Để ngôi sao mới nổi tỏa được ánh sáng

Đúng sáu mươi năm kể từ lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946: “Nước Việt Nam mong muốn hợp tác với mọi quốc gia dân chủ và không muốn gây thù oán với ai”, với “những ngày APEC tại Việt Nam” 11.2006 vừa qua, chúng ta có dịp thấm hiểu và thực sự cảm nhận được sức sống của ý tưởng lớn ấy từ những ánh mắt thân thiện nồng ấm và những lời nói chân tình sâu nặng bởi những người bạn đến từ nhiều phương trời.


Cũng sáu mươi năm từ ngày Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp khẳng định với thế giới về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất có chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rõ: “Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”, sau bao nhiêu thử thách máu lửa, sấm chớp bão giông, giờ đây con thuyền đất nước đã giương buồm thời đại và đón gió đại dương để lướt sóng ra khơi.
Sáu mươi năm biết bao cam go trong đời sống của một dân tộc, bom đạn và chất độc màu da cam, máu và nước mắt trên một cơ thể đất nước bị chia cắt, bị bầm giập, mấy thế hệ Việt Nam cùng chung chiến hào. Phải qua trải nghiệm ấy mới hiểu được rõ tầm vóc những sự kiện “Hội nhập và Phát triển” của một đất nước là thành viên thứ 150, “ngôi sao mới nổi của bầu trời thương mại thế giới”, nước chủ nhà của một APEC thành công vượt bậc với số người tham gia và những cam kết có ý nghĩa đột phá.
Chỉ tính một nửa của 60 năm đó, quả thật là: “ở đây, tại Việt Nam sau 30 năm ai có thể nghĩ được là chúng ta có thể đứng tại Hà Nội này để nói về hội nhập, về tự do thương mại. Ba mươi năm sau cuộc chiến đáng buồn, chúng ta đã ngồi lại để nói chuyện, không phải nói về mâu thuẫn mà bàn về một cộng đồng… Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong một thời gian rất ngắn. APEC 14 đã mở ra những cơ hội mới, những mục tiêu mới cho Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế mới, tầm cao mới trong đại gia đình WTO”. Là một nhà ngoại giao đã từng đặt chân đến hầu khắp các vùng lãnh thổ trên thế giới, ý kiến trên và cảm nhận của ngoại trưởng Mỹ “đây là một trong những vùng đất có sức sống mãnh liệt nhất mà tôi đã từng đến, đó là điều tôi sẽ nói với người Mỹ ” chắc không đơn thuần chỉ là một phát biểu “ngoại giao”!.
Nhận xét ấy gợi lại với chúng ta một vấn đề được nêu lên từ khá lâu “Là người Việt Nam song không phải là chúng ta đã thực sự hiểu chúng ta kỹ lắm đâu”. Đó là một gợi ý có trách nhiệm từng đặt ra với giới nghiên cứu vào những thập kỷ 60. Những ngày APEC 14 tại Hà Nội như là hiện tượng bùng phát của sự  hun đúc, kết tụ sức sống của một đất nước với bề dày văn hiến nay có dịp biểu tỏ với thế giới: thân thiện và hợp tác, cởi mở và khoan dung. Mà quả thật, với những con mắt tinh đời của những người có bề dày kinh nghiệm và sự uyên bác từ bên ngoài đến, họ có khả năng đưa ra những ý nghĩ khiến chúng ta phải suy tư. Chẳng hạn như, một học giả Pháp trong một Hội thảo khoa học về “Truyền thống và Hiện đại” tại Hà Nội cách đây cũng đã khá lâu đã nêu lên một cảm nhận: “Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả nằng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải”.
Những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” không là sản phẩm của sự ngẫu hứng, cầu may mà phải là kết quả của cả bề dày tích lũy và tạo dựng trong cả chiều dài lịch sử đã hun đúc nên “vùng đất có sức sống mãnh liệt nhất ” như nhà ngoại giao Mỹ, nhà văn hóa Pháp vừa gợi lại. Thì đúng như cách giải thích của Arnold Toynbee, nhà sử học lớn nhất của thế kỷ XX: “Thành công của con người thường là kết quả sự chống trả đối với thách thức. Thiên nhiên phải đến với con người như một khó khăn cần phải vượt qua nếu con người chọi lại thách thức thì sự chống trả của nó tạo những nền tảng cho nền văn minh của họ”. Phải chăng đất nước này là một minh chứng cho luận điểm đó?
Sự thân thiện và tin cậy mà các vị khách APEC cảm nhận được từ người dân bình thường cho đến các nhà lãnh đạo của nước ta là một nét văn hóa được vun đắp từ thời dựng nước “Chính sự cốt chuộng ở sự khoan dung giản dị” khiến cho “nhân dân đều được yên vui” đó là cương lĩnh xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ của Khúc Hạo, nhà cải cách đầu tiên trong lịch sử đất nước đầu thế kỷ thứ X. Có thể nói, ý tưởng đó đã trở thành một truyền thống của văn hóa dân tộc, là một hằng số xuyên lịch sử. Bởi lẽ đó là một đòi hỏi để tồn tại và phát triển trong cái thế luôn phải chống chọi với những thế lực xâm lược lớn hơn mình gấp bội.
Như cây tre dám chống chọi lại với gió bão bởi tính mềm dẻo và thích nghi. Dám quật khởi song biết khoan dung là cội nguồn của ứng xử thân thiệnhiếu khách. Người Việt Nam không cần nhớ về một sự thật đắng cay là không ít xứ sở của những vị khách mà hôm nay mình chân tình, thân thiện đón chào, cách đây ba thập kỷ đều có gửi lính cầm súng đến nước mình. Đừng nghĩ rằng đó là sự vô tâm lãng quên quá khứ. Hoàn toàn không phải vậy.
Mà là bản lĩnh Việt Nam, một “đất nước phi thường” như cảm nhận của Tổng thống Mỹ! Đó là chất văn hóa, bản lĩnh văn hóa.văn hóa là sự thẩm thấu và tích tụ theo thời gian chứ không thể là sản phẩm nhất thời, khi cần thì mở vài lớp tập huấn cập kỳ và ngắn hạn. Làm sao mà tập huấn được mọi ánh mắt và nụ cười thân thiện của những con người bình thường đang đi trên đường phố kia. Phải chăng, chính “sức sống mãnh liệt” của một dân tộc trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió với nền văn minh lúa nước miền nhiệt đới gió mùa này đã là cội nguồn của ánh mắt và nụ cười đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với nhiều vị khách quý đến nước ta từ nhiều quốc gia. Họ hiểu mình, phát hiện ra mình và chính mình cũng hiểu rõ thêm về bản thân mình, cảm nhận được “sức sống mãnh liệt”của dân tộc mình. Khơi trầu têm cánh phượng, bình rượu được chưng cất từ hạt gạo Việt Nam, bộ lễ phục dân tộc, làn điệu dân ca quan họ“người ơi người ở đừng về” và nghệ thuật ẩm thực tinh tế, độc đáo đã giới thiệu với thế giới một Việt Nam yêu chuộng sự hòa hiếu, có bề dày văn hóa thật sự là người bạn đáng tin cậy của bè bạn.
Thế rồi tổng đầu tư nước ngoài đã vượt quá 8 tỉ USD, vượt quá mục tiêu 6,5 tỉ và đến cuối năm cầm chắc vượt con số cao nhất 8,6 tỉ USD của năm 2005. Chưa có lúc nào mà số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đông như vậy. Họ không đến để dạo chơi, tham quan, du lịch. Họ đến với cả sự chuẩn bị đáng suy nghĩ. Chỉ xin gợi lên một ví dụ: Phá thông lệ, lần này chuyến công du của Thủ tướng Nhật kéo theo một đoàn đông đảo các doanh nhân cỡ lớn. Trước khi lên đường, Thủ tướng Shinzo Abe gặp mặt các lưu học sinh Việt Nam với lời phát biểu: “Hướng tới Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế sẽ tổ chức tại Hà Nội cuối tuần này, với một mục đích hoàn toàn cá nhân, tôi tin rằng buổi nói chuyện sẽ giúp tôi cảm nhận một không khí thực sự Việt Nam trước khi đặt chân đến đất nước các bạn”. Và rồi, không phải ngẫu nhiên mà cùng một lúc, cả ba đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều cam kết đến năm 2010 sẽ đưa kim ngạch buôn bán song phương lên 15 tỉ USD/năm. Tổng thống Putin của Nga cũng khẳng định về triển vọng nâng kim ngạch buôn bán Nga-Việt những năm cuối thập kỷ này. Khi Việt Nam đã là đối tác chiến lược của bốn nền kinh tế lớn Mỹ, Nhật, Nga và Trung Quốc thì đúng như bình luận của “Thời báo Hoàn Cầu”, Trung Quốc: “Việt Nam ngày càng đĩnh đạc, tự tin”. Chưa lúc nào vị thế quốc tế của Việt Nam được đẩy lên ở tầm mức như hiện nay. Điều này không tự chúng ta nói, mà là lời lẽ cất lên từ những tấm lòng bè bạn.
Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Ai dám bảo rằng bầu trời thương mại mà ngôi sao Việt Nam mới nổi không là bầu trời chính trị? Chính vì vậy, cùng với niềm tự hào và lòng tự tin, đây là lúc ý chí chính trị của cả dân tộc cần phải được phát huy để làm bừng nở mọi tiềm năng từng con người góp phần vào sự phát triển của đất nước. Để phát huy mọi tiềm năng thì cái cần phát huy trước tiên là phát huy dân chủ, điều kiện tiên quyết để làm bừng nở tiềm năng của từng con người Việt Nam, huy động được mọi đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mọi tấm lòng Việt Nam yêu nước, “không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới…” như Cương lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã nêu.
Có làm được như vậy, “ngôi sao mới nổi” mới tỏa được ánh sáng của chính mình trong bầu trời đầy sao.


Tương Lai

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)