Chúng ta chuẩn bị gì cho một xã hội già hóa?

Giai đoạn “cửa sổ vàng” của dân số đang sắp đóng lại. Mất lợi thế nguồn lao động trẻ giá rẻ - động lực chính cho tăng trưởng thâm dụng lao động suốt ba thập niên qua, chúng ta sẽ chuẩn bị gì để bước sang thời kỳ dân số già1 với tốc độ nhanh bậc nhất thế giới.

Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2036, chỉ bốn năm sau đó số người già sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Điều này có phải chỉ đặt ra những câu hỏi với chính những người đang trong độ tuổi trung niên về việc cần chuẩn bị sức khỏe, tiền bạc cho những năm tháng về già hay các dịch vụ chăm sóc y tế lão khoa tại bệnh viện hoặc cộng đồng? Trên thực tế việc thay đổi cấu trúc dân số không chỉ ảnh hưởng đến những người đang “toan về già”, mà còn làm thay đổi cả cấu trúc kinh tế xã hội cũng như những gánh vác của thế hệ trẻ, thậm chí của những đứa trẻ chưa ra đời.


Giảm nguồn lao động giá rẻ và cú hích COVID càng khiến Việt Nam phải chuẩn bị nhanh chóng hơn để cho giai đoạn già hóa. Nguồn ảnh: 
cpcs.vn
 

Gánh nặng “nợ đồng lần” do nguồn quỹ hưu trí giảm

 

Ba thập niên vừa qua, chúng ta có một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc nhờ động lực chính là nguồn lao động giá rẻ dồi dào, đem lại dòng dịch chuyển lao động đông đảo, từ nông nghiệp sang phi nông, từ nông thôn vào đô thị để làm việc trong cả hai khu vực chính thức (có giao kết hợp đồng lao động) và phi chính thức (bấp bênh, không ký bất kỳ hợp đồng lao động và không tham gia quỹ bảo hiểm nào). Vì thế, trong báo cáo vừa mới công bố về “Thích ứng với một xã hội già hóa” của Ngân hàng Thế giới, các tác giả đã đánh giá sự tăng trưởng kinh tế sôi động trong vài thập kỷ qua nhờ vào hai yếu tố: Lợi tức từ việc gia tăng lực lượng lao động lên gần gấp đôi trong giai đoạn 1990-2018 đóng góp khoảng một phần ba tăng trưởng; sự gia tăng năng suất nhờ vào cải cách thể chế sâu rộng của công cuộc Đổi mới chiếm hai phần ba mức tăng trưởng còn lại. Nhưng dù chúng ta đã chạy đua bền bỉ suốt ba mươi năm làm gia tăng của cải của toàn xã hội và thu nhập của từng người lao động thì đến nay thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng 20% mức trung bình của ASEAN, đạt 40% mức trung bình toàn cầu và cần phải chạy một quãng đường rất dài mới bắt kịp được các quốc gia phát triển khác trong khu vực và đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Chẳng hạn, nếu vẫn còn được sở hữu nguyên si lực lượng lao động trẻ và năng suất lao động, chúng ta cần ít nhất 30 năm mới đạt mức thu nhập của Hàn Quốc hiện nay.

Nhưng cửa sổ vàng này chỉ mở ra cho chúng ta đúng một lần và kết thúc khi dân số già. Đây chính là lý do mà một số chuyên gia kinh tế rằng báo cáo “Thích ứng với một xã hội già hóa” của Ngân hàng Thế giới vẽ ra một viễn cảnh xám. Nếu không kịp cải cách sâu rộng cả hệ thống chi trả, chăm sóc người già và tối ưu các nguồn lực hiện có cho tăng năng suất lao động mà vẫn giữ nguyên hiện trạng thì kịch bản dự báo là tăng trưởng dài hạn sẽ chậm lại chủ yếu do sự già hóa dân số của xã hội Việt Nam. Mô hình tăng trưởng dài hạn của Ngân hàng Thế giới đưa ra cho thấy rằng tăng trưởng dài hạn sẽ giảm đi 0,9 điểm phần trăm trong giai đoạn 2020-2050 so với 15 năm qua, chủ yếu do tình trạng già hóa dân số làm suy giảm nguồn lực lao động. Cùng với đó là gánh nặng tài khóa tăng lên: ví dụ, trong ba mươi năm tới, chi tiêu hằng năm cho chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi dự kiến sẽ tăng gấp bốn đến năm lần tính theo tỉ lệ trên nền kinh tế. Chi tiêu cho giáo dục cũng được dự kiến sẽ tăng lên, với việc mở rộng phạm vi và cải thiện chất lượng dịch vụ dẫn tới gánh nặng tài chính trong tương lai sẽ tăng cao.

Riêng nguồn quỹ cho người già cũng sẽ giảm, vì nếu không thay đổi – nghĩa là tỉ lệ người già vẫn tăng lên, tuổi lao động chưa nới thêm, các nguồn đóng góp quỹ chưa tăng – thì phần đóng góp ròng cho Quỹ hưu trí từ ngân sách của Việt Nam được dự báo sẽ âm trong giai đoạn 2028-2034. Nguyên nhân là hệ thống này sẽ khó bao phủ kịp tốc độ già hóa, tùy từng kịch bản mức độ già hóa. Nó sẽ đặt ra thách thức rất lớn để chăm sóc an sinh tối thiểu và sức khỏe cho người lao động trong khu vực chính thức khi họ bước vào tuổi già, chưa kể tới khoảng một nửa lực lượng lao động hiện nay là thuộc nhóm phi chính thức không đóng bất kỳ một quỹ nào để dự phòng bất trắc và hưởng khi về già.

Trong khi đó, Việt Nam đã có một thiết kế hệ thống chi trả quỹ bảo hiểm và hưu trí mất cân bằng cũng như chịu ảnh hưởng của lạm phát trong nhiều năm. Cụ thể, theo PGS.TS Giang Thanh Long, giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, tính trên toàn bộ hệ thống thì mức đóng của người lao động cho hưởng hưu trí là 22 đồng nhưng mức hưởng trung bình có thể lên tới 56 đồng do cách tính mức hưởng theo quy định hiện nay. “Rất khó có thể cân bằng nguồn quỹ khi mà tỷ lệ đóng và hưởng chênh lệch quá lớn như thế. Nhiều nghiên cứu dự báo quỹ của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy sự bất cân đối này”, PGS.TS Giang Thanh Long nói. Hiện nay, khoảng 60% trong tổng số 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam đang hưởng hưu trí hoặc trợ giúp xã hội, trong khi số còn lại không có bất cứ nguồn an sinh thu nhập nào mà phải dựa vào thu nhập từ lao động hoặc hỗ trợ của con cháu. Những người này rất dễ tổn thương trước các cú sốc lớn như COVID-19 hiện nay và buộc phải phụ thuộc vào phúc lợi của nhà nước.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Việt Cường, Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, lạm phát là một vấn đề lớn khiến cho mỗi đồng đóng góp của người lao động vào các quỹ bảo hiểm nhằm dự phòng tương lai của chính mình bị giảm giá trị nhiều, tới mức với sự tăng chỉ số giá tiêu dùng trung bình hằng năm trong hai chục năm qua thì cứ 10 đồng đóng góp chỉ còn sức mua bằng 2,7 đồng sau 20 năm. Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng phần đóng góp của người về hưu không còn giá trị nhiều và họ lại được chi trả bằng một phần từ những gì mà người trẻ hiện đang đóng góp.

 

Giảm thiểu “gánh nặng xuyên thế hệ”

 

PGS.TS Giang Thanh Long cho biết, trên thực tế, không phải chỉ Việt Nam mới đang đối mặt với vòng luẩn quẩn này trong bối cảnh dân số già hóa nhanh mà Nhật Bản cũng đã phải trải qua những “cải cách đau đớn” (painful reforms). Đó là cuộc cải cách hệ thống hưu trí để giải quyết tình trạng “gánh nặng kép xuyên thế hệ” khi mà lực lượng lao động giảm đi và số người cao tuổi hưởng hưu tăng lên và trong thời gian dài hơn. “Gánh nặng kép” thể hiện ở chỗ người lao động trẻ một mặt phải lo đóng góp phần thuế để hỗ trợ người già, trong khi cũng phải lo tích lũy bảo hiểm cho chính họ. Nhật Bản cũng điều chỉnh tăng tuổi lao động theo lộ trình để tăng thời gian đóng bảo hiểm, đồng thời điều chỉnh giảm mức hưởng một cách phù hợp để vừa cân đối thời gian và mức đóng-hưởng và đảm bảo mức sống cho người hưởng hưu.


Để chăm sóc tốt cho người già, Nhật Bản đã chuẩn bị các hình thức chăm sóc lão khoa khác nhau. Trong ảnh là KOTOEN, nơi chăm sóc liên thế hệ – cả người già và trẻ em. Mô hình này được hiệp hội Hưu trí Hoa Kỳ đánh giá là mô hình cộng đồng thành công và bền vững. Nguồn ảnh: kotoen.or.jp

Việt Nam cũng đang áp dụng các giải pháp tương tự, gồm quá trình cải cách nới tuổi về hưu làm tăng thời gian lao động, tăng cả thời gian đóng các quỹ bảo hiểm theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2021. Giả sử 70-80% người lao động (55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam) có thể tiếp tục làm việc thì mỗi tháng làm việc đó của những người sắp nghỉ hưu cũng mang lại nguồn lực rất lớn cho từng người lao động và cho cả quốc gia.

Nhưng đây cũng là thời điểm mà Việt Nam phải rốt ráo hơn để người lao động tham gia bảo hiểm dù ở khu vực lao động chính thức hay phi chính thức. Theo PGS.TS Giang Thanh Long. “Vì nếu họ không đóng đến lúc cần hưởng thì hưởng từ đâu? Nếu không tham gia bảo hiểm mà hưởng trợ cấp là hưởng từ thuế của Chính phủ và khi số người cao tuổi càng nhiều, không còn khả năng đóng góp, lại cần trợ giúp thì gánh nặng đương nhiên đè lên vai của những người đang lao động”.

 

Cải cách để thoát cảnh thâm dụng lao động

 

Nhưng những cải cách như trên, gồm hệ thống bảo hiểm cho người già, nâng tuổi lao động theo thông lệ quốc tế mới chỉ là một phần trực tiếp. Một nền tảng rộng lớn hơn, một cuộc cải cách sâu rộng hơn là phải thay đổi cơ cấu của nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang tăng năng suất lao động, thâm dụng tri thức. Các nền kinh tế đi trước đã tận dụng cơ hội vàng về lao động bằng cách đổi mới, nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tăng năng suất lao động và khi dân nước họ bắt đầu già thì đã kịp giàu. Còn Việt Nam chúng ta, kể từ khi cửa sổ vàng về lao động mở đến lúc sắp khép lại chúng ta vẫn chưa giàu, viễn cảnh dân số già sồng sộc tới. Chúng ta sắp mất đi cơ hội của giai đoạn năm người trẻ nuôi một người già, để chuyển sang giai đoạn hai người trẻ nuôi một người già.

Theo bài học của các nước đi trước, trước khi đến ngưỡng 2035, chúng ta vẫn còn có một công thức bù đắp: Tổng năng suất lao động sẽ vẫn tăng nếu số người lao động giảm đi nhưng năng suất lao động, vốn con người tăng lên. Như thế chúng ta không thể tiếp tục đi vào lối mòn cũ là lực lượng lao động có năng suất thấp, thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Tung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan, theo Báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân và tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hồi đầu năm nay. Với xuất phát điểm năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang tụt hậu 10 năm so với Thái Lan, 40 năm so với Malaysia và 60 năm so với Nhật Bản. Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào một hệ thống thâm dụng tri thức, thâm dụng khoa học công nghệ thay vì thâm dụng sức lao động tay chân. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia khuyến nghị chỉ có giáo dục thực sự hiệu quả – không chỉ giúp thế hệ trẻ có đủ năng lực, kỹ năng mà còn giúp tất cả các độ tuổi khác cập nhật kiến thức, kỹ năng suốt đời cũng như nền tảng khoa học công nghệ là chiếc chìa khóa duy nhất để chúng ta tránh khỏi vòng luẩn quẩn trong bức tranh già hóa.

Còn về kinh tế vĩ mô, Việt Nam phải duy trì ổn định để tránh lạm phát như TS. Nguyễn Việt Cường nhận định chỉ nên dưới 5%, sử dụng các công cụ như đánh thuế bất động sản thứ hai để thúc đẩy đầu tư vào sản xuất nhằm tăng nguồn lực của cải quốc gia thay vì đầu tư thiên lệch vào bất động sản ở các thành phố lớn như hiện nay. Cả PGS.TS Giang Thanh Long và TS. Nguyễn Việt Cường đều nhấn mạnh rằng những vấn đề này ai cũng nhìn thấy, vấn đề là các nhà quản lý sẽ quyết tâm làm đến đâu để chúng ta chuyển tiếp sang một giai đoạn dân số già mà không bị ảnh hưởng bởi cú sốc quá lớn về kinh tế.

Nếu có sự chuẩn bị cả thế hệ trẻ và có các chương trình chăm sóc sức khỏe, tích lũy cho những người trong độ tuổi lao động ngay từ bây giờ thì bức tranh có lẽ không quá xám như những gì mà Ngân hàng Thế giới cảnh báo. Vấn đề là chúng ta có rốt ráo chuẩn bị ngay hay không. □

—–

1 Dân số già là tình trạng dân số trong đó người cao tuổi chiếm từ 10-19,9% tổng dân số. Khi người cao tuổi chiếm 20-29,9% trên tổng dân số được gọi dân số rất già và khi người cao tuổi chiếm hơn 30% trên tổng dân số được gọi là dân số siêu già.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)