Chuyện dấu chân sinh thái trên đầu người, “mừng” và “lo”

Nghe chuyện dấu chân sinh thái trên đầu người, phải biết "mừng", và trước hết biết "lo".

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của bảng xếp hạng “chỉ số hành tinh hạnh phúc” của tổ chức New Economics Foundation (NEF) là tỉ lệ “dấu chân sinh thái” trên đầu người (DCST/ĐN), nghĩa là mức độ can thiệp vào thiên nhiên tính theo đầu người trong đời sống. Nói khác đi, đó là mức độ tiêu thụ các nguồn lực thiên nhiên trên đầu người ra sao. Việt Nam là quốc gia đứng nhì trên thế giới theo bảng chỉ số NEF năm 2012. Tỉ lệ DCST/ĐN của người Việt còn thấp. Và đừng nhầm cái tiêu đề, đây là câu chuyện về “hành tinh hạnh phúc”.

Tin này “mừng” có, “lo” có.

Ở một đất nước có tỉ lệ đất chật-người đông trên đầu người vào loại lớn nhất trên thế giới, lại chưa được công nghiệp hóa cao, hiển nhiên là việc tiêu thụ các nguồn lực thiên nhiên trên đầu người còn chưa bị cao khi so sánh với thế giới. Chỉ nhìn tỉ lệ diện tích mặt đường cho mỗi người chúng ta đang chen vai thích cánh ở các thành phố, là đã thấy ngay câu chuyện rồi.

Ít nhất hai yếu tố sau đây sẽ tiếp tục cuộc nửa mừng nửa lo.

Công nghiệp rồi sẽ phát triển lên, diện tích nhà cửa, công sở, phố xá, cầu cống, đường cảng giao thông… sẽ tăng lên nhanh chóng. Năng lượng sử dụng tăng vọt lên theo sản xuất, giao thông, tiêu thụ. Mỏ, đất rừng bị tăng cường khai phá… Chất thải, ô nhiễm, dịch bệnh chồng chất tiếp lên… Có nỗi mừng về các dịch vụ đời sống sẽ được phong phú hơn lên. Và có nỗi lo về tỉ lệ DCST/ĐN sẽ thành ra cao vọt lên theo. Quản trị hợp lý được các quy hoạch dài hạn và ngắn hạn cho đời sống ngày càng trở nên khẩn thiết.

Việc tăng trưởng dân số nếu không quản trị quy hoạch được thì lại sẽ xói sạch các thành quả của các tiến bộ kinh tế xã hội. Nỗi lo này, nỗi lo triền miên, không thể nào lơ là. Và nỗi mừng tưởng bở sẽ là tỉ lệ DCST/ĐN sẽ giảm đi khi… dân số tăng vọt! Một xã hội quản trị quy hoạch được sự ổn định về dân số sẽ được quyền sử dụng tỉ lệ “DCST/ĐN” lớn hơn rất nhiều cho hạnh phúc đời sống! Chìa khóa của quản trị quy hoạch được dân số thực ra lại phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức phát triển được một xã hội dân sự nền nếp, nơi mà hệ thống các phúc lợi, tiền hưu trí, nền y tế, và các tổ chức cứu tế tương hỗ của xã hội vận hành ổn thỏa. Mà muốn thế thì xã hội phải được cải cách để tiến lên ! Bởi nếu không được như thế, thì sức khỏe, thu nhập và sự trợ giúp cho người già chỉ còn biết trông cậy vào con, vào cháu, và như thế thì phải, allez, mỗi người mỗi nhà lại loay hoay tiếp tục phương pháp con đàn cháu đống mà thôi!

Cho nên nghe chuyện dấu chân sinh thái trên đầu người, phải biết “mừng”, và trước hết biết “lo”.

 

Tác giả