COVID-19: Bất bình đẳng tăng nhiều lần

COVID-19 làm bộc lộ rõ hơn tình trạng bất bình đẳng giữa các nhóm giàu nghèo, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, giáo dục và vị trí địa lý. Nhưng thực chất, thứ định hình nên xã hội không phải là những sự kiện, biến cố, mà chính là hành động của con người, mà đặc biệt là của các nhà lãnh đạo.


Người di cư đi bộ trở về nhà ở Ấn Độ. Nguồn ảnh: Theguardian, đăng ngày 30/3/2020.

Trong cuốn sách The Great Leveler, nhà sử học Walter Scheidel cho rằng đại dịch là một trong số bốn yếu tố quan trọng, mà theo dòng chảy thời gian, đã giúp gia tăng sự bình đẳng – những yếu tố khác là chiến tranh, cách mạng và sự sụp đổ của nhà nước. Tương tự, nhà kinh tế học Thomas Piketty trong cuốn Capital in the Twenty-First Century cũng chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh thế giới và đại dịch cúm vào năm 1918 – 1919 đã góp phần giảm thiểu bất bình đẳng sau năm 1945. Tuy nhiên, dù việc số người chết tăng cao có thể làm giảm lực lượng lao động dẫn đến tăng lương của những người còn sống sót, nhưng rất khó để khẳng định rằng đại dịch là yếu tố quyết định để giảm thiểu mức độ bất bình đẳng.

Không thể đặt đại dịch năm 2021 lên bàn cân với Cái Chết đen – dịch bệnh đã giết chết một phần ba dân số châu Âu, hay dịch cúm năm 1918 – giết chết khoảng một phần ba dân số thế giới. Hậu quả của đại dịch lần này là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng chứ không phải là tình trạng thiếu hụt nguồn lao động sẵn có như trường hợp của các cuộc khủng hoảng dịch bệnh trước. Thêm vào đấy, không giống như cuộc Đại Suy thoái và các thời kỳ khủng hoảng trước đó, trong giai đoạn COVID-19, thị trường chứng khoán lẫn tài sản của những người giàu đều tăng vọt về giá trị, tiếp tục nới rộng khoảng cách giàu nghèo.

Việc cho rằng đại dịch lần này sẽ giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng và mở ra một thế giới tốt đẹp hơn là một suy nghĩ thiển cận. Chiến tranh Thế giới thứ nhất không hề xóa bỏ được những chênh lệch xã hội. Thực chất, bất bình đẳng ở nhiều quốc gia đã lên đến đỉnh điểm vào đầu những năm 1920. Đến những năm 1930, với sự khởi đầu của cuộc Đại Suy thoái, tình trạng thất nghiệp và đói nghèo trở nên phổ biến ở Mỹ, Anh và châu Âu. Tuy nhiên, bức tranh đối lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai lại cho chúng ta thấy rằng không ai có thể dự đoán trước được những gì mà các cuộc khủng hoảng sẽ mang lại. Thực chất, thứ định hình nên xã hội không phải là những sự kiện, biến cố, mà chính là hành động của con người, mà đặc biệt là của các nhà lãnh đạo.

Cuốn sách Rescue: From Global Crisis to a Better World đã xác định rằng các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ có thể thúc đẩy những thay đổi nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng vốn đang gia tăng ở cả châu Âu và Mỹ từ trước khi COVID-19 xảy đến. Đại dịch chỉ đang đẩy nhanh xu hướng này.

Sau quãng thời gian tương đối ổn định trong những thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kể từ những năm 1980, tỷ trọng thu nhập bình quân của người lao động trong tổng thu nhập quốc dân đã giảm ở Mỹ, châu Âu và Anh. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ làn sóng tự do hóa – kể từ khi Margaret Thatcher và Ronald Reagan bắt đầu ‘cuộc chạy đua xuống đáy’ về thuế, giảm bớt quyền lực của các công đoàn, và cả sự suy yếu của chính sách cạnh tranh – tất cả đều giúp tập trung quyền lực về tay người sử dụng lao động.

 

Khoảng cách chi tiêu công

 

Hiện nay, trong số các quốc gia có thu nhập cao, Mỹ là quốc gia bất bình đẳng nhất, theo sau là Anh. Chính tại các quốc gia này, cuộc thập tự chinh tân tự do – vốn để tìm cách giảm quy mô của chính phủ thông qua giảm thuế và tái phân phối, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước và các công ty cung cấp dịch vụ công, làm suy yếu quyền lực của các tổ chức công đoàn và hủy bỏ các quy tắc bó buộc sự tự do của khu vực tư nhân – đã được tiến hành triệt để nhất.

Trái lại, kể từ những năm 1970, các nước ở Bắc Âu và Đông Á có mức độ bất bình đẳng thấp – nhờ khoản trợ cấp xã hội cao hơn cho những người có nhu cầu, và nhờ đầu tư công cao hơn vào giáo dục, y tế và nhà ở. Cả hai khoản tiền này đều dựa vào tiền thuế, trong đó người giàu phải trả mức thuế cao hơn.

Cả trợ cấp xã hội và đầu tư công đều đòi hỏi nguồn ngân sách đáng kể. Và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sự suy thoái tài chính công, các nước Nam Âu ít có khả năng chi trả những khoản tiền lớn như ở Đức, nơi hai khoản tiền này cũng đã chiếm hơn 20% chi tiêu của chính phủ. Người lao động ở Ý, Tây Ban Nha và các nước Đông Âu như Ba Lan và Hungary, chưa từng nhận được mức hỗ trợ nào như người láng giềng ở phương Bắc. Kết quả là tình trạng bất bình đẳng ở các quốc gia phía Nam gia tăng nhanh chóng, dẫn đến sự phân hóa trong khu vực châu Âu.

 

Bất bình đẳng kéo dài dai dẳng

 

Do một loạt các yếu tố tác động lẫn nhau, đại dịch đã làm gia tăng mức độ bất bình đẳng về kinh tế và y tế. Những người giàu có không chỉ giữ được công việc với mức lương cao mà còn được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán tăng vọt và giá nhà tăng. Ngược lại, những người lao động với mức lương rẻ mạt thường phải làm việc trong những lĩnh vực bị ngừng hoạt động – bao gồm khách sạn và du lịch. Họ cũng có xu hướng làm việc trong những ngành dịch vụ thiết yếu như y tá, cảnh sát, giáo viên, dọn dẹp, nhân viên cửa hàng – trong tất cả các ngành nghề, họ có khả năng phơi nhiễm COVID-19 cao nhất. Nguy cơ lây lan càng tăng cao do họ sống trong những ngôi nhà đông đúc, các tòa chung cư có thang máy và lối đi chung, và họ còn phụ thuộc nhiều hơn vào phương tiện giao thông công cộng.

Khi khu vực họ sống xuất hiện một ca mắc và bị phong tỏa, họ có thể sẽ không đi làm được và bị giảm nguồn thu nhập. Các cơ sở y tế trong khu họ sống cũng chẳng mấy hiện đại, điều này có thể khiến tỷ lệ tử vong cao hơn. Thêm vào đó, các bệnh nền sẵn có cũng làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ.

Người lao động nghèo thường phải làm công việc theo giờ với mức lương bấp bênh, khiến họ ít có khả năng tiếp cận an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các phúc lợi khẩn cấp. Đại dịch đã xảy đến trong bối cảnh Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã kiệt quệ sau hàng thập kỷ thắt lưng buộc bụng, nó khiến tình hình càng thêm khó khăn và số lượng người rơi vào cảnh đói nghèo ngày càng tăng.

Khoản thuế tái phân phối – dưới hình thức y tế và giáo dục, cũng như an sinh xã hội, nhà ở và các lợi ích khác – đều có thể giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng bất bình đẳng. Trước khi tính đến thuế và chi tiêu của chính phủ, bất bình đẳng ở Pháp gần như trầm trọng ngang với ở Mỹ và Anh, hay thậm chí còn cao hơn đối với Ireland. Tuy nhiên, nhờ việc đánh thuế và tái phân phối khoản tiền đó, tình trạng bất bình đẳng ở Ireland và Pháp đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với ở Anh.

Trong khi đó, việc lần lượt nhiều đời Tổng thống Mỹ không sử dụng thuế và chi tiêu để khắc phục khó khăn, đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng ở nước này kéo dài dai dẳng nhất trong số các nước giàu. Để vượt qua tình trạng bất bình đẳng này, đòi hỏi chính phủ phải đánh thuế thừa kế cao hơn đối với các gia đình có thu nhập cao, vốn ngày càng trở nên giàu có hơn trong các thập kỷ gần đây.

Đối với người trẻ, đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề. Để bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi, họ đã phải hy sinh việc học, triển vọng sự nghiệp và cuộc sống xã hội, và trong những năm tới họ còn phải gánh mức nợ công cao hơn nhiều. Hiện tại, như những gì đã xảy ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng ta cần đảm bảo rằng họ sẽ có được một tương lai bền vững và tươi sáng hơn. Điều này đòi hỏi mức đầu tư cao hơn vào giáo dục, cải thiện triển vọng việc làm và tập trung vào những dịch chuyển xã hội – bao gồm việc đánh thuế thừa kế và tài sản cao hơn.

COVID-19 đã khiến tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử trở nên trầm trọng. Tuy vậy, chính phủ các nước và doanh nghiệp không thể cứ thế mà thực hiện những biện pháp thời tiền-đại dịch. Giờ đây, họ phải cùng nhau xây dựng những sáng kiến giúp giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử – tương ứng với những gì đang diễn ra trong hiện tại. □

Anh Thư dịch

Nguồn: https://theconversation.com/covid-19-how-rising-inequalities-unfolded-and-why-we-cannot-afford-to-ignore-it-161132?

Một cuộc khảo sát gần đây tại 37 quốc gia đã chỉ ra rằng cứ bốn hộ gia đình thì sẽ có ba hộ bị giảm thu nhập kể từ khi bắt đầu đại dịch, với 82% hộ gia đình nghèo hơn bị ảnh hưởng. Ở Mỹ, hơn hai triệu hộ gia đình cho biết họ thậm chí còn không có đủ thức ăn kể từ khi đầu đại dịch. Trên thực tế, 1/5 hộ gia đình người Mỹ gốc Phi nói rằng họ sắp lâm vào cảnh kiệt quệ.
Nhưng đại dịch là một cơ hội cho giới siêu giàu. Tại Mỹ, hơn 44 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 15% từ tháng tư đến tháng sáu năm 2020. Tuy nhiên, khối tài sản của năm tỷ phú hàng đầu đã tăng thêm 102 tỷ USD, nghĩa là tổng tài sản của họ đã tăng thêm 26%. Thậm chí, tổng tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng hơn 637 tỷ USD – lên tổng số 3,6 nghìn tỷ USD – nhiều hơn đáng kể so với toàn bộ tài sản của 54 quốc gia trên lục địa châu Phi. Từ năm 1980 đến năm 2020, ​​khối tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng vọt 1.130%, tăng nhanh hơn 200 lần so với mức lương trung bình. Đồng thời, nghĩa vụ thuế của các tỷ phú ở Mỹ đã giảm 78% từ năm 1980 đến 2018 (tính theo phần trăm tài sản của họ).
Những người hưởng lợi nhiều nhất là những người có nhiều cổ phần trong các doanh nghiệp công nghiệp. Các nhà cung cấp nền tảng bán lẻ trực tuyến, nền tảng họp trực tuyến và các nhóm truyền thông xã hội đã tận dụng cơ hội từ việc phong tỏa và xu hướng chuyển sang làm việc từ xa.
Việc tài sản được tích lũy trong tay của một thiểu số nhỏ đang gia tăng áp lực đánh thuế người giàu và việc thừa kế của họ. Chẳng hạn, trong số các quốc gia có thu nhập cao, Mỹ có mức độ bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất, mức độ bất bình đẳng thu nhập sau thuế cao thứ hai, và là một trong những nước có mức độ dịch chuyển giữa các thế hệ thấp nhất. Nói cách khác, tương lai của một cá nhân phần lớn được quyết định bởi thu nhập của cha mẹ họ. Chỉ riêng trong năm 2020, chính phủ chỉ thu trung bình 2,1% khoản thuế trong tổng cộng 764 tỷ USD tiền thừa kế trên khắp cả nước. Ngược lại, mức thuế suất trung bình của người lao động là 15,8% – cao hơn gấp bảy lần.
Không chỉ bất bình đẳng giàu nghèo, mà bất bình đẳng về giới cũng gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Phụ nữ, cùng với người nghèo, người già, người tàn tật và người di cư, đã phải gánh chịu hậu quả của thảm họa do đại dịch gây ra. Ở Mỹ, phụ nữ chiếm 55% trong tổng số việc làm bị mất, mặc dù họ chỉ chiếm dưới một nửa tổng lực lượng lao động. Ở Anh, rủi ro bị ngừng làm việc do tình trạng phong tỏa ở phụ nữ cao hơn khoảng, 1/3 so với đàn ông. Ngay cả khi họ có thể tiếp tục làm việc thì người phụ nữ vẫn có nguy cơ bị thôi việc cao hơn gấp rưỡi so với người đàn ông.
Trong các cuộc suy thoái trước đây, nam giới đã phải đối mặt với tình trạng mất việc làm do mối quan hệ mật thiết giữa các lĩnh vực như xây dựng và sản xuất với các chu kỳ kinh tế. Ngược lại, việc làm của phụ nữ ổn định hơn. Lần này lại khác. Đại dịch COVID-19 đã tấn công các cửa hàng nhỏ, nhà hàng và hãng hàng không. Điều này phản ánh thực tế rằng phụ nữ làm việc nhiều hơn trong các ngành dịch vụ như ăn uống và khách sạn. Những xu hướng này có thể cản trở các nỗ lực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2020/10/covid-19-is-increasing-multiple-kinds-of-inequality-here-s-what-we-can-do-about-it/?

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)