Chuyện làng đào

Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa, người chuyển sang chuyên tâm vẽ hoa đào thời gian gần đây, kể lại câu chuyện thăng trầm và cả nguy cơ biến mất ngày một ngày hai của làng đào Phú Thượng, nơi anh sinh ra và lớn lên.

Quê tôi nội ngoại đều ở Phú Thượng, tính theo phả hệ có ghi chép lại được thì đã đến cả chục đời. Người làng Phú Thượng từ xưa tới nay ngoài trồng lúa thì có hai nghề làm thêm nổi tiếng nhất và cũng đem lại thu nhập đáng kể là nghề nấu xôi, chè và nghề trồng đào. Sáng tinh mơ phụ nữ trong làng đã dậy sớm đồ xôi mang vào trong phố bán. Đàn ông thì sáng sáng vác cuốc hoặc thùng tưới ra đồng chăm đào. Công việc hàng ngày cứ đều đặn như thế ngày qua ngày .

Thời bao cấp, dưới cơ chế làm ăn kiểu Hợp tác xã, hộ gia đình nào ở Phú Thượng cũng có dăm sào lúa trên cánh đồng lớn trước làng. Trong vườn nhà, người dân chủ yếu cắm một vài cây đào để đến Tết có đào chơi không phải đi mua. Nhiều nhà vườn rộng thì trồng vài chục cây đào trong vườn để kiếm thêm đồng tiêu Tết. Tết ở làng tôi cũng khấm khá hơn các làng khác cũng bởi thu nhập đem lại từ cây đào.

Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi cũng trồng vài chục cây đào trong vườn. Thời ấy, người ta chưa có phong trào chơi đào thế mà chủ yếu là trồng đào tròn phục vụ cho nhu cầu chơi rẻ tiền của người dân thành phố. Công việc của tôi sau mỗi buổi đi học về là trẹo vai gánh nước ao lên vườn tưới đào. Mới khoảng mười lăm, mười sáu tuổi mà vai tôi lệch hẳn vì những gánh nước đè nặng dưới thân hình còm nhom, ốm yếu. Cây đào vốn xuất thân từ các vùng núi cao đem giống về thuần hóa nên khả năng chịu nước kém. Nhiều năm lụt, nước ngập chỉ vài ngày thì cây đào đã thối rễ, lá rũ xuống hoặc úa vàng. Vì thế trồng đào thường phải trồng bằng loại đất thó lấy dưới ao lên, đánh luống cao và phải để đất luôn xốp, thoát nước nhanh. Hết gánh nước thì đến bón phân. Giống đào ưa phân Bắc (hay còn gọi là phân người). Xung quanh nhà tôi, nhà nào cũng đào hố ủ phân. Đến thời kỳ tháng ba bón thúc, cả làng tràn ngập mùi phân. Mùi phân thoang thoảng khắp nơi nhưng chẳng ai phàn nàn.

Trồng đào đã vất vả, đến cuối năm công việc bán đào càng vất vả hơn. Thời bao cấp chưa có mấy nhà có xe máy, người làng đào lại hì hục cưa đào rồi gồng mình đạp xe đến chục cây số mang xuống phố Hàng Lược hoặc vào nội đô rao bán. Mỗi chuyến xe đạp chỉ chở được chừng bốn cành, nếu đào thế chỉ chở được một, hai cây là đạp xe bở hơi tai. Cứ thế làng đào tất bật từ sớm tới tối khuya. Bố con tôi cũng cùng hòa với không khí vội vã này. Có năm tối 30 Tết, vừa về đến nhà sau một ngày rát khô cả cổ để mời chào khách mua đào. Vừa ăn xong bát cơm, có người làng mật báo “Chiều nay cháy chợ đào”, thế là cả mấy bố con lại vội vã vác cưa ra vườn chọn mấy cây đào chưa bán hết cắt mang xuống chợ bán. Đến khi bán hết đào trên đường đạp xe về nhà thì pháo Giao thừa đã nổ râm ran khắp nơi. Lại một năm đón giao thừa ngoài đường.

Nhưng nhờ có cây đào, gia đình tôi cũng như dân làng ít nhiều dịp Tết cũng có cái Tết tươm tất hơn các vùng khác chỉ trông chờ vào cây lúa. Cả năm vất vả chỉ trông chờ vào dịp thu hoạch cuối năm. Mấy ngày Tết, làng trên xóm dưới râm ran hỏi nhau xem Tết này bán được nhiều đào không. Tôi nhớ khoảng năm 1990, mẹ tôi bán được chú lợn tạ đem tiền gửi tiết kiệm, cuối năm cộng với tiền bán đào gia đình tôi mua được chiếc tivi National đen trắng đầu tiên. Khỏi nói anh em tôi vui sướng biết chừng nào, không phải đi bộ xuống nhà bác họ xóm bên xem nhờ. […]

Thời kỳ khoán nông nghiệp, cảm thấy cây lúa không đem lại hiệu quả kinh tế, dân làng tôi đua nhau bỏ lúa trồng đào. Cánh đồng lúa ngút tầm mắt bị thay thế bởi những vườn đào ngày càng mở rộng. Gia đình tôi cũng thôi không trồng đào ở vườn nữa mà chuyển ra mảnh ruộng hơn sào gần nhà trồng. Anh trai tôi khi ấy mới tốt nghiệp Trung cấp thú y. Bản chất lầm lỳ ít nói và năng khiếu đặc biệt về cây cối, anh mua sách cây cảnh về đọc rồi mầy mò làm theo. Hai năm đầu anh cứ hì hục ở vườn uốn uốn, gò gò nhưng chưa có thu hoạch. […] Năm thứ ba nhà tôi bắt đầu được hưởng thành quả của ông anh trai tôi. Vườn đào của gia đình tôi bỗng chốc trở thành vườn đào đẹp nhất vùng đào Nhật Tân, Phú Thượng. Trong khi cả vùng chủ yếu trồng đào tròn truyền thống hoặc loại đào “thế thôi” (tức loại đào thế loằng ngoằng chẳng ra thế, dáng gì) thì anh trai tôi đã tạo ra hàng trăm cây đào thế chiều lòng được tất cả những người chơi đào khó tính nhất. Đào của gia đình tôi tuy không to nhưng cây nào cây ấy gốc sù xì, cằn cỗi như những gốc cây cổ thụ. Hoa thắm lộc biếc nhìn cả trăm cây đều tăm tắp. Đến gần Tết dân buôn đào sành sỏi thường đến đặt mua cả vườn mà chẳng cần biết hoa có trúng vụ hay không. Bố tôi chỉ đem cái xà beng quẳng cho cánh dân buôn tự đào gốc và ngồi đếm tiền.

Trồng hoa đào rất khó vì hoa đào nở phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết tuần cuối cùng giáp Tết. Thường trước Tết hai tháng, người dân phải tuốt lá đào để chất dinh dưỡng của cây đào tập trung vào phát triển hoa. Tuần cuối cùng chỉ cần vài ngày nắng nóng là cả vườn đào đỏ rực, cánh đào tơi tả vì nở sớm. Có năm tuần cuối gió lạnh tăng cường, mắt đào đen sì không nụ hé mà lòng người trồng đào se sắt, đúc nước, đốt đèn cũng chẳng ăn thua. Vì thế dân làng đào những người kinh nghiệm nhất về thời tiết cũng chẳng dám mạnh mồm. Để chắc ăn, nhiều nhà luôn chia vườn tuốt lá làm hai đợt cách nhau dăm ngày đề phòng thời tiết dở chứng thì vẫn còn có cây trúng cây không. Những cây không trúng vụ đành để lại để năm sau bán, gốc càng già càng đẹp.

Trồng đào được vài năm, vì bệnh hen phế quản mãn tính nặng nên anh trai tôi quyết định vào Nam sinh sống. Gạt nước mắt tiễn anh đi mà bố mẹ tôi buồn rười rượi. Bố tôi bán nốt số đào còn lại ở vườn của anh tôi rồi bỏ luôn nghề trồng đào. […]

Cách đây hơn chục năm, Hà Nội thành lập thêm quận Tây Hồ, làng tôi lên phường. Mẹ tôi […] một hôm đi họp trên quận về đưa cho tôi xem một tập hồ sơ có rất nhiều bản vẽ thiết kế và quy hoạch của một khu đô thị và nói “Vườn đào làng ta sắp mất rồi, vườn đào nhà mình cũng bị lấy làm khu đô thị đây này”. Tôi xem tập bản đồ quy hoạch thì đúng là toàn bộ khu vực cánh đồng đào từ Nhật Tân đến Phú Thượng đã nằm gọn trong tấm bản đồ do người nước ngoài làm chủ đầu tư. Lúc bấy giờ tôi cũng chưa cảm thấy gì ghê gớm nhưng nhìn mấy mô hình thiết kế nhà và cả ảnh trụ sở chính của chủ đầu tư bên Indonesia, tôi thoáng nghĩ “Sao không còn thằng nào khá khẩm hơn mà chọn thằng nào thiết kế xấu tệ. Trụ sở chính mà còn diêm dúa, xấu hoắc thế này thì cái khu đô thị này lại thành đồ bỏ đi thôi”.

Thế rồi, thời gian sau đó, làng tôi xôn xao đầu làng cuối ngõ chuyện đền bù. Cầm một lúc cả cục tiền bằng vài chục năm tích cóp từ việc trồng đào, chẳng ai mảy may quan tâm đến việc cây đào sẽ còn hay mất. Họ quan tâm đến việc nhà mình được bao tiền, giá cả có thỏa đáng hay không. Rồi họ bàn tán thì thụt chuyện nhà nọ được vài tỷ làm gì tiêu cho hết, nhà kia vớ bở vì được tính đền bù cả cái ao. Rồi bỗng chốc làng tôi sôi sục vì các cánh thợ xây từ nhiều phương kéo đến. Cả làng như một đại công trường. Khắp nơi mọc lên những ngôi nhà cao tầng kiên cố với các trường phái kiến trúc Đông Tây kim cổ giao duyên. Trong làng những chiếc xe máy mới rú ga, nẹt pô mọi ngõ ngách. Những quán nhậu, cửa hàng tạp hóa mọc như nấm sau mưa. Nhiều cậu thanh niên choai choai thay vì ngồi vật vờ ngoài đường thì kéo nhau vào các quán café hoặc rủ nhau tìm thử cảm giác mới lạ của thứ bột trắng. Khu đô thị mới với những ngôi nhà cao tầng đang dần dần mọc lên. Ngoài đồng, những cây đào còng queo, cằn cỗi vì thiếu sự quan tâm chăm sóc. […]

Vài năm sau, cơn lốc đầu cơ bất động sản quét qua làng tôi. Các quán nước đông kín các tay cò đất từ nghiệp dư đến bán chuyên nghiệp với câu chuyện là tỷ lệ hoa hồng môi giới làm chùn ý chí của những người còn ham muốn trồng đào. Nhiều nhà đất rộng thì cắt ba, cắt tư ra bán. Những mảnh vườn rộng trước còn trồng dăm cây đào giờ cũng hóa bê tông. Những mảnh đất rau xanh trồng đào cũng chung số phận.

Làng đào Nhật Tân giờ đã không còn đất. Nhiều người đã bỏ nghề trồng đào. Nhiều nhà đã phải ra bãi sông để tiếp tục công việc cha truyền con nối. Đất phù sa sông Hồng luôn là loại đất vô cùng màu mỡ cho các loại cây trồng trên đó. Cây đào trồng trên loại đất này như những công tử nhà giàu với khẩu phần thừa mứa nên luôn cho hoa to, mỡ màng, nụ dày, lộc biếc trông vô cùng đẹp mắt. Nhưng ngặt nỗi, vì quá tươi tốt nên gốc đào trồng trên đất này luôn thuồn thuỗn, óng ả, mịn màng […]. Thú chơi đào thế với những gốc đào sù sì, rêu phong của những người khó tính coi như bỏ.
 
Trên cánh đồng Phú Thượng, một số nhà vẫn cố tranh thủ trồng đào trên những mảnh đất đã được đền bù nhưng chủ đầu tư chưa sử dụng đến với tâm lý trồng được ngày nào hay ngày ấy. Hết sốt đất, nhiều nhà trở lại với công việc quen làm và nhiều người làm giàu được trên mảnh đất tạm bợ này. Cứ mỗi dịp Tết đến, làng tôi lại rộ lên tin người này kiếm được tiền tỷ từ việc bán đào, người kia cho thuê gốc trong nửa tháng tết với giá cả trăm triệu một cây. Kinh tế phát triển, ngôi nhà của người dân cũng như công sở ngày càng to dần lên. Những gốc cây đào thế với tuổi đời vài năm giống như xưa không còn đáp ứng được nhu cầu chơi to, chơi sang của các cơ quan hay giới nhà giàu nữa. Vài năm gần đây, cứ mỗi đận sau Tết, hàng nghìn gốc đào cỡ vài chục năm tuổi từ các tỉnh miền núi phía bắc được các chủ vườn ùn ùn mua về. Những gốc đào rừng to cả gang tay này được ghép với mắt đào bích để đến cuối năm đã trở thành các gốc đào “cổ thụ”, bán được giá cao hơn và đỡ mất công chăm bón nếu bình thường dễ cả vài chục năm mới được. Sắm vai người sành chơi chắc không dễ mấy ai mua được đúng gốc đào ưng ý. Diện tích trồng đào ngày càng thu hẹp. Một số người còn tâm huyết với nghề đành phải đi xa tìm thuê đất trồng. Nguy cơ biến mất của làng đào chỉ còn là ngày một ngày hai.

Sau gần hai chục năm “chinh chiến” với công việc làm báo, làm sách và làm truyền thông cho hàng chục tổ chức phi chính phủ, tôi quyết định bỏ tất cả. Sau nhiều năm cày cuốc, tôi nghiệm ra rằng tiền bạc không đem lại cho tôi hạnh phúc nếu như tôi không có thời gian cảm nhận cuộc sống. Tôi mua sơn dầu, tôi đặt toan, tôi lao vào vẽ. Với một kẻ vốn là dân điêu khắc với hai chục năm ôm máy tính làm đồ họa như tôi thì với sơn dầu, tôi là kẻ ngoại đạo. Vừa vẽ vừa mầy mò tự học […] Trong đầu tôi luôn có nhiều ý tưởng và vẽ nhiều đề tài cùng lúc […] Sau cùng tôi vẽ hoa, lúc đầu tôi vẽ nhiều loại hoa trong đó có đào. Chẳng hiểu duyên sao mà vẽ được vài bức đã có người mua, mua với giá khá cao, thế là có tiền dấn lên làm triển lãm “Xuân nồng” năm 2011. Tôi vẽ đào, bạn bè là dân trồng đào xem rồi nói “Thế này mới là đào chứ, lần đầu tiên mới được xem tranh hoa đào đất Bắc đúng nghĩa”. Ờ mà cũng phải thôi, có thấy ai chuyên tâm vẽ loại hoa quốc hồn, quốc túy trong mỗi dịp xuân về của dân tộc đâu nhỉ. Ngó nghiêng trên mạng hoặc trên các phố chép tranh chỉ rặt một loại tranh đào Tàu nhan nhản và xa lạ. Mà cũng mấy ai hiểu loài hoa này một cách thấu đáo. Làng đào thì cũng chỉ có mình duy nhất là họa sĩ, hiểu cây đào, gắn bó với cây đào. Thế ắt là mình sinh ra để làm việc này rồi.

Thế là tôi chuyên tâm vẽ đào.

Hà Nội 15-1-2014

Triển lãm “Đào Xuân” của họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa diễn ra từ ngày 20 đến 24-1 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)