Cơ chế đặc thù để phát triển đô thị Việt Nam: Giải pháp hay vòng luẩn quẩn?

Để giải tỏa áp lực đô thị cho các đô thị lớn và kiểm soát đô thị hóa, giải pháp được xem là hợp lý nhất là thành lập các đô thị nhỏ, không quá xa vùng đô thị trung tâm, và thường được gọi là đô thị vệ tinh.


Thủ Đức là nơi đầu tiên có đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc thành phố của Việt Nam. Ảnh: taichinhdoanhnghiep.net.vn 

Việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM vào năm 2020 là một giải pháp như thế. Thủ Đức sẽ không chỉ đỡ gánh nặng đô thị cho TP.HCM mà còn được quy hoạch theo hướng là một trung tâm kinh tế tri thức, một cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ. 

Tuy nhiên sau đó, Thủ Đức bị rơi vào thế bị động về cơ chế, chính sách và không thể điều hành, quản trị theo định hướng một đô thị vệ tinh như Đề án thành lập thành phố Thủ Đức đặt ra. Hơn một năm thành lập, Thủ Đức cứ loay hoay trong vấn đề bộ máy, nhân sự và không thể có một chính sách nào mang dấu ấn của một đơn vị hành chính lãnh thổ thành phố thuộc thành phố. Để giải quyết “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách sâu mà cũng chính là lý do của thực trạng này, TP.HCM có kế hoạch sẽ trình Chính phủ, Quốc hội thông qua “Cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức” trong thời gian tới như một giải pháp về cơ chế, chính sách riêng cho Thủ Đức. Theo đó, ưu tiên hơn các quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh khác, Thủ Đức sẽ “xin” được tự chủ, tự quyết tám nhóm vấn đề sau: (1) Tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TP.HCM cho TP. Thủ Đức; (2) Gỡ bỏ các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực trên địa bàn TP. Thủ Đức; (3) Phân bổ lại ngân sách, tỉ lệ phân chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại các nguồn thu cho TP. Thủ Đức. (4) Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn TP. Thủ Đức và dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách TP.HCM trên địa bàn TP. Thủ Đức; (5) Đấu thầu các khu đất công, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; (6) Cơ chế tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng; (7) Tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp; (8) Thẩm quyền về bộ máy quản lý nhà nước và chính sách nhân sự.

Cơ chế đặc thù vốn không có gì mới ở các đô thị Việt Nam. Trước đây, một loạt các đô thị khác như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ đều như vậy. Vừa qua, Quốc hội cũng thông qua cơ chế đặc thù cho bốn đô thị, bao gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế. Cũng giống như Thủ Đức, cơ chế đặc thù của các tỉnh, thành phố này đều đòi hỏi nhiều quyền hơn về mặt hành chính – nhân sự, về huy động vốn đầu tư và được phân bổ ngân sách lớn hơn từ Trung ương. 

Tại sao tỉnh này lại được cơ chế đặc thù mà không phải là tỉnh khác? Nếu một cơ chế đặc thù ở một tỉnh hiệu quả, liệu về sau nó có được nhân ra rộng rãi? Cơ chế đặc thù thực chất là đi ngược lại tính phổ biến của luật pháp. Đây là một giải pháp mềm dẻo của các đô thị thay vì phải xé rào trước tình trạng pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị còn chật hẹp. Nhưng cơ chế đặc thù chỉ nên là giải pháp tình thế, một trải nghiệm, một lộ trình trong hành trình đổi mới chính quyền đô thị ở Việt Nam. Vậy mà, giải pháp này đã “tạm thời” tới 20 năm. 

Có thể nhiều người biện luận rằng, lí do “trì hoãn” ban hành một luật đô thị đó là mỗi nơi lại có một đặc điểm riêng, thế mạnh riêng về kinh tế, xã hội, văn hóa nên khó mà đưa ra một khung chung. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn lại, việc duy trì cơ chế đặc thù liệu có thực sự là cách tối ưu để các địa phương phát huy được những thế mạnh của mình không? 

Thực tế cho thấy, các địa phương vừa mới xin xong cơ chế đặc thù này đã vội chuẩn bị để xin thêm cơ chế đặc thù khác. Chẳng hạn như, với TP.HCM, năm 2017 có Nghị Quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, đến năm 2020 lại có chính sách phát triển đặc thù với Nghị Quyết 131/ 2020/QH14 về chính quyền đô thị với nhiều quyền hạn vượt trội về tổ chức và hoạt động so với các đô thị đồng cấp. Nhưng gần đây, thành phố này vẫn xin Trung ương cơ chế đặc thù về quy hoạch. Hay như Hà Nội, ngoài những cơ chế đặc thù trong các luật chuyên ngành (Luật Cư trú, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính…) thì Hà Nội có đến 23 cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô, và hiện cũng đang được áp dụng cơ chế đặc thù khác từ Nghị định 63/2017/NĐ-CP năm 2017 nhưng thành phố này vẫn không ngừng xin cơ chế đặc thù. Ví dụ, năm 2018, Hà Nội có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, cho ý kiến về cơ chế đặc thù trong đầu tư ba dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội; cũng năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị với Trung ương cho phép Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù để giải quyết việc cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp. Năm 2020, Hà Nội xin cơ chế đặc thù về tài chính để đưa bốn huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức thành quận. Hoặc với Đà Nẵng, những năm 2000, thành phố Đà Nẵng nhận được cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đô thị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trở thành vùng đất phát triển vượt bậc với PCI đứng đầu cả nước nhiều năm liền. Đến khoảng 15 năm sau, khi những tiềm năng sơ khai của Đà Nẵng được khai thác hết nhờ cơ chế đặc thù này thì Đà Nẵng lại vấp phải điểm nghẽn cơ chế mới, phát triển chững lại. Đà Nẵng lại xin tiếp cơ chế đặc thù sâu hơn trước đây. Để giải quyết điểm nghẽn này, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với 12 điểm mới so với Nghị Quyết 33 trước đây để phù hợp với một Đà Nẵng của 15 năm sau từ Nghị Quyết 33-NQ/TW… và năm 2020, 2021 Đà nẵng vẫn lại tiếp tục xin cơ chế đặc thù. 

Mỗi khi gặp vướng mắc về cơ chế, dường như điều duy nhất mà các đô thị có thể giải quyết là…xin cơ chế đặc thù. Điều này đã gây nên một thực trạng không tránh khỏi là “xin cho” trong mối quan hệ Trung ương – địa phương. Cách quản trị tập trung này càng trở nên luẩn quẩn khi áp dụng với Thủ Đức. Được công nhận là một thành phố nhưng Thủ Đức phải đi “xin” thành phố Hồ Chí Minh cơ chế đặc thù để hoạt động như một chính quyền đô thị. Đến lượt mình, thành phố Hồ Chí Minh, lại phải “xin” Trung ương để có thể trao cho Thủ Đức những cơ chế này trong khi bản thân cũng đang phải “xin” những cơ chế đặc thù khác. Thủ Đức là thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên của Việt Nam, nhưng sau này sẽ còn rất nhiều thành phố trực thuộc khác của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… được thành lập. Việc xin cơ chế đặc thù của các đô thị này còn vất vả hơn các đô thị trực thuộc Trung ương bởi họ sẽ phải trải qua hai vòng đàm phán và vài năm chờ đợi – điều hiếm thấy ở các đô thị vệ tinh trên thế giới. Nếu cứ tiếp tục duy trì hình thức cơ chế đặc thù thì đó là một bước thụt lùi trong công cuộc đổi mới chính quyền đô thị của Việt Nam.

Với cơ chế đặc thù đô thị, có thể nói, cả Trung ương và địa phương đều đang chọn giải pháp an toàn trong trách nhiệm và khá bảo thủ trong tư duy. Kết quả sau cùng có thể thấy là, các đô thị thay vì dồn sức tập trung vận hành chính sách để phát triển thì lại phải dành nhiều sức lực cho việc xin cơ chế. Còn Trung ương thay vì tập trung vào chính sách vĩ mô, chiến lược quốc gia thì lại bận rộn với việc xem xét chấp nhận hay không một cơ chế nào đó cho các đô thị. Thiết nghĩ, thay vì các đô thị cứ xin cơ chế đặc thù, Trung ương cứ phải giải quyết hết cơ chế này đến cơ chế khác, hết đô thị này đến đô thị khác, nên chăng là Thủ Đức, một đô thị mới với nhiều tiếng vang, nhiều kỳ vọng nên đặt vấn đề ban hành một luật chung về chính quyền đô thị. Khi mỗi đô thị hiện đều được Trung ương cho một vài cơ chế riêng, nhỏ lẻ thì nên “gom” và khái quát hóa các cơ chế đặc thù thành một luật chung, với nội dung chủ đạo là hình thành nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và các đô thị sao cho các đô thị có thể tự vận hành và quản trị đô thị hiệu quả mà không cần xin thêm cơ chế đặc thù. □
—-
Tác giả là TS, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

 

Tác giả

(Visited 84 times, 1 visits today)