Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Cách đây 50 năm, trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ nói : “Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình. Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đây không là một định nghĩa Đảng về mặt lý luận, đây là niềm tự hào, cũng là một lời nhắc nhở. Khi nói về văn minh thì điều cần hiểu là, với Hồ Chí Minh, văn minh là sự thống nhất phẩm chất và trí tuệ. Đây chính là một nét đặc sắc của truyền thống văn hiến Việt Nam. Cũng là nét đặc sắc của cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh và của tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng.
Luôn nhấn mạnh về phẩm chất, đạo đức của người Đảng viên, đó là một điểm nổi bật trong nhận thức về Đảng cũng như trong việc tổ chức, rèn luyện và giáo dục Đảng viên của Hồ Chí Minh. Ngay từ buổi ban đầu, trong “Đường Kách mệnh”, tài liệu được soạn thảo năm 1927 để huấn luyện Đảng viên và quần chúng, Bác đã đặt bài “Tư cách của người cách mệnh” làm bài mở đầu, trước cả bài “Vì sao phải viết sách này”. Và rồi trong những lời cuối cùng trước khi “từ biệt thế giới này” cũng là “trước hết nói về Đảng” để thiết tha căn dặn “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng…”. Nỗi canh cánh của Người trước khi đi xa vẫn là “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” .
Để hiểu được sự canh cánh ấy, cần phải hiểu khái niệm về Đảng của Bác.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã xác định “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”. Suốt đời, Hồ Chí Minh nhất quán với nhận thức ấy trong mọi chủ trương, đường lối. Đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là nội dung, thể hiện rất rõ sự nhất quán đó. Tuyên ngôn Độc lập gắn liền với tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thấm sâu vào tâm hồn Việt Nam, đã thành biểu tượng của dân tộc. Cần phải nhắc lại rằng, dân tộc nói đây không chỉ là độc lập dân tộc, mà rộng hơn, còn là ý thức dân tộc, quyền lợi dân tộc, truyền thống dân tộc, đặc điểm dân tộc. Với Hồ Chí Minh, chính dân tộc sinh ra Đảng, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ Đảng, rồi tin yêu Đảng khi Đảng đã trưởng thành lên.
… Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý. … Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thẩy, phải có một tinh thần chí công vô tư. Chiến Thắng Báo Cứu quốc 12/10/1945 |
Đảng phải là Đảng của trí tuệ. Đây không là một áp đặt của suy đoán chủ quan hay là sự biểu đạt một ước vọng. Đây chỉ là sự diễn dịch cái tất yếu logic của vận động thực tiễn và cũng là của chính nhu cầu tồn tại và phát triển của Đảng, nếu Đảng muốn làm trọn sứ mệnh cao quý của mình, sứ mệnh “soi đường chỉ lối cho nhân dân ta vững bước trên con đường thắng lợi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Ánh sáng của ngọn đuốc “soi đường, chỉ lối” đó không thể là gì khác ánh sáng của trí tuệ.
Về điều này, xin nhắc lại lời của V.I Lênin: “ Lịch sử tất cả các nước chứng tỏ rằng chỉ do lực lượng độc của bản thân mà thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa… Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh từ các lý luận triết học, lịch sử kinh tế, do những người có học thức trong các giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên. Marx và Ăngghen, những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, do địa vị của các ông, nên chính bản thân các ông cũng thuộc lớp trí thức tư sản”.
Hồ Chí Minh đã có lần nói về việc bồi đắp trí tuệ của mình bằng cách học ở Khổng Tử “sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”, ở Giêsu “lòng nhân ái cao cả”, ở Chủ nghĩa Marx “phương pháp biện chứng”, ở chủ nghĩa Tôn Dật Tiên “chính sách phù hợp với điều kiện nước ta”. Theo Hồ Chí Minh, họ gặp nhau ở điểm chung là “muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, phúc lợi cho xã hội”. Chính vì thế mà Người “cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. Làm thế vì Khổng Tử, Giêsu, Karl Marx, Tôn Dật Tiên…chính là những người có học thức nhất của thời đại họ đã sống. Họ vừa là sản phẩm của nền văn minh mà thời đại của họ đạt được, vừa là những đồng tác giả góp phần tạo ra nền văn minh đó.
Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, để thực thi được sứ mệnh soi đường chỉ lối lại càng đòi hỏi Đảng, người Đảng viên của Đảng, đặc biệt là những người đảm đương những trọng trách của Đảng và của Nhà nước, nhất thiết phải là người có trí tuệ tương thích với vai trò và nhiệm vụ của họ. |
Trong thời đại của thế kỷ XXI, thời đại của nền kinh tế tri thức và văn minh trí tuệ, thì để thực thi được sứ mệnh soi đường chỉ lối lại càng đòi hỏi Đảng, người Đảng viên của Đảng, đặc biệt là những người đảm đương những trọng trách của Đảng và của Nhà nước, nhất thiết phải là người có trí tuệ tương thích với vai trò và nhiệm vụ của họ. Vả chăng, thế giới đã thay đổi và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến. Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước. Vì thế, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động phải là phẩm chất hàng đầu của con người Việt Nam đang sống trong thế kỷ XXI. Để có thể sáng tạo và linh hoạt thì cùng với nhiệt tình và ý chí kiên cường của người cách mạng, trí tuệ là nhân tố quyết định.
Chúng ta cần hiểu sâu sắc ý nghĩa của lời nhắn nhủ, cũng như sự kỳ vọng của Hồ Chí Minh về “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, là một nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.