Dạy yêu, ghét?

Thành bại của mọi chính sách cải cách giáo dục được đánh giá qua sản phẩm mà nền giáo dục đó mang lại. Một công dân hữu dụng của quốc gia ngoài kiến thức và kỹ năng mà người ấy được trang bị để phục vụ xã hội, còn phải là một Con-Người biết yêu ghét cái thiện và cái ác trong nền tảng đạo đức của mình và có khả năng tự khắc chế xu hướng làm điều ác, để từ đó định hướng hành vi của mình trong mối tương tác với xã hội.


Một giai đoạn rất dài trong quá khứ các thế hệ công dân của chúng ta không được dạy dỗ yêu ghét cái thiện và cái ác một cách thích đáng theo ý nghĩa nêu trên, mà thay vào đó thái độ yêu ghét lại được mang vào khoa học, nhưng thông qua một lăng kính chật hẹp, có tính cách áp đặt. Chẳng hạn, trước khi hiểu bóc lột là gì, họ được dạy phải căm thù kẻ bóc lột. Tất nhiên khái niệm bóc lột và kẻ bóc lột được giải thích theo một thành kiến định sẵn về nền kinh tế thị trường.
Một ví dụ tiếp theo, các thế hệ học sinh từng đặt chân đến giảng đường xã hội chủ nghĩa đều bày tỏ lòng căm thù đối với Triều Nguyễn mà quên mất rằng chính tên Việt Nam và hình dáng chữ S đầy tự hào và thân yêu của đất nước chúng ta ngày nay đều do công lao của Vua Gia Long, vị hoàng đế khai sáng Triều Nguyễn, và các đời Chúa Nguyễn trước đó. Mấy chữ “cõng rắn cắn gà nhà” thường được sử dụng như một định nghĩa đặc trưng về vương triều lịch sử ấy cho thấy đầu óc của các sử-gia-chính-trị, vốn có nhiều ấn phẩm được công bố, hẹp hòi và hồ đồ như thế nào.
Mặt khác, bao nhiêu người Việt ngày nay biết đến những thành quả về kinh tế, xã hội và văn hóa mà chính quyền Việt Nam dưới thời Pháp thuộc trước đây đã đạt được? Như trong thời kỳ đó nền pháp lý dân sự và thương mại Việt Nam, từng đạt đến một đỉnh cao trong lịch sử phát triển của mình, thậm chí của thế giới, mà đôi khi nhìn lại những người công tâm không khỏi tiếc nuối, hoàn toàn khác với những kết luận nông cạn rằng nền luật pháp đó đơn thuần là sự sao chép vụng về hệ thống pháp luật của nước Pháp(!). Sinh viên luật, thậm chí giảng viên luật, ở các giảng đường đại học luật bây giờ biết rõ điều này chăng?  
Vì phải yêu và ghét một cách bắt buộc mà thiếu cơ hội được giải thích đầy đủ và thỏa đáng, các công dân tương lai thường bước vào xã hội bằng thái độ cực đoan. Mọi lý lẽ thông thường hầu như vô nghĩa với họ. Trong số những nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của đất nước cũng có thái độ yêu ghét nhầm lẫn mà nhiều thế hệ đã mang theo trong mình bấy lâu. Yêu ghét nhầm lẫn khiến nhận thức sai lệch, từ đó hành động ấu trĩ hoặc quá khích với hậu quả là các chính sách tai hại nghiễm nhiên được ca tụng và thi hành.
Lẽ ra khi dạy học sinh về lịch sử hoặc khoa học nói chung, chúng ta không nên áp đặt thái độ yêu ghét. Hãy khách quan cung cấp thông tin và dữ liệu, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ tự mình nhận định và đi đến kết luận riêng. Khoa học khác với tôn giáo và chính trị ở chỗ nó không bao giờ dung túng cái gọi là “chính thống”, “ngụy” hoặc “tính giai cấp”. Các quan điểm khác nhau, thậm chí dị biệt, luôn được va chạm quyết liệt để từ đó tạo ra các trường phái học thuật đa dạng. Nhân loại nhờ đó mà phát triển và trường tồn.  Nếu cứ yêu ghét nhầm lẫn thì khó có thể nói đến việc xây dựng một nền khoa học và giáo dục hiện đại cho tương lai.


Lê Công Định

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)