Đạo đức của khoa học

Một trong những mối quan tâm của triết học là các hình thái ý thức xã hội, bao gồm khoa học, đạo đức, tôn giáo, ý thức pháp quyền và ý thức hệ chính trị. Trong lịch sử phát triển của mình, mối quan hệ giữa khoa học (là một hình thái ý thức xã hội) với các hình thái ý thức xã hội khác (đạo đức, tôn giáo, ý thức pháp quyền và ý thức hệ chính trị) luôn là một vấn đề nhức nhối, mà một nỗi đau xuyên suốt của khoa học, là các hình thái ý thức xã hội kia luôn dẫn đến những bi kịch nan giải cho khoa học.

Quan hệ đạo đức và khoa học là chủ đề được bàn đến từ lâu trên các diễn đàn khoa học. Trong số những học giả Việt Nam quốc nội và hải ngoại bàn về chủ đề này, chúng ta có thể gặp nhiều bài viết từ đủ các lĩnh vực chuyên môn và bàn về đạo đức khoa học từ nhiều góc độ khác nhau: triết học, Phật giáo, Thiên chúa giáo… Trên mạng hiện nay vẫn còn lại nhiều bài có thể đọc từ nhiều góc độ đó. Chỉ cần tìm sơ sơ cũng có thể gặp những tên tuổi có bài viết hoặc được trích dẫn trên mạng, như Nguyễn Đình Hòa (Hà Nội), Đặng Mộng Lân (Hà Nội, đã mất), Trần Chung Ngọc và Trịnh Xuân Thuận (Hoa Kỳ), Nguyễn Văn Tuấn (Australia). Bài này xin đóng góp một vài thiển kiến liên quan một số nội dung mà các tác giả đã bàn về đạo đức trong khoa học.

Hàng loạt các thành tựu khoa học đều đã và đang là những thứ tội phạm nguy hại nhất trong xã hội đương đại. Và như thế, chúng ta có thể lên án hầu hết các nhà khoa học, rằng họ là đã và đang là hiểm họa cho sự an toàn sức khỏe, phá hoại môi sinh và hơn nữa họ cũng đều đã và đang là nguy cơ của sự hủy diệt của con người.

Một trong những chủ đề được bàn khá sôi nổi, với những ý kiến rất trái ngược nhau, đó là cơ sở đạo đức trong việc lựa chọn phương hướng nghiên cứu. Đây là một trong những vấn đề được nhiều người bàn đến nhất. Từ góc nhìn này, người ta đã phê phán hàng loạt nhà nghiên cứu liên quan đến những thành tựu “độc hại” của họ, chẳng hạn, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng, chất điôxin, đột biến gene và nhân bản vô tính,… rồi đến các thành tựu về vũ khí giết người hàng loạt, như bom nguyên tử, bom nhiệt hạch, bom neutron, bom áp nhiệt, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học v.v.
Rõ ràng, theo mạch tư duy này, chúng ta có thể phán xét, trong xu thế phát triển của xã hội mà chúng ta đang sống, hàng loạt thành tựu khoa học đều đang là mối đe dọa nghiêm trọng phá hoại sự toàn vẹn của hệ sinh thái, rồi an ninh môi trường, và đi xa hơn nữa, an ninh môi trường đang trở thành một hiểm họa đe dọa an ninh quốc gia. Trong số những người được nêu lên để phê phán, người ta có thể đọc được cả tên tuổi của Einstein, khi ông ký tên vào bức thư gửi Tổng thống Roosevelt yêu cầu Hoa Kỳ gấp rút sản xuất bom nguyên tử. Kết quả là hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đã được nếm trải cuộc thử nghiệm đau đớn đó. Và rồi để chứng minh cho đạo đức khoa học của Einstein, người ta đã không quên trích dẫn một câu nói thể hiện sự ân hận của Einstein về việc đã viết thư hối thúc Tổng thống Hoa Kỳ sản xuất bom nguyên tử. Có một số bài viết còn đánh giá rằng, đây là một “vệt tối” trong cuộc đời hoạt động của Einstein.
Cứ như thế suy diễn, chúng ta có thể nhận định một cách rất đúng đắn, rằng hàng loạt các thành tựu khoa học đều đã và đang là những thứ tội phạm nguy hại nhất trong xã hội đương đại. Và như thế, chúng ta có thể lên án hầu hết các nhà khoa học, rằng họ là đã và đang là hiểm họa cho sự an toàn sức khỏe, phá hoại môi sinh và hơn nữa họ cũng đều đã và đang là nguy cơ của sự hủy diệt của con người. Ở đây có lẽ chỉ còn trừ mấy nhà toán học và thiên văn học thì… may ra chẳng đụng đến ai. Chỉ họ mới đủ “tư cách” để phán xét đạo đức của người nghiên cứu. Nhưng nói cho cùng thì họ đâu có vô can? Hàng loạt cơ sở toán học đã được nghiên cứu để tính toán đường bay cho hỏa tiễn xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân để giết người hàng loạt (!) Rồi các thành tựu nghiên cứu vũ trụ cũng được sử dụng cho việc phóng những con tàu phục vụ các mục tiêu vũ trang và tham vọng chiến tranh giữa các vì sao của các cường quốc vũ trụ (!) Quả thực họ đâu có vô can chút nào (!) Và cuối cùng, nếu cứ suy diễn như vậy, thì tốt nhất nhân loại hãy rủ nhau quay trở về thời đồ đá (!)
Rõ ràng, không có nhà khoa học, thì không thể có bom nguyên tử, bom nhiệt hạch, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí áp nhiệt… Có những thứ vũ khí không chỉ giết người hàng loạt, mà còn gây di hại đến nòi giống của nạn nhân. Tôi đọc được một bài trích dẫn ý kiến của một khoa học gia có tên tuổi trên thế giới, là người gốc Việt, đang là giáo sư của một đại học có tên tuổi ở nước ngoài: “Thật không thể tha thứ được cho bất cứ khoa học gia nào biết rõ là mình đang phát triển những dụng cụ giết người và giết người tập thể”.
Vậy xét về mặt đạo đức, chúng ta có thể vạch đường biên giữa những nghiên cứu “có đạo đức” và những nghiên cứu “vô đạo đức” không?

Chúng tôi thử phân tích một câu chuyện giả tưởng trong tiểu thuyết “Trái tim chó” được xuất bản vào năm 1935 ở Liên Xô của Bulgakov1: Một vị giáo sư làm thí nghiệm cấy tuyến yên của người vào chó. Kết quả chó dần dần biến thành người. Ông giáo sư đã sử dụng người này làm nhân viên tạp dịch trong phòng thí nghiệm. Đương nhiên, con người mà giáo sư tạo ra mang đúng bản chất xã hội của con người có tuyến yên đã cấy cho con chó, thể hiện ở những ngôn từ đầu tiên anh ta phát ra: “giai cấp vô sản”, “chen hàng mua bia”. Con người này tham gia vào các hoạt động đường phố, ban đầu là dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, rồi mở rộng quan hệ không còn bó hẹp trong bốn bức tường labô nữa, mà trở thành nhân vật chủ chốt trong mọi hoạt động … từ vệ sinh công cộng đến trấn áp bọn gian thương, tư sản, … rồi anh ta có cả sáng kiến tịch thu một phần diện tích labô của vị giáo sư, mà đến nay anh ta mới được biết, đó là một chuyên gia tư sản, là kẻ thù của nhân dân. Cứ như thế, anh ta tiếp tục thăng tiến làm đến chức vụ giám đốc một sở của thành phố. Anh ta càng có nhiều thế lực để đấu tranh với giai cấp tư sản và bè lũ tay sai ngay trong labô của nhà khoa học, quyền hành đến mức anh ta đủ sức mạnh sai khiến, hạch sách từ tên giáo sư đến mọi nhân viên trong labô, bắt nữ thí nghiệm viên để hãm hiếp… Cho đến một ngày, tập thể nhân viên không còn sức cam chịu, đã rình bắt trói anh ta lại, tháo tuyến yên… Anh ta trở lại nguyên hình con chó, lại ngoan ngoãn trong vòng tay các thí nghiệm viên khoa học.
Đến lượt chúng ta nghĩ gì đây? Lên án ông giáo sư là có tội, đã sinh ra một quái vật hình người, hay là tuyên dương công trạng của ông ta đã đạt được một thành tựu khoa học? Rất khó phán xét một cách quá giản đơn. Ở đây, thành tựu là của nhà khoa học. Xã hội hóa thành tựu ấy là công việc của xã hội. Thành tựu ấy có thể là rất đạo đức, vì nó mang lại lợi ích cho xã hội, và cũng có thể rất vô đạo đức, trở thành cái ung nhọt của xã hội.
Bây giờ trở lại câu chuyện của Einstein. Có người đã cố chứng minh Einstein có tội, vì đã viết thư hối thúc Tổng thống Mỹ sản xuất bom nguyên tử; Có người cố sức chứng minh ông vô tội, với lập luận rằng, Einstein chỉ là người ký bức thư đó, còn tác giả đích thực của bức thư đó chính là Léo Szilard và Edward Teller, người sau này là cha đẻ bom nhiệt hạch của Mỹ, và rằng Einstein chỉ là người được thuyết phục để đứng tên ký bức thư đó mà thôi.

Có những mô hình là thành công, mang lại sự phát triển phồn vinh cho xã hội, song có những mô hình thất bại, đã đẩy một bộ phận dân chúng vào một cuộc thí nghiệm xã hội, dẫn một bộ phận dân chúng đến đói nghèo, cuối cùng là sự sụp đổ của mô hình kinh tế và xã hội đã đề xướng. Thí nghiệm đơn thuần về mặt sinh học trên cơ thể một con người còn bị lên án về mặt đạo đức. Nó đáng là gì để lên án so với việc tiến hành một thí nghiệm xã hội trên cuộc sống của ngàn vạn con người???

Đúng là với bức thư đó, Einstein đã thuyết phục được tổng thống Roosevelt chấp nhận đề án bom nguyên tử do và đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trên đảo Bikini. Nhưng khi nhận ra sự sụp đổ nhãn tiền của chủ nghĩa phát xít, Einstein đã cùng một loạt các nhà khoa học, lập tức khẩn khoản đề nghị Chính phủ Mỹ dừng kế hoạch ném bom. Nhưng đã quá muộn, Tổng thống H. Truman, người kế nhiệm Roosevelt vẫn ra lệnh ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào các ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945.2
Để lý giải hành động của Einstein, chúng ta cần nhớ lại rằng, ngày 2/8/1939, khi Einstein gửi thư đến Tổng thống Roosevelt, ông đưa lời khuyến cáo rằng Đức có thể có một chương trình sản xuất bom nguyên tử và đề nghị chính quyền Mỹ nên xem xét một kế hoạch nghiên cứu như thế. Chúng ta có thể hiểu động cơ của Einstein khi ông hối thúc Tổng thống Roosevelt thực hiện chương trình sản xuất bom nguyên tử khi đọc những dòng sau trong thư của Einstein: “Tôi ý thức nguy cơ khủng khiếp cho nhân loại về sự thành công của công việc chế tạo bom nguyên tử. Khả năng người Đức cũng cùng làm việc này với triển vọng thành công đã buộc tôi đi đến việc làm này (tức việc hối thúc Tổng thống Mỹ triển khai chương trình sản xuất bom nguyên tử)”. Đến đây, chúng ta có thể lý giải, việc Einstein kiến nghị Tổng thống thực hiện chương trình sản xuất bom nguyên tử là một hành động có cơ sở đạo đức. Ông nhìn thấy nguy cơ Đức sẽ thành công trong việc sản xuất bom hạt nhân3, và ông muốn Chính phủ Mỹ có hành động ứng phó, vì có lẽ ở thời điểm này, trong phe Đồng Minh, chỉ Mỹ là cường quốc duy nhất có đủ sức mạnh tạo ra một đối trọng hạt nhân để kiềm chế thảm họa hạt nhân mà người Đức có thể mang đến cho nhân loại.
Một vài bài báo có ý nhấn mạnh, là Einstein đã rất ân hận trong việc hối thúc Tổng thống Roosevelt sản xuất bom nguyên tử. Chúng ta có đủ căn cứ để phán đoán rằng Einstein ân hận không phải vì việc đó, mà ân hận rằng đã đánh giá sai người Đức, nên mới tìm kiếm sức đối trọng từ Mỹ. Sau khi Mỹ ném hai trái bom nguyên tử xuống Nhật tháng 8-1945, đúng là Einstein đã rất ân hận, nhưng chúng ta hãy nghe ông nói: “Nếu tôi biết được rằng người Đức không sản xuất được bom nguyên tử thì tôi đã không động đến một ngón tay”.
Tôi đọc được trong một bài viết ở đâu đó, Chu Hảo kể lại rằng, khi bị lên án là người đưa sáng kiến sản xuất bom nguyên tử, Einstein đã trả lời một cách rất hóm hỉnh … “Lên án nhà khoa học đưa sáng kiến sản xuất bom nguyên tử, thì không khác gì lên án những người đặt ra con chữ vì những điều nhảm nhí được viết trong kinh thánh”. Tôi thật sự tâm đắc với trích dẫn này.
Trong những năm gần đây, sau những thành công bước đầu về kỹ thuật tạo sinh (cloning), vấn đề đạo đức khoa học lại trở nên sôi động trên các diễn đàn. Trong cuộc bàn thảo này, người ta nhận ra không chỉ có các nhà khoa học, các nhà đạo đức học, triết học, mà xuất hiện cả tiếng nói của các tôn giáo, giống như những phản ứng đã từng nổ ra trong lịch sử khoa học sau khi xuất hiện học thuyết Darwin. Cuộc thảo luận lần này sôi động xuất phát từ rất nhiều lý do: con người không chỉ mang bản chất một sinh vật, mà còn là một sản phẩm xã hội. Người ta nghi ngờ rằng, các thí nghiệm tạo sinh sẽ chỉ tạo ra một sản phẩm sinh học, tựa như các vật nuôi trong nhà, chưa nói đến một điều khác, với những thành tựu của công nghệ gien người ta có thể tạo ra một “đạo quân” đặc chủng, gồm những kẻ hiếu sát hung bạo, để phục vụ một mục đích đen tối nào đó của con người.
Cuộc thảo luận không kết thúc ở đây. Người ta vẫn bàn đến kỹ thuật tạo sinh khi đề cập những triển vọng đầy đạo đức. Đó là sử dụng kỹ thuật tạo sinh để hỗ trợ những người vô sinh, để họ cũng có được cái hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Nhưng rồi lại vấp phải một vấn đề đạo đức khác: vật thể sinh ra từ tế bào của người cha, hoặc người mẹ, xét về bản chất, không phải là con của họ, mà chỉ là một phần của họ được tách ra. Họ không có tư cách gì để nhận làm cha và làm mẹ cái con người được hình thành từ kỹ thuật nhân bản họ. Người ta cũng bàn đến những triển vọng “mang tính đạo đức” hơn, đó là sử dụng phương pháp tạo sinh để nuôi cấy tạng cho con người khi họ mắc những căn bệnh cận kề cái chết do phủ tạng gây ra.
Tuy nhiên, đến đây các nhà nghiên cứu lại vướng vào những nguyên tắc khác về đạo đức khoa học: không cấy ghép tạng trên con người. Nguyên tắc đạo đức này không chỉ còn là một nguyên tắc ngầm định chung chung nữa, mà đã được ghi bằng “giấy trắng mực đen” trong Tuyên ngôn Helsinki4 (Declaration of Helsinki) ngày 24/4/2006 (!)
Từ đầu đến giờ chúng ta bàn đến những khó khăn trong việc vạch đường biên đạo đức trong các lĩnh vực nghiên cứu về khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Còn khoa học xã hội thì sao? Đâu đó cũng có ý kiến cho rằng, khoa học xã hội thì mang tính xã hội rất cao, hoàn toàn có thể vạch định một đường biên giữa đạo đức với khoa học. Xin thưa rằng, điều này lại càng không đơn giản. Tìm đường biên về đạo đức trong khoa học tự nhiên còn khó, huống chi tìm đường biên về đạo đức trong khoa học xã hội. Chẳng hạn, một số nhà nghiên cứu lên án về mặt đạo đức của những người đề xướng và thí nghiệm một mô hình kinh tế hoặc xã hội nào đó. Có những mô hình là thành công, mang lại sự phát triển phồn vinh cho xã hội, song có những mô hình thất bại, đã đẩy một bộ phận dân chúng vào một cuộc thí nghiệm xã hội, dẫn một bộ phận dân chúng đến đói nghèo, cuối cùng là sự sụp đổ của mô hình kinh tế và xã hội đã đề xướng. Còn những người khác thì bảo vệ công cuộc thực nghiệm đó, cho rằng, việc đề xướng mô hình này mô hình khác là đi tìm kiếm những giá trị đạo đức mới nhằm xóa bỏ những bất công của xã hội hiện thời. Đến đây, chúng ta lại có thể mở ngoặc một chút: Thí nghiệm đơn thuần về mặt sinh học trên cơ thể một con người còn bị lên án về mặt đạo đức. Nó đáng là gì để lên án so với việc tiến hành một thí nghiệm xã hội trên cuộc sống của ngàn vạn con người???

“Lên án nhà khoa học đưa sáng kiến sản xuất bom nguyên tử, thì không khác gì lên án những người đặt ra con chữ vì những điều nhảm nhí được viết trong kinh thánh”.

                EINSTEIN

Lập luận này không hề khác biệt với các nghiên cứu thí nghiệm khoa học về vũ khí giết người: Xét về lý do giúp một chính quyền bảo vệ Tổ quốc, thì việc nghiên cứu thí nghiệm vũ khí giết người là một việc làm đầy đạo đức. Đến khi chính quyền đó sử dụng vũ khí để đàn áp dân chúng, thì công việc nghiên cứu kia lại trở thành vô đạo đức.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đã phát động “Tuần lễ vàng” để phục vụ kháng chiến. Một số người được Chính phủ giao nhiệm vụ mang vàng ra nước ngoài mua vũ khí phục vụ kháng chiến, trong đó, có vị vẫn đang còn sống cùng thời với chúng ta, chẳng hạn, anh Nguyễn Như Kim, nguyên viện trưởng Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương, thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, tức Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay. Vũ khí ấy được sản xuất ở những nước đế quốc, khi đó đang cùng người Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Vậy các tác giả của những sáng chế giết người đó đáng được chúng ta tuyên dương về mặt đạo đức, hay lên án họ về mặt đạo đức?
Chính vì thế, mà mọi thái độ ứng xử đối với đạo đức của nhà nghiên cứu đều phải được cân nhắc một cách rất thận trọng. Khó có thể lên án hồ đồ về đạo đức của các nhà nghiên cứu khi chúng ta biết họ dang nghiên cứu về một công trình nào đó, mà với tư duy nông cạn, chúng ta tưởng rằng nó có nguy hại cho đời sống xã hội. Đừng đẩy họ vào những bi kịch không đáng có như đã từng diễn ra trong lịch sử khoa học của thế giới.
Hơn nữa, cũng rất cần cân nhắc một cách thận trọng hơn nhiều khi viết ra các điều khoản pháp luật nhằm … ngăn chặn những phương hướng nghiên cứu … “vi phạm đạo đức” và những điều khoản đại loại như “đe dọa an ninh quốc gia”. Những điều khoản như thế, nếu được viết ra, vừa không thể vận dụng được, vừa dẫn đến nguy cơ ngăn chặn mọi sáng kiến nghiên cứu, vì, nói cho cùng, thành tựu nào cũng có thể dẫn đến phương hại đạo đức và an ninh quốc gia.
Vấn đề là phải quy trách nhiệm đạo đức cho những kẻ sử dụng các thành tựu đó vào mục đích xã hội nào.

——–
[1] Xem “Trái tim chó”, Tiểu thuyết Bulgakov, Bản dịch của Đoàn Tử Huyến, Nxb Đông Tây, Hà Nội, 2006.
2 Phạm văn Tình, Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 173, tháng 7/2005.
3 Hitler sản xuất bom nguyên tử trước cả Mỹ? Xem http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?
4 Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2006/8/11/76651.html

 

Vũ Cao Đàm

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)