Đào tạo nhân lực cho ngành kinh tế ở Việt Nam: Đề xuất mô hình mới

Từ thực tế chất lượng đào tạo ngành kinh tế trong nước chưa được như kỳ vọng, chúng tôi đề xuất một mô hình mới khả thi, để xây dựng một trường kinh tế đào tạo nguồn nhân lực tốt cho Việt Nam. Từ mẫu hình này, các trường khác có thể rút kinh nghiệm để cải cách lại mô hình giáo dục của trường mình.

Từ mô hình hai trường Toulouse School of Economics (TSE), Paris School of Economics (PSE), các tác giả đề xuất xây dựng trường có chất lượng tầm cỡ quốc tế. Ảnh: minh họa của trường Toulouse School of Economics (TSE).

Hiện tượng lạ trong đào tạo

Lâu nay, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam, đặc biệt những người phụ trách giáo dục đã đưa ra tiêu chuẩn rất cao, nhằm đưa một (hoặc nhiều) trường đại học của Việt Nam lọt vào top 200 trên thế giới. Nhưng thực tế bức tranh về đào tạo kinh tế của chúng ta chưa được như kỳ vọng, một mặt chúng ta không có nhiều công trình được đăng trên những tạp chí quốc tế chất lượng cao, mặt khác chất lượng bằng cấp của các trường đại học khối kinh tế không đạt yêu cầu mong đợi. Có nhiều trường hợp sinh viên Việt Nam xuất sắc được nhận học bổng tiến sỹ kinh tế tại Havard và MIT, nhưng những em sinh viên này đều học cử nhân tại Mỹ.

Quả thực, theo như kinh nghiệm chúng tôi hướng dẫn luận án tiến sỹ cho nhiều sinh viên Việt Nam mà trong đó nhiều người đã học cử nhân, thậm chí thạc sỹ tại các đại học trong nước, thì các em gặp nhiều khó khăn khi làm luận án. Trong khi đó, những em được theo học những chương trình cử nhân tại Pháp hay Mỹ thì luận án hoàn thành thuận lợi hơn, nếu các em chịu khó. Một vấn đề nghiêm trọng hơn mà tôi được biết, đó là giảng dạy kinh tế tại Việt Nam chủ yếu dựa trên phương pháp thầy đọc – trò chép, học thuộc lòng kiến thức mà thầy cô trước đó cũng chỉ học bằng cách học thuộc lòng (một trường hợp điển hình là mối liên hệ ngược chiều giữa cầu hàng hóa và giá cả, luôn được nói đến trong mọi giáo trình cơ sở cho sinh viên đại học kinh tế).

Chú ý rằng, dựa trên kết quả PISA, trình độ học sinh trung học phổ thông của Việt Nam nói chung tốt hơn nhiều nước phương Tây. Như vậy có thể nói rằng các trường đại học kinh tế của ta đã “góp phần” làm giảm chất lượng của “nguồn vốn con người” trong lực lượng sinh viên đại học trẻ tuổi. Vấn đề quan trọng phải thực hiện đầu tiên đó là cần nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Sau khi về Việt Nam giảng dạy kinh tế chúng tôi đánh giá, có hai nguyên nhân chính tạo nên “hiện tượng” lạ lùng này:

1. Nội dung chương trình học thấp hơn trình độ quốc tế, cả về kinh tế lẫn toán ứng dụng trong kinh tế.

2. Lương giảng viên quá thấp. Để có thêm thu nhập, họ buộc phải có thêm một hoặc thậm chí nhiều công việc làm thêm. Rất nhiều người phải dạy với thời gian khổng lồ (từ 500 đến 1.000 giờ/năm) để có thể có thu nhập đạt tới 1.000 hay 1.500 USD/tháng và không còn thời gian để nghiên cứu, nâng cao năng lực.

Đề xuất mô hình mới 

Do vậy, chúng tôi đề xuất thành lập đại học tậptrung vào hướng đào tạo kinh tế, tạm gọi là trườngKinh tế, Quản lý và Tài chính (VSEMF). 

Mục tiêu: Xây dựng một đại học về Kinh tế – Quản trị – Tài chính tầm vóc quốc tế, về khía cạnh giảng dạy lẫn khía cạnh nghiên cứu. Mục tiêu của trường gồm bước một trở thành một trung tâm về đào tạo và nghiên cứu kinh tế – quản trị – tài chính cho vùng Đông Nam Á, và bước hai, trở thành trung tâm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Lực lượng sinh viên tốt nghiệp tại trường sẽ trở thành một nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ khu vực kinh tế Việt Nam cũng như khu vực đào tạo và giảng dạy hay khu vực hành chính công.

Mỗi giảng viên trung bình ba năm phải có ít nhất một công trình đăng trên một tạp chí quốc tế hạng A hoặc hơn hoặc hai công trình đang trên tạp chí quốc tế hạng B.

Quy chế:

1. Trường Đại học VSEMF có quy chế tự chủ về ngân sách, chi tiêu, chương trình đào tạo và nghiên cứu, tuyển dụng.

2. Những nguồn tài chính của trường gồm: (a) học phí sinh viên, (b) hợp đồng với các tổ chức công và tư, của Việt Nam cũng như của các nước, (c) hợp đồng với các tổ chức liên quốc gia, (d) tài trợ từ các nguồn công và tư (tổ chức và cá nhân).

3. Nếu đây là đại học công thì chính phủ cấp đất, cấp vốn xây dựng sau đó trường sẽ thuộc sở hữu của nhà nước. Ban điều hành của trường công do chính phủ bổ nhiệm dựa trên đề nghị của hội đồng quản trị và hội đồng khoa học của trường. Trong trường hợp này VSEMF là tổ chức phi lợi nhuận.

Sau đây là những điểm khác biệt chính của mô hình này so với các mô hình đào tạo kinh tế học hiện tại ở Việt Nam.

Tại sao trước hết phải tập trung vào đào tạo kinh tế học thay vì các môn ứng dụng? Vì từ góc nhìn với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy của chúng tôi, thì chúng ta không thể có những nhà quản lý hay tài chính tài giỏi mà thiếu kiến thức vững chắc về kinh tế. Môn toán cũng đóng vai trò quan trọng trong chương trình chúng tôi đề xuất. Toán là một công cụ quan trọng trong kinh tế, quản lý và tài chính. Từ cuối năm thứ hai hoặc năm thứ ba, sinh viên có thể phát triển theo những hướng chuyên môn khác nhau trong đó có quản lý và tài chính. Nếu chương trình hoạt động tốt, chúng ta có thể hướng tới những chương trình tập trung vào quản lý và tài chính sớm hơn.

Về thu nhập của giảng viên: Nhờ cơ chế tự chủ, đại học mới này sẽ được tự quyết định chế độ lương. Chúng tôi đề xuất chế độ lương mà theo chủ quan của chúng tôi là phù hợp, đặc biệt với các vị trí Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng (xem hộp 1). Chế độ lương này tạo ra động lực cũng như nghĩa vụ đối với trường. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng tiền học phí sẽ không phải quá cao so với những trường như Fulbright Vietnam, RMIT Vietnam hay Đại học Việt Đức.

Đề xuất này khác biệt với hiện trạng ở các đại học kinh tế của ta thời gian giảng dạy của giảng viên phải dạy 500 đến 1000 giờ để có thể có thu nhập đạt tới 1.000 hay 1.500 USD/tháng. 

Các trường đại học kinh tế ở Việt Nam có chế độ tiền thưởng khi có công trình trên những tạp chí quốc tế. Ví dụ : một công trình trên những tạp chí quốc tế trong hạng A được thưởng 10.000 USD. Nhưng để có một năm một bài trong top tạp chí hạng A không phải dễ, chưa kể tiền thưởng 10.000 USD là trường hợp tác giả một mình đứng tên (theo như chúng tôi được biết). Đồng thời cùng lúc giảng viên phải dạy 300 giờ/năm để có lương 1.000 USD/tháng. Trường hợp “lý tưởng”: sau bốn năm có bốn bài hạng A (tất cả đều làm một mình), dạy tổng cộng 1.200 giờ thì mới có thu nhập 88.000 USD.

Do vậy, đề xuất giới hạn giờ giảng không quá cao, mức lương tốt mới “nuôi nấng” được nguồn nhân lực tốt cho trường. Xác suất có một bài hạng A trong trung bình ba năm với 135 giờ dạy/năm cao hơn xác suất có một bài hạng A trong trung bình ba năm với 300 giờ dạy/năm hay 500 giờ dạy/năm vì rất khó có được công trình trong hạng A với khối lượng giờ dạy như vậy.

Về mục tiêu: Đào tạo sinh viên chất lượng cao, tìm được việc làm tốt hoặc tiếp tục học sau đại học ở các trường tốt ở nước ngoài. Có thể nhiều người thắc mắc vì sao chúng tôi không đề xuất mục tiêu đưa trường vào top 200 trong một khoảng thời gian nào đó, ví dụ như 10 năm. Theo chúng tôi, điều quan trọng là đào tạo nên sinh viên tốt nghiệp có chất lượng cao, có năng lực giảng dạy, nghiên cứu, quản trị hành chính công cũng như quản trị tư. 

Để làm được điều này cần có những giảng viên có năng lực cao. Để trở thành giảng viên giỏi cần phải làm nghiên cứu. Vì vậy cần phải có mức lương đảm bảo thu nhập tốt, để giảng viên toàn tâm toàn ý vào chăm sóc sinh viên và làm nghiên cứu. Chúng ta cần tạo ra cơ chế khuyến khích xuất bản công trình trên những tạp chí quốc tế chất lượng cao, thậm chí những tạp chí hàng đầu (ví dụ như American Economic Review, Econometrica, Journal of Political Economy, Quarterly Journal of Economics, Review of Economic Studies, Journal of Finance, Management Science, The Accounting Review …). Lãnh đạo cũng như giảng viên của trường cần có tham vọng đưa trường đạt tầm cỡ quốc tế, có thể thu hút sinh viên đến từ châu Á và thậm chí những nơi khác trên thế giới. 

Có một phương pháp khác có thể nhanh chóng tạo nên một khoa Kinh tế, hoặc một đại học về Kinh tế nằm trong top 200, thậm chí là top 100 của thế giới trong thời gian khoảng mười năm hoặc cùng lắm là mười lăm năm. Đây là cách làm được một trường ở Pháp sử dụng rất thành công, và đã đưa trường lọt vào trong top 100 chỉ trong một khoảng thời gian từ 2009 tới 2016. Ví dụ, trường VSEMF có thể mời quãng 50 nhà khoa học kinh tế thuộc top đầu của thế giới (những người thường xuyên có công trình đăng trên những tạp chí hàng đầu), với chế độ lương thưởng đạt tầm 8.000 USD một tháng. Điều kiện đặt ra cho họ là họ chấp nhận cho trường sử dụng CV (lý lịch khoa học), và mỗi khi xuất bản công trình nghiên cứu thì họ ghi tên trường như cơ quan chính họ làm việc. Với cách làm này, chi phí mỗi tháng là khoảng 400.000 USD, và mỗi năm là gần 5 triệu USD nếu tính cả tiền thưởng cho công trình xuất bản. Mặt mạnh của phương pháp, ngoài việc tiết kiệm thời gian như đã nêu, còn có tác dụng tạo nên sợi dây liên kết trực tiếp giữa môi trường nghiên cứu tại Việt Nam và môi trường đỉnh cao của thế giới, tạo điều kiện cho những sinh viên giỏi có điều kiện làm luận án với những người hướng dẫn xuất sắc. Tuy nhiên, điểm yếu của phương pháp là chi phí cao, học phí rất cao so với điều kiện hiện nay Việt Nam, và không tạo ra hiệu ứng mạnh về giảng dạy ở cấp đại học hay thạc sỹ. Như thế, chúng ta không giải quyết vấn đề quan trọng phải thực hiện đầu tiên, đó là phải nâng cao chất lượng đào tạo đại học kinh tế hiện nay ở Việt Nam, đào tạo nên sinh viên tốt nghiệp có chất lượng cao, có năng lực giảng dạy, nghiên cứu, quản trị hành chính công cũng như quản trị tư.

Nhưng chúng ta có thể xây dựng lộ trình cho trường kinh tế mới này như sau: phấn đấu đào tạo thật tốt, nhất là trong ba năm đầu, sao cho sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp tìm được việc làm tốt, được đi học nước ngoài (Master, PhD) những chương trình tốt để tạo ra uy tín cho trường. Theo thời gian, số lượng sinh viên ghi tên sẽ nhiều lên, và trường sẽ có điều kiện tuyển dụng giảng viên với lương cao hơn. Kế hoạch là sau thời gian từ 12 đến 15 năm trường đạt con số 900 sinh viên (toàn trường) và 60 giảng viên chất lượng cao. Trường sẽ trả lương thầy cô 5.000 USD/tháng (sau khi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, …). Lương này tương đương với lương Assistant professor ở Singapore hiện nay. Khi đó chi phí lương bổng hằng năm sẽ là 3,6 triệu USD. Tính tổng chi phí có thể dự phòng thêm 1,4 triệu USD. Học phí sinh viên khi này sẽ vào quãng 5.500 USD/năm/em. Nếu kiếm được nguồn tài trợ khác từ bên ngoài, học phí sẽ thấp hơn.

Với lộ trình này, khả năng lọt vào top 200 cũng cao như phương án chúng tôi trình bày ở trên. Nhưng theo chúng tôi lộ trình này vững chắc hơn. Ngoài ra sau 12 đến 15 năm chúng ta sẽ tạo thêm một đội ngũ giảng viên người Việt chất lượng cao và một đội ngũ sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành những người làm kinh tế giỏi. Lọt vào top 200 hay top 100 chỉ là hệ quả của chính sách này.

Nếu có thể thực hiện thành công việc xây dựng một trường đại học với tham vọng như vậy, Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) sẽ trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo quan trọng của cả vùng, và Việt Nam sẽ không những tránh được tình trạng chảy máu chất xám và ngoại tệ mà còn thu hút nhân tài và ngoại tệ đến với Việt Nam.

Theo chúng tôi được biết, hiện nay có bốn trường đại học ở TPHCM đồng ý tạo ra một trường đại học “mới”, với điều kiện trường này có quyền tự chủ về hoạt động. Bốn trường này gồm: Đại học Sài Gòn, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Kinh tế–Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và Học viện Cán bộ TP.HCM.

Theo chúng tôi, bốn trường đại học này có thể cùng nhau trở thành thành viên tập thể sáng lập. Những thành viên sáng lập khác có thể là: Ủy ban Nhân dân TPHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc đại diện của Bộ: Sở Giáo dục TPHCM)…Từ kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn ở Pháp, Úc cũng như hiểu biết thực tế về đào tạo kinh tế học ở Việt Nam, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn cho mô hình trường mới này. 

Chúng tôi cũng đã xây dựng đề cương chi tiết cho chương trình cử nhân và thạc sỹ cho VSEMF, trong đó có dự toán về chi phí. Các nhà chuyên môn và nhà quản lý có thể xem đường link sau để thảo luận: https://depocen.org/document/others/

————-

Hộp 1:

Đề xuất giảng viên trường “Kinh tế, Quản lý và Tài chính” có mức lương trung bình 2.000 USD/tháng và có nghĩa vụ (1) dạy 135 giờ mỗi năm, trải dài trên hai học kỳ, (2) làm nghiên cứu, (3) gặp gỡ sinh viên khi cần thiết, 3h một tuần, (4) tham gia vào hoạt động khác của VSEMF, (5) khi có thể, giúp đỡ Hội đồng đào tạo và nghiên cứu tìm kiếm nguồn tài trợ thêm cho VSEMF.

Mỗi giảng viên trung bình ba năm phải có ít nhất một công trình đăng trên một tạp chí quốc tế hạng A hoặc hơn hoặc hai công trình đang trên tạp chí quốc tế hạng B, trong một danh sách sẽ được thiết lập bởi Hội đồng giáo dục và đào tạo, được sự chấp thuận của Hội đồng khoa học.

 Bài đăng Tia Sáng số 7/2024

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)