Chuyện nhân tài, kẻ sĩ

Nói về ưu đãi, trọng dụng nhân tài là nói về phía người sử dụng, còn phía được gọi là nhân tài, kẻ sĩ thì sao?

Kẻ sĩ thì đông, bằng cấp hoặc học hàm học vị  thì rất cao và ngày càng nhiều, cho dù không kể người mua bán mà có, nhưng ai là nhân tài lại là chuyện không dễ nhìn mà thấy được. Chạy theo mốt thời thượng, dùng họ để trang trí, tô điểm thêm cho danh tiếng của mình thì được, nhưng dùng để làm rường làm cột, làm việc ích quốc lợi dân thì chưa chắc. Ta thường nghe nói sở dĩ “đội ngũ” trí thức của ta bây giờ chưa phát huy được là do lãnh đạo thiếu quan tâm, là do điều kiện làm việc thiếu thốn, thu nhập thấp… Có thể đúng cả nhưng nếu chỉ loay hoay “tháo gỡ” những nguyên nhân như thế thì e không bao giờ khá lên được. Nếu tính từ thu nhập tiền lương, tiện nghi và điều kiện làm việc, thậm chí có cả con số so sánh một giáo sư nước ta chỉ có mấy mét vuông phòng làm việc trong khi ở nước ngoài là thế nọ thế kia… thì không sai. Nhưng… hãy nhìn ngược trở lại trong quá khứ một chút để cùng suy nghĩ. Không ai dám bảo rằng trong thời chống Pháp hay chống Mỹ, do quá khó khăn thiếu thốn nên ta không có những trí thức giỏi. Ngược lại mới đúng, những cây đa, cây đề trong làng khoa học gần như chỉ có từ thời đó để lại.

Nhìn xa hơn nữa thì nước nhà trong các thế kỷ trước người đỗ đạt cao, được bổ làm quan thì rất đông trong số họ đều là người giỏi, được người đương thời kính phục. Còn một số đông hơn bởi nhiều lý do, không đỗ đạt cao nên không được làm quan thì về làng dạy trẻ, có không ít trong số này đào tạo ra nhiều tiến sĩ, cử nhân giỏi chứ không vì “không được sử dụng” mà họ không có đóng góp gì cho dân, cho nước. Nếu không có đội ngũ thầy đồ “tự phát” như trong quá khứ thì liệu các trường Quốc học của các triều đại phong kiến đào tạo được bao nhiêu nhân tài cho đất nước? Tuy không nhiều, nhưng có những ông quan vì nhiều lý do “không trọng dụng” khác nhau, họ bị bãi chức hoặc họ từ chức quan mà không buông xuôi, họ cũng đã tham gia một cách rất mẫu mực vào đội ngũ thầy đồ, thầy thuốc của dân tộc rất có hiệu quả chứ không phải không được trọng dụng thì ăn lương rồi chỉ nói mà chẳng làm ra tích sự gì. Đáng buồn biết bao khi một công ty cơ khí tư nhân ở Long An chế tạo nhiều thiết bị đáp ứng không chỉ nhu cầu sản xuất của nông dân đồng bằng sông Cửu Long mà còn xuất khẩu tới nhiều nước ở Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh, thì một số viện nghiên cứu cơ khí với không ít giáo sư, tiến sĩ lại “đứng ngoài cuộc”. Vậy thì nó chắc chắn còn cái gì khác lớn hơn cả điều kiện và sự trọng dụng nữa.

Theo thiển nghĩ, chúng ta đã và đang có vấn đề nghiêm trọng trong cả giáo dục và đào tạo con người. Chúng ta đang đào tạo ra một lớp “người công cụ” mà không đào tạo được một đội ngũ “con người chủ thể” đủ bản lĩnh, đầy nhiệt huyết để chủ động sáng tạo trong mọi tình huống như giáo sự Trần Đại Nghĩa, người được đào tạo và làm việc ở môi trường đỉnh cao của nền văn minh, nhưng khi về nước, trong điều kiện gần như không có gì, kể cả cái ăn cái mặc thế mà ông vẫn không ngừng sáng tạo và làm được những việc ngoài sức tưởng tượng của chính họ.

Liệu có thể làm lại từ đầu để được một lớp kẻ sĩ như thế không và ai sẽ làm được?1

    

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)