Đổi mới giáo dục: ngổn ngang trăm mối tơ vò

Vừa qua, công bố các báo cáo đánh giá về Giáo dục Đại học Việt Nam (GDĐHVN) sau hơn một năm tiến hành khảo sát tại chỗ một số trường đại học Việt Nam trong khuôn khổ một dự án được Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) bảo trợ của Đoàn chuyên gia Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ đã được một số báo “giật tít” khá “kêu” (chẳng hạn: “3 yếu kém của GDĐH ở Việt Nam” – Dân trí điện tử, 5/8/2007 hay “GDĐHVN: dưới “con dao mổ” của Harvard”- Tuổi trẻ Online, 20/8/2007...). Nhưng theo nhìn nhận của tôi, các nội dung đánh giá và khuyến nghị của các nhà khoa học Hoa Kỳ không gây được sự chú ý đặc biệt, không chỉ đối với dư luận xã hội nói chung mà ngay cả đối với những người trong cuộc - cộng đồng GDĐHVN. Vì sao vậy? Với tư cách cũng là người trong cuộc, người viết bài này thử lý giải đôi điều.


Đánh giá của các nhà khoa học Hoa Kỳ: không sai nhưng cũng không mới!
Dù không được tham dự Hội thảo “Các cơ hội nâng cao chất lượng GDĐHVN” diễn ra trong 2 ngày 2-3/8/2007 để trực tiếp nghe các báo cáo của các nhà khoa học Mỹ nhưng chỉ cần vào trang Web của VEF (
http://home.vef.gov/) là có thể xem đầy đủ các báo cáo này. Vì lý do chuyên môn, tôi chỉ đề cập đến Báo cáo nhan đề: “Những quan sát về GDĐHVN trong các ngành Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Điện – Điện tử và Vật lý tại một số trường đại học Việt Nam”. Thông qua việc khảo sát 4 trường đại học hàng đầu (không nêu rõ tên), các nhà khoa học Mỹ tập trung đánh giá (trong báo cáo dùng từ rất khiêm tốn là “quan sát”) 5 vấn đề: (1) Công tác giảng dạy và học tập ở bậc đại học; (2) Chương trình đào tạo và các môn học ở bậc đại học; (3) Giảng viên; (4) Đào tạo và nghiên cứu ở bậc sau đại học; (5) Đánh giá kết quả học tập của sinh viên và hiệu quả của nhà trường. Kết quả đánh giá (tóm tắt) đối với từng vấn đề trên được tổng hợp trong bảng dưới đây:
STT Vấn đề                                              
1 Giảng dạy và học tập ở bậc đại học
Kết quả đánh giá (quan sát):
Phương pháp giảng dạy kém hiệu quả : diễn thuyết, thuyết trình, ghi nhớ một cách máy móc, giao ít bài tập về nhà, ít có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên
– Sinh viên học quá nhiều trên lớp mỗi ngày và quá nhiều môn trong một học kỳ -> không có thời gian để lĩnh hội tài liệu
– Thiếu chú trọng đến phát triển các kỹ năng thông thường và nghề nghiệp (kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý dự án, giải quyết vấn đề, óc sáng tạo, thói quen học tập suốt đời, v.v.)
– Thiếu trang thiết bị và nguồn lực

2 Chương trình đào tạo và các môn học ở bậc đại học
Kết quả đánh giá (quan sát)
– Có quá nhiều môn học (hơn 200 đơn vị học trình)
– Có quá nhiều các môn học bắt buộc và ít môn tự chọn
– Nội dung của các môn học và chương trình đào tạo chưa được cập nhật
– Thiếu đào tạo các kỹ năng thông thường và nghề nghiệp (kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý dự án, và tư duy phê phán)
– Thiếu linh hoạt trong việc chuyển đổi giữa các ngành đào tạo
– Các môn học và chương trình đào tạo không được xây dựng dựa trên những kết quả học tập mong đợi của sinh viên.

3 Giảng viên
Kết quả đánh giá (quan sát)
– Thiếu giảng viên về cả số lượng và chất lượng
– Giảng viên chưa cập nhật kiến thức chuyên ngành liên quan đến chương trình đào tạo, nội dung môn học, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu
– Giảng viên dạy quá nhiều nhưng lương thấp, phải làm thêm, thiếu thời gian để nâng cao phương pháp giảng dạy, cập nhật nội dung môn học, tiếp xúc sinh viên, và nghiên cứu
– Cơ chế tưởng thưởng chủ yếu dựa trên thời lượng giảng dạy và thâm niên, chưa thực sự khuyến khích giảng viên thực hiện nghiên cứu.

4 Giáo dục và nghiên cứu sau đại học
Kết quả đánh giá (quan sát)
– Giảng viên sau đại học chưa cập nhật về chương trình đào tạo, nội dung môn học, thực hành giảng dạy và nghiên cứu mới nhất trong ngành của họ
– Thiếu các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại trong phòng thí nghiệm dành cho giảng viên, sinh viên sau đại học
– Việc tuyển dụng giảng viên nội bộ đã cản trở cho việc tạo ra một môi trường nghiên cứu năng động
– Sự tách biệt giữa phòng thí nghiệm và các viện/trường nghiên cứu với các khoa đào tạo làm hạn chế các cơ hội cho giảng viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu

5 Đánh giá kết quả học tập của sinh viên và hiệu quả nhà trường 
Kết quả đánh giá (quan sát)
– Kết quả học tập mong đợi của sinh viên chưa được xác định và nêu rõ ở các cấp độ trường, khoa, ngành đào tạo, và môn học
– Hiệu quả trường, chất lượng ngành đào tạo và môn học không được đánh giá dựa trên kết quả học tập sinh viên
– Thiếu cơ sở hạ tầng nghiên cứu về trường (institutional research office)

Từ bảng trên, có thể thấy đánh giá của các nhà khoa học Mỹ là không sai đối với mặt bằng chung của GDĐHVN và cũng hoàn toàn không bất ngờ đối với những người trong cuộc. Những yếu kém của GDĐHVN lâu nay cũng đã được chúng ta tự đánh giá nhiều lần, thậm chí còn cụ thể và “nặng nề” hơn.

Công cuộc đổi mới GDĐHVN còn rất gian nan
Tôi không dám và cũng không muốn bình luận về phương diện vĩ mô vì ở nước ta đã có quá nhiều người thích nói những chuyện to tát, có tầm chiến lược dài hạn theo kiểu “tầm nhìn đến năm 2xxx” hơn là bàn đến những điều cụ thể, nhưng có tính phổ biến và có thể lại là gốc rễ của các giải pháp chiến lược. Trong phần còn lại của bài viết này, tôi chỉ trao đổi về một số bất cập hết sức cụ thể mà những giáo viên đại học chúng tôi nhìn thấy rất rõ trong quá trình thực thi nghề nghiệp của mình. Do khuôn khổ của bài viết, ở đây chỉ xin đề cập đến 2 vần đề: đó là đổi mới chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp dạy và học.
Không phải chỉ có các nhà khoa học Mỹ mới phát hiện thấy mà có lẽ hầu hết các nhà giáo đại học Việt Nam từ lâu đã thấy rằng chương trình đào tạo đại học của chúng ta quá cồng kềnh mà lại không hiệu quả. Rất nhiều môn học không cần thiết hoặc cần thiết nhưng thời lượng vượt quá mức độ cần thiết của nó đối với sinh viên. Một ví dụ điển hình là các môn chính trị mà vì lý do “chính trị” nên lâu nay ít người dám “động” vào! Mới đây, trong Hội nghị Tổng kết năm học của các trường đại học, cao đẳng phía Nam (18/8/2007, Thành phố Hồ Chí Minh), GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đã nói hộ suy nghĩ của chúng tôi: “Các môn học chính trị quá nặng, tốn nhiều thời gian. Lẽ ra, sinh viên chỉ cần học những cái chính. Thời gian còn lại dành đầu tư học những thứ khác thiết thực”. (Nguồn: VietNamNet, 19/8/2007). Không ai phủ nhận sự cần thiết của các môn chính trị, ở nước ngoài cũng vậy. Nhưng thời lượng dàn trải của các môn này trong chương trình đào tạo đại học của ta quả là bất cập. Nếu tinh giản nội dung đi đôi với đổi mới phương pháp dạy học (tăng cường thảo luận, viết tiểu luận, hoạt động ngoại khoá) thì chắc chắn sinh viên sẽ không còn vừa ngán, vừa sợ những môn học này nữa mà các chuyên ngành có thêm thời lượng để bổ sung các môn học cần thiết. Nếu xét trong phạm vi từng trường thì còn không ít những môn học “có vấn đề” như trên. Việc xây dựng các chương trình đào tạo cho đến nay vẫn rất cứng nhắc, mang tính áp đặt từ Bộ GD&ĐT. Các trường, và đặc biệt các khoa, bộ môn quản ngành hầu như rất ít quyền tự chủ trong xây dựng chương trình đào tạo. Lẽ ra, Bộ GD&ĐT với chức năng quản lý Nhà nước chỉ nên ấn định một khung kiến thức tối thiểu cho các ngành đào tạo bậc đại học, còn lại dành quyền chủ động cho các trường, các khoa, các bộ môn có điều kiện xây dựng “thương hiệu” cho mình. Đúng như nhận xét của GS Võ Tòng Xuân (nguồn đã dẫn): “Nếu được phép xác định nội dung đào tạo, cán bộ giảng dạy của các trường sẽ phấn khởi hơn, nhất là những người ở nước ngoài về, có nhiều đất dụng võ”.Tuy nhiên, ngay cả trong trương hợp Bộ “thông thoáng” nhưng xuống đến cấp trường lại không “thông thoáng” và không mạnh dạn thực hiện một cuộc “đại phẫu” về chương trình đào tạo vì sợ mất đoàn kết, sợ ảnh hưởng đến nền nếp ổn định (dù đã lỗi thời) của nhà trường, lãnh đạo sợ mất “ghế”… thì đâu vẫn sẽ hoàn đấy, bài ca “đổi mới chương trình đào tạo” sẽ còn tiếp tục được ca lên dài dài… Trường có quy mô càng lớn, có bề dày truyền thống càng “hào hùng” thì thách thức này càng lớn. Và trong cuộc đua đổi mới chương trình đào tạo, chính các trường nhỏ mới xây dựng và các trường ngoài công lập sẽ có lợi thế hơn chứ không phải là các “đại gia” top đã tồn tại mấy chục năm. Một số trường đại học công nghệ cho đến nay vẫn giữ thời gian 5 năm cho 1 khóa đào tạo bậc đại học. Ai cũng thấy như vậy là dài, chỉ nên đào tạo trong 4 năm như các nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng với chương trình đào tạo cứng nhắc và ôm đồm như hiện nay, việc rút ngắn thời gian chắc chắn sẽ kéo theo việc giảm chất lượng đào tạo. Đã có trường thử rút xuống 4 năm sau đó lại phải quay lại 5 năm.
Những năm gần đây chúng ta nói rất nhiều đến việc đổi mới phương pháp dạy và học. Nhiều trường có chủ trương cụ thể và có hỗ trợ tích cực cho giáo viên. Bản thân các giáo viên nhiều người cũng đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy của mình. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, theo nhận xét của tôi, với tư cách là một giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, thành quả đáng ghi nhận nhất của xu thế này mới chỉ dừng ở mức “điện tử hóa các bài giảng”. Nhìn các thầy, cô giáo tay xách nách mang laptop, thậm chí cả máy chiếu, lên lớp (vì đa số các phòng học chưa được trang bị máy tính, máy chiếu tại chỗ – mà lý do nhiều khi không phải thiếu tiền mà vì khó quản lý) mà thấy cảm phục và thương cho các nhà giáoViệt. Vấn đề cốt lõi của việc đổi mới phương pháp dạy và học ở bậc đại học chính là mối quan hệ thầy-trò.  Phải thay đổi mối quan hệ này từ chỗ “thầy chủ động – trò thụ động” (thầy đọc, trò chép) tiến đến mức cả thầy trò đều chủ động cùng hướng đến mục tiêu đem lại cho trò mức thu nhận kiến thức và kỹ năng cao nhất. để làm được điều đó, cần phân bố thời lượng một môn học, đặc biệt là các môn chuyên ngành, theo hướng giảm thời gian giảng lý thuyết trên lớp, tăng cường các hình thức thảo luận theo chủ đề, tăng cường các hình thức tự học có hướng dẫn và kiểm soát của giáo viên thông qua các bài tập lớn, đồ án môn học và các đề tài nghiên cứu khoa học. Nghĩa là, giáo viên phụ trách môn học phải được quyền quyết định dạy như thế nào và phải chịu trách nhiệm trước cơ sở đào tạo, trước sinh viên về kết quả học tập của sinh viên. Ngược lại, sinh viên dù muốn hay không cũng sẽ bị “lôi vào cuộc”, lúc đầu có thể chưa “thấm” nhưng dần dần và đặc biệt sau này khi đi làm mới thấy hết hiệu quả của phương thức dạy và học này. Thực ra, phương thức dạy và học này chỉ là mới đối với Việt Nam, nhiều giáo viên của chúng ta đã được đào tạo theo phương thức này khi học tập, tu nghiệp ở các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, nói thì “ngon” vậy, nhưng khi thực thi thì không đơn giản chút nào. Hầu hết các trường hiện nay vẫn quản lý đào tạo theo biên chế (hoặc tín chỉ nửa vời) nên các giáo viên ăn lương và thanh toán tiền dạy theo số tiết ấn định từ đầu (khi xây dựng chương trình đào tạo) cho môn học. Bởi vậy, việc quản lý giờ lên lớp của giáo viên khá chặt chẽ (nhiều trường có ban Thanh tra Giáo dục được giao nhiệm vụ này). Giáo viên dạy ít giờ sẽ được hưởng ít tiền bù giờ, vượt giờ. Trừ một số ít giáo viên có việc làm thêm bên ngoài, còn đa số giáo viên chỉ sống bằng nghiệp “bán cháo phổi”. Lương giáo viên (kể cả lương Giáo sư) đã quá thấp nên chẳng ai muốn tự mình làm hại mình vì những cố gắng đổi mới phương pháp dạy học. Cứ cố gắng “bôi” cho đủ số giờ ấn định. Thậm chí khi xây dựng chương trình đào tao, việc giảm thời lượng các môn học cho hợp lý hơn và để có thể đưa thêm môn học mới vào cũng không đơn giản, không ít giáo viên đấu tranh đến cùng để thời lượng của môn học mình phụ trách chỉ có tăng chứ không giảm! Thực tế đó cho thấy muốn đổi mới phương pháp dạy và học hiệu quả thì trước hết phải đổi mới cơ chế quản lý đào tạo để khuyến khích các giáo viên thực hiện. Phải làm sao để việc đổi mới phương pháp giảng dạy mang lại lợi ích thiết thực (cả tinh thần lẫn vật chất) cho giáo viên, chứ không thể chỉ đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, trách nhiệm khi Nhà nước chưa trả được đồng lương xứng đáng với nghề nghiệp của họ.
Gần đây báo chí  nói “hơi” nhiều về chuyện Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân lên bục giảng bài ở lớp tập huấn các hiệu trưởng đại học và đã có 2 ý tưởng “mới” (theo lời báo chí) là: (1) cho phép sinh viên đánh giá giáo viên, và (2) cho phép sinh viên đại học mở tài liệu khi thi. Chắc chắn bản thân GS Nhân, đã từng là một giảng viên đại học, biết rất rõ rằng ý (1) chỉ mới đối với Việt Nam, còn ý (2) thì hoàn toàn không mới ngay cả ở Việt Nam. Cả 2 ý này đều nằm trong phạm trù phương pháp dạy/học và quan hệ thầy/trò mà chúng ta cần đổi mới. Việc sinh viên nhận xét, đánh giá giáo viên mặc dù chưa phải là một giải pháp hoàn toàn tích cực (vì đôi khi đó là con dao 2 lưỡi) nhưng tôi nghĩ rằng các giáo viên có năng lực chuyên môn, trung thực và tâm huyết với nghề sẽ coi đó là chuyện bình thường. Nhưng đừng vì chuyện này mà làm cho quan hệ thầy – trò biến thành quan hệ thương mại khi một số báo coi sinh viên là khách hàng, giáo viên là người phục vụ nên khách hàng (là Thượng đế) có quyền đòi hỏi mọi thứ ở người phục vụ. Chưa nói đến không ít “Thượng đế” chỉ quan tâm đến mảnh bằng chứ có cần kiến thức đâu mà yêu cầu các thầy phải dạy giỏi? Tình trạng sinh viên vô cảm với bài giảng của giáo viên nhiều khi làm cho các thầy cô chán ngán. Bản thân tôi đã có lần phải nói thẳng với một số lớp sinh viên: tôi giảng hay dở như thế nào thì các em phải biểu lộ cho tôi biết chứ. Cũng phải có thời gian để sinh viên dần dần ý thức và phát huy một cách trung thực quyền dân chủ mà họ được trao. Tuy nhiên, cái khó của việc này theo tôi lại không nằm ở “đương sự” (giáo viên, sinh viên) mà ở phía quản lý: ai sẽ xử lý và xử lý như thế nào để đảm bảo việc này không nhằm đến một mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo? Ngoài ra, một câu hỏi sẽ được các giáo viên đặt ra: sinh viên (và cả giáo viên nữa) có được nhận xét, đánh giá các cán bộ quản lý (kể cả Giám đốc, Hiệu trưởng) của cơ sở đào tạo không? Bởi chất lượng của đội ngũ này có ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của một cơ sở đào tạo đại học. Nếu có, thì ai sẽ xử lý và xử lý như thế nào các nhận xét, đánh giá đó để việc làm này đừng mang nặng tính hình thức như các cuộc thăm dò bổ nhiệm cán bộ vẫn làm hiện nay. Còn việc kiểm tra, thi ở bậc đại học thì có quy định nào nói sinh viên tuyệt đối không được mở tài liệu đâu? Hoàn toàn tùy thuộc ở giáo viên ra kiểu đề gì! Tuy nhiên, bản thân tôi đã có lần hỏi thử sinh viên muốn thi kiểu gì thì đa số sinh viên trong lớp đề nghị cho thi theo kiểu “không được sử dụng tài liệu”, bởi họ biết rằng thi kiểu “được sử dụng tài liệu” thường khó làm, khó học tủ và khó cả… việc copy bài của bạn nữa! Để thi được theo kiểu “mở tài liệu” thì sinh viên phải từ bỏ cách học đối phó, chủ động và nỗ lực cao trong việc thu nhận kiến thức và rèn luyện kỹ năng liên quan.

Ngổn ngang trăm mối tơ vò
Thực ra còn rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về các vấn đề quan trọng khác của GDĐHVN nhưng không thể nói hết trong khuôn khổ bài viết này. Ví như Đề án đào tạo 20.000 Tiến sỹ, hay các đề án mà Bộ GD&ĐT đang được xúc tiến nhằm xây dựng các trường đại học “đẳng cấp quốc tế”, trong đó có Đề án Xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ trên cơ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với hy vọng đó sẽ là một MIT của Việt Nam, một ứng cử viên quan trọng trong cuộc chạy đua để đến năm 2020 sẽ có mặt ít nhất 1 trường đại học VN trong top 200 của các trường đại học thế giới! Ý tưởng rất đẹp, và nhìn thoáng qua có vẻ logic, nhưng tôi (và tôi biết còn có rất nhiều người khác nữa) hoàn toàn chia sẻ với những thách thức to lớn mà đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý của Viện KH&CN VN sẽ phải đối mặt. Bộ GD&ĐT lại mới bổ sung thêm “2 không” nữa vào khẩu hiệu phấn đấu cho các trường đại học năm học này: “nói không với đào tạo không đạt chuẩn” và “nói không với đào tạo không đáp ứng nhu cầu của xã hội”. Thế nào là chuẩn cho GDĐHVN? Ai sẽ kiểm định việc đạt hay không đạt chuẩn và nếu không đạt thì xử lý thế nào? Nhu cầu của xã hội được xác định cụ thể như thế nào? Hiện tại có trường nào, ngành nào đang đào tạo không theo nhu cầu xã hội?… Chắc là sẽ còn nhiều diễn đàn xung quanh  “2 không mới” này trong khi “2 không cũ” (“nói không với tiêu cực” và “nói không với bệnh thành tích”) phát động từ năm học trước có vẻ như chỉ mới tập trung vào 2 cuộc thi chung (tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh đại học) chứ chưa tác động gì đến các trường đại học, ngoài việc xuất hiện các khẩu hiệu hoành tráng ở các cổng trường!
Nhiều việc ngổn ngang quá, bề bộn quá, mà chưa thấy những giải pháp cơ bản và khả thi làm cho những người giáo viên đứng lớp như tôi cảm thấy ngổn ngang trăm mối tơ vò. Viết đến đây tự nhiên tôi lại nhớ đến bài báo của tác giả Nguyễn Bỉnh Quân đã đăng trên Tia Sáng đầu năm nay nhan đề: “Chấn hưng Giáo dục và Đào tạo – Rối cờ !?” (Tia Sáng, Số 2, 20/1/2007).

        

Nhiều nhà khoa học, nhà giáo người Việt, bao gồm cả người Việt ở nước ngoài, đã nhiều lần “tự mổ xẻ” và “mổ xẻ” GDĐHVN và cũng kiến nghị, đề xuất đủ điều. So với các đánh giá của người Việt, các đánh giá của người Mỹ vẫn có vẻ “nhẹ nhàng” hơn. Có thể dù rất thẳng thắn và khách quan nhưng các vị khách của chúng ta vẫn không thể không giữ lại chút “lịch sự ngoại giao” cần thiết. Có thể vì các khảo sát của người Mỹ chỉ giới hạn trong 4 trường tốp đầu, nếu mở rộng ra cả mấy trăm trường đại học còn lại, đặc biệt là các trường công lập địa phương mới được ồ ạt “đôn lên” từ các trường cao đẳng, và cả các trường ngoài công lập đủ loại, chắc chính các nhà khoa học Mỹ mới là người bị bất ngờ chứ không phải chúng ta. Dân ta có câu: “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận’! Các nhà khoa học Mỹ thực ra cũng chỉ mới cầm một góc chăn (mà lại là góc sạch sẽ nhất) GDĐHVN và ngó vào, cũng có thể thấy đôi ba con rận, nhưng chắc chắn là họ chưa có điều kiện nằm trong chăn nên chưa thể bị rận đốt như người Việt chúng ta được! Mà người Việt chúng ta ngày nay đâu có còn là “ếch ngồi đáy giếng”, ngay trong số những giáo chức đại học trong nước đã có bao nhiêu người được đào tạo từ các nền GDĐH tiên tiến nhất trên thế giới.  Nhưng có lẽ do “Bụt Chùa nhà không thiêng” hoặc do tâm lý “sính đồ ngoại”, “chuộng hàng hiệu” của các nhà quản lý nước ta nên chắc chắn chúng ta sẽ còn được tiếp tục đọc nhiều báo cáo ngoại “đúng nhưng không mới” nữa!

Nguyễn Thúc Hải

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)