Đàn ông, đàn bà và những đứa trẻ
Những người đàn ông, những người đàn bà và những đứa trẻ tạo nên sức mạnh của một quốc gia.
Sự thịnh vượng của một quốc gia nằm trong trí óc, trong trái tim và trên đôi tay những người dân chứ không phải trong két sắt các ngân hàng của nó. Những người đàn ông và những người đàn bà, cùng với những đứa con mà mai sau sẽ tiếp bước họ, mới là tài sản thực sự của một quốc gia.
Những người đàn ông, những người đàn bà, những đứa trẻ. Chứ không phải là robot, thứ không có trái tim và trí tuệ nhân tạo của chúng chỉ có thể trả lời những “câu hỏi thường gặp”. Không phải những con rối chỉ biết làm những gì mà nó được yêu cầu. Không phải những kẻ cạo giấy chỉ biết phục tùng những luật lệ nó bị bắt phải tuân thủ. Không phải những kẻ ba phải thiếu can đảm dám nói những điều mình nghĩ. Mà là những con người thực thụ, những người hiểu rằng thế giới đang thay đổi không ngừng và đòi hỏi những nguyên tắc mới để thích nghi với điều đó, những con người thực thụ với đôi mắt và đôi tai rộng mở sẵn sàng lắng nghe người khác với một tâm hồn khoáng đạt với sự tôn trọng. Những con người thực thụ hiểu rằng chung sống với đồng loại là vừa nhận về lợi ích nhưng đồng thời cũng là sự thực hành nghĩa vụ: của sự chính trực, của sự coi trọng trí tuệ và đạo đức, của sự cống hiến vì một cộng đồng lành mạnh, của sự cảm nhận sâu sắc về công lý và công bằng.
Những người đàn ông, những người đàn bà và những đứa trẻ tạo nên sức mạnh của một quốc gia: họ cần phải được bảo vệ và nâng niu như thể tài sản quý giá nhất của nó. Một tài sản không thể lãng phí hay chia rẽ, bất chấp có rất nhiều nguy cơ dẫn đến điều đó, như chảy máu chất xám, khi một quốc gia thất bại trong việc kết nối với những đứa trẻ và vô trách nhiệm đẩy chúng về phía bên kia hàng rào, nơi chúng thấy cỏ bên kia dường như xanh hơn; hay như sự thiên vị một nhóm người, hiện tượng con ông cháu cha, sự phân biệt đảng phái sẽ thay thế cái nhìn khách quan và trung lập về tài năng và sự xuất sắc của một ứng viên khi cân nhắc vào một vai trò trách nhiệm nào đó. Để các quốc gia có thể tiến bộ và phát triển, những người đàn ông và đàn bà đó cần được những người lãnh đạo lắng nghe và khuyến khích lên tiếng. Một nền quản trị tốt đều cần sự cân bằng giữa quy trình từ trên xuống và từ dưới lên: lãnh đạo là phụng sự con người hơn là áp đặt quyền lực lên họ. Chỉ họ mới biết mình cần gì, không ai có thể từ trên quyết định thay họ.
Những quốc gia cần những người đàn ông và đàn bà có thể nỗ lực hết sức để trang bị cho con của mình những công cụ để đối mặt với những thách thức của một thế giới toàn cầu hóa không ngừng thay đổi và cực kì cạnh tranh; cần họ chuẩn bị nền tảng cho tài năng của con của mình nở rộ; cần họ trao cho con cơ hội để chúng đạt được những kĩ năng và tri thức ở trình độ cao, đáp ứng được những thử thách của công việc, cần họ động viên con thể hiện bản thân tự do với tinh thần sáng tạo, đổi mới và mạo hiểm; cần họ dạy chúng biết phản biện và xây dựng quan điểm riêng của mình; cần họ trao cho con sự tự tin vào năng lực và hoài bão trong ước mơ của mình; cần họ dạy con trân trọng tri thức trước khi coi trọng tiền bạc, trân trọng sự thông tuệ trước khi coi trọng quyền lực. Việt Nam cần phải thoát khỏi nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ đang kìm hãm nền kinh tế tri thức để thúc đẩy sự tiến bộ. Đất nước cần phải sản xuất ra hàng hóa và ý tưởng hơn là đào tạo ra những đốc công cho nhân công giá rẻ của mình và hơn là nâng cấp kĩ năng bán hàng tiếp thị của họ. Những nhân lực đó chỉ đi buôn gió, họ không sản xuất ra cái gì, không kiến tạo ra cái gì, không quản lý nổi ai khác ngoài chính mình.
Ai sở hữu tài sản cũng đều muốn nó sinh sôi nảy nở; để làm được điều đó hiệu quả với vốn con người là một thách thức cho các quốc gia. Họ phải tổ chức thứ bậc xã hội làm sao để tận dụng tối đa kĩ nghệ và tài năng của con người của mình. Ở Việt Nam, nơi hàng thập kỉ chiến tranh và đau thương đã khiến hai thế hệ vụn vỡ, thật khó để tìm ra những con người vừa có uy tín của người lãnh đạo vừa có kinh nghiệm và chuyên môn mà mình phụ trách. Nhưng chuyên môn kém không phải là một tội ác. Tội ác là che giấu điều đó dưới lớp mặt nạ của quyền lực. Khi người ta không biết điều gì, người ta có thể hỏi những người biết; người ta có thể đưa ra quyết định dựa trên một tổ chuyên môn hoặc nhóm chuyên gia gồm những người tinh nhuệ có cả tri thức và kinh nghiệm. Sẽ là vô nghĩa nếu cứ cắm đầu theo một kế hoạch hay tuân thủ luật lệ từ trên xuống nếu không một ai chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của rất nhiều thành phần tham dự nhằm biến kế hoạch đó thành hiện thực, cách tốt nhất là đảm bảo rằng kế hoạch đó chỉ nằm trên giấy.
Hai thập kỉ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến tính người càng ngày bị hạ thấp trong thế giới mình đang sống. Robots đang chiếm chỗ của những nghệ nhân và công nhân. Điện thoại thông minh và bàn phím máy tính đang chiếm chỗ của liềm và búa. Thay vì trao cho con người cơ hội để nâng cao kĩ năng và tri thức, quá trình robot hóa này ưu ái sự lan truyền những tin vịt và thuyết âm mưu. Thời kì đương nhiệm của Trump là ví dụ minh họa rõ ràng cho sự suy sụp của những giá trị nhân văn trong một quốc gia mà trước đó không lâu vốn tự hào là một ví dụ của một nền quản trị thành công. Những cơ quan tổ chức đang chuyển trách nhiệm với nhân sự của mình cho những công ty chỉ có động lực duy nhất là kiếm tiền. Những tỉ phú, chỉ khoảng hơn 2.000 người, sở hữu 60% số tài sản của cả dân số thế giới. Sự độc tài về vốn đã thôn tính thế giới này. Marx và Engels hẳn sẽ kinh hãi khi chứng kiến điều này đã trở nên tồi tệ thế nào, những người dân lao động khắp các quốc gia đã không thể đoàn kết lại thế nào, sự phân biệt giai cấp càng tô đậm thêm nỗi chật vật của họ ra sao.
Các quốc gia có cả một chặng đường dài phải đi trước khi quản lý được vốn con người của mình một cách đúng đắn. Các quốc gia cần người dân ý thức tốt hơn về những cam kết để loài người cùng chung sống; nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm công dân – sống đúng với phẩm giá và đạo đức mà trách nhiệm đó bao hàm; quan tâm đến nhau nhiều hơn, hạnh phúc khi thấy những người đồng hương của mình thành công, xót xa khi thấy họ đau đớn. Những người lãnh đạo nên là những tấm gương về sự liêm chính và cống hiến vì lợi ích của quốc gia. Nếu họ gian dối và lừa người dân, họ sẽ để lại một vết thương sâu và lâu khỏi cho quốc gia đó. Sẽ cần nhiều năm để khôi phục lại một danh dự bị hủy hoại. Những quốc gia cần trân trọng người dân của mình, đảm bảo rằng kĩ nghệ và tài năng của họ được công nhận và tưởng thưởng đúng đắn bằng lương và phúc lợi. Họ phải đảm bảo rằng nền quản trị của mình thực sự thúc đẩy công lý và công bằng.
Tết là một cơ hội để ta chúc nhau một ngày mai tươi sáng hơn. Cùng nhau khao khát thêm sự thông tuệ hơn và bớt đi sự ngu muội, thêm sự chính trực và nhiều tình yêu. □
Hảo Linh dịch