Di sản Quốc gia – Làng, xã quản lý !

Chỉ có thể cứu vãn được thực trạng ứng xử với các di sản vật thể quốc gia mà dư luận công chúng cùng các chuyên gia, văn nghệ sĩ hết sức phẫn nộ và “khẩn thiết phản biện” khi có sự  nhận thức lại, sự thay đổi thái độ tiếp cận vấn đề của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Vì đây là những vấn đề văn hóa hệ trọng ở cấp quốc gia mà một bộ, một tỉnh, một thành phố, một huyện, một xã không giải quyết được và không được giải quyết!

Sau cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tại kì họp Thường vụ Quốc hội vừa qua, báo chí rộ lên một loạt “phản biện” gay gắt của công chúng về việc các di tích lịch sử (đã được xếp hạng) bị xâm hại. Các chuyên gia và “nhân chứng” phẫn nộ và chua xót trước thực trạng trùng tu các di tích văn hóa: “Thật thảm hại!” (Phan Cẩm Thượng), “Hết chịu nổi!” (Nguyên Ngọc), “Dừng trùng tu là bảo vệ di tích!”(Lê Thiết Cương)… Hàng loạt các dẫn chứng được nêu ra khiến người ta bàng hoàng về tình trạng các di sản văn hóa Quốc gia bị xâm hại, trùng tu sai lạc. Nhưng điều làm người ta ngạc nhiên nhất là trình độ văn hóa, chuyên môn của các cấp quản lý, cung cách hành xử của tất cả các bên liên quan đối với di sản văn hóa: từ bên có quyền, người có tiền tới cơ quan chuyên môn, chuyên trách và người dân sở tại.

Hai trụ biểu mới phục hồi ở đình làng Lộc Điền – Ảnh: Đ.Dụ

Theo trang thông tin điện tử của Bộ VHTT&DL cả nước Việt Nam hiện có khoảng 7.300 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Trong các năm 2006-2008 Nhà nước đã chi 865,42 tỷ đồng để “chống xuống cấp và tôn tạo 506 lượt di tích”. Kinh phí này chỉ chiếm 50-80% chi phí thực tế, phần còn lại là do dân đóng góp. Ước tính khoản kinh phí “xã hội hóa” từ 2001-2005 là khoảng 500 tỷ đồng, giai đoạn 2006-2008 khoảng 145 tỷ đồng/năm. Riêng tại Hà Nội từ năm 2002 đến nay nhân dân đóng góp 449 tỷ trùng tu 900 di tích.
Qua các con số và khái niệm khá lộn xộn trên ta vẫn có thể thấy rất rõ không ở lĩnh vực nào chủ trương “xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm” diễn ra sôi nổi, hỗn loạn và tự phát như ở lĩnh vực bảo vệ di sản Quốc gia. Hậu quả tất nhiên của nó là thực trạng “thật thảm hại” và “hết chịu nổi”. Đọc bài trả lời phỏng vấn của TS Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Tuổi Trẻ 28.3.2009) thì càng thấy tình cảnh rối như gà mắc tóc và “tầm làng xã” của việc trùng tu tôn tạo di sản Quốc gia. Ông nói: Cộng đồng dân cư địa phương thường thích làm mới, không thích ‘chắp vá’ giữ lại cái cũ! Các nhà thi công cũng muốn có nhiều việc làm nên thích “trùng tu nhiều hơn so với nhu cầu từ thực trạng di tích”!!!. Còn việc giám định chất lượng công trình thì “Ví dụ công ty thiêt bị văn hóa làm thì phải thuê công ty mỹ thuật, công ty mỹ thuật lại thuê công ty tu bổ, tức là người của đơn vị này được thuê sang giám sát đơn vị kia” (cùng thuộc Bộ VHTT&DL)!!! Quả là “Hết chịu nổi”.
Năm ngoái Bộ trưởng Văn hóa Italia hân hoan thông báo sau bốn năm làm việc phục chế một bức tranh của Botticelli đã hoàn thành và đây là một sự kiện văn hóa Quốc gia. Trước đây cả nửa thế kỷ khi người ta công bố danh sách các chuyên gia phục chế và giám địch việc phục chế bức tranh Đức mẹ Sixtin ở Bảo tàng Dresden, CHDC Đức (cũ) thì đã có một cuộc biểu tình đòi xem xét lại thành phần các hội đồng phục chế và giám định vì “ Không thể trao Đức mẹ của Raffael vào tay các anh đồ tể!” Ta chưa có được trình độ của chính quyền và ý thức của người dân như ở Ý hay Đức nhưng thực trạng cư xử đối với các di sản Quốc gia ở Việt Nam hiện nay là không thể chấp nhận được và cần gấp những “quyết định quan trọng” từ cấp cao nhất.Việc 506 lượt di tích được trùng tu tôn tạo bởi các công ty và “nhà thi công” bất kỳ với các hiệp thợ nghiệp dư bất kỳ, việc dân góp tiền và địa phương làng xã tự phát trùng tu tôn tạo hàng ngàn di tích (riêng ở Hà Nội trong mấy năm qua là 900 di tích) thì việc các di sản bị “sát hại” là chuyện không tránh khỏi.

Di sản quốc gia không thể trao cho làng xã xử lý “kiểu làng xã, ở tầm làng xã” như hiện nay.

Thực trạng ứng xử với các di sản vật thể Quốc gia tương đồng với hai thực trạng văn hóa đương đại mà dư luận công chúng cùng các chuyên gia, văn nghệ sĩ cũng hết sức phẫn nộ và “khẩn thiết phản biện” mà hoàn toàn chưa có phản ứng, hồi âm của các cấp lãnh đạo và quản lý cao nhất. Đó là sự phi lý, lãng phí, xấu xí cùng cực của các tượng đài tưởng niệm và “bệnh dịch” kiến trúc lai căng, nhại cổ, nhại kiến trúc thực dân của các công sở và công trình công cộng.

Ông Phan Cẩm Thượng bên pho tượng Hộ pháp cổ kính được “tha mạng” (không sơn lại theo lối làm mới) hiện đang ngự ở chùa Bút Tháp – Ảnh: Lãng Quân

Với cả ba thực trạng trên sự thay đổi, “cứu vãn” tình hình chỉ có thể tới với sự nhận thức lại, sự thay đổi thái độ tiếp cận vấn đề của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây là những vấn đề văn hóa hệ trọng ở cấp Quốc gia mà một bộ, một tỉnh, một thành phố, một huyện, một xã không giải quyết được và không được giải quyết! Văn hóa Quốc gia, di sản Quốc gia không thể trao cho làng xã xử lý “kiểu làng xã, ở tầm làng xã” như hiện nay. Chừng nào các vấn đề trên chưa nằm trên bàn nghị sự của các cấp cao nhất nêu trên thì tình hình chưa thể thay đổi.

Vài kiến nghị về vấn đề các di sản
Chính phủ cần có quy định rõ ràng các di sản cấp Quốc gia phải do Quốc gia quản lý, không để địa phương làng xã quản lý và tùy tiện trùng tu như hiện nay, nghiêm cấm làng xã, địa phương, người “hảo tâm” trùng tu tự phát.
Bộ VHTT&DL cần “nâng cấp” trình độ của các đơn vị bảo tồn bảo tàng từ cục tới các công ty với một đội ngũ cán bộ, chuyên gia và thợ trùng tu tôn tạo có trình độ đảm bảo chất lượng công việc. Việc đào tạo đội ngũ trùng tu, tôn tạo di sản không khó mà còn góp phần phục hồi một loạt nghề truyền thống đã mai một hoặc thất truyền. Đó cũng là bài học của các nước mạnh về trùng tu tôn tạo. Cần có trung tâm dạy nghề và thang lương riêng cho nghề trùng tu tôn tạo. Xây dựng việc giám định độc lập các dự án trùng tu tôn tạo di tích Quốc gia, xóa bỏ việc “kiểm tra chéo” có tính hình thức của các “công ty nhà” thuộc Bộ VHTT&DL như ông Đặng Văn Bài trần tình!

Để trùng tu chùa Bổ (Bắc Giang), người ta đã phá một khoảng lớn của bức tường đất tuyệt đẹp để xe cộ xông vào –
Ảnh: Đỗ Lãng Quân

Việt Nam không có truyền thống sưu tập và làm bảo tàng do đó các kiệt tác và các công trình, di tích phân tán ở các địa phương, trực thuộc địa bàn của một cấp hành chính thấp nhất, thuộc “quyền sử dụng” của một cộng đồng địa phương nhỏ nhất. Các di tích này thường luôn gắn với đời sống tâm linh của cộng đồng, một vấn đề khá nhạy cảm. Như vậy cần có các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các cấp xã, huyện, tỉnh đối với các di tích trên địa bàn của mình. Cần có sự vận động giáo dục cộng đồng địa phương về việc bảo vệ di sản văn hóa Quốc gia, tự hào gìn giữ chúng chứ không tùy tiện ứng xử, trùng tu mà là giết di sản, kiểu “được chăng hay chớ”, cục bộ như hiện nay. Việc này cũng không khó vì dân làng nào cũng tự hào về các di tích của mình. Chỉ là do họ chưa có trình dộ và ý thức để đối xử thích đáng với các di tích mà thôi.
Cần có một chiến lược xây dựng các bảo tàng nghệ thuật để có thể lưu giữ các kiệt tác trong các di tích. Cần tăng cường an ninh tại các di tích Quốc gia tản mạn khắp nước.Với các bảo vật Quốc gia mà việc để tại các di tích ở làng xã không đảm bảo yêu cầu an ninh thì cần làm các bản chép đẹp thay thế và “quy tập” các bản gốc về các bảo tàng. Như vậy vừa bảo quản được, tránh hư hại, mất cắp mà tác phẩm nghệ thuật cũng tới được với nhiều người hơn. Việc này không phải là không thể hiệp thương giữa chính quyền và các cộng đồng dân cư, tôn giáo. Để bảo vệ tài sản Quốc gia nhiều nước cũng đã phải làm như vậy.

Các cấp quản lý cầ đưa các vấn đề di sản, tượng đài và kiến trúc vào chương trình nghị sự. Hãy coi các cảnh báo về tình trạng nguy kịch trong các lĩnh vực này cũng khẩn thiết các cảnh báo về lũ lụt, sập cầu đường hay tội phạm gia tăng.

Việc “xã hội hóa” kinh phí trùng tu tôn tạo là cần thiết. Đóng góp cho sự tôn tạo di tích địa phương “quê cha đất tổ” là một quyền lợi và một niềm tự hào của người dân. Họ góp tiền cho một công trình cụ thể  nhưng không thể để họ cùng ban quản lý di tích tùy ý trùng tu, sửa chữa, tôn tạo vì làm như vậy là vi phạm pháp luật và sai lạc về chuyên môn. Có thể có một “Quỹ công đức bảo tồn di sản văn hóa” cấp Quốc gia ở các tỉnh để xử dụng tiền “công đức” hợp lý, đúng luật, đúng chuyên môn và đúng nguyện vọng của người thiện tâm. Điều này cũng không phải không khả thi… 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)