Đập trên các nhánh gây thiệt hại về nguồn cá nhiều hơn

Các đập trên các nhánh của sông Mekong gây thiệt hại nguồn cá cao hơn so với đập trên sông chính.

Những đập ở các nhánh sông Mekong gây ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn tới đa dạng nguồn cá và an ninh lương thực hơn là những đập trên sông chính, theo báo cáo mới đây của các nhà nghiên cứu.

Việc phát triển thủy điện trên các nhánh sông Mekong lâu nay ít bị để ý hơn là trên sông chính. “Đa số sự chú ý tập trung vào các dự án đập trên dòng chính của sông Mekong, ví dụ như đập Xayaburi của Lào”, nhận xét từ Guy Ziv, một nhà khoa học môi trường từ Đại học Stanford, California. “Nhưng tác động từ những đập trên nhánh sông thì chưa được nghiên cứu nhiều”.

Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 05/03 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences1, “cho thấy tính cấp thiết của việc xem lại sự phát triển thủy điện trên toàn bộ Lưu vực sông Mekong”, nhận định từ Ame Trandem, giám đốc chương trình Đông Nam Á  của tổ chức môi trường International Rivers tại Bangkok.

Với một lưu vực sông rộng 800 nghìn km vuông, Lưu vực sông Mekong là nguồn cá đất liền lớn nhất trên thế giới, và là nơi sinh sống của 65 triệu người từ 6 quốc gia: Myanmar, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam, và Cambodia. “Đa số cư dân là người nghèo, 81% nguồn protein trong dinh dưỡng của họ là từ cá sông”, Ziv cho biết.

Địa hình dốc khiến sông Mekong trở thành nơi thuận lợi cho phát triển thủy điện. Do nhu cầu điện và phát triển kinh tế gia tăng, 11 đập đang được xây dựng trên sông chính, và 41 đập trên các sông nhánh, dự kiến hoàn thành trong vòng 4 năm tới. Khoảng 10-37 đập khác nhiều khả năng sẽ được xây dựng từ 2015 tới 2030.

Sử dụng một mô hình mô phỏng dòng di cư của cá, Ziv và các cộng sự đã nghiên cứu thấy rằng nếu tất cả các đập được xây dựng, chúng sẽ làm năng suất đánh bắt cá giảm 51%, và gây nguy hiểm cho 100 loài cá di cư.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tập trung vào 27 đập trên các sông nhánh hiện vẫn chưa chắc chắn có được xây hay không. Nhóm nghiên cứu đã bị bất ngờ, theo Ziv cho biết, khi nhận ra rằng thiệt hại về đa dạng nguồn cá và năng suất đánh bắt trên các đập ở sông nhánh là cao hơn so với các đập trên sông chính của sông Mekong.

Nhóm nghiên cứu đã bị bất ngờ, theo Ziv cho biết, khi nhận ra rằng thiệt hại về đa dạng nguồn cá và năng suất đánh bắt trên các đập ở sông nhánh là cao hơn so với các đập trên sông chính của sông Mekong.

“Từng đập riêng lẻ có thể không gây ảnh hưởng lớn”, Ziv nói. “Nhưng nếu tính tác động của tổng cộng 27 đập thì thiệt hại là rất lớn”. Điều này không chỉ do diện tích lưu vực dành cho cá di cư bị hẹp lại, mà vì một số nơi dành cho thủy điện trùng với những tuyến di trọng yếu của các loài cá”, ông nói.

Một khu vực rất quan trọng, như nghiên cứu cho thấy, là hệ thống sông 3S ở Đông Bắc Cambodia, Nam Lào, và miền trung Việt Nam, chiếm đa phần bởi ba nhánh sông Mekong chủ đạo là Sê San, Sê Kông, và Sre Pok. Đập ở các khu vực này gây ảnh hưởng xấu nhất tới hoạt động di cư của cá. Ví dụ đập Hạ Sê San 2 ở Cambodia sẽ làm giảm 9,3% khối lượng cá trên toàn lưu vực. “Thiệt hại sẽ ghê gớm”, Ziv nhận định.

“Mỗi vị trí đập có một con số riêng cho mức đánh đổi giữa lượng năng lượng sản xuất ra so với thiệt hại về đa dạng nguồn cá và năng suất đánh bắt cá”, Ziv cho biết. “Thủy điện Hạ Sê San 2 là nơi gây ra thiệt hại cao nhất về môi trường trên mối đơn vị năng lượng sản xuất được”.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một ma trận đơn giản giúp các nhà hoạch định quyết định đập thủy điện nào có thể xây được, căn cứ trên xếp hạng mức độ thiệt hại về nguồn cá trên mỗi đơn vị năng lượng thủy điện được tạo ra.

“Chúng ta nên hết sức tránh xây những đập gây ra hậu quả lớn nhất”, Ziv nói.

Ziv cho rằng nghiên cứu mới chỉ là “điểm khởi đầu”, và cần phải tính thêm các ảnh hưởng tiềm tàng khác như tác động tới trầm tích, nông nghiệp, tái định cư người dân và các cộng đồng, để có thể phân tích đánh giá một cách toàn diện.

Theo thỏa thuận năm 1995 của Ủy ban Sông Mekong (MRC), một cơ quan quốc tế có trách nhiệm phát triển bền vững dòng sông, trong đó mỗi nước thành viên được yêu cầu tham vấn các nước khác đối với mỗi dự án phát triển quan trọng trên sông Mekong. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được quy định đối với các dự án trên các sông nhánh.

Đã có nhiều lời kêu gọi thay đổi chính sách này. “Đây thực sự là lúc MRC cần xem xét toàn diện trên toàn bộ lưu vực để đánh giá hậu quả từ các đập trong khu vực”, Trandrem khẳng định.

Mekong là một dòng sông quốc tế và những thay đổi trên dòng chảy sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nước dọc hai bờ sông. Cho đến nay, người ta đã nghiên cứu nhiều về tác động của việc xây dựng các đập thuỷ điện trên dòng chính như thay đổi lưu lượng, thay đổi nơi sinh sống và luồng di cư của các loài cá, sự tuyệt chủng của nhiều loại sinh vật, giảm phù sa và chất dinh dưỡng đến hạ lưu, thay đổi nhiệt độ và chất lượng nước v.v. Các thảo luận đang được tiến hành trong Uỷ ban sông Mekong (MRC) trên tinh thần của Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1997, sau khi dự án xây đập Xayaburi gặp nhiều phản đối. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu mới của Guy Ziv càng khiến chúng ta phải suy nghĩ về những tác động của con người đối với dòng sông, cùng những vấn đề nan giải trong quản lý và chính sách tại các quốc gia liên quan.

Nghiên cứu mới của Guy Ziv cho thấy nếu xây thêm 27 đập trên các phụ lưu của sông Mekong thì sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn về đa dạng sinh học trên toàn bộ lưu vực sông Mekong và làm giảm nghiêm trọng sản lượng cá đánh bắt ở Campuchia và Việt Nam. Nếu các nghiên cứu tiếp theo khẳng định kết quả bước đầu này, và đánh giá tương đối chính xác được cái lợi (tăng năng lượng điện) và cái hại (giảm sản lượng cá) quy ra bằng tiền, thì chúng ta thấy rằng cần phải có những chính sách và biện pháp sau:

–    Việc xây dựng đập trên các phụ lưu tuy nằm trong các lãnh thổ quốc gia nhưng phải là đối tượng của các cuộc tham khảo như đối với các đập trên dòng chính, thông báo đơn giản đến các nước chưa đáp ứng được yêu cầu.

–    Có sự đền bù từ nguồn lợi bán điện năng cho tất cả các nước chịu thiệt hại.

–    Có một quy tắc ứng xử chung và một triết lý phát triển kinh tế và năng lượng lấy tính bền vững và tôn trọng môi trường làm kim chỉ nam.

Những nước liên quan tới các phụ lưu của sông Mekong đều là thành viên của ASEAN nên việc đạt được một sự đồng thuận trên một cơ sở hợp tình hợp lý là có thể khả thi.

TS dịch theo
http://www.nature.com/news/a-damming-assessment-of-mekong-development-1.10166

1. Ziv, G., Baran, E., Nam, S., Rodriguez-Iturbe, I. & Levin, S. A. Proc. Natl Acad. Sci. USA. http://www.pnas.org/cgi/doi/10.1073/pnas.1201423109 (2012).
Chú thích ảnh:

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)