê phán tình trạng “ba thoát ly” của công tác xuất bản khoa học kỹ thuật gồm thoát ly chính trị giai cấp vô sản, thoát ly sản xuất, thoát ly quần chúng. Từ nay về sau, trên trận địa xuất bản khoa học-kỹ thuật, chúng ta sẽ giương cao hơn nữa ngọn cờ đỏ vĩ đại tư tưởng Mao Trạch Đông, đề cao chính trị giai cấp vô sản, tuân theo lời dạy vĩ đại về “Nghiêm túc làm tốt công tác xuất bản” của Mao Chủ tịch, toàn tâm toàn ý phục vụ công nông binh, phục vụ chính trị giai cấp vô sản, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phục vụ nhiệm vụ đuổi kịp và vượt lên của đất nước”.

Cuốn Hồ Nam Dược vật chí (Sách cây thuốc tỉnh Hồ Nam) do Hồ Nam Nhân Dân Xuất Bản Xã ấn hành năm 1972 cũng có những lời nói đầu tương tự, trong có đoạn “…Phê phán kịch liệt đường lối y tế cải lương chủ nghĩa phản cách mạng của tên lừa đảo Lưu Thiếu Kỳ, tự giác chấp hành đường lối y tế cách mạng của Mao Chủ tịch…”

Còn nếu trong nghiên cứu khoa học có gì thiếu sót, đó chẳng qua chỉ vì “giác ngộ đường lối chưa cao…” (sách vừa dẫn trên). Tương tự, sách Trung Quốc Cao đẳng thực vật Đồ giám (5 quyển, dày trên 5.000 trang, Khoa Học Xuất Bản Xã, 1971), một công trình đồ sộ có giá trị rất cao khác về thực vật học, cũng đã viết trong bài “Thuyết minh biên soạn” ở đầu sách: “Do chúng tôi học tập chưa đầy đủ trứ tác của Mao Chủ tịch, trình độ nghiệp vụ chưa cao, nên trong công việc vẫn còn tồn tại không ít khuyết điểm và nhầm lẫn, thiết tha hoan nghênh mọi sự góp ý phê bình của độc giả”.

Vậy là ở Trung Quốc, vì lý do chính trị, đã có thời kỳ người ta đánh nhau kịch liệt ngay cả trên lời nói đầu của những công trình khoa học thuần túy. Chính trị hóa, giáo điều hóa công tác nghiên cứu khoa học đến mức đó, coi như hết chỗ nói!

 8.2013
 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)