Đổi mới Hiến pháp, nghĩ về một thiên cổ hùng văn cho đời sau

Có thể chúng ta chưa có những công trình vật chất để lại ngàn năm, tuy nhiên, với năng lực tinh thần, chúng ta có thể nghĩ đến việc tạo lập ra những giá trị để lưu dấu lâu dài, mà một ví dụ cụ thể là đổi mới Hiến pháp nhằm thể hiện tầm nhìn mới, tầm nhìn lâu dài của lãnh đạo, làm cho Hiến pháp trở thành tài sản của mọi người dân Việt Nam – hôm nay và cả mai sau.

Huyền sử Nghiêu Thuấn và khát vọng dân chủ của dân tộc Trung Hoa

Đọc văn học cổ Trung Quốc, biết đến hai vị vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn (khoảng ba trăm năm đầu thuộc thiên niên kỷ thứ ba TCN) như hai vị vua anh minh, thường được nhắc đến như hai tấm gương cho các vua đời sau noi theo để trị nước. Dưới thời Nghiêu Thuấn, thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa. Trong văn học sử và cả văn hóa dân gian, Nghiêu Thuấn như hai triều đại mang tính biểu tượng của thái bình thịnh trị ‘ngoài đường của rơi không nhặt, nhà cửa thường bỏ ngỏ không sợ trộm cắp”.

Các vua chúa đời sau thường lấy đức thời Nghiêu Thuấn để răn dạy mình. Tuy vậy, có một điều mà tất cả các triều đại Trung Hoa về sau không bao giờ học được từ hai vị vua này, đó là việc cả hai vua Nghiêu và Thuấn đều không nhường ngôi cho con trai mình mà nhường ngôi cho người có tài đức trong thiên hạ. Vua Nghiêu không nhường ngôi cho con mình mà nhường ngôi cho Thuấn vì Thuấn là người giỏi trong nước. Đến lượt mình, vua Thuấn cũng không nhường ngôi cho con mà nhường ngôi cho vua Vũ lập nên triều nhà Hạ. Việc chọn người tài đức, tốt nhất trong dân để truyền ngôi từ đó về sau vẫn còn là tấm gương nhưng chưa triều đại nào theo kịp. Câu chuyện này đi vào văn học sử như còn đó, một giấc mơ.

Các triều đại sau chẳng những không theo được gương chọn người tài trong nước mà còn ra sức củng cố chắc chắn hơn sự lãnh đạo tuyệt đối của mình. Trớ trêu thay, sự mong muốn lãnh đạo tuyệt đối của các vương triều lại nói lên tính tương đối của nó và lịch sử đã cho thấy không một vương triều nào tồn tại mãi mãi. Cho dù mạnh mẽ, tham vọng như Tần Thủy Hoàng, vì muốn cai trị muôn đời nên đã đặt đế hiệu cho mình là Tần Vương Nhất Thế, với mong muốn là dòng họ của mình sẽ ngự trị đến vạn thế, cũng không bao giờ là hiện thực…Thực tế là sau đó nhà Tần chỉ tồn tại được hai đời nữa (Tần Tam thế bị Hạng Võ sát hại và nhà Hán của Lưu Bang kế tục sau đó). Cứ như thế, vẫn không như mong muốn của những người sáng lập, các vương triều cũng chỉ tồn tại một cách tương đối không khác được, đó là thịnh và suy tàn. Lịch sử lại như các vòng lặp của các vương triều thay nhau. Ngàn năm cũng chỉ đơn thuần là phép cộng các vòng lặp không hơn không kém. Vì vậy, có lẽ nếu không có một cơ chế tạo điều kiện để người giỏi nhất trong nước lãnh đạo đất nước, thì có lẽ câu chuyện Nghiêu Thuấn sẽ mãi là chuyện thần tiên, và dường như mãi chỉ là giấc mơ.

Chú bé Obama và Hiến pháp Hoa Kỳ, tầm nhìn của các Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên

Viết về tuổi thơ của mình, lúc sống ở nước ngoài (Indonesia) với mẹ (1), Thượng nghị sĩ Obama có kể rằng mẹ ông là người đã rèn cho ông niềm tin là mọi người Mỹ, với các màu da khác nhau đều bình đẳng theo Hiến pháp. Bà là người đầu tiên đọc cho chú bé Obama Hiến pháp và Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và giải thích rằng chính những dòng chữ trong các văn bản này đã bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ. Và chú bé Obama đã cảm thấy như được bảo vệ khi nghe mẹ đọc những văn bản này.

Có thể không phải ai cũng được như Obama, nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng những gì ông đạt được có cơ sở từ luật pháp Mỹ mà tinh thần và định hướng của hệ thống này là Hiến pháp Mỹ, gồm 7 điều và 27 điều bổ sung sửa đổi. Không phải người Mỹ da đen nào cũng thành đạt như Obama, nhưng khó có thể phủ nhận sự thật rằng một người Mỹ da đen chẳng những có thể được bình đẳng theo luật pháp Mỹ mà còn có thể trở thành lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Thật vậy, những thành công của Obama đã phần nào là bằng chứng cho tinh thần công dân bình đẳng của Hiến pháp Mỹ.
 
Tính ưu việt của một bản Hiến pháp thể hiện trước hết ở tính vì dân của nó, tuy không phải Hiến pháp nào được làm ra từ đầu đều đã là ưu việt. Hơn nữa, những bản Hiến pháp ưu việt ngoài tính vì dân còn phải thể hiện ở sự linh hoạt cần thiết, cũng để vì dân. Chính những điều khoản sửa đổi dựa trên tinh thần này của Hiến pháp Mỹ đã tạo điều kiện giúp chú bé Obama trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.

Thật thú vị, vì ngay cả sau khi Obama đã đắc cử Tổng thống, nhiều người còn hoài nghi tính hợp hiến của việc này do họ chưa tin rằng Hiến pháp Mỹ được công nhận từ 1781, lúc còn chế độ nô lệ, chấp nhận một người da đen làm Tổng thống. Xem lại tinh thần bản Hiến pháp và các điều khoản sửa đổi bổ sung 13: Bãi bỏ chế độ nô lệ (năm 1865), 14: Quyền công dân (năm 1868), và 15: Quyền bỏ phiếu của người Mỹ gốc Phi (năm 1870) như các điều khoản không tách rời của Hiến pháp Mỹ, những người hoài nghi mới nhận thấy rằng, nếu họ hồ nghi một người da đen có thể được làm Tổng thống thì họ cũng sẽ phải nghi ngờ như vậy đối với người da trắng và các màu da khác. Nói đơn giản là các điều khoản không chỉ thể hiện sự giải phóng người da đen mà còn thể hiện một cách khách quan sự bình đẳng và quyền làm chủ của mọi người dân. Thật vậy, khi xem lại những tác phẩm của một trong các chính trị gia vĩ đại người Mỹ, Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, người chấp bút Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (vốn là nguồn cảm hứng cho các chính trị gia, văn hào về sau) những người hoài nghi mới nhận thấy rằng, sự linh hoạt vì một xã hội văn minh hơn đã được minh định từ lâu. Ông đã từng viết (1816): “Tôi không phải là người cổ súy cho việc hay thay đổi luật lệ và pháp chế. Nhưng rõ ràng hai thứ này phải cùng phát triển không tách rời với tiến bộ của tư tưởng con người. Khi nhân loại ngày càng phát triển và khai sáng, khi ngày càng có nhiều phát minh và chân lý được soi rọi, khi cách thức và ý kiến thay đổi, thì trong bối cảnh mới đó, các định chế cũng phải đi lên để hòa nhịp với thời thế. Ta có thể so sánh việc một xã hội văn minh bị kiềm hảm trong các định chế bán khai của cha ông giống như bắt một người trưởng thành phải chui vào tấm áo của trẻ con vậy.”(2) 

Phải chăng chính những người hoài nghi lại lạc hậu hơn chính tiền nhân của họ.
 
Với những tư tưởng tiên phong như thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi các văn bản luật quan trọng như Hiến pháp Mỹ lại có được một sự linh hoạt đến như vậy. Và nhờ đó, tính vì dân và công bằng của nó đã làm cho những người dân “thấp bé” nhất, như chú bé Obama thưở nào, vừa cảm thấy ở nó một sự tự hào vừa cảm thấy được bảo vệ. Thật vậy, trong một xã hội mà phê bình đã thành văn hóa, dù người dân Mỹ có chỉ trích chính quyền này hay đảng phái nọ… họ hầu như không bao giờ phê bình Hiến pháp của mình. Văn bản pháp luật này được xem như một báu vật quốc gia quý giá nhất của họ.

Như vậy, một Hiến pháp đặt người dân ở vị trí trung tâm, vượt trên lợi ích của các chính quyền, đã tồn tại với thời gian vì đơn giản nó là của dân, chủ nhân của đất nước. Một Hiến pháp như thế thể hiện tầm nhìn rộng lớn, vượt thời gian của những nhà lập quốc Hoa Kỳ. Có thể nói đây chính là món quà quý nhất dành cho đời sau của những nhà lập quốc. Và nó đã trở thành tài sản của người dân Hoa Kỳ. Môt khía cạnh nào đó, tinh thần dân chủ kiểu Nghiêu Thuấn đã được minh định bằng văn bản có tên Hiến pháp và được thể hiện liên tục từ ngay sau vị “vua Nghiêu đầu tiên của Mỹ” (George Washington).

Trách nhiệm với đời sau

Một câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta mà có lẽ vì quá bộn bề công việc mà ta đã không nghĩ tới, đó là ta sẽ làm gì cho con cháu chúng ta ngàn năm sau? Đất nước ta sẽ như thế nào trăm năm, ngàn năm sau?

Chúng ta là con cháu của ngàn năm trước mà chúng ta cũng còn là cha ông của ngàn năm sau. Trách nhiệm đối với ngàn năm sau có thể nói còn nặng nề hơn, nhưng liệu có đang được quan tâm? Từng trí thức, từng nhà lãnh đạo nên đặt câu hỏi cho mình… Không dừng lại để tự vấn, thời gian sẽ cuốn ta đi, rồi một ngàn năm nữa liệu có hơn gì ngàn năm cũ? Chắc chắn chúng ta không muốn một ngàn năm sau nữa cũng chỉ đơn thuần là phép cộng các vòng lặp không hơn không kém và lịch sử lại như các vòng lặp của các vương triều thay nhau. Mà có chắc chắn rằng ta có thể tồn tại mạnh mẽ như cha ông mình? Biết đâu ta bắt đầu, hay đã ỷ lại ở khả năng tồn tại của mình, mà khi ỷ lại chính là lúc ta đi xuống! Nếu thế, còn gì cho cháu con ta?

Dân tộc ta đã nổi tiếng. Tuy vậy, cho đến thời khắc này của lịch sử nhân loại, chúng ta phải tự nhận thấy rằng, chúng ta nổi tiếng vì sự tồn tại mãnh liệt và nhọc nhằn của dân tộc mình, bên cạnh các dân tộc khác nổi tiếng vì sự dẫn đầu của sự phát triển, của tinh thần vượt trên châu lục, rồi đi trước thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao con cháu chúng ta tự hào về cha ông không chỉ bằng sự tồn tại mà còn bằng sự vượt lên vĩ đại! Suy cho cùng và cũng là một cách khôn ngoan, thì việc giải quyết bài toán vượt lên của dân tộc cũng chính là để giải quyết bài toán tồn tại, vốn cũng chưa bao giờ đơn giản, với dân tộc ta.

Lịch sử nhân loại đã quá đủ để chúng ta nhìn lại mình, định hướng và bắt đầu một đại công cuộc cho dân tộc với tầm nhìn thật xa để con cháu ngàn năm sau của chúng ta tự hào vì cha ông mình! Làm sao để tinh thần vì trăm năm, ngàn năm sau lan tỏa vào huyết quản của từng người dân ở mọi nấc thang xã hội? Có lẽ nên bắt đầu một cuộc đại tự vấn, “tuyển dụng” trong toàn dân, làm sao để người giỏi nhất, tốt nhất có điều kiện dẫn dắt đi đầu, đưa đất nước vào một ngàn năm mới, ngàn năm của phát triển chứ không phải ngàn năm của nhọc nhằn tồn tại. Nếu cho rằng dân tộc ta chưa đủ sức làm, điều kiện đất nước chưa đủ chín mùi thì có lẽ chúng ta sẽ không tiến hành thực hiện và thời điểm chín mùi kia cũng không bao giờ đến!

Để thực hiện đại cuộc này thiết nghĩ, trước mắt cần nêu cao trách nhiệm đối với con cháu đời sau, cải tạo bản thân thành một dân tộc hòa giải mọi bất đồng, cần một tinh thần dân chủ để khai thác toàn diện những nguồn nguyên khí quốc gia từ khắp mọi nơi. Những việc trước mắt này có thực hiện triệt để cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Và vì mất nhiều thời gian nên cần càng sớm tiến hành. Thật vậy, với “ngàn năm” thì đây chỉ là tiền đề, chỉ là “trước mắt” mà thôi. Nếu không có quyết tâm và hành động cụ thể, thì ngàn năm có thể không đủ dài để ta tiếp tục thong dong, cạn nghĩ. Thiển nghĩ, có ý thức trách nhiệm đối với cháu con đời sau sẽ giúp chúng ta dễ đoàn kết, hòa giải bất đồng hơn. Ghi tâm trách nhiệm với đời sau sẽ là cơ sở để chúng ta cẩn thận gìn giữ những gì tiền nhân tạo lập. Nêu cao trách nhiệm với đời sau sẽ giúp chúng ta học được những bài học của tiền nhân và quan tâm hơn đến hậu quả của những việc ta làm – từ giáo dục, môi trường, điều hành kinh tế, đến an ninh quốc phòng. Khi có trách nhiệm với con cháu đời sau thì chúng ta sẽ dễ dàng vươt qua mọi cám dỗ, vì ta biết rằng, những cám dỗ dù rất nhỏ, nếu ta không vượt qua cũng sẽ là vết nhơ làm tổn thương niềm kiêu hãnh của con cháu chúng ta.
 
Có thể nguồn lực vật chất chúng ta chưa đủ để khẳng định rằng chúng ta sẽ có những công trình vật chất để lại ngàn năm, tuy nhiên, với năng lực tinh thần, chúng ta có thể nghĩ đến việc tạo lập ra những giá trị để lưu dấu lâu dài. Một ví dụ cụ thể mà chúng ta có thể tiến hành là đổi mới Hiến pháp nhằm thể hiện tầm nhìn mới, tầm nhìn lâu dài của lãnh đạo, làm cho Hiến pháp trở thành tài sản của mọi người dân Việt Nam – hôm nay và cả mai sau. Một Hiến pháp mà con cháu đời sau đều trân trọng giữ gìn. Đây thật sự là một tham vọng. Tại sao chúng ta không có tham vọng góp chung vào danh sách các thiên cổ hùng văn của dân tộc như Nam Quốc Sơn Hà (930 năm), Bình Ngô Đại Cáo (580 năm) (3) một áng văn để lại cho đời sau? Đặc biệt là khi vận hội thưc hiện tham vọng vừa hiện hữu vừa bức thiết.

Hơn nữa, trong điều kiện ngày nay, khi chúng ta tiếp thu tinh anh của thế giới, Hiến pháp của chúng ta sẽ làm thăng hoa tinh thần Việt, tinh thần học hỏi – vươn lên trong một ngàn năm mới. Lịch sử Hiến pháp của chúng ta tuy chưa dài nhưng không thiếu những kinh nghiệm và tinh thần đó, và bản Hiến pháp 1946 là một ví dụ sinh động. Tin rằng có một ngày, Hiến pháp Việt Nam sẽ như một lời hiệu triệu người Việt khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, không phân biệt chính kiến, không phân biệt Nam -Bắc, Đông Tây,…cùng chung lưng đấu cật, dù ở phương trời nào cũng canh cánh trong lòng một giấc mơ đưa đất nước tiến lên. Một Hiến pháp mà khi đọc nó, từng người dân, từng cô cậu bé cảm thấy vừa như được bảo vệ, vừa như được thôi thúc vươn lên. Đây có lẽ là một bước đầu cụ thể nhất của một thiên niên kỷ mới của dân tộc Việt, một thiên niên kỷ không chỉ để tồn tại mà còn để kiêu hãnh vượt lên.


 (1) http://www.time.com/time/nation/article/0,8599,1818037-2,00.html

  (2) “I am not an advocate for frequent changes in laws and Constitutions. But laws and institutions must go hand in hand with the progress of the human mind. As that becomes more developed, more enlightened, as new discoveries are made, new truths discovered and manners and opinions change, with the change of circumstances, institutions must advance also to keep pace with the times. We might as well require a man to wear still the coat which fitted him when a boy as civilized society to remain ever under the regimen of their barbarous ancestors.” Jefferson, Thomas Quick link http://quotationsbook.com/quote/44896/

  (3) Lý Thường Kiệt sáng tác Nam Quốc Sơn Hà năm 1077, Nguyễn Trãi sang tác Bình Ngô Đại Cáo năm 1428.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)