Chuyển đổi số: Cơ hội tạo đột phá trong phát triển đất nước

Bài viết này chia sẻ một số suy nghĩ trong nhận thức về chuyển đổi số- nội dung bản chất và chính yếu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư- và về những việc cần làm để thực hiện quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Câu chuyện về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nói đến ở nước ta như từ quãng giữa năm 2016. Không lâu sau đó, ngày 4 tháng 5 năm 2017, Chính phủ đã ra Chỉ thị 16 “Về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” [2]. Trong Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện sáu nhóm giải pháp về hạ tầng; môi trường kinh doanh và chính phủ số; chiến lược và chương trình hành động; đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực; và nhận thức.

Hơn hai năm sau, ngày 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 52 “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” [3]. Sau khi khẳng định các cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp này, Nghị quyết 52 đánh giá “Mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.” Nghị quyết đã nhìn thẳng vào sự thật, rằng những hạn chế nêu trên có “nguyên nhân chủ quan là chính”.

Tại sao mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này của nước ta lại thấp, dù ba phần tư thế kỷ trước khắp nơi đất Việt người người đã đứng lên theo cụ Hồ làm cách mạng tháng Tám?

Có một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu đã được chỉ ra trong Nghị quyết 52, và “Đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức” được xác định là vấn đề đầu tiên trong quan điểm chỉ đạo và chủ trương chính sách trong khi hơn một năm trước trong Chỉ thị 16, “nhận thức” đứng cuối trong các giải pháp. Như vậy, tư duy và nhận thức, trước hết của nhiều người đứng đầu ở các cấp, là nguyên nhân đầu tiên làm chậm việc thực hiện Chỉ thị của Chính phủ.

Bài viết này chia sẻ một số suy nghĩ trong nhận thức về chuyển đổi số- nội dung bản chất và chính yếu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư- và về những việc cần làm để thực hiện quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Chuyển đổi số là gì?

Hiểu một cách đại thể thì chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc của con người và tổ chức.

Quá trình chuyển đổi số thường được chia thành ba cấp độ. Một là số hoá thông tin (digitization) nhằm tạo ra biểu diễn số của các thực thể (tức tạo ra dữ liệu đặc trưng cho các thực thể này). Hai là số hóa tổ chức (digitalization) nhằm tạo ra hoặc đổi mới mô hình hoạt động hay kinh doanh (business model) của các tổ chức hay doanh nghiệp để thích nghi với sự hiện hữu của các môi trường số hóa, tức chuyển đổi cách thức hoạt động với việc dùng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra giá trị mới lớn hơn của tổ chức. Ba là chuyển đổi (transformation) tổng thể và toàn diện tổ chức, gồm lãnh đạo, nhân viên, văn hoá, quy trình… với mô hình hoạt động mới.

Hình 1 minh họa quá trình chuyển đổi số nêu trên. Các phiên bản số cho phép kết nối các cá thể, các tổ chức trên không gian số (cyber space) với công nghệ như Internet vạn vật, và do đó tạo nên sự liên kết các thực thể trên thế giới vật lý ta đang sống qua sự kết nối của chúng trong không gian số. Sự kết nối giữa thế giới vật lý và không gian số này (physical-cyber connection) chính là hạ tầng để tạo ra các thay đổi của mọi lĩnh vực thời chuyển đổi số khi ta có thể tính toán, điều khiển, quyết định hành động… nhờ dùng dữ liệu và các công nghệ số.

Một thí dụ của chuyển đổi số là câu chuyện của đại từ điển bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica, xuất bản lần đầu vào năm 1768. Hơn hai thế kỷ sau khi ra đời, bách khoa toàn thư của Britannica với 32 tập sách dày đã luôn là nguồn tài liệu với chất lượng cao về hầu hết các khái niệm quan trọng trên đời. Tuy nhiên, Wikipedia xuất hiện trong thời đại số với lượng thông tin khổng lồ bằng nhiều ngôn ngữ, cập nhật liên tục và cho phép truy nhập hoàn toàn tự do, đã trở thành một thách thức hủy diệt với Britannica. Để vượt qua nguy cơ này, trong suốt hai thập kỷ gần đây, Britannica đã trải qua một quá trình chuyển đổi gian truân. Và sau 244 năm kinh doanh với các tập sách dày, ngày 12.3.2012 Britannica đã thông báo dừng các bản in trên giấy để chỉ kinh doanh với các sản phẩm số, như bách khoa toàn thư trên CD-ROM ra đời năm 2003 hay các sản phẩm của Britannica trên Web. Điều quan trọng để các phiên bản số thành công là việc Britannica đã kiên trì giá trị cốt lõi về chất lượng biên tập nội dung và dịch vụ giáo dục.

Câu chuyện của Britannica là câu chuyện chung về một thực tế khách quan không thể đảo ngược của thời đại số: các công nghệ số đang thay đổi hành vi của người dùng và các mô hình kinh doanh/hoạt động cũ đang giảm dần giá trị.

Nội dung chuyển đổi số của Việt Nam hướng tới ba mục tiêu với trọng tâm khác nhau trong từng giai đoạn: Kinh tế số, Chính phủ số, và Xã hội số.

Hình 2 tóm tắt các phạm vi của kinh tế số với nòng cốt là công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT); phạm vi hẹp gồm các dịch vụ số và kinh tế nền tảng và ở phạm vi rộng là các lĩnh vực cụ thể của kinh tế số [4].

Định hướng của ta là xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Hai bước phát triển này không nhất thiết phải tuần tự: Các nguồn dữ liệu quốc gia sớm tạo ra cho phép ta từng bước xây dựng chính phủ số trong khi hoàn thiện chính phủ điện tử. Đô thị thông minh là những bước đi đầu để tiến tới một xã hội số.

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài với tốc độ và quy mô khác nhau ở các quốc gia, ở các lĩnh vực khác nhau. Những bài học thành công và thất bại của chuyển đổi số chỉ ra rằng: cần có tầm nhìn xa và tổng thể, có lộ trình rõ và thực hiện theo từng bước, thậm chí theo từng bước nhỏ. Hình 3 tóm tắt gợi ý của chúng tôi về các bước đi của chuyển đổi số cho một tổ chức hay doanh nghiệp.

Tại sao chuyển đổi số là một cơ hội vô giá cuối cùng?

Việt Nam cũng như hầu hết các nước châu Á đã đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (động cơ hơi nước) vào cuối thế kỷ 18 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (điện lực) vào cuối thế kỷ 19. Duy nhất có Nhật Bản đã mở cửa học tập châu Âu suốt 45 năm thời Minh Trị (1862-1912) khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra, và đã vươn tới vị trí một cường quốc trên thế giới.

Cũng từ giữa thập kỷ 50 của thế kỷ 20 khi cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra với điện tử, máy tính, và sau là internet, nước Nhật lại một lần nữa bứt phá với một giai đoạn phát triển thần kỳ (1955-1973), nhờ phát huy được tinh thần dân tộc và hình thành năng lực xã hội mạnh mẽ, sự đồng lòng và trách nhiệm cao của các chính trị gia, quan chức, doanh nhân, và trí thức. Cũng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba này, khi kiên quyết hiện đại hóa đất nước dựa trên tiến bộ của công nghệ, lần lượt trong vòng hai thập kỷ, Hàn Quốc (1982-1995) và Trung Quốc (1983-2011) đã có những bước tiến vượt bậc [5].

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, dù không chế tạo ra các thiết bị điện tử, máy tính và internet, ta cũng đã dùng được chúng khá rộng rãi trong các hoạt động hàng ngày của Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, và người dân. Có thể xem chừng mực nào đó chúng ta đã sử dụng được thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Tuy nhiên, khác với ba quốc gia trên, chúng ta hầu như không có công nghiệp chế tạo máy móc, vốn là những đòn bẩy chính yếu của phát triển.

Vậy tại sao cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số lại là cơ hội vô giá để phát triển đất nước?

Tuy là cách mạng về công nghiệp, cuộc cách mạng lần này đem đến cơ hội cho cả những quốc gia không có truyền thống công nghiệp như Việt Nam. Chuyển đổi số mở cho ta cơ hội phát triển nền kinh tế số với nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, các dịch vụ số, tài chính số, thương mại điện tử… Chuyển đổi số cho khả năng cải thiện năng suất lao động hiện đang còn thấp ở ta.

Chuyển đổi số cho ta cơ hội từng bước xây dựng một chính phủ số có kết nối với người dân để tạo các dịch công tốt hơn. Khi có những nguồn dữ liệu quốc gia phong phú và khai thác được chúng, chính phủ có khả năng thực hiện đổi mới sáng tạo bộ máy hành chính, làm nền tảng kết nối kinh doanh số với các công dân số.

Chuyển đổi số cho ta cơ hội xây dựng một xã hội số lấy con người làm trung tâm, cân bằng tiến bộ kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội bằng việc áp dụng và tích hợp công nghệ số tại nhà ở, nơi làm việc, giáo dục và giải trí… đặc biệt chuyển đổi số cho phép năng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Tuy cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số bắt nguồn từ công nghệ, nhưng ba yếu tố quyết định thành công là CON NGƯỜI, THỂ CHẾ và CÔNG NGHỆ, và đầu tiên là yếu tố con người.
 
Nếu tư duy và nhận thức của con người không “chuyển đổi”, thì không thể nào có chuyển đổi số. Sở dĩ nói chuyển đổi số là cơ hội vô giá vì dẫu chưa làm được máy bay, làm tàu vũ trụ… ta có thể thay đổi được chính mình trong cơ hội phát triển của chuyển đổi số, cơ hội chưa biết bao giờ mới lại có với đất nước.
 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với chuyển đổi số như giải pháp cơ bản cần được nhìn nhận như cơ hội trên chuyến tàu cuối. Nếu lỡ chuyến tàu này chúng ta sẽ đi sau các nước phát triển xa hơn nhiều nữa, do thời nay là thời “kẻ thắng cuộc lấy tất” (the winers take all).
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),… Theo báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” của Cisco
 
Tài liệu tham khảo
1. Think Tank VINASA, Việt Nam thời chuyển đổi số, Nhà Xuất bản Thế giới 2019.
2. Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 5.2017.
3. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4. Bukht R., Heeks, R., Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy (August 3, 2017). Development Informatics Working Paper no. 68. Available at: https://ssrn.com/abstract=3431732or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3431732.
5. Trần Văn Thọ, Thời đại phát triển thần kỳ Nhật Bản thập niên 1960 và hàm ý đối với kinh tế Việt Nam thập niên 2020, Vietnam Summit 2019, Tokyo 16.11.2019.

 

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)