Cuộc điều tra về khói mù của Chai Jing

Khi phóng viên Chai Jing công bố bộ phim tài liệu về ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, có lẽ cô không dám mơ rằng thông điệp của cô sẽ vang xa đến độ làm tăng vọt giá cổ phiếu của rất nhiều các công ty thân thiện với môi trường như vậy.

Ngày 2 tháng 3 vừa qua, hơn một chục cổ phiếu trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm, giám sát chất lượng không khí và công nghệ xanh đã nhận được lợi nhuận rất lớn, trong đó nhiều loại cổ phiếu tăng khoảng 10% và chạm đến giới hạn giao dịch hằng ngày.

Trong số các công ty hưởng lợi nhiều nhất có Sail Hero, một công ty chuyên sản xuất thiết bị giám sát ô nhiễm; Top Resource Conservation Engineering, nhà cung cấp thiết bị năng lượng tái tạo; LongKing Environmental, nhà sản xuất các thiết bị khử lưu huỳnh dành cho nồi hơi và lò nung; và Create Technology & Science, nhà sản xuất máy lọc không khí dành cho công nghiệp và văn phòng.

Lý do khiến cổ phiếu của các công ty này được mua ồ ạt như vậy là do bộ phim tài liệu dài 104 phút nhằm đưa ra lời giải thích chi tiết về lịch sử, nguyên nhân và tác động của khói mù ở Trung Quốc. Được sản xuất độc lập bởi nữ phóng viên nổi tiếng Chai Jing, bộ phim “Beneath the Dome” (Phía dưới bức vòm) đã được phát hành trực tuyến vào cuối tuần trước đó, và chỉ đến sáng thứ Hai tuần sau đã có tổng cộng hơn 100 triệu lượt xem.Chai, người từng là phóng viên và người dẫn chương trình tại đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết, cô đã quyết định điều tra vấn đề ô nhiễm không khí sau khi cô sinh một bé gái với khối u lành tính và cảm thấy lo lắng cho tương lai của con gái khi cô thấy chính mình bị mắc kẹt trong nhà và phải đeo mặt nạ khi ở ngoài trời vì nạn khói mù.

Trong thời gian một năm nghiên cứu và sản xuất bộ phim, Chai phát hiện ra rằng Trung Quốc đã bắt đầu trải qua mức độ ô nhiễm không khí nặng nề ngay từ đầu năm 2004, và cô lần ra được nguyên nhân của điều này là cùng với việc tiêu thụ ở mức độ cao những loại dầu mỏ và than đá có chất lượng thấp và không được làm sạch đúng cách, là các vụ bê bối của các cơ quan hành chính và cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa công nghiệp, việc bảo vệ lợi ích kinh tế và việc bảo vệ môi trường – nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật liên quan đến môi trường ở Trung Quốc.

 

Bảo vệ môi trường không phải là một gánh nặng mà là một khởi điểm cho sự đổi mới công nghệ. Nó có thể làm tăng tính cạnh tranh, tạo ra công ăn việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Chai Jing.

 

Chai minh họa kết quả của mình trong một bộ phim khách quan với phong cách diễn giảng tương tự chương trình TED nổi tiếng, trình bày các dữ liệu phong phú, các đoạn phim quay cảnh đi thăm các nhà máy, các cuộc phỏng vấn chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các chủ doanh nghiệp, trong đó các quan chức chính phủ đã công khai nói thẳng thắn về những thách thức trong việc bảo vệ môi trường. “Tôi thậm chí không dám mở miệng, bởi tôi e rằng mọi người sẽ thấy rằng chúng tôi không hề có răng”, một Vụ trưởng thuộc Bộ Bảo vệ môi trường đã phát biểu như vậy, có ý nhắc đến việc Bộ Bảo vệ môi trường thường được mô tả như là một “con cọp không răng” vì họ chẳng hề có quyền lực thực sự.

Rút kinh nghiệm từ Mỹ và Anh trong việc xử lý ô nhiễm không khí, Chai kêu gọi mọi người hãy từ bỏ quan điểm cho rằng việc bảo vệ môi trường là một việc làm vô ích (hoặc: là một trò chơi có tổng bằng không.) “Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế không hề mâu thuẫn với nhau,” cô phát biểu trong cuộc phỏng vấn với trang People.com, trang báo mạng trực thuộc tờ Nhân Dân Nhật Báo, nơi bộ phim tài liệu được công bố lần đầu tiên.“ Bảo vệ môi trường không phải là một gánh nặng mà là một khởi điểm cho sự đổi mới công nghệ. Nó có thể làm tăng tính cạnh tranh, tạo ra công ăn việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế, “Chai cho biết. Cô nhấn mạnh thêm rằng chính phủ phải cho phép thị trường đóng vai trò chính trong việc phân bổ nguồn lực, đồng thời phải thực thi pháp luật một cách nghiêm ngặt để đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường – điều này có thể nhằm ám chỉ số tiền tỷ trợ cấp của chính phủ cho ngành công nghiệp dầu khi mà bộ phim tài liệu có đề cập đến.

Bộ phim tài liệu này đã được đón nhận vô cùng nồng nhiệt, mặc dù cũng có một số câu hỏi được đặt ra về tính độc lập và các giá trị khoa học của cuộc nghiên cứu. Chỉ qua một đêm, truyền thông xã hội đã tràn ngập tin tức về “Cuộc điều tra về khói mù của Chai Jing.” Trên mạng Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc, chủ đề này đã có hơn 740.000 ý kiến và 330 triệu lượt xem. Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường, người vừa được bổ nhiệm chỉ một ngày trước khi bộ phim tài liệu được phát hành, cho biết ông đã nhắn tin cho Chai để tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực của cô (hẳn là điện thoại của Chai lúc nào cũng bận nên ông đã không thể gọi điện trực tiếp cho cô).

Khả năng tác động đến chính sách của bộ phim này chỉ là một phần của những gì đã tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ đến vậy của các nhà đầu tư Trung Quốc. Vấn đề chống tham nhũng và bảo vệ môi trường là hai trong số những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bộ phim tài liệu được phát hành ngay trước cuộc họp thường niên của Đại hội nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị, nơi các đại biểu đưa ra đề xuất, thảo luận và biểu quyết về chính sách. Tại các cuộc họp năm nay, các nhà đầu tư đang chờ đợi các cuộc thảo luận về quy chế quản lý ô nhiễm nguồn nước có tên gọi là “The Water Ten Points” tức Quy chế Mười điểm về Quản lý nước, thuế môi trường đánh trên các chất gây ô nhiễm và chất thải công nghiệp, và hạn ngạch về năng lượng tái tạo, theo đó mỗi tỉnh sẽ buộc phải tiêu thụ một mức tỷ lệ tối thiểu về năng lượng tái tạo – ông Thomas Tang, một nhà phân tích của Hong Kong tại Công ty Nomura cho biết như vậy.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới ước tính 2,8 triệu cư dân đã chết bởi ô nhiễm không khí trong năm 2012 là những người sống ở Trung Quốc và ở quanh khu vực Tây Thái Bình Dương. Nguyên Bộ trưởng Y tế của đất nước này đã đưa ra con số những người bị giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí tại Trung Quốc lên đến từ 350.000 đến 500.000 người mỗi năm, trong khi một nghiên cứu khác đã đưa ra con số 1,2 triệu người chỉ riêng trong năm 2010.

Việc bộ phim tài liệu với những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với các cơ quan nhà nước cũng như ngành công nghiệp dầu mỏ, lại có vẻ đã tiếp cận được các dữ liệu chính thức và các quan chức chính quyền – điều chưa từng có cho đến nay, nhưng vẫn được phép lưu hành rộng rãi trên Internet bất chấp những quy định chặt chẽ của nhà nước Trung Quốc, rõ ràng là dấu chỉ của sự ủng hộ từ những người có vị trí rất cao. Các nhà bình luận trực tuyến thậm chí còn ám chỉ đến vị trí của Tập Viễn Bình, em trai của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong tư cách giám đốc của Hiệp hội quốc tế Bảo tồn năng lượng và Bảo vệ môi trường.“

Niềm tin của nhà đầu tư chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố – sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc bảo vệ môi trường và các công nghiệp liên quan, các chính sách thúc đẩy, và nhận thức được nâng cao của công chúng về các vấn đề môi trường”, ông Tang, nhà bình luận từ Công ty Nomura giải thích. Nhưng bộ phim tài liệu của Chai không tác động đến các nguyên tắc cơ bản của các cổ phiếu niêm yết, ông cho biết thêm.

Các cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong được ghi nhận có mức tăng thấp hơn, trong khoảng từ 3-7%, vì hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường thường nhắm đến mục tiêu xử lý nước và chất thải rắn. Chính sách ưu đãi đầu tư khác nhau ở Trung Quốc và Hong Kong cũng có thể là một yếu tố.“Các nhà đầu tư cổ phiếu loại A có độ nhạy cao hơn đối với các chính sách kích thích trong khi các nhà đầu tư cổ phiếu loại H thường tập trung nhiều hơn vào các tác động thực sự trên các nguyên tắc cơ bản,” báo cáo tháng Hai của Công ty Nomura đã viết như thế.

Vũ Thị Phương Anh dịch

Nguồn: http://www.forbes.com/sites/hengshao/2015/03/02/only-in-china-why-a-smog-documentary-sends-chinese-stocks-soaring-beyond-trading-limit/

 

 

Tác giả