Động lực đại diện

Quốc hội là một thiết chế đại diện. Tính chất đại diện ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Quốc hội đại diện cho ai?

Theo Hiến pháp của nước ta thì: “Đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước” (Khoản 1, Điều 79, Hiến pháp năm 2013). Như vậy có nghĩa là: đại biểu Quốc hội vừa phải đại diện cho đơn vị bầu cử, vừa đại diện cho quốc gia. Sự kết hợp này sẽ suôn sẻ khi lợi ích của đơn vị bầu cử và lợi ích của quốc gia trùng khớp với nhau. Vấn đề đặt ra là không phải các lợi ích này bao giờ cũng trùng khớp với nhau. Ví dụ, lợi ích của việc giữ giá đất thật cao ở một đơn vị bầu cử nông thôn chưa chắc đã trùng khớp với lợi ích của việc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa và đô thị hóa mà quốc gia theo đuổi. Trong trường hợp này, người đại biểu Quốc hội sẽ phải bảo vệ lợi ích của ai? Quả thực đây là câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Tuy nhiên, theo lý lẽ thông thường, Quốc hội là cơ quan của quốc gia, vì vậy lợi ích của quốc gia bao giờ cũng cần được các vị đại biểu ưu tiên. Cái gì có lợi hơn cho quốc gia thì cái đó các vị đại biểu Quốc hội phải theo đuổi.

Theo lý lẽ là như vậy, nhưng theo hệ thống khuyến khích thì mọi chuyện có vẻ lại không như vậy. Để hiểu hệ thống khuyến khích này, chúng ta cần trả lời câu hỏi: Để được trúng cử, các vị đại biểu phụ thuộc vào ai? Tìm cách trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ thấy, việc trúng cử phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất là sự ủng hộ của lãnh đạo các tỉnh. Nếu bạn là ứng cử viên do địa phương giới thiệu thì điều đó quá rõ ràng. Tuy nhiên, nếu bạn là ứng cử viên do Trung ương giới thiệu thì cơ may trúng cử của bạn vẫn phụ thuộc rất lớn vào lãnh đạo tỉnh. Một nền tảng bầu cử như vậy được gọi là nền tảng bầu cử của tỉnh, chứ không phải của quốc gia. Ngoài ra, ở nước ta, các đơn vị bầu cử mặc nhiên chấm dứt sự tồn tại sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Chính vì vậy, sau khi được bầu, các vị đại biểu đều trở thành đại biểu của các tỉnh. Kéo về Thủ đô Hà Nội họp Quốc hội là 63 đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh.

Do nền tảng bầu cử là của tỉnh, các đại biểu lại tập hợp thành đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, nên tính đại diện cho cấp tỉnh của Quốc hội ta là rất cao. Xét về động lực và khuyến khích đại diện, Quốc hội ta giống với một thượng viện (đại diện cho các tỉnh) hơn là một hạ viện. Thực ra, muốn đại diện cho quốc gia, thì phải có nền tảng bầu cử quốc gia. Nếu chúng ta chỉ có nền tảng bầu cử của tỉnh thì Quốc hội thiên về đại diện cho tỉnh là rất lớn.

Trên thế giới có một số cách để xác lập nền tảng bầu cử quốc gia. Nhưng trong điều kiện cụ thể của nước ta, hai cách dưới đây là khả thi hơn cả: 1. Thiết kế các đơn vị bầu cử cắt ngang qua các tỉnh (Ví dụ, một số huyện của tỉnh Nghệ An và một số huyện của tỉnh Thanh Hóa sẽ hình thành một đơn vị bầu cử); 2. Bảo đảm số ghế trong Quốc hội cho các đại biểu do Trung ương giới thiệu phải nhiều hơn số ghế cho các đại biểu do địa phương giới thiệu. Để được điều này, cử tri sẽ bầu chọn đại biểu Quốc hội theo hai danh sách ứng cử viên: một danh sách là các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu; một danh sách là các ứng cử viên do địa phương giới thiệu. Các ứng cử viên của Trung ương sẽ phải cạnh tranh với nhau, chứ không phải là cạnh tranh với các ứng cử viên của địa phương. Chỉ có như vậy, đa số ghế cho các đại biểu của Trung ương mới luôn được bảo đảm.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)