Đọc “Giấc mơ Trung Quốc”

Trong những cuốn sách nói lên tham vọng Trung Quốc muốn soán ngôi “Nhất thế giới” của Mỹ thì Giấc mơ Trung Quốc – Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ (2010) đưa ra lời tuyên bố kích động chưa từng thấy: trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ giàu mạnh nhất thế giới và thay Mỹ làm “quốc gia lãnh tụ thế giới”, “vua Trái Đất”!

Đọc xong sách này nhà báo Jeffrey Schmidt thốt lên: “Trung Quốc đã tháo găng tay và đang thách thức sự thống trị thế giới của Mỹ”.

Đại tá-giáo sư Đại học Quốc phòng Lưu Minh Phúc dành 4 năm viết Giấc mơ Trung Quốc nhằm trình bày chủ trương của một bộ phận giới quân sự nước này về chiến lược cạnh tranh với Mỹ trong thế kỷ XXI, gồm 3 điểm:

1- Trung Quốc phải thay Mỹ lãnh đạo thế giới, làm “quốc gia quán quân và quốc gia lãnh tụ”, nghĩa là phải “dẫn dắt” thế giới, trước hết dẫn dắt về văn hoá (?). Lịch sử có quy luật: cứ 100 năm lại thay đổi “quốc gia quán quân”. Mỹ đã “quán quân” một thế kỷ rồi, nay lại đang suy thoái kinh tế và sa lầy ở Iraq, Afghanistan, nên nhường ngôi số một cho Trung Quốc – nước “có lý lịch và kinh nghiệm tốt nhất làm lãnh tụ thế giới”: là dân tộc ưu tú nhất (lớn nhất, lâu đời nhất, văn minh nhất, sức đồng hóa mạnh nhất); từng nhiều thế kỷ là nước giàu nhất; không có “tội tổ tông” (xâm lược, chiếm thuộc địa) như các cường quốc khác; mạnh và thiếu tài nguyên nhưng không bành trướng; vương đạo lập quốc mà không bá đạo, có mô hình phát triển bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao nhất. 

2- Muốn vậy, Trung Quốc phải tiến hành cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Đây không phải là cuộc chiến tranh nóng (quyết đấu sống mái) hoặc lạnh (đấu quyền Anh) mà là cuộc chiến tranh “ấm” giữa hai nước, là cuộc thi đấu (game) điền kinh lâu dài, cả hai bên sẽ cùng thắng. Trung Quốc cần tranh ngôi thứ nhất nhưng không “tranh bá”, tức không giành “bá quyền” của Mỹ mà ngược lại còn chấm dứt bá quyền của Mỹ. Trung Quốc muốn xây dựng thế giới dân chủ đa cực không bá quyền, Mỹ muốn bá chủ toàn cầu, duy trì thế giới một cực.

3- Để thắng cạnh tranh, Trung Quốc cần có quân đội mạnh nhất thế giới – đây là điều chủ yếu giới quân sự Trung Quốc muốn nói (lâu nay họ không có người ở trong ban lãnh đạo cao nhất nước này). Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc cần có quân đội mạnh nhất, không phải để đánh Mỹ mà là để khỏi bị Mỹ đánh; phải có lực răn đe sao cho không ai dám dùng quân sự ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy.

Giấc mơ Trung Quốc viết rất nhiều về lịch sử trỗi dậy của nước Mỹ và mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ. Tác giả nói Mỹ là “đế quốc văn minh”, “người thầy tốt nhất của Trung Quốc”… “Trung Quốc cần tham khảo trí tuệ và nghệ thuật trỗi dậy kiểu Mỹ”. Mỹ có 2 thành công chiến lược: thực hiện tự trỗi dậy và ngăn chặn thành công Liên Xô trỗi dậy. Mỹ luôn ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, nhưng ngăn chặn một cách có lý trí, văn minh. “Bá quyền” là mặt xấu nhất của Mỹ. Chính phủ Mỹ dân chủ với dân Mỹ nhưng lại bá chủ thế giới, thực hành chuyên chế quốc tế, vì thế Mỹ chỉ là nước dân chủ một nửa, không phải là quỷ sứ cũng chẳng phải thiên thần. Trung Quốc cần giúp Mỹ “tiến hóa về phía thiên thần”, tức trở thành quốc gia phi bá quyền. Tác giả viết khá dài về thuyết “Liên minh Trung Quốc-Mỹ” của đại gia chiến lược Mỹ Thomas Barnett và coi đó là “ý tưởng rất có sáng tạo” – điều này không thể không khiến bạn đọc cảnh giác về một liên minh bá quyền mới.

Trước “Giấc mơ Trung Quốc”, đã có hai cuốn sách khác nói lên tham vọng của Trung Quốc muốn soán ngôi “Nhất thế giới” của Mỹ: “Trung Quốc có thể nói Không” (xuất bản 1996), “Trung Quốc không vui” (2009).

Có thể thấy, trong khi ca ngợi nước mình quá nhiều, quá nhàm, tác giả viết được quá ít về các ưu thế sức mạnh mềm của Trung Quốc hiện nay, như có giá trị quan nào cảm hóa thu hút được thế giới, chiếm được đỉnh cao văn hoá toàn cầu. Ông thừa nhận: văn hoá Trung Quốc vẫn ở thế yếu hơn phương Tây; Mỹ đang xuất khẩu các giá trị quan tự do, dân chủ, nhân quyền, thu hút và cảm hóa được thế giới; Trung Quốc hiện chỉ mới có quan điểm “thế giới dân chủ” và “phi bá quyền hóa thế giới”, tác giả không giải thích cụ thể nhưng vẫn nói liều là trong thế kỷ XXI văn hoá Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới. Bạn đọc càng thất vọng khi thấy tác giả viết quá sơ sài về chiến lược “lãnh tụ thế giới” và ý tưởng của Trung Quốc muốn xây dựng châu Á và thế giới như thế nào. Có lẽ vì Trung Quốc chưa đủ trình độ nghĩ tới chuyện đó.

Một nhà báo viết: người Trung Quốc thích khoe tổ tông. Lưu Minh Phúc có quá lời chăng khi viết dân tộc Trung Hoa ưu tú nhất thế giới; từ xưa chính quyền đã thực hành đối ngoại hòa bình không bành trướng xâm lược; đối nội vương đạo mà không bá đạo. Xin hỏi, nếu thực hành vương đạo – dùng nhân nghĩa trị thiên hạ – thì tại sao Trung Quốc lại nhất thế giới về số vụ khởi nghĩa của nông dân?

Nhà chính luận dân tộc chủ nghĩa cực đoan Tư Mã Bình Bang nhận xét: Trong Giấc mơ Trung Quốc, “vương đạo” là phần đáng chê nhất; nếu người Trung Quốc muốn dựa vào trí tuệ gây dựng cơ đồ của tổ tiên mình thì kết cục nhất định sẽ rất bi thảm; từ năm 1840 trở đi dân tộc Trung Hoa luôn cho thấy còn cách “dân tộc ưu tú nhất” một khoảng cách xa lắm.

Nói Trung Quốc “mạnh nhưng không muốn bành trướng, xâm lược nước khác” càng khó thuyết phục. Thủa xưa họ chỉ có vùng đất Trung Nguyên, tức vùng trung-hạ du Hoàng Hà, về sau mở ra tứ phía, rộng mênh mông như hiện nay; rõ ràng là do bành trướng xâm lược mà có. Còn về chuyện Trung Quốc chưa có thuộc địa ở hải ngoại, chủ yếu là do chính quyền luôn gặp quá nhiều “nội tranh”, quân đội chủ yếu dùng để đàn áp nhân dân và các phe phái đối lập trong nước, nếu đưa quân đi đánh nước ngoài thì triều đình bị lật đổ ngay, nhà vua chẳng dại đi cướp thuộc địa mà để mất ngai vàng. Nửa cuối thế kỷ XX họ vẫn còn đấu đá nội bộ: Chủ tịch đảng hạ bệ Chủ tịch nước cùng Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Chủ tịch đảng âm mưu giết Chủ tịch đảng; Lũ 4 tên định lật Thủ tướng rồi chính họ lại bị bỏ tù hoặc xử tử v.v…

***

Điều đáng quan tâm không phải là Giấc mơ Trung Quốc có thực hiện được hay không, mà là khi thực hiện rồi thì các nước xung quanh Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng ra sao.
Nhật Bản, một quốc gia châu Á chịu tác động cực mạnh của văn hoá Trung Quốc, sau khi trỗi dậy và giàu mạnh đã phạm sai lầm chết người đem quân đi xâm lược các nước khác, chuốc lấy thất bại nhục nhã trong Thế chiến II. Trung Quốc có tránh được vết xe đổ ấy không?

Lưu Minh Phúc viết: ngay từ năm 1942 Mỹ đã nghĩ tới việc phải “cân bằng” sức mạnh Trung Quốc nhằm giữ ổn định ở châu Á. Vì sao họ nghĩ như vậy khi thời ấy Trung Quốc mới có 400 triệu dân, lại đang do Quốc Dân Đảng thân Mỹ thống trị?

Ngày nay Trung Quốc nhiều lần nói không xưng bá, không đe dọa ai, nhưng cách hành xử ngày một hung hăng lấn tới của họ đang làm nhân dân châu Á và thế giới e ngại.

Tháng 9/2009, Thủ tướng Nhật Hatoyama nói: Nhật Bản nằm giữa nước Mỹ đang tiếp tục duy trì địa vị bá quyền và Trung Quốc đang mưu cầu trở thành quốc gia bá quyền, vì vậy giữ gìn độc lập chính trị và lợi ích quốc gia mình như thế nào là vấn đề đang làm đau đầu Nhật cũng như các nước châu Á nhỏ và vừa.

Tháng 10/2009 tại Washington, lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu công khai kêu gọi Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc.

Thật đáng buồn khi vận mệnh thế giới luôn luôn bị một vài cường quốc chi phối và hễ có một cường quốc mới nổi lên thì trật tự thế giới lại chao đảo. Năm xưa là Nhật và Đức, nay là Trung Quốc ở ngay cạnh Việt Nam.

Trong tình hình đó, có lẽ nên nhắc lại lời Washington căn dặn dân Mỹ trong diễn văn từ nhiệm năm 1796 (Tocqueville gọi là danh ngôn; hồi ấy nước Mỹ còn nhỏ yếu, diện tích chưa bằng 1/5 hiện nay):

Nên xóa bỏ phản cảm thâm căn cố đế có nguồn gốc lâu đời đối với một số quốc gia cá biệt cũng như tình cảm quá tốt đẹp đối với một số quốc gia khác…Một quốc gia luôn căm ghét hoặc ưa thích quốc gia khác thì sẽ trở thành kẻ nô lệ của lòng yêu và ghét ấy.

Nên nhìn các cường quốc với thái độ Đừng nghe họ nói, hãy xem họ làm. Và chớ bao giờ quên lời trăng trối của nhà yêu nước Tiệp Khắc Julius Fučík trước khi ông bước lên giá treo cổ của phát xít Hitler: Nhân loại hỡi, hãy cảnh giác!

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)