COVID-19 thay đổi cách nhìn về nhập cư

Khi COVID làm đứt gãy thị trường lao động, các đô thị, các nước lúng túng vì thiếu lao động di cư mới chợt nhận ra giá trị thay vì nghĩ đó là gánh nặng kinh tế xã hội. Thật trùng hợp, giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay gọi tên David Card, một nhà kinh tế lao động đã có những đóng góp nền tảng cho phân tích vai trò kinh tế của người di cư.


Một người đàn ông Syria làm việc tại một cơ sở sửa chữa tàu hỏa ở Đức, nơi hơn một triệu người tị nạn và người di cư đã đến trong năm 2015-2016. Ảnh: Thomas Trutschel/Getty.

Trước đại dịch, Chính phủ Úc muốn dựng các hàng rào ngăn cản làm chậm dòng người nhập cư nhưng giờ đây các nhà quản lý đang tìm cách làm tăng dòng di cư đổ về. Việc đóng cửa biên giới quốc gia vào năm ngoái đối với cả người di cư lâu dài và người di cư ngắn hạn như sinh viên quốc tế và công nhân lành nghề đã thay đổi mọi thứ. Từ đầu năm 2019, Úc đã giảm giới hạn hằng năm đối với thị thực thường trú, một trong những công cụ chính để kiểm soát di cư. Tuy nhiên, các dự báo cho thấy Úc phải mất ba năm mới khôi phục được lượng người lao động di cư ròng trở lại như mức hồi năm 2018-2019. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết nền kinh tế nước này sẽ bị sụt giảm 2% vào năm 2026 do sụt giảm lao động di cư.

Không chỉ Úc, gió đã đổi chiều ở những nước phát triển khác. Một cuộc cạnh tranh ở cả mức độ khu vực và toàn cầu để tìm kiếm đủ nhân công có tay nghề thấp cho giai đoạn hậu COVID đang diễn ra. Nhật Bản vốn là nơi có truyền thống chính sách nhập cư cực kì khó khăn, cũng đang bắt đầu hé cửa cho con đường di cư cho lao động nước ngoài lành nghề không có bằng đại học trong các ngành nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi và xây dựng. Sau năm năm, người lao động có thị thực này sẽ được đánh giá kỹ năng và có thể nộp đơn xin thường trú. 

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của kế hoạch này cũng như có sự thay đổi một cách hệ thống hay không nhưng điểm quan trọng là nó bắt đầu đạt được sự ủng hộ trong công chúng. Người dân xứ Mặt trời mọc bây giờ nhận ra đất nước sẽ không thể duy trì các ngành công nghiệp, hệ thống an sinh xã hội và di sản văn hóa mà không tiếp nhận người di cư với nhiều kỹ năng hơn.

Còn ở Anh, nơi nhà quản lý không cởi mở như vậy thì đang đứng giữa luồng tranh cãi chính trong nội bộ đất nước. Thủ tướng Anh dự kiến thực hiện một quá trình chuyển đổi từ cái mà ông gọi là một nền kinh tế lương thấp sang một nền kinh tế lương cao. Một trong những biện pháp của ông là cắt giảm nhập cư, vì về mặt kinh tế, Thủ tướng Anh cho rằng giảm nhân công nhập cư có thể giúp giảm sự cạnh tranh lao động trên mỗi vị trí việc làm. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn để thuê lao động, dẫn đến mức lương cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp ít hơn. Lý thuyết này có vẻ hợp lý, nhưng nó cũng không hoàn toàn đúng với thực tế các doanh nghiệp đang rất cần lao động và chưa thể tự động hóa hay chuyển đổi gì ngay vào lúc này. 

 

Lợi cả đôi đàng 

 

Tất nhiên lao động di cư, hầu hết là kỹ năng thấp, nghèo đói rách rưới nhìn thì có vẻ là gánh nặng cho các thành phố rực rỡ ở các đất nước giàu có. Nhưng những con số lại phản ánh điều ngược lại.

Trước khi nói về thời hiện tại, chúng ta cùng quay về 30 năm trước, khởi nguồn cho những lượng giá về vai trò kinh tế của người nhập cư, với chứng minh kinh điển của David Card, người được Nobel Kinh tế vinh danh năm nay. 

Trái với các lo ngại về làn sóng nhập cư gây mất việc làm của người bản xứ, các nghiên cứu của ông chỉ ra làn sóng nhập cư rất ít hoặc gần như không có tác động đến sự ổn định của hệ thống lương của từng khu vực. Ông nghiên cứu tác động kinh tế của làn sóng nhập cư từ Cuba vào Miami bằng thuyền – và so với các thành phố khác như Atlanta, Houston, Los Angeles và Tampa. So sánh sự phát triển của tiền lương và việc làm ở các thành phố khác, Card đã chứng minh rằng tuy số lượng lao động tay chân ở Miami tăng đáng kể (7%) nhưng lương cho nhóm này gần như không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, tỉ lệ thất nghiệp và lương mặt bằng lao động nói chung tại Miami cũng không bị ảnh hưởng bởi làn sóng nhập cư. 


Người lao động di cư học kỹ thuật chăm sóc người già ở Nhật. Dân số già khiến Nhật Bản đưa ra các chính sách chấp nhận nhập cư lành nghề thông thoáng hơn. Ảnh: Sankei

Tại sao một dòng công nhân khổng lồ đến một thành phố không tạo áp lực giảm đối với tiền lương và việc làm bản địa? Hơn 30 năm sau khi bài báo của Card được xuất bản, các nhà kinh tế học nhập cư và lao động vẫn đang tính toán với những phát hiện quan trọng của ông, và thảo luận một loạt các lý thuyết, nghiên cứu thực nghiệm hoàn toàn mới để tìm lời lý giải cho hiện tượng đó.

Một số mô hình nghiên cứu cho thấy dòng người nhập cư lớn có thể khiến dòng lao động bản địa phân bổ lại để có lợi thế so sánh. Chẳng hạn như người bản xứ với lợi thế ngôn ngữ đã chuyển sang các công việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt hơn. Trong khi đó, những người nhập cư có xu hướng chấp nhận mức lương rẻ mạt hơn, còn những người bản xứ cũng có thể tăng cường kỹ năng và chuyển sang công việc được trả lương cao hơn. Đây là lý do tại sao nhập cư thường không chỉ tăng việc làm, nó cũng làm tăng tiền lương. Một báo cáo vào năm 2014 của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra mô hình mô phỏng cho thấy nếu tăng tỷ lệ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp kỹ năng thấp tại biên giới để đạt được mức giảm 50% số lượng người nhập cư bất hợp pháp (điều mà Hoa Kỳ làm rất tích cực dưới thời Donald Trump) sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp của người bản xứ không có tay nghề lên khoảng 1,13% so với giá trị ban đầu.

Cùng với việc tăng nguồn cung lao động, người nhập cư cũng phải chi tiêu, tạo ra nhiều nhu cầu hơn trong nền kinh tế và nền kinh tế sẽ lại có thêm việc làm. Chúng ta có thể thấy điều này thông qua bằng chứng từ Hoa Kỳ – từ năm 1980 đến năm 2000, mỗi người nhập cư tạo ra trung bình 1,2 việc làm, cho thấy lợi nhuận ròng mà họ mang đến cho bản xứ.

Nhìn chung, di cư không phải là những “ký sinh trùng” chỉ làm lợi cho mình và tước đoạt của người khác mà mối quan hệ của người di cư với người bản xứ là “cộng sinh”. Những nghiên cứu đã phá vỡ các định kiến thường thấy về di cư, cho thấy người di cư không áp đặt nhiều gánh nặng tài chính cho các nước chủ nhà hay làm giảm mức lương cho người lao động bản địa có kỹ năng thấp hơn.

Và đương nhiên, người di cư luôn mang lại lợi ích kinh tế lớn cho quê hương bản quán của họ. Mặc dù người di cư tiêu phần lớn tiền lương của họ ở nước sở tại cho các nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và làm việc, họ thường gửi tiền để gia đình chi tiêu ở quê nhà. 


Biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến người dân ở nhiều quốc gia như Indonesia phải di cư nhiều hơn. Ảnh: Dita Alangkara/Associated Press.

Trước đại dịch năm 2018, kiều hối chuyển về các nước thu nhập thấp và trung bình tăng 11%, đạt 528 tỷ USD, nhiều hơn cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước này. Những nước nhận kiều hối lớn nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Mexico và Ai Cập. Việt Nam cũng nằm trong Top 10 nước có dòng kiều hối lớn, chiếm từ 6,2-6,5% GDP trong thập kỷ qua, thậm chí đôi khi gấp nhiều lần so với vốn viện trợ ODA. Theo Báo cáo của World bank, lượng kiều hối về Việt Nam không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch COVID-19.

 

Nhìn vào di cư trong tổng thể

 

Bản thân quá trình di chuyển, “môi giới” di cư cũng góp phần bổ sung vào GDP của cả nơi đi và nơi đến. Vì chính những người lao động không có kỹ năng, đặc biệt là những người từ các nước nghèo, thường phải trả chi phí rất cao cho các nhà môi giới lao động, thậm chí vượt quá thu nhập cả năm của họ ở quốc gia mà họ di cư đến. Và đương nhiên, chi phí khổng lồ này cũng được phân bổ vào GDP tiêu dùng của cả hai nước. 

Ngay cả những người xin tị nạn, thường bị coi là gây ra gánh nặng tài chính cho các quốc gia nhất thì cũng không phải như vậy nếu ta nhìn một cách dài hạn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào năm 2018 phân tích dữ liệu 30 năm từ 15 quốc gia ở Tây Âu đã bác bỏ luận điểm đó. “Một số người nói rằng họ ‘muốn chào đón người tị nạn, nhưng [đất nước] chúng tôi không đủ khả năng’. Nhưng nghiên cứu của nhóm chúng tôi đã chỉ ra rằng, về mặt lịch sử, nó không phải là một cái giá, và nếu bạn không chào đón người nhập cư thì nền kinh tế có thể tồi tệ hơn”, Hippolyte d’Albis, nhà kinh tế tại Trường Kinh tế Paris, CNRS, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết.

D’Albis và nhóm của ông đã dựa vào một mô hình toán học sử dụng các chỉ số kinh tế hằng năm để đưa ra dự đoán về tương lai sau những cú sốc lớn, chẳng hạn như thiên tai. Trong trường hợp này, các sự kiện là dòng người nhập cư. Các nhà nghiên cứu đã xem xét riêng về tác động của người di cư, bao gồm những người được phép định cư hợp pháp ở một quốc gia và những người xin tị nạn cư trú tạm thời ở một quốc gia trong khi đơn xin tị nạn của họ được xử lý. Các nhà nghiên cứu đã tính thu nhập trung bình (GDP/dân số) và bảng cân đối thu-chi ngân sách nhà nước (chủ yếu gồm tiền thuế và các khoản thu, trừ đi số tiền chi cho các chương trình phúc lợi xã hội).

Mô hình cho thấy trong vòng hai năm sau khi dòng người di cư đổ về, tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể và sức khỏe nền kinh tế tốt lên. Những tác động đó có thể là do người di cư làm tăng nhu cầu trên thị trường, cung cấp các dịch vụ, tạo thêm việc làm và nộp thuế cho nước sở tại.

Nghiên cứu cho thấy lợi ích của những hoạt động kinh tế này vượt xa chi phí mà chính quyền phải bỏ ra đối với mỗi người mới đến. Điều này có thể giải thích một phần bởi thực tế những người nhập cư thường là người trẻ tuổi và trung niên, ít bị phụ thuộc vào các phúc lợi của nhà nước hơn so với người già.

Những người xin tị nạn cũng mang lại lợi ích cho các nền kinh tế nhưng mất nhiều thời gian hơn (từ 3-7 năm) để thấy và lợi ích cũng ít rõ ràng hơn. Không giống người di cư, những người tị nạn thường phải đối mặt với những hạn chế về việc làm và phải chuyển đến một quốc gia khác nếu đơn xin thường trú của họ bị từ chối.


Kết quả nghiên cứu của Hippolyte d’Albis (2018) về ảnh hưởng của di cư tới kinh tế 15 nước Tây Âu. Trong vòng hai năm sau khi dòng người di cư đổ về, tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể (0,14 điểm phần trăm) và GDP bình quân đầu người tăng (0,32 điểm phần trăm).

Michael Clemens, một nhà kinh tế tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington DC cho biết phân tích này là một bằng chứng tốt vì nó tập trung vào các tác động lớn, tổng thể thay vì các yếu tố cụ thể trong nền kinh tế như tác động đối với tiền lương địa phương. Ông ví điều này như việc mở một chuỗi cửa hàng cà phê mới có thể tác động tiêu cực đến Starbucks, nhưng sự cạnh tranh sẽ tốt hơn cho nền kinh tế nói chung.

Một nghiên cứu khác có kết luận tương tự khi xem xét tác động của di cư đối với tăng trưởng kinh tế của 22 quốc gia OECD từ năm 1986 – 2006 và thấy mỗi khi tỷ lệ nhập cư thuần từ ngoài vào tăng 50% thì năng suất trung bình của các quốc gia tăng khoảng 1/10 điểm phần trăm.

Hơn thế, người di cư không chỉ có tác động đến nền kinh tế bản xứ ở thế hệ đầu tiên, mà còn ở các thế hệ sau này khi được tiếp tục sinh sống trên mảnh đất mới. Một số người nhập cư đã trở nên giàu có và đóng góp lớn cho nền kinh tế bản xứ. Theo báo cáo của New American Economy, trong danh sách Fortune 500, gồm 500 công ty lớn nhất của nước Mỹ, tới 40% là các công ty do người nhập cư hoặc con cái của họ đã thành lập.

Các nghiên cứu như thế này có thể giúp các nhà quản lý đánh giá lao động di cư và có điều chỉnh hợp lý hơn. Nếu cắt giảm lao động di cư, ta sẽ phải trả cái giá kinh tế.□

 

Ngô Hà tổng hợp 

 

Nguồn tài liệu tham khảo

Migrants contributed 9.4% of global GDP: McKinsey report. Nguồn: https://www.livemint.com/Politics/xH16nSJYyTF3PR7zWuNdwO/Migrants-contributed-94-of-global-GDP-McKinsey-report.html

KNOMAD-ILO Migration and Recruitment Costs Surveys. Nguồn: https://www.knomad.org/data/recruitment-costs 

The fiscal impact of immigration in OECD countries. Nguồn: https://www.globalmigrationgroup.org/system/files/Liebig_and_Mo_2013.pdf 

The Labour Market Effects of Immigration and Emigration in OECD Countries. Nguồn: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/ecoj.12077 

The Labor Market Effects of Reducing the Number of Illegal Immigrants. Nguồn: https://www.nber.org/papers/w19932 

Are Immigrants a Shot in the Arm for the Local Economy? Nguồn: https://www.nber.org/papers/w21123 

Ai đang di cư?
Di cư xảy ra trước hết và quan trọng nhất là do thiếu cơ hội kinh tế ở trong nước. Các nước phát triển đứng đầu thế giới có mức thu nhập trung bình cao hơn tới 70 lần so với các nước đang phát triển, do vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người ở những nước nghèo có nhu cầu phải thử vận may ở nơi khác. Nhưng trái với niềm tin phổ biến, gần một nửa số người di cư không chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển.
Thay vào đó, họ di cư giữa các nước đang phát triển, thường là trong cùng một khu vực. Hơn nữa, lực lượng di cư trở về nước cũng đang gia tăng. Đây là một thực tế thường bị bỏ qua. Phần lớn họ là những người di cư bị từ chối nhập cảnh vào thị trường lao động hoặc đã kết thúc hợp đồng làm việc và không thể gia hạn.
Từ năm 2011-2017, số người trở về ước tính ở châu Âu – gồm những người xin tị nạn bị từ chối hoặc bị phát hiện không có giấy tờ – đã tăng gấp bốn lần, đạt 5,5 triệu người. Trong cùng thời gian đó, số người trở về ở Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi, hơn 3 triệu người.

Tác giả