Cổ tích Hà Nội

Một ngày sau khi ông ra đi. Hai ngày sau khi ông ra đi. Rồi sẽ nhiều ngày sau khi ông ra đi, người ta sẽ vẫn còn nói về ông và thơ ông. Người ta nói là ông vẫn còn đây, với tiếng cười giữa bạn bè, trong bóng chữ, và tình yêu thơ. Nhưng chính ông thì không còn nữa, ở cõi đời này. Cuộc hẹn Sài Gòn vĩnh viễn lỡ. Và Hà Nội, với tôi, trở thành cổ tích. Từ nay, tôi biết mình sẽ bắt đầu kể chuyện Hà Nội bằng câu: “Ngày xưa Hà Nội có nhà thơ Lê Đạt…”

Tôi khóc. Ngày hôm qua khi mở thư nhận được lời báo tin của ban biên tập báo Tia Sáng. Tin bất ngờ, cảm xúc bất ngờ, nước mắt trong veo rơi, như khi tôi đang ở xa quê nhà chợt nghe tin một người bà con đột ngột mất. Tôi đã nghe lời ông coi Tia Sáng như một gia đình mà ông là biểu tượng của đoàn kết, của chuẩn giá trị. Hôm nay anh Văn Thành gọi điện vào nói sinh thời “chú Lê Đạt” đã quan tâm và yêu quí tôi thế nào, tôi cố gắng không khóc trong điện thoại. Tôi cũng sẽ cố gắng không khóc trên trang giấy. Mặc dù ai có thể làm gì khác hơn khóc khi biết trong cái cõi mình tiếp tục ngược xuôi không còn nữa một người mình chân thành quí mến và được biết người đó cũng quí mến mình?


Trong chuyến đi Tây Nguyên cùng với gia đình
Tia Sáng, nhà thơ cho biết ông đang viết đoản ngôn
để in một tập đoản ngôn khoảng 300 trang.
Đây là Đoản ngôn cuối cùng của nhà thơ viết ngày
19/4 tại Khách sạn Hoa Mai TP Hồ Chí Minh.

Ngày xưa Hà Nội có một gian nhà nhỏ trên một con phố nhỏ, cả nhà lẫn phố bừa bộn hàng hoá và lô xô kẻ bán mua. Từ trong nhà và phố ấy hiện ra một tiếng cười hồn hậu, một giọng nói nồng nàn, một con người giản dị, một nhà thơ. Hà Nội từ lần đầu gặp gỡ ấy, với tôi, là nơi nhà thơ dẫu bản thân bị vùi dập, bị cố tình lãng quên, bị đảo điên trong bão tố thời cuộc, vẫn giữ được cho đời thế giới thơ trong ngần và tươi sáng.
Ngày xưa Hà Nội có bãi cỏ nhung trong khuôn viên một toà đại sứ lộng lẫy kiến trúc Âu Tây. Một đêm trăng sáng nơi đó mở tiệc đãi văn nhân. Giữa những xun xoe phô diễn, không ít kẻ bẹo hình bẹo dạng tư rao mình, không thíêu kẻ vờ thế này, ra vẻ thế nọ, có một người ung dung tự tại, cười nói hồn nhiên, đối xử với viên chức ngoại giao được trọng vọng nhứt nơi đó không vồn vã hơn đối với một “cây bút trẻ” địa phương hãy còn ngơ ngác quan sát và chiêm nghiệm nhân cách những “tên tuổi lớn” mình mới gặp lần đầu. Hà Nội ngày ấy, với tôi, là nơi giữa gạch đá xà bần ngỗn ngang của đền miếu đổ vẫn còn toát lên thần phách ngàn năm văn hoá trong hành xử của nhà thơ Lê Đạt.
Ngày xưa Hà Nội có toà soạn tạp chí Tia Sáng, vợ chồng tôi đến chơi, ngồi quanh bàn trò chuyện văn chương âm nhạc, tôi thấy từ tổng biên tập đến nhân viên toà soạn đều trân trọng ý kiến “cụ Lê Đạt”, có vẻ như “cụ” mới là người tổng chỉ huy ở đó, kể cả việc tổ chức một chuyến đi thăm chùa cổ quanh Hà Nội cho chúng tôi. Chồng tôi gặp “cụ” lần đầu, có nhận xét “cụ” có một tâm hồn Việt Nam (như hình dung của anh qua nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam). Tôi kể cho anh nghe tóm tắt thăng trầm đời “cụ”, anh xúc động, kính trọng vô cùng một nhân cách Việt Nam. Tôi vừa báo cho anh tin buồn, anh thảng thốt kêu lên: Không!
Không!
Có những điều đã là quá khứ trong cuộc sống hôm nay, có những người sẽ là bất tử trong di sản cho tương lai, và có những qui luật tự nhiên mà kiếp người không tránh khỏi, nhưng nỗi đau mất mát này không sao đè nén được, không sao chấp nhận được ngay.
“Chú Lê Đạt, chú đã bảo cháu chúng ta là một gia đình, cháu xin phép chú cho cháu mang một vành khăn tang, cháu giữ lại nỗi buồn này, giữ lại những điều chú dặn dò, xin chú bình an thanh thản ra đi.”

Ảnh: Huỳnh Sơn Phước

Lý Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)