Đảng của Dân tộc

Khi bà má miền Nam thời chống Mỹ đào hầm nuôi cán bộ cộng sản, bà mẹ miền Bắc gửi con trai mình ra mặt trận theo lời kêu gọi "không có gì quý hơn độc lập tự do", chắc các mẹ không phải săm soi tìm hiểu xem Đảng là của giai cấp công nhân hay của ai. Mà quả thật có định tìm hiểu, chắc bà cũng không sao hiểu nổi “tính triệt để cách mạng của giai cấp công nhân là do vị trí khách quan của giai cấp ấy trong phương thức sản xuất xã hội quy định!" Sâu thẳm trong đạo lý và tình cảm của dân tộc ta, cứu nước là nghĩa vụ thiêng liêng. Chạm đến vấn đề này là chạm đến khu vực nhạy cảm nhất trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam không phân biệt tầng lớp, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng đứng ra nhận lãnh sứ mệnh cứu nước, đảng viên của Đảng đi đầu trong gian khổ, hy sinh vì nhiệm vụ cao cả đó. Bằng chính hành động đó, dân tin Đảng, xem Đảng là Đảng của mình.


Đương nhiên, nói như vậy không phải để khước từ một kiến giải về lý luận. Để phù hợp với khuôn khổ một bài báo ngắn, xin vắn tắt kiến giải ấy như sau: Là một tổ chức chính trị, vấn đề chính đảng không là vấn đề của riêng nước ta mà là mối bận tâm của cả loài người. Trong “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững mạnh thì cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Gần đây nhất, “Đại Bách khoa toàn thư Pháp” định nghĩa về các đảng chính trị như sau: “Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố – nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó – mà người ta sẽ xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy được hình thành trong lịch sử như thế nào”.
Với C.Mác, tư duy về đảng có quá trình vận động từ “đảng-ý thức” đến”đảng-tổ chức”. Khi giai cấp  có ý thức tự giác về bản thân mình, về vị trí, thân phận và sứ mệnh lịch sử của mình, thì giai cấp trở thành Đảng. Vì thế “đảng-ý thức” là nơi các nhà cách mạng sáng suốt truyền bá lý luận cách mạng và giáo dục công nhân, gắn lý luận với hành động. Từ kinh nghiệm thất bại của Công xã Paris năm 1871, quan niệm về đảng chuyển rõ sang “đảng-tổ chức” lúc đầu còn có phần lỏng lẻo, về sau ngày càng chặt, thể hiện rõ quan điểm Đảng Cộng sản là kết quả của sự kết hợp giữa lý luận cộng sản với phong trào công nhân  (về sau Ph.Ăngghen gọi lý luận ấy là “học thuyết Mác”).
Để đi sâu vào vấn đề này, lại phải làm sáng rõ khái niệm giai cấp. Với C.Mác, khái niệm “giai cấp” cũng có nhiều biến đổi. Từ sự nhìn nhận giai cấp vô sản như tác nhân chính trên sân khấu của lịch sử, C.Mác thay thuật ngữ giai cấp vô sản bằng thuật ngữ “giai cấp công nhân” để rồi dần dần thay thế thuật ngữ “giai cấp vô sản” hay “giai cấp công nhân” bằng thuật ngữ “những người làm công ăn lương”. Rồi về cuối đời, C.Mác sử dụng khái niệm “giai cấp những người sản xuất”  trong “Lời nói đầu viết cho Bản Cương lĩnh của Đảng công nhân Pháp”: “Xét thấy rằng giải phóng giai cấp những người sản xuất là giải phóng toàn thể loài người”(1). Về sau này, những nhà nghiên cứu Mácxít xem đó như là “Di chúc chính trị của C.Mác”. “Quốc tế 3” đã không theo “Di chúc” đó, nhưng tư tưởng chính trị đó của C.Mác sau này trở thành nền tảng của tất cả các cương lĩnh của các đảng Xã hội dân chủ của “Quốc tế 2”!
Như vậy là, khái niệm về “người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” thoạt đầu đóng khung trong thuật ngữ “giai cấp vô sản” đã không “nhất thành bất biến” mà đã biến đổi theo hướng mở rộng ra. Số đông, có thể nói là hầu hết các Đảng cộng sản Âu, Mỹ, đã tiếp thu sự mở rộng nhận thức ấy. Điều ấy là do sự vận động của thực tiễn. Trong những nước tư bản phát triển, “những người làm công ăn lương” cho nhà nước và cho tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, đến 80% và hơn 80% trong tổng lực lượng lao động xã hội.
Thế kỷ XX, có 3 thay đổi lớn của thực tiễn và nhận thức về lực lượng cách mạng
– Các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa bị áp bức, mà có nhà nghiên cứu cộng sản coi là giai cấp vô sản của thế kỷ XX, nổi lên đấu tranh đòi giải phóng.
Kết cấu của xã hội hiện đại cho thấy sự phát triển mạnh của nhiều tầng lớp xã hội rất gần với khái niệm “giai cấp những người sản xuất” và “những người làm công ăn lương” mà không phải là giai cấp vô sản nghĩa hẹp. Ở nước ta cũng vậy.
– Do các dân tộc thức tỉnh và tự khẳng định mạnh mẽ, ngay trong trào lưu toàn cầu hóa kinh tế, dân tộc trở thành động lực và sức mạnh hùng hậu của thời đại. Dân tộc nói đây không chỉ là độc lập dân tộc, mà rộng hơn, còn là ý thức dân tộc, quyền lợi dân tộc, truyền thống dân tộc, đặc điểm dân tộc… Ở nước ta, đây là điểm nổi bật.
Liệu có phải vì thế mà tại Đại hội II của Đảng năm 1951, Hồ Chí Minh đề nghị đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam để “nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”. Câu hỏi C.Mác đặt ra cách đây 162 năm đã có lời giải: “Vấn đề là ở chỗ giai cấp vô sản thực ra là gì, và phù hợp với sự tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử”(2): Giai cấp vô sản “phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(3). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng 8 thành công, giai cấp công nhân Việt Nam đã cùng với các tầng lớp xã hội khác trở thành công dân của một nước độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòaĐộc lập, Tự doHạnh phúc là nội dung của tên gọi ấy. Đó cũng là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam, mà để hướng tới mục tiêu đó, bao thế hệ Việt Nam đã “đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để thực hiện, đúng như lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945. Với những cuộc kháng chiến chống xâm lược ròng rã mấy mươi năm trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã giữ trọn lời thề ấy. Để lãnh đạo được, Đảng phải thu hút vào mình những lực lượng tinh hoa nhất của dân tộc. Nói theo ngôn ngữ của người xưa là quy tụ được “hiền tài-nguyên khí quốc gia”, hoặc như cách gọi của Hồ Chí Minh là “những bực tài đức”. Không làm được điều đó, Đảng không thể “có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong” như điều mà V.I Lênin đã từng yêu cầu!
Thật ra thì từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã xác định “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không hề câu nệ trong quá trình tìm kiếm phương tiện để nhằm thực hiện mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chính Người đã nói: “Học thuyết của Khổng Tử  có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta… Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.(4)
 Suốt đời, Hồ Chí Minh nhất quán với nhận thức ấy trong mọi chủ trương, đường lối. Đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là nội dung, thể hiện rất rõ sự nhất quán đó.Tuyên ngôn Độc lập gắn liền với tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thấm sâu vào tâm hồn Việt Nam, đã thành biểu tượng của dân tộc.
Thực tế đã chứng minh rằng, lúc nào giữ vững quan điểm dân tộc, lấy lợi ích dân tộc là tối thượng với tinh thần Tổ quốc trên hết, thì cách mạng thu được thắng lợi. Lúc nào đi chệch khỏi tư tưởng của Hồ Chí Minh, thổi phồng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp xem đó là động lực của cách mạng, của phát triển xã hội, thì cách mạng thất bại. Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, “công tư hợp doanh”… là những ví dụ mà ai cũng nhớ. Chúng ta đã để mất một lực lượng sản xuất với một cơ sở hạ tầng còn gần như nguyên vẹn ở Miền Nam sau 1975, để rồi phải làm lại từ đầu với công cuộc Đổi mới! Bài học của 10 năm ấy vẫn còn nóng bỏng. Đất nước đang bứt lên thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, hội nhập quốc tế để tiến cùng thời đại, một thời đại đang đi vào văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức. Nếu “giai cấp vô sản phải tự mình trở thành dân tộc” như C.Mác yêu cầu, thì Đảng của giai cấp ấy phải trở thành Đảng của dân tộc là một thực tế hiển nhiên, nằm trong lôgích nội tại của sự vận động lịch sử .
Đó là biện chứng của lịch sử. Nếu đổi mới Đảng là “đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với Đảng”, thì sự đổi mới căn bản nhất là tuân theo lôgich nội tại ấy, tuân theo biện chứng của lịch sử chứ không câu nệ vào những giáo điều đã bị cuộc sống vứt bỏ. Đảng phải là Đảng của dân tộc.(5)
Trong bối cảnh mới của  đất nước và của thế giới, để cho Đảng “gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”, mong Đảng trở lại với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam cùng với tên nước là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở lại với tư duy của Hồ Chí Minh trong “Điều mong muốn cuối cùng” của Người: “Toàn Đảng toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Làm như vậy, Đảng sẽ quy tụ được ý chí của dân tộc, khởi động được tinh thần Việt Nam, kết thành một sức mạnh to lớn đủ sức vượt qua mọi thách thức, chớp lấy thời cơ, đưa đất nước đi tới.
Chú thích :
(1). C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 19. NXBCTQG Hà Nội 1995; tr.353
(2).  C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 2. NXBCTQG Hà Nội 1995; tr. 56
(3). C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 4. NXBCTQG Hà Nội 1995; tr.624
(4). Chương trình Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” NXBKHXH 1993, tr.84
    5. Xem “PHẢI LÀ ĐẢNG CỦA DÂN TỘC”, báo “NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN” ngày 27.2.2006, có chú thích đầy đủ xuất xứ các trích dẫn.


Tương Lai

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)