Chuẩn mực đạo đức, công vụ

Với sứ mệnh cao cả, nhân danh quyền lực công để thực thi các nhiệm vụ của mình, do đó, ngoài các chuẩn mực của một công dân, nhân viên công quyền còn phải đáp ứng những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực công vụ khác.

Ở nước ta, trong Mục 1, Chương II của Luật cán bộ, công chức năm 2008, quy định các chuẩn mực đạo đức, công vụ khá bao quát, nhưng còn khá chung chung, chẳng hạn như: “tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…”. Và các quy định không có chế tài kèm theo nên rất khó thực hiện trên thực tế, chẳng hạn như, “nếu không lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân thì sao?”. Sự khác nhau giữa quy định của pháp luật và quy định thông thường chính là chế tài, là bắt buộc, phải thực thi được trên thực tế.

Ở nhiều quốc gia, ngoài các quy định của luật, nhân viên công quyền còn phải tuân thủ quy định của “Bộ quy tắc ứng xử của nhân viên công quyền”. Một khi có sự vi phạm các quy tắc ứng xử của nhân viên công quyền thì họ phải chịu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý.

Về cơ bản, nội dung chính các quy tắc ứng xử của nhân viên công quyền tập trung vào các đòi hỏi về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành xử công vụ, như:

– Trung thành với Hiến pháp, luật, các nguyên tắc đạo đức lên trên lợi ích cá nhân;

– Không có lợi ích tài chính xung đột với trách nhiệm công vụ được giao;

– Không tham gia vào các giao dịch tài chính (financial transactions) mà sử dụng các thông tin Nhà nước không chính thống hoặc cho phép việc sử dụng không đúng các thông tin đó vì bất kỳ lợi ích cá nhân nào; 

– Không đòi hỏi hoặc nhận bất kỳ món quà hay vật có giá trị tiền tệ từ bất kỳ cá nhân, tổ chức đang nhờ sự trợ giúp từ hoạt động công vụ. Một khi nhân viên công quyền vi phạm quy định này, họ sẽ phải bị khởi tố vì tội tham nhũng. Bởi tham nhũng được hiểu là đã, đang nhận hoặc sẽ nhận vật có giá trị liên quan đến hoạt động công vụ từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Và “liên quan đến hoạt động công vụ” có nội hàm rất rộng, được các quan tòa giải thích tùy vào trường hợp nhất định bởi “luật pháp là gì thì thẩm phán phải nói được nó là gì”, nhưng về cơ bản, điều đó có nghĩa là bất kỳ việc làm nào (hành động hoặc không hành động) trên cương vị giao phó và món quà, vật có giá trị đó có được từ vị trí đó. Dễ hiểu nhất khi xem xét có phải là tham nhũng hay không, đó là nếu không ở cương vị đó thì họ không có cơ hội nhận các món quà, vật có giá trị như vậy.

– Phải luôn trung thực trong việc thực hiện các trách nhiệm, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn, các tài sản công cho mục đích tư lợi.

– Không đối xử thiên vị hay dành sự ưu ái đặc biệt cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; không phân biệt đối xử về mặt giới tính, dân tộc, tôn giáo, quê quán, tuổi tác, tật nguyền…

– Trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ tài sản cơ quan, quốc gia và chỉ sử dụng các tài sản này khi được phép và vì mục đích công vụ.

– Không tham gia vào các công việc, hoạt động bên ngoài mà xung đột với các trách nhiệm được giao.

– Tránh tạo ra các tình huống xâm phạm luật pháp và các chuẩn mực đạo đức.1

Điều quan trọng nhất là quan tòa được giao trách nhiệm giải thích luật pháp để tránh các lỗ hổng pháp lý xảy ra. Chính vì vậy, những hành vi trái với chuẩn mực chung của xã hội sẽ bị xử lý.

Để tăng cường trách nhiệm của các “công bộc” của nhân dân, việc quy định một cách cụ thể hơn về các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực công vụ ở nước ta là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, các quan chức cấp cao của chính quyền phải đáp ứng các chuẩn mực cao hơn, chẳng hạn như trách nhiệm minh bạch tài sản từ đầu nhiệm kỳ cho đến khi kết thúc; giải trình tài sản tăng lên một cách đột biến; trách nhiệm hành xử một cách trung thành, minh bạch; hợp tác với báo chí; luôn gần gũi với người dân, bảo vệ, bênh vực người ở vị trí thế yếu; khi xuất hiện trước công chúng, báo chí, quan điểm cá nhân có thể được thể hiện, nhưng luôn phải giữ phẩm hạnh của một vị trí là một quan chức cấp cao của chính quyền…

Để tăng cường trách nhiệm của các “công bộc” của nhân dân, có lẽ việc quy định một cách cụ thể hơn về các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực công vụ ở nước ta là cần thiết. Quan trọng hơn hết, các quy định cần rõ ràng hơn, và cần có các chế tài,  hay trách nhiệm cụ thể nếu vi phạm các chuẩn mực đó. Thực tế luôn muôn hình vạn dạng, nên chăng cần nghiên cứu, trao trọng trách giải thích pháp luật cho tòa án để áp dụng vào thực tế, có như vậy, họ mới thực sự trở thành trọng tài đưa ra công lý.
—————-
1 US Principles of  Ethical Conduct for Government Officers and Employees, Part I.

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)