Có nên nghiệm thu các đề tài nghiên cứu cơ bản?

Ngày 18/9 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Qui định đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên. Theo tôi không ở đâu trên thế giới có chuyện NGHIỆM THU các đề tài khoa học theo như các điều trong qui định đó.

Ở ta hiện có hai loại đề tài được tài trợ của Nhà Nước. Một là các “đề tài trọng điểm”, các “nhiệm vụ quốc gia”, do Bộ KH và CN lựa chọn và tổ chức đấu thầu  để giao trọn một gói kinh phí lớn cho nhà khoa hoc trúng thầu được toàn quyền sử dụng. Loại đề tài này, sau thời gian kết thúc, sẽ được nghiệm thu. Cả việc đấu thầu và nghiệm thu đều được tiến hành bởi các Hội đồng do Bộ KH và CN bổ nhiệm.  Loại đề tài thứ hai là đề tài do các cá nhân và đơn vị tự đề xuất, phải được đưa ra xét duyệt mới được cấp kinh phí (thường rất thấp) và liền sau khi kết thúc thời hạn nghiên cứu (từ một đến ba năm)  phải báo cáo để được đánh giá nghiệm thuxếp hạng thuộc loại “đạt”, “khá”, hay “xuất sắc”.
Trước đây việc xét duyệt và nghiệm thu đều không có tiêu chuẩn rõ ràng mà dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, cảm tính, hơn nữa các Hội đồng xét duyệt và nghiệm thu đều phần lớn không đủ thẩm quyền chuyên môn làm việc ấy. Gần đây có nhiều ý kiến đổi mới việc nghiệm thu bằng cách xem xét và cho điểm các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”)  trong thời gian đề tài, theo một “barem” phân các tạp chí thành mấy loại, như: loai 1 (điểm cao nhất) là các tạp chí trong danh sách ISI, loại 2 là các tạp chí quốc tế ngoài danh sách ISI, loại 3 là các tạp chí hàng đầu trong nước, v.v., rồi lấy điểm tổng cộng, từ một hạng nào trở lên thì là “xuất sắc”,  hay “khá”, hay “đạt”.
Mặc dù là người từ mấy chục năm nay luôn chủ trương đánh giá các thành tựu khoa học cơ bản trên cơ sở các công bố quốc tế và tiến hành theo các thông lệ quốc tế, tôi không an tâm lắm với cách đánh giá bằng chấm điểm theo barem có phần máy móc đó. Từ ngày làm quen các phương pháp định lượng trong đánh giá cũng như phương pháp trắc nghiệm trong thi cử, nhiều người ở nước ta có vẻ tin tưởng tuyệt đối ở các phương pháp này mà không thấy mặt hạn chế của chúng. Tuy  các chỉ số định lượng rất có ý nghĩa khi đánh giá hoạt động nghiên cứu của một cộng đồng lớn (chẳng hạn, một ngành học của một quốc gia), nhưng khi đánh giá một cá nhân mà chỉ xét các chỉ số định lượng là không ổn, mà phải kết hợp với đánh giá định tính của các chuyên gia am hiểu, mặt định tính này nhiều khi mới là chính. Chẳng hạn, chỉ một bài báo có giá trị rất cao có thể hơn cả mấy tá bài báo xoàng, nhưng điều đó không thể xảy ra nếu chấm điểm theo barem trên. Và cũng không hiếm bài báo ISI chỉ đáng giá zêrô vì sai hay cóp của một bài báo có giá trị đăng ở một tạp chí ít quen biết hơn. Bất cứ ai đã có kinh nghiệm trong các hoạt động khoa học quốc tế đều không lạ gì những chuyện bất thường như vậy. Có điều là những bất thường đó dù sao cũng hiếm và khi xét hoạt động nghiên cứu của cả một cộng đồng lớn thì những bất thường trung hòa lẫn nhau cho nên các chỉ số định lượng có ý nghĩa đúng hơn, đáng tin cậy hơn. Điều cần nói thêm là các tiêu chí đánh giá không thể thống nhất như nhau cho mọi lĩnh vực, thậm chí cho mọi ngành trong cùng một lĩnh vực.

Đã đến lúc việc học hỏi kinh nghiệm các nước cần nghiêm chỉnh hơn để tiến dần đến, thay vì tách xa ra, các chuẩn mực và thông lệ quôc tế. Đó là tiền đề tối quan trọng để thành công trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập vì trong nghiên cứu khoa học, hơn bao giờ hết,  biệt lập và đứng ngoài trào lưu chung là con đường tụt hậu nhanh nhất, đối với từng cá nhân cũng như đối với cả cộng đồng.

Về chuyện có nên nghiệm thu các đề tài nghiên cứu cơ bản như ta làm hay không thì xin có mấy nhận xét như sau.
1.  Không ở đâu trên thế giới, theo tôi biết, có chuyện NGHIỆM THU các đề tài khoa học theo cách đó.  Sở dĩ họ không nghiệm thu là vì: a) Muốn đánh giá đúng một thành tựu khoa học cơ bản thường phải có thời gian để thành tựu ấy được công bố ra và cộng đồng khoa học trong lĩnh vực ấy kiểm tra tính đúng đắn cùng với ý nghĩa thật sự, tầm quan trọng của nó, v.v. b) Thời gian từ lúc làm xong một công trình đến lúc công trình ấy được đăng trên các tạp chí quốc tế thường phải mất vài năm, do đó một bài báo đăng trong thời gian làm đề tài rất có thể và thường là đã được làm trong thời gian trước đó, còn phần lớn những gì làm trong thời gian đề tài khó có thể kịp đăng hoặc nhận đăng trước khi kết thúc đề tài. c) Ngay ở các nước tiên tiến nhất cũng không thể có một Hội đồng gồm đủ người có thẩm quyền thẩm định mọi công trình thuộc mọi lĩnh vực trong ngành, vì một nhà toán học, hay vật lý, hay sinh học, v.v…, nếu có giỏi, cũng chỉ đủ hiểu biết thẩm định được những gì thuộc chuyên môn hẹp của mình. d) Đánh giá một đề tài vào loại khá hay xuất sắc, ngay sau khi nó vừa thực hiện xong, thường là võ đoán và khó chính xác, mà lại không ích gì nếu việc xét duyệt không làm nghiêm chỉnh. Chính do tính chất hình thức đó nên hàng chục năm qua phần lớn các đề tài đều được nghiệm thu xuất sắc hoặc khá. Chưa kể những yếu tố tiêu cực khác làm méo mó mọi sự nghiệm thu kiểu này.

Tóm lại, nghiệm thu chỉ là sáng tác của riêng VN ta.  Với ý đồ tốt đẹp muốn các hoạt động khoa hoc của ta phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tai sao ta không tập trung làm tốt khâu xét duyệt để cấp kinh phí mà cứ khư khư giữ mãi cách nghiệm thu ?  Chẳng lẽ các nước họ không nghiệm thu vì họ khờ, họ dốt hơn chúng ta? 

Tóm lại, nghiệm thu chỉ là sáng tác của riêng VN ta.  Với ý đồ tốt đẹp muốn các hoạt động khoa học của ta phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tại sao ta không tập trung làm tốt khâu xét duyệt để cấp kinh phí mà cứ khư khư giữ mãi cách nghiệm thu? Chẳng lẽ các nước họ không nghiệm thu vì họ khờ, họ dốt hơn chúng ta?
2.   Không nghiêm thu không có nghĩa là đề tài khi đã được duyệt và cấp kinh phí rồi thì nhà khoa hoc muốn làm gì thi làm. Hiểu như thế rất sai.  Ở bất cứ nước văn minh  nào thì  làm xong một đề tài được nhận tài trợ đều phải có báo cáo đầy đủ. Chỉ có điều cơ quan quản lý không làm cái việc vô lý là cho điểm, đánh giá giá trị đề tài đó là xuất sắc, hay trung bình, v.v. ngay khi kết thúc thời hạn nghiên cứu mà chỉ dùng báo cáo đó để theo dõi, kiểm tra đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, đúng như đã cam kết  khi đăng ký để xin tài trợ. Trong đăng ký này, ở các nước không đòi hỏi nhà khoa học phải hứa sẽ có mấy bài công bố quôc tế,  sẽ giải được bài toán cụ thể  này, bài toán toán cụ thể kia, vì những lời hứa như vậy được xem là vô nghĩa. Chủ trì đề tài chỉ phải cam kết  nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề gì –  và mong (chứ không phải cam kết) đạt kết quả gì.  Cơ quan quản lý chỉ đòi hỏi đề tài được thực hiện nghiêm túc, còn giá tri đến đâu thì phải có thời gian cho cộng đồng khoa học phán xét. Đòi hỏi đánh giá vội vã giá trị của những nghiên cứu cơ bản để xếp hạng “xuất sắc”, “đạt”,  khá, v.v. là do chưa hiểu đặc thù của nghiên cứu khoa học, đó  là  áp đặt việc nghiệm thu trong xây dựng cơ bản vào khoa học, tưởng là tiên tiến mà thật ra là thô bạo, ấu trĩ, và có thể cản trở thay vì thúc đẩy khoa học.  Làm xong một cây cầu, một nhà máy thì có thể nghiệm thu ngay lập tức, chứ còn kết quả khoa học cơ bản vừa mới làm xong mà muôn biết giá trị của nó,  không đợi ý kiến phản biện của chuyên gia am hiểu, là chủ quan, khó tránh sai lầm.

Làm xong một cây cầu, một nhà máy thì có thể nghiêm thu ngay lập tức, chứ còn kết quả khoa học cơ bản vừa mới làm xong mà muôn biết giá tri của nó,  không đợi ý kiến phản biện của chuyên gia am hiểu, là chủ quan, khó tránh sai lầm.

3.  Tuy không nghiệm thu ngay được giá trị của đề tài vừa thực hiện xong nhưng sau một thời gian, giá trị ấy được phản ảnh  qua các công bố của chính đề tài ấy và phản ứng của cộng đồng khoa học, nên sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và mức tăng tiến nghề nghiệp của đương sự (qua việc xét thưởng, đề bạt, nâng lương ,v v.) . Ngay đối với cơ quan tài trợ nghiên cứu thì tuy không đánh giá ngay giá trị của đề tài vừa thực hiện nhưng có thể đánh giá  những kết quả ấy khi xét duyệt để cấp kinh phí đề tài sau đó 3 năm. Hơn nữa còn có thể định kỳ đánh giá hiệu quả tài trợ trên cơ sở những công bố đã có trong từng thời gian. Làm như thế thì đối với nhà khoa học nghiêm túc có mất gì đâu, có thiệt gì đâu mà lo, chỉ có tốt hơn, đúng hơn, công bằng hơn thôi. Tại sao ta  muốn áp dụng kinh nghiệm quốc tế, mà lại làm khác thông lệ quốc tế? Ngay ở Hà Nội có một nhà vật lý lớn trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở Pháp và Mỹ là Pierre Darriulat. Nếu chúng ta còn nghi ngờ thì nên hỏi ý kiến Pierre. Trước đây Laurent Schwartz, một nhà toán học lớn, cũng đã có bàn chuyện đánh giá các nghiên cứu khoa học theo các công bố quốc tế, tôi đã sao các ý kiến đó gửi cho cơ quan quản lý và nhiều đồng nghiệp. Theo tôi ta nên tham khảo ý kiến của các vị ấy, đừng quá tự tin cho mình là sáng suốt hơn họ trong những việc mà chắc chắn họ có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hơn chúng ta.

Với cơ quan tài trợ nghiên cứu thì tuy không đánh giá ngay giá trị của đề tài vừa thực hiện nhưng có thể đánh giá  những kết quả  ấy khi xét duyệt để câp kinh phí đề tài sau đó 3 năm. Hơn nữa còn có thể định kỳ đánh giá hiệu quả tài trợ trên cơ sở những công bố đã có trong từng thời gian.

4.  Điều cơ bản tôi muốn nhấn mạnh là tính BẤT KHẢ THI của cách nghiệm thu và đánh giá ngay sau khi kết thúc thời gian thực hiện đề tài, nếu làm TRUNG THỰC.  Muốn đánh giá được theo cách cho điểm các công bố trong thời gian thực hiện đề tài, thì ít nhất phải có giả thiết: mọi nghiên cứu vừa làm xong đều có thể viết thành bài báo và được đăng ngay. Giả thiết này rõ ràng không thực tế cho nên nhiều công bố được xét khi đánh giá là về những nghiên cứu đã làm từ trước chứ đâu phải làm khi thực hiện đề tài? Như thế e không trung thực, điều tối kỵ trong khoa học. Có thể biện minh đó  không phải là dối trá gì vì công khai và mọi đề tài đều cùng làm một kiểu. Nhưng thế hóa ra tiêu chuẩn trung thực là: công khai hay giấu giiếm chứ không phải nói đúng hay sai sự thật? Đây là một cách nghĩ đơn giản có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm. Nếu làm như vậy mà gọi là đánh giá, nghiệm thu việc thực hiện đề tài, thì có thể bị cho là ngụy biện. Tôi có thể dẫn ra ví dụ để thấy rằng cách nói dối ấy có thể đưa kẻ bất lương đến chỗ phạm tội đánh lừa thật sự, nhưng tôi nghĩ không cần thiết. Nếu vì an ninh quốc gia mà nói dối thì còn có lẽ biện minh, ở đây không có lý do đó.

Tại sao không đặt nặng vấn đề đánh giá đúng đắn ở ngay khâu xét duyệt và phân  kinh phí  cho các đề tài, cải cách việc xét duyệt cho đàng hoàng hơn, công bằng hơn, hợp với thông lệ quốc tế hơn,  mà chỉ tập trung vào khâu nghiêm thu để thay một cách làm  tắc trách, bậy bạ, bởi một cách làm chỉ mới có vẻ ngoài là bài bản, hợp lý, nhưng thực ra BẤT KHẢ THI ?

Lại có người bảo rằng dự thảo KHẢ THI vì làm xong đề tài vẫn công bố ngay được các kết quả, và họ dẫn chứng bài của họ chỉ gửi 1-2 tháng hay cùng lắm 4-5 tháng là đăng được,  lại còn khẳng định tạp chí nào mà phải đợi mấy tháng mới đăng được bài là tạp chí “có vấn đề” biên tập! Có lẽ những tạp chí nói đó là báo lá cải, báo nhảm nhí thì đúng hơn. Còn tạp chí khoa học đứng đắn thì chỉ có một số rất ít  tạp chí nhận đăng nhanh những bài rất ngắn, không quá 3-4 trang với tính cách thông báo tóm tắt. Nhưng cũng không nhanh đến thế đâu ạ.  
5.  Sở dĩ phải thay đổi cách đánh giá khoa học là vì cách xét duyệt đề tài và phân bổ kinh phí  như lâu nay quá bất công, tiêu cực, dẫn đến khi nghiệm thu thì phần lớn đề tài đều là xuất sắc. Đấu tranh chống lại cách làm đó là hết sức cần thiết và đúng đắn. Không đấu tranh là dung túng, đồng lõa với tiêu cực. Nhưng cần đấu tranh cho đúng. Đã dựa theo thông lệ quốc tế thì không nên đưa ra cách nghiệm thu mà trên quốc tế không nơi nào làm cả, rồi nói liều: đó là vận dụng chuẩn mực quốc tế. Chẳng lẽ việc đấu tranh thay đổi cách đánh giá khoa học không đủ chính nghĩa hay sao mà phải dùng đến những cách mà người khác có thể vu cho là bịp? 

Nghiên cứu cơ bản mà không đạt đến công bố quốc tế là lãng phí, không nên làm.
Khuyến cáo của Đoàn chuyên gia Canada

Tại sao không đặt nặng vấn đề đánh giá đúng đắn ở ngay khâu xét duyệt và phân kinh phí cho các đề tài? Cải cách việc xét duyệt cho đàng hoàng hơn, công bằng hơn, hợp với thông lệ quốc tế hơn, mà chỉ tập trung vào khâu nghiệm thu để thay một cách làm tắc trách, bậy bạ, bởi một cách làm chỉ mới có vẻ ngoài là bài bản, hợp lý, nhưng thực ra BẤT KHẢ THI? Theo kinh nghiệm, trong quản lý kinh tế xã hội cũng như trong quản lý khoa học, những ý tưởng dù tốt nhưng bất khả thi thường biến tướng dần và thoái hóa, dẫn đến những kết quả trái ngược ý tưởng ban đầu. Quản lý bao cấp trước đây cũng xuất phát từ ý tốt nhưng bất khả thi nên đã thoái hóa như thế nào chúng ta đều biết quá rõ.
Cuối cùng, một câu hỏi quan trọng: có nhất thiết mọi thành tựu nghiên cứu cơ bản phải được đánh giá qua công bố quôc tế không? Phải chăng trong hoàn cảnh VN đòi hỏi này không thực tế?  Nhưng nếu trong một ngành khoa học có tính quốc tế như các ngành khoa học tự nhiên, kinh tế, y học, v.v…,  mà không dựa vào các chuẩn mực quốc tế để đo lường từng bước thành tựu của mình thì căn cứ vào đâu so sánh ta với thế giới, làm sao biết được ta tụt hậu, tụt hậu đến đâu và cần làm gì để gỡ sự chậm trễ? Gần mươi năm trước Chính Phủ ta đã từng mời một đoàn chuyên gia Canada sang ta khảo sát và góp ý kiến về phương hướng phát triển khoa học và công nghệ. Đoàn khảo sát đã để lại một bản báo cáo và kiến nghị khá chi tiết và theo tôi có nhiều gợi ý tốt, lúc bấy giờ đã được các quan chức Bộ KH và CN đánh giá cao. Một trong các khuyến cáo trong bản kiến nghị ấy là: nghiên cứu cơ bản mà không đạt đến công bố quốc tế là lãng phí, không nên làm. Theo tôi đó là một lời khuyên chí lý, nhưng hình như cả lời khuyên đó và bản kiến nghị đối với chúng ta đều chẳng có tác dụng gì. Trong khi đó có nhiều ngành khoa học của ta hằng năm vẫn được cấp những khoản kinh phí không nhỏ về nghiên cứu cơ bản, nhưng rất ít có công trình được công bố trên quốc tế. Có phải là do nghiên cứu cơ bản trong các ngành đó  không cần công bố trên quốc tế hay do có nhiều nghiên cứu được kể là nghiên cứu cơ bản một cách gượng ép?

Sau nhiều cuộc tọa đàm giữa Lãnh đạo Bộ và nhiều nhà khoa học có uy tín về biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản, đã đi đến một ý kiến chung là: nghiên cứu cơ bản mà không đạt đến công bố quốc tế là lãng phí, không nên làm. Nhưng theo Điều 5 của Qui định Bộ KH&CN vừa ban hành, kết quả nghiên cứu của đề tài được thể hiện bằng các công trình (bài báo, báo cáo khoa học…) đã công bố hoặc đã được nhận đăng (có giấy nhận đăng của Ban biên tập tạp chí, của Ban tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, của nhà xuất bản về khoa học kỹ thuật) trên các ấn phẩm khoa học sau:
1. Tạp chí khoa học quốc tế, gồm các tạp chí có tên trong danh sách chỉ số trích dẫn khoa học (danh sách SCI và SCI Expanded) do Viện thông tin khoa học (ISI) công bố và các tạp chí chuyên ngành uy tín khác do Hội đồng xác định.
2. Tạp chí khoa học quốc gia, gồm các tạp chí hàng đầu do Hội đồng xác định dựa trên cơ sở danh sách tạp chí khoa học quốc gia được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước quy định để xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
3. Kỷ yếu của hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có phản biện do Hội đồng xác định.
4. Kỷ yếu của hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia có phản biện và có giấy phép xuất bản do Hội đồng xác định.
5. Sách chuyên khảo từ kết quả nghiên cứu được xuất bản tại một nhà xuất bản về khoa học kỹ thuật và có nộp lưu chiểu do Hội đồng xác định.
Như vậy, Qui định này đồng nghĩa với việc cho rằng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên không nhất thiết phải công bố quốc tế.

GS. Hoàng Tụy

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)