Chuyện tâm hồn Hà Nội
Còn hơn hai tiếng nữa chuyến tàu hỏa của mình ở nhà ga Hà Nội mới chạy, bạn bè và tôi quyết định ghé vào một cửa hàng ăn bình dân ở chợ Hàng Da ngay giữa trung tâm Hà Nội ngàn xưa. Mới tháng tư thôi mà Hà Nội đã nóng ngột. Tiệm ăn rất đông khách, lụp xụp, tối tăm.
Mấy bàn trong này có mấy đôi anh chị người Âu cao ráo trẻ trung. Mấy cô phục vụ đang í ới nhau như ở chốn không người, kéo gạt hết rác từ trên các bàn ăn xuống đầy sàn nhà nhớt nhát, rồi giang tay quét. Ở ngay gian giữa, mấy nhân viên khác đang mải mê chơi trò cầm bát ăn thừa hất sao cho trúng bồn rác, như thể đang thi đấu bóng rổ. Khuôn mặt các nhân viên cho thấy rõ là họ đang tự xem mình là những chủ trại chăn nuôi, còn chúng tôi muốn tự xem mình là ai thì cứ việc thôi, vô can.
Tại sao đã mấy chục năm hòa bình yên ổn mà chúng ta lại có một cái u xơ nan giải đến như thế này giữa lòng Hà Nội ngàn xưa?
Sự bất lực về vệ sinh văn minh của cửa hàng ăn này ngẫm ra trước hết là một thất bại về năng lực tổ chức của bản thân xã hội. Các cửa hàng ăn này tự cho mình muốn làm gì cũng xong, không ai có quyền đòi hỏi họ phải có tư cách xã hội ra sao. Và lạ lùng thay, chính xã hội cũng tự cho rằng mình không có quyền đòi hỏi đối tác của mình phải có tư cách như thế nào khi tham gia vào đời sống!
Câu chuyện này đáng nhẽ phải rất đơn giản, tuy cần các bước đi.
Ví dụ chúng ta sẽ bắt đầu với tất cả các cửa hàng ăn uống cố định, với lưu lượng khách trên 500 người trong ngày. Nếu nhân viên công quyền đi kiểm tra vệ sinh phát hiện ra những nhân viên cố tình gạt rác từ trên bàn ăn xuống sàn nhà trong giờ dịch vụ ở những cửa hàng này, họ sẽ bị những khoản tiền phạt nặng nề, và bị ghi nhớ. Và nếu tình trạng này kéo dài, ví dụ, nếu 20 lần tái phạm, cửa hàng bị tạm đóng một tuần, nếu 50 lần tái phạm, cửa hàng bị đóng cửa một năm. Ai bảo nhà quản lý không thể làm được cái công việc cho xã hội vào qui củ?
Nói rộng ra, con người và các tổ chức xã hội, bất kể oai phong ra sao, phải được điều hành khi tham gia vào các chu trình xã hội, tựa như xe pháo phải bị các luật định giao thông hướng dẫn và kiểm chế.
Ra khỏi tiệm ăn mà sự tối tăm kinh niên này cứ anh ách trong bụng tôi.
—-
Đây rồi nhà ga Hà Nội, khách đi chuyến tàu của tôi vào nhà ga bằng đường Trần Quí Cáp. Nhà ga rõ ràng có được cải tiến hơn xưa.
Thế nhưng không gian của nhà ga vẫn là một cái góc tối tăm trong một phố hẻm, tựa như một cái góc chợ quê bề bộn.
Đây là nơi mà con người từ khắp mọi miền đất nước, và từ nước ngoài, sẽ bước ra từ toa tàu để khám phá thủ đô của một đất nước.
Đây là nơi mà mọi người sẽ lưu luyến từ biệt thủ đô của một đất nước, để mang tâm hồn Hà Nội lan tỏa về khắp mọi miền đất nước, ra nước ngoài.
Tại sao nơi đây không phải là một quảng trường nhà ga lộng gió, với các tác phẩm kiến trúc, các hình ảnh được trưng bày luân phiên, để lòng Hà Nội phơi phới với khách muôn phương, với chính người Hà Nội?
Một đất nước đi lên cần có được sự đàng hoàng, thoáng đãng, đĩnh đạc như phẩm cách phải có của các công dân, của xã hội, và lý tưởng đó cần được trải hiện lên những kiến trúc của các trung tâm sinh hoạt của xã hội.
Tôi trèo lên ván giường áp mái của toa tàu, cố đẩy những ý nghĩ miên man sang một bên… Phải tìm được cái giấc ngủ tốc hành, để mà đủ sức leo núi ngày tới.