Đài phường có nên tồn tại?

Theo Tổng cục thống kê cả nước có 1.181 phường, 9.012 xã và 583 thị trấn, tổng cộng 10.776 đơn vị hành chính cấp xã-phường. Hầu như tất cả các phường đều có đài truyền thanh của mình. Nhiều làng (một xã có 5- 7 làng) cũng có hệ thống loa truyền thanh của mình. Không biết có bao nhiêu đài truyền thanh phường-xã (làng), nhưng con số ước tính cũng cỡ chục ngàn. Hãy chỉ xét các đài phường cở các thành phố và thị trấn cũng gần 2.000 đài. Ngân sách phường xã có khoản mục chi cho đài phường hẳn hoi. Đài phường (hay tiền thân của nó) đã có từ gần 50 năm nay ở miền Bắc và hơn 30 năm nay ở miền Nam.


Thời xưa, 40-50 năm trước người dân còn nghèo, chỉ nhà giàu mới sắm được cái radio, nên hệ thống truyền thanh công cộng của khu dân cư còn tiếp âm đài tiếng nói Việt Nam. Các chương trình tường thuật bóng đá, văn nghệ đã thu hút đông người nghe xúm quanh những chiếc loa công cộng. Khi đó nó đã đáp ứng một nhu cầu thông tin thật của dân chúng, và đáp ứng yêu cầu “tuyên truyền” của chính quyền.
Dân giàu dần lên, và quan trọng nhất do công nghệ phát triển mà giá bán của chiếc đài bán dẫn giảm nhanh chóng, nên việc có chiếc đài không còn là biểu hiện của sự giàu sang nữa. Khi có chiếc máy thu thanh của mình (hay gắn sẵn ngày càng nhiều trong các ô tô) với sự phát triển của hơn 60 đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố (một sự lãng phí kinh khủng ở một nước còn nghèo như Việt Nam và lạ kỳ không giống ở nước nào cả, nhưng lại là công cụ ưa thích của các vị lãnh đạo chính quyền địa phương), đài tiếng nói Việt Nam phát nhiều chương trình hơn, rồi trên internet cũng có thể nghe hàng ngàn đài khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, người dân có sự lựa chọn phong phú hơn. Quyền lựa chọn quan trọng nhất của thính giả là quyền nghe hay không nghe. Nếu không thích họ có thể tắt máy đi. Với đài phường thì quyền tự do sơ đẳng “nghe hay không nghe” cũng bị tước đoạt. Chúng cứ nhồi vào tai người dân, bất luận họ có muốn nghe hay không. Đài phường mất hẳn sự ưa thích của người dân thời khan hiếm, mất hẳn “thị phần” thực, một mặt do không còn đáp ứng được nhu cầu thật của người dân, một phần do chất lượng âm thanh gây “ô nhiễm môi trường” trở nên không còn có thể chấp nhận được nữa, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu “tuyên truyền”, vẫn có thể nhồi thông tin cho người dân, nên vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển lên. Xét từ khía cạnh nhân quyền nó tước mất quyền tự do của người dân.
Nó làm rất nhiều người khó chịu. Nghe nói một họa sĩ rất có tiếng ở Hà Nội do không thể chịu được sự “tra tấn” âm thanh của cái đài phường chĩa thẳng vào phòng làm việc của ông từ cự li 7m, đã dùng súng (cao su, súng hơi hay súng bắn chim?) tỉa tan cái màng loa để bắt nó im không quấy rầy ông nữa. Loa hỏng, đài phường lắp loa khác, ông lại bắn, họ lại lắp loa mới và cuối cùng ông chịu thua gã đài phường có ngân sách lớn hơn của ông rất nhiều. Tôi có một ông bạn làm đại sứ của một nước tại Hà Nội. Ông than phiền kinh khủng về cái đài phường, ông bảo những người nước ngoài kêu về đài phường không kể xiết, thậm chí phải gửi cả công hàm nhờ Bộ ngoại giao can thiệp. Khổ cho những hộ dân ở ngã ba, ngã tư của các phường kề nhau và thường xuyên bị hai ba đài đồng thời tra tấn bằng sự giao thoa của âm thanh gây ung đầu. Có nhà đã cho người nước ngoài thuê, rồi họ hủy hợp đồng do không thể chịu đựng được cái đài phường. Ngay Báo Nhân dân cũng phải đăng một bài về “nạn ô nhiễm tiếng ồn” than về cái đài phường góp phần thêm vào ô nhiễm, nhưng lại kiến nghị “nâng cấp hệ thống âm thanh đài truyền thanh phường bởi phần lớn các loa đài phát thanh này âm lượng và tiếng rè quá lớn át giọng người đọc, người dân ở gần bị chối tai mà không nghe rõ thông tin.” (Nhân dân, ngày 2/4/2006, tr.4). Tôi thì kiến nghị nên dẹp hẳn hệ thống đài phường đi (nghe nói thành phố Hồ Chí Minh đã dẹp đài phường ở nội thành), vì nó không còn đáp ứng bất cứ nhu cầu thông tin thật sự nào của người dân như cách đây 35-40 năm nữa (ở nông thôn cũng đã có TV, máy thu thanh, và có hàng triệu người dùng Internet có thể nghe rất rất nhiều đài), ngược lại nó gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan (khách du lịch nước ngoài thấy khó chịu và kì lạ về hệ thống này) ảnh hưởng đến phát triển du lịch, nó gây cho rất nhiều người bực tức, phí ngân sách nhà nước (để duy trì hệ thống, để trả lương) mà thực chất là tiền của những người dân bị nó hành hạ, và quan trọng nhất hệ thống thông tin này làm mất quyền tự do “nghe hay không nghe” của người dân.


Nguyễn Quang A

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)