“Điểm binh tài liệu” chủ quyền biển đảo

Hội thảo “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam” đã được Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ tổ chức tại TP.HCM ngày 30-10.

Hội thảo có một phần nội dung “kiểm đếm” các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là những khởi đầu của đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt tháng 5-2012. Theo đó, một nội dung quan trọng cũng chính là nhiệm vụ đặt ra với Cục Văn thư và lưu trữ là khẩn trương, tích cực sưu tầm và phát huy giá trị tài liệu về chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam.

Nếu hình dung đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên lĩnh vực học thuật và lưu trữ tài liệu cũng là một mặt trận, thì đây là những bước điểm binh cần thiết.

Độ tin cậy cao

Phần trình bày của các thạc sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu và là cán bộ của các trung tâm lưu trữ quốc gia I, II, IV cho thấy hệ thống tài liệu quý hiếm hiện có của Việt Nam về đề tài chủ quyền biên giới, hải đảo thật sự phong phú và có độ tin cậy cao.

Trước hết là nguồn tài liệu Hán Nôm về biển đảo, bao gồm: châu bản triều Nguyễn, địa bạ triều Nguyễn, phông Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Trong đó châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập tài liệu gốc, là những tài liệu hành chính được các vua nhà Nguyễn tự tay “ngự phê” hoặc “ngự lãm”, có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành cao nhất, có giá trị thông tin mang tính chân thực lịch sử. Đây là loại văn bản được sử dụng làm phương tiện quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong quá trình hoạt động của triều Nguyễn.

Về nội dung này, TS Nguyễn Nhã có nhắc đến một văn bản châu bản triều Minh Mạng (1836), nội dung có lời châu phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân đi đo đạc, cắm cột mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Theo đánh giá của nhiều giới, đây là những bằng chứng lịch sử có giá trị thông tin gốc mà không một quốc gia nào đang tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Việt Nam có được.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn lưu trữ được hệ thống bản đồ hành chính liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây phát hành trước thế kỷ 20. Cả ba hệ thống bản đồ này đều là những chứng cứ pháp lý có tính thuyết phục cao, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Đồng thời tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II còn các tài liệu phản ánh quá trình thiết lập chế độ hành chính của các chính quyền thời phong kiến Pháp thuộc và thực dân mới Mỹ tại Hoàng Sa, Trường Sa. Ở đây cũng còn lưu trữ tài liệu về chính quyền quốc gia Việt Nam (do thực dân Pháp dựng lên trong cuộc tái chiếm Việt Nam) tham dự Hội nghị San Francisco từ ngày 5 đến ngày 8-9-1951 do các nước đồng minh trong chiến tranh Thế giới II tổ chức để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á – Thái Bình Dương. Tại đây, ông Trần Văn Hữu, thủ tướng, dẫn đầu phái đoàn quốc gia Việt Nam vào ngày 7-9-1951 đã tuyên bố xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tài liệu về hoạt động kinh tế tại Hoàng Sa và Trường Sa của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, tài liệu tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa từ sau năm 1945 cũng còn lưu trữ đầy đủ.

Cần một sự thống kê có hệ thống

TS Nguyễn Nhã cho biết trong quá trình nghiên cứu, ông nhiều lần tìm cách tiếp cận văn bản châu bản Minh Mạng năm 1836 – một văn bản tối quan trọng thể hiện chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – nhưng đến nay vẫn chưa được. Lý do là chưa được tiếp cận tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Minh Hương – cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước – khẳng định tại hội thảo rằng cánh cửa vào trung tâm lưu trữ không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ. “Chúng tôi vẫn nói với các nhà nghiên cứu, sử học như Vũ Minh Giang, Dương Trung Quốc rằng các anh nên đến trung tâm lưu trữ, và khi giảng dạy cho sinh viên cũng nên nói cho các em hiểu rằng nếu các luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có sử dụng tài liệu tham khảo từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia thì giá trị tăng lên rất nhiều”. Thạc sĩ Hà Văn Huề trong phần phát biểu của mình cũng khẳng định hiện nay văn bản châu bản Minh Mạng năm 1836 đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Bà Minh Hương cũng đã khẳng định rằng “chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ các nhà nghiên cứu”.

Dù vậy, nhìn rộng ra công tác tư liệu đối với các tài liệu quý hiếm về biển đảo Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhà báo Nguyễn Văn Kết cho rằng hiện nay các nguồn tài liệu chưa được thống kê có hệ thống để thu thập có hiệu quả, chưa có đầu mối thống nhất trong việc thu thập và quản lý tài liệu. Ông Kết cũng đề xuất khẩn trương thu thập các tài liệu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Hoàng Sa, Trường Sa cả ở trong và ngoài nước, và hệ thống hóa tài liệu thu thập được để công bố bằng hình thức thích hợp: xuất bản, đăng tải trên cổng thông tin, hội thảo…

Về nội dung này, ThS Nguyễn Thị Thùy Trang – Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước – cho biết trong kế hoạch lựa chọn tài liệu về Việt Nam cần sưu tầm ở nước ngoài, có ưu tiên nội dung tài liệu chứng minh chủ quyền lãnh thổ và biên giới biển, hải đảo, đất liền, không trung của Việt Nam. TS Nguyễn Nhã cho rằng hiện nay cần tích cực xây dựng thư mục về các châu bản và văn bản về Hoàng Sa, Trường Sa. Đây cũng là một việc cần làm, bởi có thư mục chuyên đề như vậy, chúng ta dễ dàng nắm bắt tình hình tư liệu sưu tập, khai thác và sử dụng đến đâu, như cách điểm binh để ước lượng tình hình vậy.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)