Đột phá vào quản lý tài chính trong nghiên cứu ứng dụng và triển khai

Trong hoạt động KH&CN của ta hiện nay, nghiên cứu ứng dụng và triển khai( phần lớn các chương trình trọng điểm các dự án từ cấp Nhà nước, Bộ ngành, đến các địa phương đều thuộc dạng này) chiếm tới ít nhất 80-90% ngân sách Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học và cũng là lĩnh vực hoạt động mà việc quản lý tài chính có nhiều bất cập, kẽ hở, tạo thuận lợi cho một số nhà khoa học chủ động nói dối với những đề tài chỉ để nghiệm thu, rồi xếp vào ngăn kéo. Vì vậy có thể nói việc đột phá vào cơ chế và chính sách tài chính cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai, sẽ góp phần có tính quyết định giải quyết những vướng mắc trong cơ chế quản lý tài chính khoa học, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ.

Đột phá như thế nào?
Về nhận thức, đã đến lúc chúng ta phải thật sự coi khoa học công nghệ là hàng hóa có giá trị gia tăng cao, hàm lượng chất xám lớn. Trách nhiệm của Nhà nước là trên cơ sở định hướng phát triển của đất nước, tập hợp và phát huy trí tuệ các nhà khoa học để làm gia các sản phẩm hàng hóa đó.
Nhà nước, doanh nghiệp công khai đặt hàng, định giá sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh (Know-how, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị và các sản phẩm trí tuệ như phương pháp quản lý điều hành, giám sát, kinh tế – xã hội…), cam kết thanh toán, ghi nhận sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và thời gian. Tìm hoặc chỉ định các đối tượng mua (sử dụng các sản phẩm KH&CN hoàn chỉnh đó). Cam kết này được coi là bảo lãnh của Nhà nước, doanh nghiệp đối với mọi tổ chức tài chính cung cấp vốn cho nhà khoa học thực hiên chương trình, đề tài do Nhà nước đặt hàng.
Với nhà khoa học (cá nhân, tập thể, tổ chức) đăng ký thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước, hoặc tự chào hàng với Nhà nước, với doanh nghiệp theo điều kiện thời gian, giá cả, do chính mình tự xác định, và nếu được tuyển chọn, thì tự mình huy động vốn với sự bảo lãnh của Nhà nước, doanh nghiệp. Vốn Nhà nước hoặc các tổ chức tài chính, doanh nghiệp… bỏ ra sẽ được hoàn lại khi sản phẩm khoa học trở thành hàng hóa tiêu thụ được và thu lợi nhuận. Nếu sản phẩm không đạt yêu cầu theo đơn đặt hàng thì nhà khoa học phải tự chịu trách nhiệm tài chính và pháp lý trong việc hoàn vốn đã huy động.
Việc sử dụng tài chính như thế nào là do người thực hiện quyết định tuân theo pháp luật hiện hành miễn mọi sự kiểm tra giám sát và mọi loại thuế trong quá trình thực hiện đơn đặt hàng cho mọi hoạt động nghiên cứu triển khai.
Trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ của Nhà nước (viện, trường, phòng thí nghiệm…) là nơi cung cấp mọi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… và mọi điều kiện thuận lợi cho các cá nhân tập thể được tuyển chọn.
Việc đột phá theo những nguyên tắc như vậy sẽ giúp Nhà nước tránh sa lầy vào việc giám sát tài chính, xét duyệt, nghiệm thu đề tài… một cách hình thức như trước kia; đồng thời dẫn đến một loạt hiệu quả tích cực khác như: về cơ bản sẽ giải quyết được việc đãi ngộ vật chất cho nhà khoa học, không cần một chính sách lương bổng ngoại lệ nào; phần lớn những chủ trì đề tài đều là những người có tài năng về khoa học – kỹ thuật cũng như tổ chức quản lý (hầu như cai đầu dài sẽ bị loại bỏ). Đặc biệt việc ứng dụng khoa học và cuộc sống sẽ có những phát triển vượt bậc.
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh hiện nay, nếu những nguyên tắc đột phá này có tính khả thi, thì ngay cả những nhà khoa học thật sự cũng không dễ dàng gì chấp nhận. Vì vậy cần được thảo luận rộng rãi, đi đến sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học (như gần 2 năm qua chúng ta đã thảo luận và đã đạt được sự nhất trí về những quy định tài trợ cho nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên); đặc biệt là thu hút các cán bộ khoa học trẻ, và cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào việc đột phá này. 

Tác giả