Độc lập tư pháp và một số quy định của nền tư pháp New Zealand

Sự độc lập tư pháp là một nguyên tắc không thể thiếu trong bất kỳ nền dân chủ tự do nào, cũng như đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Ngoài ra, sự độc lập tư pháp là một yếu tố then chốt trong việc phân quyền giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân chia quyền tư pháp thể hiện rõ nét nhất so với sự phân chia quyền lập pháp và hành pháp.

Nguyên tắc sự độc lập tư pháp thường được đảm bảo trong Hiến pháp của các quốc gia. Tất cả mọi người (bao gồm cả các chính trị gia, nhân viên công quyền) đều phải tuân theo pháp luật, và chịu sự phán xử bởi một hệ thống Tòa án độc lập, không thiên vị.

Hơn nữa, tòa án độc lập và không thiên vị trong tất cả các giai đoạn tố tụng (bao gồm cả dân sự và hình sự) cũng được quy định trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị.
Để đảm bảo tư pháp độc lập, không thiên vị trong việc thực thi công lý, các quốc gia thường bảo đảm chế độ lương bổng và nhiệm kỳ đủ dài cho các thẩm phán (bao gồm cả Chánh án). Ngoài ra, các yếu tố như an ninh trụ sở tòa án và phiên tòa; và bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin của tòa án cũng rất quan trọng.1 Trong một án lệ, Tòa án Tối cao New Zealand cho rằng, độc lập tư pháp không chỉ đòi hỏi cá nhân thẩm phán độc lập, mà còn phải độc lập về thiết chế, tổ chức của Tòa án.

Bảo đảm nhiệm kỳ đủ dài cho các Thẩm phán

Bảo đảm nhiệm kỳ đủ dài được xem là nhân tố quan trọng nhất trong việc xây dựng tư pháp độc lập. Nhiệm kỳ của Thẩm phán thường được quy định trong Hiến pháp của các quốc gia.

Đa số các quốc gia quy định Thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời (đến tuổi nghỉ hưu), chẳng hạn như New Zealand, Thẩm phán có nhiệm kỳ đến tuổi 70,2 Malaysia (65 tuổi). Hay một số quốc gia như Nhật Bản, Thẩm phán có nhiệm kỳ 10 năm.

Việc cách chức, miễn nhiệm Thẩm phán chỉ được thực hiện trong hai trường hợp: (1) Thẩm phán có hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức; (2) Thẩm phán không đủ năng lực. Hai trường hợp này được quy định cụ thể trong luật của Quốc hội.

Để tránh việc tùy tiện, lợi dụng vì lý do chính trị, áp dụng không đúng về việc cách chức, miễn nhiệm Thẩm phán, một sự chế ước là cần thiết, chẳng hạn như: người đứng đầu Nhà nước (hoặc đứng đầu Chính phủ) đề xuất, nhưng phải có sự chấp thuận của Nhánh lập pháp (Quốc hội).

Ở New Zealand, ngài Toàn quyền (Governor-General, đại diện cho Nữ hoàng Anh ở New Zealand) sẽ quyết định việc cách chức, miễn nhiệm đối với Thẩm phán Tòa án Tối cao, Tòa Cấp cao và Tòa Phúc thẩm, nhưng phải được sự phê chuẩn của Quốc hội. Đối với thẩm phán Tòa án khu vực (cấp thấp nhất), ngài Toàn quyết quyết định theo sự đề nghị của Tổng chưởng lý (Attorney-General), mà không cần thông qua bởi Quốc hội. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất, nên áp dụng thủ tục đối với Thẩm phán Tòa khu vực như đối với các Tòa án cấp cao hơn.

Bảo đảm về mặt tài chính (tiền lương bổng)

Tiền lương của Thẩm phán phải không thể dưới một mức tối thiểu mà có thể đặt họ dưới sức ép về chính trị (political pressure) bởi sự lôi kéo bằng tiền bạc. Chính vì thế, tiền lương của Thẩm phán được bảo đảm bởi Hiến pháp. Luật Hiến pháp New Zealand nghiêm cấm việc cắt giảm tiền lương Thẩm phán trong suốt nhiệm kỳ.3 Pháp luật nhiều nước cũng có quy định tương tự, chẳng hạn như Điều 79 Hiến pháp Nhật cũng quy định Thẩm phán sẽ nhận tiền lương thích đáng, không bị cắt giảm trong suốt nhiệm kỳ. Ở Mỹ, việc cắt giảm “trực tiếp” hay “phân biệt đối xử” là vi Hiến, và ngay cả việc áp dụng một khoản thuế, phí nào đó riêng đối với Thẩm phán hoặc những người làm trong ngành Tòa án cũng không được phép. Tuy nhiên, việc tăng thuế thu nhập cá nhân (áp dụng đối với tất cả mọi người dân), hay lạm phát không bị xem là vi Hiến, mặc dù thu nhập của Thẩm phán có thể bị giảm trên thực tế.

Hơn nữa, điều đặc biệt là tiền lương cụ thể của Thẩm phán được thông qua bởi đạo luật của Quốc hội, mà không phải là do Chính phủ. Điều này rất quan trọng, tránh sự chi phối của nhánh Hành pháp đối với nhánh Tư pháp bởi vì nhánh Hành pháp là nhánh thi hành luật nên vi phạm pháp luật nhiều nhất (tham nhũng…).

Độc lập về thiết chế, tổ chức

Tòa án phải là một nhánh cơ quan nhà nước có đầy đủ thẩm quyền, không bị phụ thuộc vào bất kỳ nhánh nào hoặc cơ quan nào. Chính vì vậy, một yêu cầu bắt buộc đối với Thẩm phán đa số các quốc gia là không được tham gia đảng phái sau khi nhậm chức.

Hơn nữa, để đảm bảo Tòa án hoạt động độc lập, bảo vệ lợi ích công cộng, ngân sách hoạt động của các Tòa án được đảm bảo. Nhờ đó, những khoản chi phí tốn kém hay thời gian xử án kéo dài không phải là trở ngại đối với các Thẩm phán để đưa ra công lý.

Nghiêm cấm sự xúc phạm đến Thẩm phán

Ở New Zealand, dư luận có thể chỉ trích về các phán quyết của Thẩm phán, tuy nhiên nghiêm cấm việc chỉ trích liên quan đến cá nhân Thẩm phán. Nếu có sự chỉ trích các phán quyết của mình, Thẩm phán sẽ không đáp lại sự chỉ trích đó. Chánh án và viện pháp lý sẽ hỗ trợ Thẩm phán trả lời trong trường hợp như vậy.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội hay lãnh đạo của Chính phủ, các Bộ trưởng… cũng chỉ có thể bình luận về các chính sách liên quan đến hình phạt hay tính hiệu quả của pháp luật, chứ không được công kích về hoạt động của các Tòa án. Và việc chỉ trích nhằm vào Thẩm phán hay các chỉ trích liên quan đến bản án là không được phép. Các Bộ trưởng có thể cho rằng bản án là khác so với những lời tư vấn pháp lý mà họ nhận được và có thể tuyên bố rằng họ đồng ý hoặc không đồng ý điều đó hoặc đệ trình sửa đổi luật lên Quốc hội; mà không thể cho rằng Thẩm phán đã xử sai hoặc có lỗi trong việc ra bản án… Điều này tránh sự can thiệp vào công việc của nhánh tư pháp.

Sự hạn chế việc tiếp xúc giữa các nhánh chính trị và nhánh tư pháp, ví dụ như giữa dân biểu Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, nhân viên hai cơ quan này với Chánh án và Thẩm phán, nhân viên Tòa án cũng được xem là quan trọng để đảm bảo độc lập thiết chế của Tòa án.

Thẩm phán và nhân viên Tòa án sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn nếu tham nhũng

Ở New Zealand, tham nhũng công được hiểu là hành vi nhận bất kỳ vật lợi ích nào (cho dù chỉ 1 đô la, trực tiếp hoặc gián tiếp,) của cán bộ công quyền cho việc đã làm, hoặc sẽ làm một việc liên quan trên cương vị của mình.

Và Thẩm phán, những người làm trong cơ quan Tư pháp sẽ phải chịu hình phạt nặng nhất nếu có tham nhũng, với hình phạt tối đa được áp dụng là không quá 14 năm tù. Trong khi đó, đối với những người trong các cơ quan khác như Bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội, viên chức chính phủ… chỉ bị xử phạt tối đa là 7 năm tù.

Điều đó là cần thiết, bởi Thẩm phán và những người làm trong cơ quan Tư pháp là những người am hiểu chuyên sâu về pháp luật, và có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, cần áp dụng hình phạt nặng hơn nhằm ngăn ngừa những hành vi phạm tội “tinh vi” của Thẩm phán và những người làm trong cơ quan Tư pháp.

***

Độc lập tư pháp được thừa nhận là yếu tố quan trọng trong việc thực thi công lý ở mọi quốc gia. New Zealand được Tổ chức minh bạch quốc tế xếp hạng là nước có nền tư pháp độc lập nhất. Để đạt được điều đó, 5 yếu tố luôn được đảm bảo là: (1) Nhiệm kỳ thẩm phán là suốt đời (đến tuổi nghỉ hưu); (2) Thẩm phán được nhận tiền lương hậu đãi và được bảo đảm bằng luật của Quốc hội, mà không bị chi phối bởi Chính phủ; (3) Tòa án độc lập về mặt thiết chế, tổ chức; (4) Thẩm phán được xã hội trân trọng là một người có vị trí đặc biệt, và việc xúc phạm, can thiệp vào sự độc lập của Thẩm phán là không được phép; và (5) Thẩm phán và nhân viên Tòa án sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn nếu tham nhũng.

Có lẽ, nhờ hệ thống tư pháp độc lập mà New Zealand cũng là nước được xếp là ít tham nhũng nhất thế giới4.

1 Philip A Joseph, “Constitution and Administrative Law in New Zealand” (3ed, Thomson Brookers, 2007), at 773.

2 New Zealand Judicature Act 1908, section 13. Với sự đặc thù của nghề Thẩm phán, “càng già, càng có kinh nghiệm”, nên Thẩm phán có thể nghỉ hưu muộn. Nhưng muộn nhất, Thẩm phán phải nghỉ hưu ở độ tuổi 70. Tuy nhiên, họ cũng có thể nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn.

3 The Constitution Act 1986, section 24.

4 Transparency International, http://www.transparency.org/country#NZL.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)