Đánh thuế các thói quen xấu

Ngày càng nhiều quốc gia đánh thuế đối với thức ăn đồ uống có đường. Nhưng việc tăng giá đồ uống có đường có lợi cho sức khỏe cộng đồng, làm giảm gánh nặng y tế tới mức nào?

Nguồn ảnh: Theguardian.

Tăng thuế, giảm tiêu dùng

Đánh thuế để buộc người dân phải đưa ra lựa chọn lành mạnh hơn đã có lịch sử lâu dài với thuốc lá và rượu, và được áp dụng gần như ở mọi quốc gia. Nhà kinh tế Frank Chaloupka, đại học Illinois cho biết đã có nhiều bằng chứng trong nhiều thập kỷ qua chứng minh việc tăng giá sẽ khiến người lớn bỏ thuốc lá và ngăn trẻ em hút thuốc. Ông và hai cộng sự đã viết bài về mối liên hệ giữa tăng thuế thuốc lá và giảm tử vong do các bệnh ung thư đường hô hấp như phổi, hầu họng,… trên Annual Review of Public Health . Các nghiên cứu khác cũng cho thấy mối liên hệ giữa thuế thuốc lá cao và tỷ lệ nhập viện vì suy tim thấp hơn, mức độ bệnh hen ít nghiêm trọng hơn ở trẻ em.

Các kết luận tương tự đối với việc tăng thuế rượu cũng được chứng minh làm giảm tần suất uống và lượng rượu tiêu thụ, dẫn đến giảm tỷ lệ xơ gan, chấn thương do tai nạn giao thông hoặc bạo lực do say xỉn. Mức thuế càng cao, tác động càng lớn.

Nhà kinh tế và nghiên cứu dinh dưỡng Barry Popkin từ Đại học UNC Chapel Hill cho biết có bằng chứng rõ ràng cho thấy đồ uống có đường liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe mạn tính. Chúng làm đường huyết tăng cao hơn so với hầu hết các thực phẩm, gây xáo trộn và dần phá hoại quá trình điều tiết insulin trong cơ thể. Đường hòa tan trong đồ uống không kích hoạt cơ chế nhận biết no của não như thức ăn đặc. Nghĩa là đồ uống có đường không khiến bạn giảm khẩu phần ăn lại dẫn đến dư thừa năng lượng nạp vào cơ thể.

Nếu uống chai nước ngọt 20 fl oz (gần 600ml), nghĩa là bạn đã nạp thêm khoảng 250 kcal, tương đương hơn 10% năng lượng cần thiết hằng ngày của một người đàn ông trưởng thành. Một phân tích gộp tổng hợp từ 310,819 mẫu cho thấy những người uống ít nhất 1 lon nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 26% so với người chỉ uống không quá 1 lon nước ngọt mỗi tháng.

Một nghiên cứu mô hình về mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Mexico giảm 10% (tương đương 39% dân số giảm lượng calo tiêu thụ) dự đoán sẽ làm giảm được 189,300 ca mắc đái tháo đường type 2 và giảm 20,400 ca đau tim hoặc đột quỵ trong 10 năm tiếp theo.

Nghiên cứu này tập trung vào đồ uống chứa chất tạo ngọt mang năng lượng như sucrose (đường ăn) và si-rô bắp có hàm lượng fructose cao, không chỉ soda mà còn có trong nước tăng lực, nước ép quả có thêm đường, cà phê và trà có đường.

Có ít nghiên cứu hơn, về tác động sức khỏe của nước ép quả nguyên chất và đồ uống có chất tạo ngọt tổng hợp không mang năng lượng, nên còn nhiều bàn cãi.

Đồ uống có đường không phải là thủ phạm duy nhất. Bác sĩ nhi khoa Kristine Madsen từ trường y tế công cộng UC Berkeley, nói rằng các thực phẩm chứa nhiều đường cũng là thủ phạm, nhưng rất khó phân loại để áp thuế hơn so với nước có đường. Bánh quy granola nhìn có vẻ lành mạnh nhưng thực ra chứa rất nhiều chất béo và đường. Các loại trái cây sấy khô với hàm lượng đường rất cao, nhưng lại được nhìn nhận chỉ là nguồn protein và chất xơ vì không bổ sung đường vào sản phẩm.

Logic của ý tưởng hạn chế sử dụng đường rất đơn giản: giá sản phẩm tăng lên sẽ có xu hướng ngăn cản mọi người mua nó, đặc biệt nếu nó không phải là thứ thiết yếu. Các nhà kinh tế nhận thấy hệ số co giãn nhu cầu theo giá (Price Elasticity of Demand, khái niệm trong kinh tế học, chỉ sự thay đổi của lượng cầu khi có sự thay đổi của giá) của đồ uống cũng tương đương như đối với rượu và thuốc lá.

Tại các quốc gia giàu có, hệ số này là -0.8, nghĩa là giá soda tăng 10% thì lượng mua giảm 8%. Hệ số co giãn nhu cầu theo giá thuốc lá là -0.4 và dao động từ -0.5 đến -0.8 đối với rượu.

Trong các cộng đồng thu thập thấp, hệ số này còn lớn hơn, -1.0, nghĩa là giá tăng 10% khiến lượng mua giảm 10%.

Các nhà nghiên cứu y tế công cộng đã tiếp xúc quá nhiều với các con số kiểu này, và cần nhiều hơn thế. Họ đã họp vào năm 2015 theo triệu tập của WHO để xem xét dữ liệu mua hàng thực tế tại các quốc gia đã áp thuế soda, và sử dụng mô hình máy tính để ước tính lượng calo bớt đi (từ việc tiêu thụ soda ít lại) đã làm giảm nguy cơ béo phì và đái tháo đường như thế nào. Báo cáo kết luận của WHO thừa nhận cần thêm các nghiên cứu, nhưng cũng ước tính mức thuế 20-50% là nhiều khả năng đem lại hiệu quả cao nhất, dựa trên các dữ liệu sẵn có.

Mức thuế đề xuất này khá tương đồng với thuế rượu, trung bình khoảng 17% (dao động từ 0.3% tại Cộng hòa Kyrgyzstan đến 44.9% tại Na Uy), và thuế thuốc lá, trung bình khoảng 48% tại các nước thu nhập cao và 32 % tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Một số ít quốc gia áp thuế rất cao. Saudi Arabia và UAE áp thuế 50% với đồ uống có đường và 100% với nước tăng lực, với mục đích tăng thu ngân sách, không phải vì sức khoẻ cộng đồng.

Nam Phi và Anh áp bậc thuế theo hàm lượng đường. Tại Anh, các nhà sản xuất dùng ít đường hơn, có thể thay bằng chất tạo ngọt nhân tạo, để tránh bậc thuế cao nhất. Coca-Cola từ chối biện pháp trên, họ chọn cách giảm thể tích mỗi sản phẩm và đẩy phần thuế này cho người tiêu dùng chi trả.

Tại một số thành phố của Mỹ, mức thuế dao động từ 1-2 cent/ounce. Mức thuế thấp này khó lòng ngăn cản những người thỉnh thoảng mới uống soda, mà hướng đến những người có thói quen nghiêm trọng hơn: 5% người Mỹ uống hơn 4 lon nước ngọt 12 oz, tương đương 600 kcal, hằng ngày.

Các nghiên cứu về thuế nước ngọt

Mexico là quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ áp thuế đồ uống chứa nhiều đường, và dĩ nhiên chính sách của họ trở thành hình mẫu nghiên cứu kỹ lưỡng. Mexico là quốc gia có thu nhập trung bình, đang gặp phải tình trạng y tế công cộng nghiêm trọng: 2/3 dân số bị thừa cân hoặc béo phì, và bệnh đái tháo đường trở thành nguyên nhân tử vong và tàn tật hàng đầu.

Mức thuế tại Mexico là 1 peso/1 lít đồ uống có đường, tương đương tăng khoảng 10% giá bán. Đồ uống có chất tạo ngọt tổng hợp, sữa không đường, nước ép quả nguyên chất được miễn trừ.

Tại nhiều nơi khác, các nhà hoạch định chính sách cho rằng lợi ích của việc thêm đường để khuyến khích trẻ uống sữa lớn hơn tác hại. Nhưng Mexico quyết định đánh thuế cả sữa và sữa chua có thêm đường.

Arantxa Colchero, nhà kinh tế y tế từ Viện Y tế Công cộng Quốc gia Cuernavaca cùng các đồng nghiệp đã thực hiện cuộc khảo sát toàn quốc với hơn 75,000 hộ gia đình. Phân tích cho thấy sức mua đã giảm 6% trong năm đầu tiên áp thuế, ngược lại lượng mua nước đóng chai tăng 16%. Colchero cho rằng đây là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy xu hướng chuyển sang giải pháp thay thế lành mạnh hơn. Sức mua đồ uống có đường đã giảm 10% trong năm tiếp theo.

Để thu được bằng chứng trực tiếp về ảnh hưởng của thuế đối với sức khỏe, cần phải theo dõi sức khỏe của một nhóm dân số trước và sau biện pháp thuế, trong một khoảng thời gian đủ dài – các nhà nghiên cứu đề xuất là 10 năm.

Liệu sức khỏe của cộng đồng có trở nên tốt hơn? Họ đã áp dụng mô hình Framingham với các biến số về tuổi, giới, hút thuốc, chỉ số khối cơ thể BMI,… để dự đoán xu hướng sức khoẻ tim mạch. Nghiên cứu mô hình về mức tiêu thụ đồ uống có đường giảm 10% (tương đương 39% dân số giảm lượng calo tiêu thụ) dự đoán sẽ làm giảm được 189,300 ca mắc đái tháo đường type 2 và giảm 20,400 ca đau tim hoặc đột quỵ trong 10 năm tiếp theo.

Một nghiên cứu khác chuyển đổi sự sụt giảm sức mua soda sang lượng calo tiêu thụ bị giảm, từ đó dự báo sự thay đổi chỉ số khối cơ thể BMI. Với mức thuế hiện tại, nghiên cứu này dự đoán tỷ lệ béo phì sẽ giảm 2.5% sau 10 năm, nghĩa là sẽ có ít hơn vài triệu người bị béo phì tại Mexico sau 10 năm.

Cả hai mô hình giả định đều cho thấy tăng thuế gấp đôi sẽ tạo lợi ích y tế công cộng gấp đôi. Cơ quan lập pháp Mexico đang xem xét luật để triển khai việc này.

Tại Berkeley, nơi áp dụng thuế đồ uống có đường đầu tiên tại Mỹ, với mức khiêm tốn 1 cent/oz, cũng ghi nhận sức mua giảm 10%. Doanh số nước đóng chai, không bị đánh thuế, tăng 16%; doanh số đồ uống từ rau quả và trà, không bị đánh thuế, tăng 4%.

Thuế đồ uống có đường tại một số địa phương ở Mỹ.

Thuế đồ uống có đường 1.5 cent/oz tại Philadelphia khiến sức mua giảm đến 51% trong năm tiếp theo, dựa vào dữ liệu của các siêu thị, hiệu thuốc trên địa bàn. Baltimore, thành phố gần đó, có đặc điểm dân cư tương đồng, và không áp thuế, đã không xảy ra thay đổi về doanh số.

Khoảng ¼ sự sụt giảm nêu trên được bù lại bởi sự gia tăng doanh số tại các vùng dân cư liền kề, nghĩa là một số người sẵn sàn sang nơi khác để mua soda, hoặc mua một ít khi đi ngang qua.

Sau khi hiệu chỉnh, sức mua soda của cư dân Philadelphia giảm khoảng 38%, tương đương 78 triệu lon thể tích 12 oz hàng năm, hoặc 49 lon mỗi người trong thành phố 1.6 triệu dân.

Sức mua giảm sâu tại Philadelphia được giải thích bởi mức thuế cao hơn và thu nhập thấp hơn (so với Berkeley), nên cư dân bị tác động nhiều hơn từ việc tăng giá. Ngoài ra, cư dân Berkeley cũng uống ít soda nên sức mua tại đây đã thấp sẵn. 

Một khảo sát của nhà kinh tế John Cawley từ đại học Cornell cho thấy người trưởng thành tại Philadelphia giảm tiêu thụ 10 lon soda mỗi tháng sau khi soda bị áp thuế, tương tương 31%. Mức tiêu thụ trung bình ở trẻ em không thay đổi, nhưng có giảm ở nhóm trẻ thường xuyên uống nước ngọt.

Hướng đến sự lành mạnh

Để thu được bằng chứng trực tiếp về ảnh hưởng của thuế đối với sức khỏe, cần phải theo dõi sức khỏe của một nhóm dân số trước và sau biện pháp thuế, trong một khoảng thời gian đủ dài. Đây là quá trình cực kỳ tốn kém về tiền của và công sức.

Phương án thay thế là đánh giá sự thay đổi về tỷ lệ béo phì và đái tháo đường của toàn bộ dân số, nhưng đòi hỏi nhiều dữ liệu và các phép thống kê phức tạp. Các nhà nghiên cứu đề xuất 10 năm là khoảng thời gian hợp lý để thấy được sự thay đổi về tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường và tim mạch. Đó cũng là khoảng thời gian cần thiết để thấy tỷ lệ ung thư phổi giảm xuống sau khi các bang bắt đầu áp thuế thuốc lá.

Trong thời gian chờ đợi một đáp án rõ ràng về lợi ích sức khoẻ, ít nhất việc áp thuế cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách đáng kể. Các thành phố áp thuế này đã thu về thêm 133 triệu $ hàng năm để chi tiêu cho các dịch vụ công cộng. Philadelphia đã dùng khoản thu này để mở rộng giáo dục mầm non. Berkeley chuyển số tiền này cho các tổ chức địa phương nhằm thúc đẩy thể dục và giáo dục dinh dưỡng, bao gồm dự án Edible Schoolyard xây bếp trong vườn các trường trung học cơ sở để dạy trẻ về thực phẩm và dinh dưỡng.

Tiền thuế của thành phố Seattle được dùng để trợ cấp rau quả cho người có thu nhập thấp. Do các hoạt động tiếp thị của các công ty nước giải khát, các cộng đồng có thu nhập thấp có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường cao hơn và tỷ lệ mắc bệnh liên quan cao hơn. Vì vậy, khoản thu từ thuế sẽ được đầu tư cho nhóm đối tượng này, nhằm giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường gây ra.□

Cao Hồng Chiến dịch

Nguồn bài và ảnh: https://knowablemagazine.org/article/health-disease/2019/do-soda-taxes-work?

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)