Đổi mới tư duy ở cấp độ vĩ mô*

Nội dung tư duy cần đổi mới ở cấp độ vĩ mô bao trùm toàn bộ sự sống của đất nước, cho hôm nay và mai sau, phải dựa theo quy luật phát triển tư duy để phát triển cuộc sống của lịch sử nhân loại nói chung. Trong thực tế, những nội dung tư duy cần được đổi mới này cũng chính là những điều mà đất nước chưa có, hoặc có nhưng chưa tới độ cần thiết cho sự phát triển đất nước hôm nay và mai sau.

Và từ chỗ chưa có, hoặc có nhưng còn thấp đến chỗ có cho ra có hoàn toàn không đơn giản. Vấn đề là phải nhận chân được điều cần có để tìm mọi cách phát động dân tộc, trước hết là ở tầng lớp lãnh đạo quốc gia, đặc biệt tầng lớp trí thức phải đi đầu trong công cuộc khai mở, xây dựng cho đất nước có được những phẩm chất tư duy cần có đó.

Với quan niệm như trên, tôi xin đề xuất mấy vấn đề sau đây:

1. Phát triển tư duy trừu tượng khoa học

Trong tư duy của loài người, có hai kiểu, hai phương thức tư duy tiêu biểu: tư duy trừu tượng và tư duy cụ thể. Năng lực tư duy trừu tượng khoa học là năng lực nhận thức sự vật không chỉ ở cấp độ hiện tượng mà quan trọng hơn với nó là nhận thức về mối quan hệ vốn dĩ là trừu tượng và cũng rất phức tạp, chằng chịt của các hiện tượng. Trong khi năng lực tư duy cụ thể thì kết quả nhận thức sự vật chủ yếu ngừng ở hiện tượng cụ thể nếu có nhận thức được quan hệ giữa các hiện tượng thì cũng chỉ ở mức đơn giản, thô sơ.

Trong năng lực tư duy trừu tượng lại có hai trạng thái: Một thứ trừu tượng từng được mệnh danh là trừu tượng khoa học bởi lẽ nó xuất phát từ hiện thực khách quan của sự sống. Một thứ trừu tượng được mệnh danh là tư biện (spéculatif) là thứ trừu tượng đơn thuần không dựa trên thực tế khách quan. Dĩ nhiên, điều cần phát triển là tư duy trừu tượng khoa học. Ngược lại, với trừu tượng tư biện thì cần loại bỏ.

Có thể nói được rằng: Người Việt Nam ta giàu về tư duy cụ thể mà nghèo về tư duy trừu tượng. Cứ nhìn vào kho từ vựng tiếng Việt thì thấy rõ điều đó. Từ cụ thể thì phong phú vô cùng. Còn từ trừu tượng thì nghèo và chủ yếu là ngoại nhập. Với ta, cùng một động tác di chuyển một vật thể đến một chỗ khác thì có không biết bao nhiêu là từ: mang, xách, ẵm, gồng, gánh, bê, bưng… trong khi với ngôn ngữ Pháp chẳng hạn một từ “porter”là đủ.

Ở ta, không có truyền thống tư duy trừu tượng là do kinh tế Việt Nam xưa là kinh tế nông nghiệp. Tuy dã có kinh tế hàng hoá nhưng không phát triển như ở các nước đã phát triển tư bản chủ nghĩa. Chính kinh tế hàng hoá là cơ sở phát triển tư duy trừu tượng. “Hàng hoá” là biểu tượng có khả năng trừu tượng hoá mọi vật thể, kể cả lương tâm. Điều đáng nói là ở ta do không có truyền thống tư duy trừu tượng nên về cơ bản cũng không có truyền thống khoa học, và cũng có thể nói là không có triết học. Vì không có truyền thống tư duy trừu tượng, nên hễ có ai nói giọng trừu tượng thì thường bị coi là tư biện cả.

Ngày nay, trên đã phát triển, đặc biệt là trong tình hình giao lưu quốc tế được tăng lên gấp bội, thì khả năng tư duy trừu tượng của người Việt ta có được nâng cao, tăng trưởng nhưng so với yêu cầu vẫn bất cập, so với thế giới đó đây vẫn thua kém. Với người Việt Nam giỏi toán thì trong lao động toán học đã tỏ ra có năng lực tư duy trừu tượng rất cao. Nhưng rời toán học, về lại đời thường, vẫn là thuộc tình trạng chung của đất nước.

Sự yếu kém về tư duy trừu tượng khoa học đã kéo theo một loạt sự yếu kém đối với các hình thái thao tác tư duy khác như: tư duy hệ thống, tư duy tích hợp, tư duy so sánh, tư duy lựa chọn, tư duy quy luật, tư duy sáng tạo nói chung. Cứ nhìn vào tình trạng chung quanh vấn đề an toàn thực phẩm mà việc qui trách nhiệm không biết thuộc về bộ nào: Nông nghiệp? Y tế? Thương mại…? Cứ nhìn vào chuyện phát triển xây dựng nhà cửa, đường sá lộn xộn ở Hà Nội để gây ra tình trạng ngập lụt, ách tắc giao thông. Cứ nhìn vào tình trạng ngành giáo dục trong công cuộc cải cách giáo dục, chăm lo cải tiến sách giáo khoa mà thiếu sự quan tâm xây dựng phòng thực hành để rồi sách mới ra nhưng không có điều kiện thí nghiệm. Cứ nhìn vào việc tha hồ cho xây dựng xưởng máy này nọ mà quên mất khâu bảo vệ môi trường để rồi xảy ra các sự cố như công ty Vedan xả nước bẩn làm hại môi trường sống của nhân dân trên sông Đồng Nai. Đúng là cứ nhìn… cứ nhìn… đâu cũng thấy có chuyện khập khễnh, gây bất lợi cho cuộc sống đất nước nhãn tiền đủ biết là sự thiếu tư duy hệ thống, tư duy tích hợp… đã gây tác hại biết chừng nào. Ngay trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học. Cứ chăm chăm vào việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cảm thụ mà quên chăm lo năng lực tư duy trừu tượng thì có chuyện gặp đâu nói đấy, có chuyện thầy bói sờ voi cũng không phải là hiếm.

2. Phát triển tư duy triết học

Tạm hiểu tư duy triết học là tư duy có khả năng nhận thức, phát hiện những quy luật của cuộc sống và cũng là năng lực nhận thức sự sống con người ở độ sâu sắc nhất, tinh diệu nhất, kể cả sự bí ẩn. Quả là Việt Nam ta, chưa có truyền thống tư duy trừu tượng khoa học do đó cũng chưa có truyền thống tư duy triết học.

Thông thường, trước những vấn đề của cuộc sống vốn dĩ là thiên hình vạn trạng, là vô cùng phức tạp, khả năng nhận thức của chúng ta vẫn chủ yếu ngừng ở trình độ nhận thức xã hội học thường là chỉ ở phạm vi bề ngoài của sự sống. Cũng do thiếu năng lực tư duy triết học nên đã có sự ngự trị của tư duy chính trị một cách không bình thường và không lợi cho sự phát triển đất nước.

Hẳn là ở ta, hiện đã có viện triết học, có một số giáo sư, phó giáo sư triết học. Nhưng liệu như thế đã có thể nói là có triết học được chưa? Xin mượn lời Giáo sư Trần Văn Giàu, vốn được dư luận coi là vị giáo sư triết học sáng giá nhất dưới chính thể CHXNCN Việt Nam, đã nói trong bài viết về Giáo sư Trần Đức Thảo rằng: trên đất nước ta, nếu có một người xứng đáng là triết gia thì không ai khác là Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là một giáo sự dạy triết học. Quả là một sự tỉnh táo, trung thực. Bởi lẽ triết gia thì phải tạo ra triết thuyết riêng. Chứ đâu như giáo sư triết học chỉ là người đọc sách triết của người khác rồi truyền đạt lại cho học trò.

Đất nước chẳng phải ngày nay không có triết gia mà trong quá khứ cũng đâu đã có. Hạn chế của văn hoá Việt Nam là thế. Vì thiếu một năng lực tư duy triết học, nên ngay ở việc tiếp nhận triết học của thế giới vào nước mình cũng thiếu bản lĩnh. Đáng nói nhất là vì không có tư duy triết học, nên có bao nhiêu quy luật của cuộc sống đang diễn ra một cách rõ mồn một, mà không thấy giới khoa học xã hội Việt Nam, các vị tự nhận là nhà nghiên cứu triết học, nói đến. Ví như các quy luật: về sự đối trọng, về cạnh tranh sinh tồn, về sự trỗi dậy của cái tôi cá thể, vệ sự trỗi dậy của đời sống tâm linh, về quy luật “Sự văn minh tiến hoá bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hoá bấy nhiêu”, quy luật về sự khập khiễng, không tương đồng giữa giàu có và đạo lý…

Nói riêng trong lãnh vực nghiên cứu văn học của chúng tôi, mà chủ yếu là thuộc khả năng nhận thức về thế giới con người, sự sống con người vốn dĩ rất phức tạp, rất kỳ diệu, kể cả sự bí ẩn, bí hiểm thì cũng dễ thấy sự hạn chế không nhỏ do thiếu tư duy triết học.

Một ví dụ “Chuyện người con gái Nam Xương” trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ mà từ trước tới nay, sách giáo khoa vẫn theo lối nhìn xã hội học giản đơn để cho rằng cuộc đời Vũ Nương tan nát đến phải tự vẫn là do chế độ nam nữ bất bình đẳng và chiến tranh. Trong khi, nếu nhìn theo triết học thì chẳng phải thế. Bởi lẽ, nam nữ có bình đẳng đến đâu, Trương Sinh không đi trận mà đi xa với bất cứ trạng thái nào, về nhà, con không nhận cha, lại bảo cha là người khác thì chuyện Trương Sinh đánh ghen vẫn xảy ra và chuyện Vũ Nương uất quá đến tự vẫn, là chuyện dễ có, dể hiểu.

Với cách nhìn triết học, sẽ thấy ở chuyện “Người con gái Nam Xương” chính là chuyện về cái mong manh vô cùng mong manh của hạnh phúc đàn bà, trước sự trớ trêu, sự bất trắc không ai có thể lường trước được mà cuộc đời phải tan nát. Con hỏi mẹ bố đâu? Mẹ chỉ vào bóng mình trên vách bảo là cha đó. Đó không phải là sự đồng nhất tuyệt đối trong tình vợ chồng sao? Nhưng trời ôi, sự tan vỡ đời Vũ Nương, oái ăm thay, bắt đầu lại chính từ gắn bó đồng nhất đó với chồng. Giả sử, khi con hỏi bố đâu, Vũ Nương nói cha đi trận, thì đâu đến phải tan nát cuộc đời. Rồi nữa, tham gia vào phá nát cuộc đời Vũ Nương, không ai khác lại chính bé Đản do nàng đứt ruột đẻ ra, mà nó thì trong trắng, ngây thơ nhưng trong trường hợp này lại trở thành tác nhân trực tiếp phá nát đời mẹ nó. Trớ trêu, oái ăm trong sự sống con người mà liên quan đến hạnh phúc Vũ Nương là ma quái thế đó. Rồi nữa, còn là cái máu ghen mà tạo hoá cũng đã trớ trêu một lúc ban cho các cặp vợ chồng, các cặp trai gái tình yêu nồng thắm ngây ngất mãnh liệt thế kia nhưng cũng ban nốt cho họ cái máu ghen để rồi như một quả mìn đặt sẵn dưới giường hạnh phúc gái trai và nổ lúc nào không biết.

Đúng là đất nước trên đường đi lên phải làm sao có được năng lực nhận thức sự sống bằng triết học để từ đó có cách xử sự trong cuộc sống vững chắc hơn. Lấy thêm một ví dụ cho điều đang muốn nói ở đây. Đó là nếu có được nhận thức triết học về quy luật đối trọng mà học thuyết âm dương trong Kinh Dịch đã gợi mở để áp dụng vào việc xây dựng cuộc sống, điều hành đất nước, chắc chắn sẽ hay hơn nhiều so với những gì đang là hiện thực trước mắt. Vào những ngày đầu đổi mới, trên báo chí đã thấy xuất hiện ý tưởng đó mà tiếc rằng người đưa ra cũng chưa hiểu chắc vấn đề, rồi người phản đối lại cũng không hiểu vấn đề. Dĩ nhiên đây là chuyện không giản đơn chút nào. Mong có dịp khác sẽ nói rõ hơn.

3. Vấn đề tư duy cá thể

Chính đây là vấn đề cơ bản nhất, trọng tâm nhất mà công cuộc đổi mới tư duy của đất nước phải đặt ra để giải quyết và quyết tâm thực hiện theo yêu cầu phát triển vững chắc, bề thế, đích thực của đất nước, không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài. Để có được điều này, trước hết phải có sự nhận thức trường minh và vấn đề con người – cá thể trong sự sống của loài người là gì? Một vấn đề của triết học mà tiếc rằng giới nghiên cứu triết nói riêng, giới khoa học xã hội nhân văn nói chung ở nước ta còn bỏ quên hoặc lảng tránh.

Chúng ta đều biết sở dĩ có loài người là do có những con người – cá thể (l’individu). Con người – cá thể là tế bào tạo nên cơ thể là các hình thái cộng đồng xã hội. Nó vừa là thực thể xã hội có quy luật sinh học tự thân, vừa là thực thể xã hội với hai thuộc tính: cá thể và cộng đồng. Trong thực tiễn cuộc sống, nó là một nhưng thành hai. Một thuộc bản chất nhân văn chân chính có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nên cầu nguyện cho nó sớm trỗi dậy càng mãnh liệt bao nhiêu càng tốt, càng có lợi cho đất nước, cho nhân quần bấy nhiêu. Một nữa thì ngược lại, phản nhân văn, nhân bản, huỷ hoại lợi ích của cộng đồng, nên tiêu diệt được nó sớm phút nào là xã hội, nhân dân được nhờ phút ấy. Ở đây quả là có hai thuật ngữ: con người – cá thể (l’individu) và chủ nghĩa cá nhân (l’ individualisme).

Tiếc rằng, ở ta, do thiếu tư duy triết học và cũng là thiếu óc duy lý, thiếu khả năng tư duy phân tách nên đã không tách bạch được hai phạm trù cá thể đó tuy xuất phát từ một nhưng đã thành hai ngả đối lập nhau như nước với lửa. Mà thực tế, tình hình nhận thức lại giường như chỉ ngừng ở ngả sau. Cho nên hễ nói đến con người – cá thể thì chỉ thấy đó là chủ nghĩa cá nhân mà thôi. Điều này, dĩ nhiên cũng liên quan đến một thực tế ở nước ta là nặng về tâm lý cộng đồng vốn là một nét đẹp, trong chủ nghĩa nhân văn Việt Nam nhưng ngay ở đó lại là có mặt trái của vấn đề là coi nhẹ, là không nhận thức đầy đủ và cần thiết về con người cá thể.

Chính đây là điều có sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây, bởi phương Tây, nhờ có sự phát triển sớm nền kinh tế tiền tư bản và tư bản chủ nghĩa nên cũng đã sớm phát hiện được con người cá thể và biết tận dụng nó để phát triển cuộc sống, đưa xứ sở lên cõi văn minh phi thường. Còn phương Đông chậm phát hiện cái tôi, cá thể xét đến cùng cũng là do trong quá khứ sống chủ yếu với nền kinh tế nông nghiệp dù ít nhiều cũng có kinh tế hàng hoá. Và điều đó, dĩ nhiên đã gây bất lợi cho phương Đông không ít. Những gì nói về con người – cá thể như trên quả là còn sơ sài nhưng thiết tưởng cũng đã đủ để nói về vấn đề tư duy – cá thể.

Không ai khác, chính Descartes, triết gia của Pháp ở thế kỷ XVII, là người đầu tiên phát hiện ra vấn đề này với mệnh đề “Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại” (Je pense donc je suis). Đúng thế, con người hơn muôn loài là nhờ ở tư duy như đã nói. Có tư duy mà không tư duy thì khác gì muôn loài. Tư duy cá thể là để tự tìm lấy chân lý, chứ không phải là để nghĩ lung tung bừa bãi. Hiện tình ở nước ta, không ít người vì không tường minh vấn đề nên hễ nói đến tư duy – cá thể là sợ có tình trạng bừa bãi, nghĩ và nói lung tung vô chính phủ. Chính đó là cản trở lớn trước yêu cầu đổi mới tư duy để có tư duy cá thể.

Tư duy – cá thể là vấn đề cơ bản nhất, trọng đại nhất của công cuộc đổi mới tư duy phải được đặt ra với toàn bộ đất nước, với mọi người dân. Nhưng thiết thực hơn thì trước hết là phải đặt ra với đội ngũ trí thức, nhất là trí thức khoa học xã hội và nhân văn. Bởi đặc trưng bản chất của trí thức là hơn người về trí tuệ, có năng lực tư duy hơn ai hết. Do đó, trí thức phải được giải phóng khỏi tình trạng thụ động về tư duy để có được độc lập về tư duy, đặng có thể làm đầu tầu cho công cuộc đổi mới tư duy. Ở đây, rất cần được thiết chế hoá, chế tài hoá một cách chân chính cần cho sự đổi mới tư duy để có tư duy – cá thể.

Tiếp sau vấn đề với tri thức, là vấn đề đối với tuổi trẻ học đường mà hiện thời đã có mầm mống nhất định. Khẩu hiệu chống lại tình trạng nặng về thuyết giảng, thầy giảng, trò ghi, trò nhớ, trò nói lại như vẹt là điều đáng khuyến khích và phải có cách làm sao cơ bản hơn những gì đang có, cũng là chuyện vô cùng khó khăn. Các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo ngành giáo dục phải nhận thức được rằng: Nếu muốn có một cuộc cải cách giáo dục thực sự đích thực thì không thể không đặt lên hàng đầu vấn đề tư duy – cá thể. Có thể nói không sợ sai rằng: chừng nào vấn đề tư duy – cá thể chưa được giải quyết thì chừng đó nền giáo dục nước nhà vẫn là nền giáo dục lạc hậu. Rộng ra, cũng có thể nói, chừng nào vấn đề tư duy – cá thể với đất nước, chưa được giải quyết thấu đáo và thành hiện thực thì chừng ấy khả năng phát triển đất nước vẫn ỳ ạch, chậm chạp so với khu vực, với thế giới văn minh.

(Trích bài TRÍ THỨC VỚI VẤN ĐỀ TƯ DUY)

—-

* Tiêu đề do Tia Sáng đặt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)