Dưới luật

Tất cả các “đỉnh cao trí tuệ” của đất nước họp lại để làm thế nào ra cho được cái “văn bản dưới luật” phù hợp lệnh Vua.

Có những cái Hiến pháp quy định rồi nhưng chưa thực hiện được vì phải chờ Luật.

Có những cái Luật quy định rồi, nhưng chưa thực hiện được, vì phải chờ văn bản “dưới luật”.

Có những cái văn bản dưới luật quy định rồi, nhưng chưa thực hiện được, vì nó trái luật. Hoặc không thể thực hiện vì trái thực tiễn.

Nhưng khốn khổ nhất vẫn là cái anh “thực tiễn”: cứ phải ngồi chờ cái anh “dưới luật”, chẳng biết khi nào nó ló ra.

Có người bảo đó là “đặc sản” Việt Nam, nơi có cả rừng luật. Chắc không phải. So với thế giới thì ta vẫn còn ít luật lắm, quá ít là đằng  khác. Đã thành “rừng” thế nào được.

Cũng không phải chỉ ở “ta” mới phải có “dưới luật”. Cũng không phải chỉ ở ta mới khó làm văn bản “dưới luật” sao cho nó đừng trái luật. Cũng không phải chỉ đến bây giờ mới  phải chờ anh “dưới luật”.

Ở đâu cũng có. Ngày xửa ngày xưa đã có. Xin kể chuyện này.

Một ông vua nọ lên ngôi, tuyên bố đại xá thiên hạ: bất kể anh tù nhân nào cũng được giảm  một nửa thời hạn tù. Lệnh Vua ban rồi, các nhà tù lúng túng nhất với những cái án chung thân. Biết họ sống đến khi nào để cho ra tù trước “nửa thời hạn”? Mà lời Vua “nhất ngôn cửu đỉnh”, Vua không nói chơi, cũng không nói lại. Phải nghĩ cách thực hiện cho đúng.

Có vị đưa ra sáng kiến nên Xây dựng một Đề án cấp Nhà nước với mục tiêu kiểm tra sức khỏe, xác định và cấp giấy chứng nhận tuổi thọ cho từng anh, rồi theo đó mà bắt ở tù một nửa thời gian. Ý kiến này bị các bậc danh y phản đối dữ dội, vì khoa học hiện thời chưa có khả năng làm chuyện đó.

Một vị Hàn lâm đại học sĩ đưa ra ý tưởng rất hay: cứ cho anh ta ở ngoài một ngày, lại vào tù một ngày, cho đến khi chết! Nhưng có người phản bác lại: nếu ngày cuối cùng anh ta chết mà hai phần “ngoài tù, trong tù” không ngang nhau, thì hóa ra trái lệnh Vua ư? Ai dám mang tội khi quân?

Một cách mà thoạt tiên ai cũng thấy hợp lý: thiết kế cho anh ta cái xà lim sao cho nửa người trong tù, nửa người tự do! Lại nảy sinh vấn đề: nửa nào tự do đây? Nửa trái hay nửa phải, nửa trên hay nửa dưới? Cả Hội đồng Trí tuệ cãi nhau mãi, không sao quyết định được.

Trong khi Hội đồng đang bàn cãi thì mấy anh tù, trong trường hợp này chính là đại diện cho “thực tiễn”, đều hết sức thất vọng. Hóa ra họ chẳng được gì. Nếu nửa trên mà bị cầm tù thì nửa dưới có “tự do” được không? Mà nửa dưới đã ở trong tù thì “nửa trên” cũng nghĩ được gì khác?

Mấy nhà lý luận cao siêu hơn thì phân tích: mỗi người đều có hai phần, phần hồn và phần xác. Hay ta cứ cầm tù một phần của nó: hoặc cho phần xác tự do, nhưng cầm tù phần hồn; hoặc bắt nó ngồi tù, nhưng phần hồn thì… mặc kệ. Mỗi anh tù phải tự ý chọn thôi!
Cách này quả thật cao siêu, nhưng áp dụng vào thực tiễn cũng khó. Cầm tù phần xác thì dễ, chứ kiểm tra được cái phần hồn của nó đang ở đâu, khó lắm!

Nghe nói Hội đồng cân nhắc, cãi nhau mãi mà không có cái văn bản dưới luật nào ra được cả. Thành ra nhiều anh tù chung thân chết trong tù mà không kịp chờ để nhận ơn Vua.

Tất nhiên là khi lệnh Vua ban, họ đã tung hô rồi: “Thảo dân xin lĩnh chỉ, tạ ơn!”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)