Điện hạt nhân và sự chấp thuận của công chúng
Giám đốc truyền thông Rosatom khu vực châu Á, ông Arkady Karneev cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện hạt nhân thế giới chính là công chúng. Chỉ khi có được sự chấp thuận của công chúng, ngành điện hạt nhân mới có đầy đủ điều kiện hoạt động, qua đó phát huy được vai trò của mình trong đời sống kinh tế, xã hội.
Ông Arkady Karneev, Giám đốc truyền thông Rosatom khu vực châu Á
Trong bài thuyết trình mang tên “Sự chấp thuận của công chúng đối với các dự án năng lượng hạt nhân”, được trình bày tại Ngày hội Khoa học và hạt nhân (tổ chức tại trường ĐH Bách khoa HN) vào ngày 19/5 vừa qua, ông Arkady Karneev đã đề cập đến vai trò của công chúng, yếu tố ít được nhắc đến trong những dự án phát triển điện hạt nhân của nhiều quốc gia giai đoạn trước đây. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi khi một làn sóng phản đối việc xây mới các nhà máy điện hạt nhân cũng như đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động đã xảy ra tại nhiều nơi như Pháp năm 2007, Nga năm 2010, Ấn Độ năm 2012, Đài Loan 2014. Đánh giá về những thiệt hại gây ra do việc các nhà máy điện hạt nhân ở Đức bị chính phủ ngưng hoạt động sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, ước tính, nền kinh tế nước này mất khoảng 37 tỷ euro (tính tới năm 2020).
Theo ông Arkady Karneev, nguyên nhân của những nhận thức tiêu cực về công nghệ hạt nhân và vai trò của nó trong đời sống kinh tế xã hội mà công chúng nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay vướng phải phần lớn do bốn yếu tố: 1. Thiếu kiến thức và hiểu lầm về công nghệ hạt nhân và bức xạ; 2. Ảnh hưởng từ những hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân; 3. Ảnh hưởng từ các tai nạn nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Three-Mile Island (1979), Chernobyl (1986), và Fukushima (2011); 4. Hoạt động của các phong trào phản đối hạt nhân. Tại Nga, một trong những cường quốc về công nghệ điện hạt nhân, công chúng cũng có những nhìn nhận tiêu cực không tránh khỏi về loại năng lượng này. Vào tháng 4/2011, thời điểm gần một tháng sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, một nghiên cứu đã được tiến hành tại Nga về sự chấp thuận của công chúng với điện hạt nhân, số người cho rằng cần loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân khỏi đời sống lên tới 12%, 27% cho rằng cần hạn chế các nhà máy điện hạt nhân hoạt động, 30% đồng ý với tình trạng các nhà máy điện hạt nhân hiện có tại Nga và 22% nên tích cực phát triển. Tuy nhiên ba năm sau, quan điểm của công chúng Nga về điện hạt nhân đã bắt đầu thay đổi: tỷ lệ người phản đối giảm xuống còn 7%, tỷ lệ yêu cầu hạn chế 10%, vì vậy tỷ lệ nhóm người có thái độ tích cực đã tăng lên 35% – đồng ý với tình trạng hiện có và 37% cho rằng cần tích cực phát triển.
Chia sẻ về bí quyết giúp các cơ quan quản lý và chuyên môn về điện hạt nhân ở Nga đã thực hiện nhằm tăng cường nhận thức của dân chúng, ông Arkady Karneev nêu năm nguyên tắc cơ bản: 1. Tuân thủ hoàn toàn khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cùng với những kinh nghiệm quốc tế của Nga về điện hạt nhân; 2. Xác định rõ phân khúc các bên liên quan và giữa mối liên hệ trực tiếp với các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề về điện hạt nhân; 3. Đối với công chúng, tích cực truyền đạt các kiến thức cơ bản về bức xạ và khoa học hạt nhân; cung cấp thông tin minh bạch và tin cậy về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân, xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải hạt nhân; 4. Cung cấp những thông tin về lợi ích kinh tế – xã hội của hạt nhân ở mức độ khu vực và quốc gia; 5. Nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ hạt nhân trong những ngành liên quan như y tế, nông nghiệp, v.v. Để những hoạt động này hiệu quả, theo ông Arkady Karneev, cần tuân thủ năm yếu tố: minh bạch, dễ hiểu, phản ứng nhanh, liên hệ trực tiếp và sáng tạo.
Ông Arkady Karneev lấy ví dụ về trường hợp lập dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Bangka Belitung, một tỉnh thuộc Indonesia
Các bên liên quan trong những dự án về điện hạt nhân, theo kinh nghiệm của ông Arkady Karneev, bao gồm chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó đại diện cho cộng đồng là các nhà hoạt động môi trường, các nhà hoạt động xã hội, trường học, đại diện cho các tổ chức là doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ NGO. Lấy ví dụ về trường hợp lập dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Bangka Belitung, một tỉnh thuộc Indonesia, ông Arkady Karneev nêu dấu mốc đầu tiên là việc phó tỉnh trưởng tỉnh Bangka Belitung cho rằng nhà máy điện hạt nhân là một dự án vô nghĩa (ngày 20/5/2015 trên trang web bangka.tribunnews.com). Sau đó, tổng thống Indonesia bày tỏ ý định hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt này (ngày 21/6/2015 trên tạp chí Tempo). Tuy nhiên dự án này lại nhận được sự ủng hộ của 65% người dân Bangka Belitung (ngày 23/9/2015 trên trang web belitongekspres.co.id) và sau đó là sự ủng hộ dự án của chủ tịch tỉnh Bangka Belitung (vào ngày 25/12/2015 trên hãng thông tấn Antara Indonesia). Và cuối cùng, Cơ quan Hạt nhân Quốc gia Indonesia (BATAN) cho biết Bangka Belitung là địa điểm hợp lí nhất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ngày 12/1/2016 trên trang web bangka.tribunnews.com). Quá trình này thể hiện sự nâng cao nhận thức về điện hạt nhân trong công chúng thông qua công tác truyền thông, sự tác động của các tổ chức NGO, hoạt động giáo dục ở các trường đại học (thông qua bài giảng của các giáo sư Nga tại Indonesia)…
Ông Arkady Karneev cũng nêu ra những kinh nghiệm mà Rosatom đã áp dụng thành công như tạo dựng nhiều kênh thông tin hữu hiệu đến với công chúng qua truyền hình, sách báo, ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng (xây dựng phần mềm tương tác với nhà máy điện hạt nhân)… cũng như chứng minh trong thực tiễn qua hiệu quả năng lượng của các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành an toàn. Bên cạnh đó, Rosatom còn đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của công chúng với những thông tin có độ tin cậy cao và cập nhật qua trang web russianatom.ru, nơi cung cấp bản đồ tương tác, cập nhật thông tin về điều kiện bức xạ tại các cơ sở Rosatom cũng như thông tin chung hữu ích về công nghệ bức xạ và điện hạt nhân.
Vì vậy, ông Arkady Karneev nhấn mạnh, công chúng cần được cung cấp thông tin minh bạch và tin cậy về công nghệ điện hạt nhân dưới nhiều hình thức để giúp họ không chỉ hiểu đúng mà còn có khả năng đưa ra những lựa chọn và quan điểm chuẩn xác, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao về điện hạt nhân trong những thời điểm quan trọng.
Thanh Nhàn lược ghi