Đừng để tăng trưởng kinh tế tiếp tục song hành với tiêu cực xã hội

Tin vui GDP năm nay tiếp tục tăng trưởng trên 8% không hề làm hạ nhiệt nổi bức xúc của các đại biểu Quốc hội khi phải đối mặt với câu hỏi: kinh tế tăng trưởng mạnh mà sao lòng dân không yên? Thật ra đây không hoàn toàn là một nghịch lý. Nên phải thận trọng: đẩy tốc độ tăng trưởng lên cao nữa có thể lợi sẽ bất cập hại.


Trong giai đoạn đầu phát triển, tăng trưởng kinh tế song hành với tiêu cực xã hội thường khó tránh khỏi
Simon Kuznets, người Mỹ gốc Ukraine, Nobel kinh tế năm 1971, là người đã chứng minh điều này qua hiện tượng phân hoá giàu nghèo. Theo ông, phân hoá giàu nghèo trong nền kinh tế thị trường diễn biến theo GDP theo ba nhánh của hình chữ U lộn ngược. Thoạt đầu, khi GDP còn thấp, chênh lệch về thu nhập giữa người giàu và nghèo gia tăng theo đà tăng trưởng kinh tế, sau đó chững lại và cuối cùng, khi mức sống của người dân đủ cao, chênh lệch giàu nghèo sẽ thu hẹp dần trong khi nền kinh tế cứ tiếp tục tăng trưởng.  
Người ta gọi điểm khởi đầu nhánh thứ ba của chữ U lộn ngược là “điểm đảo Kuznets”. Các nước tư bản Âu Mỹ đạt đến điểm đảo Kuznets về phân hoá giàu nghèo từ đầu thế kỷ XX. Hiện nay, ở đó 20% người giàu nhất cũng chỉ thu nhập cao hơn 20% người nghèo nhất có 4-6 lần, trong khi ở các nước nghèo khổ nhất thế giới như Trung Phi, Siera-Leone bội số này lại lên đến 30, thậm chí 50 lần. Đương nhiên, những nhân tố chi phối sự phân hoá giàu nghèo ở các nước hiện nay không hoàn toàn giống với những gì xảy ra ở các nước tư bản trước đây.
Cách đây chừng 20 năm, tiếp thu ý tưởng Kuznets, một số nhà khoa học đã chứng minh rằng tàn phá môi trường cũng diễn biến theo GDP theo hình chữ U lộn ngược. Khảo sát ô nhiễm không khí do công nghiệp hoá từ nhiều nước trên thế giới, người ta thấy hàm lượng các khí độc như SO2, NO2 cứ tăng lên cho đến khi GDP trên đầu người đạt đến khoảng 2000 – 3000 USD mới bắt đầu giảm. Các nước tư bản phát triển đã vượt qua điểm đảo này vào thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước. Ngày nay môi trường của họ tốt hơn rất nhiều, lại tiếp tục được cải thiện, trong khi ở các nước nghèo khó tình hình ngày một tồi tệ.
Có thể nêu ra những nhân tố chi phối mối tương quan giữa tàn phá môi trường và tăng trưởng kinh tế theo hình chữ U lộn ngược như sau. Ban đầu, phương cách “cạnh tranh sinh tồn” dễ nhất trong cơ chế thị trường tự do là xâm hại đến môi trường để sống sót và tối đa hoá lợi nhuận. Nhưng tăng trưởng theo cách đó không bền vững, của cải làm ra không bù đắp nổi những tổn thất về môi trường mà người dân và thế hệ mai sau phải gánh chịu. Càng ngày người dân và Chính phủ càng ý thức được hiểm hoạ này, nên luật pháp nghiêm minh sẽ phải vào cuộc, tiền của được chi ra đầu tư thích đáng để bảo vệ môi trường. Và điểm đảo sẽ xuất hiện. Ngân Hàng Thế Giới chính thức nhìn nhận mô hình chữ U lộn ngược trong chính sách của mình về quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với tăng trưởng kinh tế.
Dựa trên bức tranh kinh tế – xã hội xuyên quốc gia mà các Tổ chức Quốc tế thống kê hằng năm, người ta cũng thấy rằng nhiều mặt tiêu cực xã hội khác như HIV/AIDS, tội phạm, tham nhũng v.v…, đều tuân theo mô hình chữ U lộn ngược. Đương nhiên, đây chỉ là quy luật thống kê, không chính xác như các quy luật tất định trong khoa học tự nhiên. Nhưng như thế cũng đủ kết luận rằng trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế thị trường, tăng trưởng kinh tế song hành với tiêu cực xã hội là xu hướng khó tránh khỏi.

Nhưng phải nhanh chóng đạt đến điểm đảo
Vấn đề của các nước chậm phát triển là làm sao sớm từ giã nhánh thứ nhất của hình chữ U lộn ngược để nhanh chóng đạt đến điểm đảo Kuznets, kể từ đó tăng trưởng kinh tế mới thật sự có chất lượng. Đuổi theo tăng trưởng GDP bằng mọi giá, ta có thể đạt đến những mức thu nhập khá cao mà người dân vẫn sống không yên, điểm đảo vẫn chưa xuất hiện, đất nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chậm phát triển.
Đây chính là bài toán của chúng ta hiện nay. Tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm qua tiếp tục làm gia tăng phân hoá giàu nghèo, chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, tàn phá môi trường, HIV/AIDS, nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí, mua quan bán chức v.v… Bao nhiêu án tử hình không hề làm đám con buôn ma tuý chùn bước. Nỗ lực từ các ngành giao thông, cảnh sát và cả xã hội không chặn đứng tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng, hiện nay trung bình có đến 40 ca tử vong hằng ngày (theo công bố của Bộ Y tế), cao nhất thế giới.
Vòng xoáy tiền, quyền và hư danh vượt ra ngoài tầm kiểm soát khiến hàng giả đủ chủng loại có mặt khắp nơi và xã hội đen đang rình rập những cơ quan quyền lực. Cuộc sống tiềm ẩn những bất an và đầy rủi ro. Thêm vào đó, được- thua là trò may rủi, không tùy thuộc vào khả năng con người, khiến cúng bái và bói toán tràn lan, đền chùa thành nơi để một số người buôn thần bán thánh, không còn chỗ cho cuộc sống tâm linh đích thực.
Nhận dạng đúng đắn những nhân tố chi phối mối tương quan giũă tăng trưởng kinh tế và tiêu cực xã hội nói trên cần phải được các chuyên gia kinh tế và xã hội học nghiên cứu nghiêm túc vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Luật pháp, dân chủ và dân trí chắc chắn sẽ phải nằm trong đáp số của bài toán. Nhưng trước hết, cần phải xem xét lại chính sách đuổi theo tốc độ tăng trưởng GDP bằng mọi giá.

GDP có sẵn chỗ cho tiêu cực xã hội
Tốc độ tăng trưởng GDP thường được xem là tiêu chí tối thượng, độc tôn, một thứ pháp lệnh bất di bất dịch  đến nỗi nếu con số lẻ đứng sau dấu phảy mà không đạt được thì Chính phủ sẽ khó ăn nói với Quốc hội và nhân dân. Trong khi đó, tiêu chí để dánh giá các tiêu cực xã hội và chất lượng tăng trưởng lại chưa được lượng hoá. Đây chính là một trong những xuất phát điểm của bệnh thành tích, cho nên mới có chuyện lạ là tỉnh nào cũng đều tăng GDP trên 10%/năm, hơn con số 8%/năm của cả nước.
Vì chỉ số GDP không nhận dạng được các tiêu cực xã hội nên trong điều kiện hiện nay chúng tha hồ lọt qua cổng thống kê của nhà nước và quốc tế. Cầu Văn Thánh xây ẩu cũng có mặt trong GDP như một cây cầu xây nghiêm chỉnh. Đã thế, lượng xi măng, sắt thép, xăng dầu, nhân công tăng thêm để phá nó đi làm lại cây cầu mới cũng sẽ góp mặt vào GDP. Tham nhũng, hối lộ dường như đang đóng góp vào tốc độ tăng trưởng, bởi chúng là một thứ dầu bôi trơn cho cỗ xe kinh tế. Ở một tỉnh nọ, đơn vị nộp ngân sách nhiều nhất là công ty sản xuất thuốc lá. Cơ quan thống kê không cần biết thuốc lá lợi hay hại. Đám thanh thiếu niên hút thuốc lá gây tệ nạn xã hội, sinh bệnh hoạn, cần thuốc men và bệnh viện chữa trị, lại góp thêm một con số cộng nữa vào GDP.
Tàn phá môi trường do tăng trưởng GDP quá nóng không hề để lại dấu trừ trong bảng thống kê. Ngược lại, từ nay nhà nước phải bỏ ra 1% ngân sách (3500 tỷ đồng năm nay) để khắc phục suy thoái môi trường. Con số này chẳng thấm tháp gì. Các chuyên gia ước tính Trung quốc giờ đây phải bỏ ra 30 tỷ USD để khắc phục khói bụi bay ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy than của họ.  

Cần thể chế hoá một hệ thống tiêu chí phát triển KTXH mới
Cho nên, phải xếp ngang hàng GDP với một số tiêu chí khác, và căn cứ vào chúng để đánh giá thành tích phát triển của đất nước. Rồi lại phải đem các tiêu chí ấy đặt lên mặt bằng chung của thế giới để biết ta đang đứng ở đâu và đi về đâu. Đã có không ít chuyên gia cảnh báo việc này (đáng chú ý nhất là các bài viết của TS Vũ Quang Việt, chuyên gia cao cấp về thống kê của Ngân hàng Thế giới). 
Trước hết, cần chú ý đến những tiêu chí phức hợp mà các tổ chức quốc tế hiện nay đang thống kê. Hơn 15 năm qua, UNDP đã theo đuổi việc xếp hạng chất lượng phát triển con người ở các nước bằng chỉ số HDI (human development index). HDI là một chỉ số phức hợp bao gồm GDP, tuổi thọ trung bình và trình độ phổ cập giáo dục dựa trên số người biết chữ và số thanh thiếu niên đến trường. Trong từng lãnh vực cũng có các tiêu chí phức hợp, như chỉ số cạnh tranh về hàng hoá, năng lực công nghệ, các tiêu chí xếp hạng giáo dục v.v…
Nhưng khi tệ nạn tham nhũng và lãng phí đang tràn lan như hiện nay, để bảo đảm tăng trưởng có chất lượng, cần nên đề cao các tỷ số so sánh GDP với đầu vào của nó như vốn đầu tư, tiêu hao năng lượng, môi trường, tài nguyên, nợ nước ngoài, đóng góp của khoa học công nghệ, vai trò kinh tế tư nhân v.v… Nhiều tiêu chí này đã trở thành những khái niệm cơ bản trong kinh tế học vĩ mô.
Cần đưa thêm những tiêu chí gì là việc của các chuyên gia kinh tế. Chỉ xin nêu ra vài thí dụ. Chẳng hạn, hiệu quả đầu tư được đo bằng tỷ số ICOR (Incremental Capital – Output Ratio). Tỷ số này của Việt nam (= 5) hiện đang quá lớn so với nhiều nước khác. Cho nên, giảm tỷ số ICOR phải được xem là thành tích của Chính phủ trong cố gắng khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả hiện nay.
Thất thoát điện là vấn nạn kinh tế của chúng ta. Hệ số đàn hồi điện năng của chúng ta rất lớn, chẳng giống ai. Hệ số đàn hồi là tỷ số giữa tốc độ gia tăng điện năng với tốc độ tăng trưỏng GDP. Nó bằng 2 ở nước ta, trong khi đa số các nước khác chỉ bé hơn 1. Điện năng của ta lại sử dụng rất ít hiệu quả, tiêu thụ 1 kWh chỉ làm ra 1 USD, vào loại thấp nhất trên thế giới.  Nâng hiệu quả sử dụng điện năng lên chẳng những giúp cắt giảm những khoản đầu tư khổng lồ để xây nhà máy mới, môi trường tài nguyên bớt bị xâm hại, mà cơ cấu kinh tế sẽ được cải thiện theo hướng tăng thành phần công nghệ cao và chất xám, xoá bỏ tình trạng bơm năng lượng một cách phung phí vào cỗ xe kinh tế hiện nay.

Lại không nên đẩy tốc độ tăng trưởng GDP lên quá cao
Tôi biết rất nhiều người luôn cỗ suý, thậm chí bức xúc, tại sao ta không đẩy tốc độ tăng trưởng GDP lên cao hơn nữa, thậm chí trên hai chữ số (trên 10%/năm). Vấn đề này rất cần được thảo luận nghiêm túc. Bởi không phải chỉ trả lời câu hỏi có thể tăng nhanh hơn không và tăng bằng cách nào, mà quan trọng hơn là đất nước sẽ được gì và mất gì?
Khi mà hiệu quả tăng trưởng so với đầu vào đang ở mức đáng lo ngại, khi mà tiêu cực xã hội đang tiếp tục gia tăng, thì chủ trương đẩy tốc độ tăng trưởng GDP lên quá cao có thể sẽ nguy hiểm. Nhất là chừng nào mà GDP vẫn được xem là tiêu chí tối thượng và độc tôn. Nó sẽ không giúp chúng ta sớm chia tay với tiêu cực xã hội và thoát khỏi tình trạng kém phát triển, mà ngược lại.
Nhưng tốc độ tăng trưởng bao nhiêu thì hợp lý? Lại chỉ các chuyên gia nắm đầy đủ số liệu thống kê mới có thể trả lời và tham mưu cho Chính phủ về câu hỏi này. Nhưng có thể cảm nhận rằng trong tình hình hiện nay không nên quá 8-8,5%/năm, trừ trường hợp có những đột xuất như đầu tư nước ngoài ồ ạt trong lãnh vực công nghệ cao hoặc phát hiện ra những mỏ dầu khí rất lớn ngoài thềm lục địa. Giữ ở tốc độ 8-8,5%/năm mà tiêu cực xã hội từng bước bị đẩy lùi còn hơn là đạt hai chữ số tăng trưởng mà hậu quả nhỡn tiền là tiêu cực xã hội ngày một lan tràn.
Có hai cơ sở để tin rằng con số 8-8,5% là hợp lý. Trước hết, đó là những gì mà ta đã nỗ lực trong nhiều năm qua. Thứ hai là bài học của Trung quốc. Năm ngoái Quốc hội Trung quốc phải thông qua nghị quyết hãm tốc độ tăng trưởng từ hai chữ số xuống còn 8%/năm. Tiếc thay, thời gian chưa đủ để chủ trương này biến thành hiện thực ở một đất nước rộng bao la như Trung quốc. Cho nên tăng trưởng GDP năm nay lại vẫn cao và họ lại quyết tâm hạ xuống trong năm tới.

Phạm Duy Hiển

Tác giả