Dịch cúm tiền tệ Châu Á mười năm trước

Mùa Hè năm 1997 cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á bắt đầu từ Thái Lan. Mười năm qua cũng đủ để mọi người rút ra những bài học kinh nghiệm. Tiền ngoại quốc đổ vào một nền kinh tế mà không được dùng cho có hiệu quả, đến khi tiền phải rút đi vì hết tin tưởng, thì sinh khủng hoảng.

Từ năm 1990 đến 1996 tiền nước ngoài đua nhau đổ vào Thái Lan cùng các nước Đông Á khác, vì không khí kinh tế rất lạc quan, ai cũng tin rằng những “con cọp châu Á” này đang theo gót những “con rồng” phát triển trong thập niên 1970 và 1980. Mặt khác, các quỹ đầu tư quốc tế, nhất là ở Nhật Bản và châu Âu, mới bỏ chạy khỏi châu Mỹ La tinh, họ đi tìm chỗ đậu cho những món tiền vốn chưa dùng tới, và họ tìm tới Đông Á. Các ngân hàng và công ty tài chánh Mỹ dè dặt đứng ngoài vì họ tự cho là không hiểu rõ thị trường châu Á, đến khi khủng hoảng xẩy ra họ tự cho là nhờ may mắn nên không bị dính. 

 


Thủ tướng Malaysia Mahathir đổ lỗi cho nhà tài phiệt G. Soros

Từ năm 1996 và đầu năm 1997 đồng tiền bắt đầu quay đi khi thấy tiền đem vào nhiều, nhưng người sử dụng không sinh ra lời. Ngân hàng Thái vay tiền ở Nhật trả 3% lãi, đem về Thái cho vay lấy 7% tự dưng có lời. Người vay thì không có cơ hội đầu tư sản xuất hữu hiệu, bèn đua nhau mua nhà, đất, thổi phồng giá địa ốc lên, xây dựng thêm nhiều cao ốc nhưng không có người thuê. Người ta chỉ cần nhìn vào những cao ốc đang bỏ trống hoặc đang xây nửa chừng phải bỏ ngang thì thấy ngay, những người cho vay cũng đâm ra dè dặt. Tiền ngoại quốc bắt đầu rút lui.
Hàng xuất cảng không thể cạnh tranh với Trung Quốc vì chính phủ Bắc Kinh mới phá giá đồng nhân dân tệ năm 1994, thúc đẩy việc xuất khẩu hàng giá rẻ. Nguồn ngoại tệ nhờ xuất khẩu giảm, quỹ dự trữ ngoại tệ cạn bớt. Ngân hàng Trung ương gặp khó khăn vì khó kiếm ra ngoại tệ, đi vay thêm từ bên ngoài bắt đầu khó khăn.
Chính phủ các nước trong vùng đều muốn vừa giữ hối suất ổn định không đổi, lại vừa điều tiết khối lượng tiền lưu hành trong nước bằng cách ấn định lãi suất. Chính sách bắt cá hai tay đó khiến những dòng tiền tệ ra vào không tự điều tiết từ từ chậm chạp theo cung cầu của thị trường, vì bị chính sách tiền tệ và hối đoái của các quốc gia trói buộc. Đến khi gặp tắc nghẽn, các chính phủ mới buông một tay, thả hối suất giảm xuống cho phù hợp với cung cầu. Khi đó đã quá muộn vì người ta mất tin tưởng sinh ra hoảng hốt.

Thái Lan không thể in USD!
Sau những năm vay tiền nước ngoài thoải mái, khi người ngoại quốc giảm bớt dòng tiền chảy vào, là khó khăn bắt đầu. Muốn trả lãi và vốn những món nợ cũ thì Thái Lan phải có ngoại tệ. Hàng xuất cảng khó bán, ngoại tệ thâu vào chưa đủ để mua hàng nhập cảng, muốn có tiền trả nợ thì phải đi vay thêm USD nhưng đi vay ngày càng khó. Giới đầu tư quốc tế càng mất tin tưởng thì càng không muốn cho vay thêm khi biết người vay nợ mới chỉ để trả nợ cũ. Cứ thế quay trong cái vòng luẩn quẩn, dẫn tới cơn khủng hoảng.

 


Tác động tới cả thị trường chứng khoán châu Âu

Nhiều công ty cần đổi Bạt lấy Yen hay USD để trả nợ nước ngoài trong lúc dòng ngoại tệ đang giảm. Theo luật cung cầu, nhiều người đem Bạt muốn đổi lấy USD hoặc Yen, giá trị đồng Bạt hạ thấp trên thị trường hối đoái. Trước đó, khi tiền nước ngoài chảy vô thong thả, Ngân hàng Trung ương Thái vì muốn kiểm soát hối suất, đem Bạt đổi lấy ngoại tệ để bảo vệ cho giá đồng Bạt khỏi tăng. Nếu thiếu Bạt trong kho, họ có thể in thêm, để cân bằng cung và cầu. Tình trạng đó khiến lạm phát cao hơn vì trong nước nhiều tiền quá. Đến khi dòng ngoại tệ giảm không vào nhiều như trước nữa khiến đồng Bạt xuống giá, Ngân hàng Trung ương làm ngược lại, tức là phải đem USD và Yen trong kho dự trữ ra, đổi lấy Bạt. Nhưng khi cần ngoại tệ để mua đồng Bạt thì kẹt, vì Quỹ dự trữ ngoại tệ của Thái Lan cạn dần mà Thái Lan không có quyền in USD Mỹ hay đồng Yen Nhật!
Ngân hàng Trung ương Thái và các nước trong vùng cũng có thể giúp cân bằng thị trường hối đoái bằng cách khác, tức là tăng lãi suất khiến giá trị đồng Bạt tự nó tăng giá lên, rồi cứ để yên cho người ta đem Bạt đổi lấy USD, thị trường sẽ tìm thế cân bằng mới. Nhưng vào năm 1997 tăng lãi suất là điều không ai dám làm. Các Ngân hàng Trung ương chỉ tăng lãi suất nếu thấy kinh tế lên mạnh quá, cần kìm cho chậm lại để tránh lạm phát. Năm 1997 kinh tế Thái đã bắt đầu trì trệ, tăng lãi suất nữa thì chỉ làm cho nó suy thoái nặng hơn.
Còn một giải pháp khác, là không bảo vệ giá trị đồng Bạt nữa, để mặc cho nó tụt giá một cách tự nhiên – trước khi quá nguy hiểm. Nhưng không ai dám quyết định điều này. Chính phủ sợ mang tiếng, mà chính phủ nào cũng lo kiếm phiếu cho cuộc bầu cử sắp tới (Cuối năm 1997 Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia đều sắp bầu cử. Sau cơn khủng hoảng chính phủ cả ba nước đều bị thay đổi). Ngân hàng Trung ươngThái đã chọn chính sách bảo vệ hối suất rồi, cũng không dám thả cho tiền xuống giá. Vả lại, để cho tiền xuống giá thì “chúng nó chửi.”
“Chúng nó” ở đây gồm các công ty, các ngân hàng đã vay nợ nước ngoài từ bao năm qua. Họ vay một triệu đô là một triệu đô, hồi đó mỗi đô đổi được 25 Bạt. Nếu bây giờ đồng Bạt mất giá, họ cần 1 đô để trả nợ thì phải đem 30 hay 40 Bạt mới đổi được một đô, tự nhiên họ mất thêm 5, 10 Bạt để mua mỗi đồng đô, ai ngồi yên không chửi được? Trong thực tế nếu đồng Bạt công giá thì nhiều ngân hàng, công ty sẽ phá sản sau khi đổi Bạt lấy Yen hay USD trả nợ! Cho nên chính phủ và Ngân hàng Trung ương Thái chỉ ngồi chờ, coi “sự thể sẽ ra sao hồi sau sẽ rõ!”

Sự thể là: Khủng hoảng tín nhiệm
Nhà nước có thể ngồi chờ, các công chức cuối tháng vẫn lãnh lương, nhưng các công ty, các ngân hàng bản xứ và ngoại quốc họ không thể ngồi yên trên đống than đang nóng. Nhìn vào tình hình kinh tế chung quanh họ biết rằng hối suất đồng Bạt mà Ngân hàng Trung ương cố bảo vệ là cao quá, không thực tế. Họ tin rằng sớm hay muộn đồng Bạt sẽ xuống giá. Nếu quý vị ở vào địa vị họ thì quý vị sẽ làm gì?
Đúng, nên đi vay càng nhiều Bạt càng tốt, đem Bạt đổi ngay lấy USD bây giờ đã. Có USD, một phần đem trả bớt nợ nước ngoài, còn dư thì đi mua công khố phiếu của Mỹ, tức là đem cho chính phủ Mỹ vay. Mai mốt đồng khi Bạt xuống giá thật, sẽ bán công trái Mỹ lấy USD, dùng USD đó đổi lại sang đồng Bạt, nó xuống giá bao nhiêu mình lời bấy nhiêu! Các doanh nhân Thái Lan – chắc họ cũng không khôn hơn mà cũng không dại hơn gì chúng ta – đã làm đúng như vậy!
Khi nhiều người đem Bạt đổi lấy USD, Quỹ dự trữ ngoại tệ của Thái Lan cạn thêm nữa, mọi người càng tin rằng thế nào nhà nước cũng phải phá giá tiền tệ, họ càng đem Bạt đi đổi lấy USD, biến thành một tình trạng hoảng hốt. Hoảng hốt tạo ra hoảng hốt, giống như một người chạy khiến bao người khác cũng ù té chạy theo vậy. Khi một đồng tiền bị mất tín nhiệm thì xuất hiện một cái vòng luẩn quẩn như thế. Ngân hàng Trung ương càng cố giữ giá đồng Bạt thì càng khuyến khích người ta đổi Bạt lấy USD, cho đến lúc nhà nước chịu thua, phải phá giá tiền thật sự, và lúc đó thì quá trễ.
Cái vòng luẩn quẩn này đã xuất hiện nhiều lần, với nhiều đồng tiền trên thế giới từ Anh quốc đến Argentina, cho nên những tay đầu cơ ở xa cũng nhìn thấy, và họ nghĩ: tội gì không bắt lấy cơ hội? Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Thái cố cứu đồng Bạt cho đến cùng. Họ còn làm một việc dại dột là đi “vay” USD về để bảo vệ Quỹ Dự trữ ngoại tệ, hẹn sẽ trả lại USD vốn lẫn trong mấy tháng (dùng thủ tục gọi là currency swap). Tất nhiên sau khi bắt buộc phải phá giá họ lại đổi Bạt lấy USD trả nợ, chỉ tốn tiền công quỹ. Nhưng hậu quả tai hại nhất là họ đã giàn xếp hợp đồng “swap” này trong vòng bí mật, che mắt thế gian. Đến khi tin tức bị tiết lộ, người ngoài càng nghi ngờ, nghi từ khả năng phán đoán đến cả tính lương thiện của những người cầm quyền tài chánh một nước! Đồng Bạt bị mất giá chỉ còn một nửa so với USD Mỹ.

Dịch Cúm Châu Á
Nhưng tại sao vụ phá giá tiền ở Thái Lan lại lan dần sang các nước trong vùng, kéo lên đến tận Đại Hàn; cả Đài Loan, Hồng Kông và Singapore cũng bị ảnh hưởng, dù chỉ cảm cúm qua loa nhưng chút nữa cũng mắc vạ lớn!
Trong vài tháng đầu tiên, người ta tưởng rằng vụ khủng hoảng ở Thái Lan sẽ được giới hạn trong nước đó, rồi tình thế sẽ ổn định dần dần. Đến Tháng Mười thì đồng tiền Malaisia và Indonesia bắt đầu mất giá tới 30%. Trường hợp Malaisia dễ hiểu, vì nước này cũng như Thái Lan, vay nợ ngoại quốc nhiều quá, cũng vì được giới đầu tư lạc quan tín nhiệm. Đến khi xuất cảng khó vì bị hàng Trung Quốc cạnh tranh, tiền thu ít, chi vẫn nhiều, cán cân chi phối thâm thủng liên tiếp nhiều năm. Chính phủ Malaisia quá chú trọng đến những công trình xây cất lớn có tính cách phô trương mà không sinh lợi. Thủ tướng thì không tự nhận lỗi của mình để lo cứu chữa cơn khủng hoảng, khi thấy tiền xuống giá lại tuyên bố đổ tội cho các nhà đầu cơ, nêu đích danh ông Soros, một người năm 1992 đã đầu cơ tiền Anh quốc trước khi nó xuống giá và kiếm một tỷ mỹ kim. Người ta thấy chính phủ không chịu nhận lỗi mà chỉ đổ tội cho người ngoài, lòng tín nhiệm họ càng xuống.
Nhưng Indonesia thì ở tình trạng vững vàng hơn cả Thái Lan lẫn Malaisia. Indonesia không bị thâm thủng ngân sách và cán cân mậu dịch không khiếm hụt như hai nước kia. Hàng xuất cảng chủ yếu của Indonesia là nguyên liệu thiên nhiên và dầu lửa, không bị Trung Quốc cạnh tranh; nói chung kinh tế vẫn ổn định. Nhưng sau cùng Indonesia cũng bị dính vì tâm lý nghi ngờ đã lan rộng, người ngoài không dám bỏ tiền vô nữa.
Trường hợp Hàn Quốc còn đáng ngạc nhiên hơn. Nước này đang vươn lên hàng cường quốc kinh tế, Tổng sản lượng Quốc nội lớn gấp đôi Indonesia dù dân số chưa bằng một nửa. Hàn Quốc cũng mắc một bệnh như Thái và Malaisia, là nợ nước ngoài nhiều quá. Đặc biệt, các ngân hàng và công ty sản xuất ở Hàn Quốc quá tự tin, quá khinh địch, không thận trọng. Số nợ của nhiều công ty Hàn Quốc lớn gấp bốn lần giá trị tiền vốn (D/E = 4), trong khi ở Bắc Mỹ người ta dạy trong trường là phải thận trọng cố giữ cho tỷ số nợ trên vốn nhỏ hơn 1, càng thấp càng tốt. Nhiều ngân hàng Hàn Quốc chuyên cho giới kinh doanh vay (merchant bank) đã làm sai một quy tắc thận trọng căn bản về tài chánh. Họ đi vay ngắn hạn (vay từ Đức hay Pháp) mà khi cho vay thì dài hạn (còn cho các xí nghiệp ở Nga vay nữa mới liều!) Đó là lối làm ăn quá liều lĩnh có ngày mang họa, quả nhiên họa đã tới.
Các nước Đông Á bị “dính chùm” cũng vì tâm lý các nhà đầu tư ngoại quốc. Họ lo quản trị tiền do người khác gửi, họ có trách nhiệm lớn, mà không phải người nào cũng có thời giờ nghiên cứu, phân biệt hết các ưu khuyết điểm của từng nước một. Những quỹ đầu tư phải quản lý hàng chục tỷ USD, họ đã lập ra riêng những “quỹ đầu tư vào các nước đang lên” hoặc “quỹ đầu tư Châu Á.” Khi một nước sập, rồi hai nước sập, các công ty và cá nhân góp vốn vô những quỹ này, chính những người góp tiền cho các quỹ đầu tư lo trước. Họ thuộc giới trung lưu đã tiết kiệm tiền bạc chờ lúc về hưu, họ lo lắng đòi rút tiền ra để đem đi chỗ khác. Nhiều quỹ đầu tư vì thế phải bán các cổ phần, chứng phiếu Đông Á đã mua để trả lại tiền cho những người góp vốn. Các ngân hàng thấy tình trạng xuống cũng ngưng không cho vay, chỉ mong đòi lại các món nợ cũ. Đó là nguyên nhân khiến dịch cúm tiền tệ lan ra khắp Đông Á.

Quý Đỗ

Tác giả