Đường ta, ta cứ đi, không được nữa rồi!
Cứ đốt nhiên liệu để tăng trưởng kinh tế như lâu nay - business-as-usual - các chất khí gây hiệu ứng nhà kính (KHUNK) sẽ làm nhiệt độ khí quyển tăng lên 5oC vào cuối thế kỷ 21. Việt Nam sẽ là nước thứ hai sau Bangladesh chịu hậu quả nặng nề nhất do nước biển dâng lên. Và từ giờ trở đi, triều cường, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, bão tố sẽ ngày càng khốc liệt trên dải đất hình chữ S trần trụi trước một Biển Đông ngày càng dữ dằn này.
Chuyện trọng đại như thế lại lọt thỏm trong chương trình nghị sự đầy ắp những mối lo toan trước mắt của đất nước. Có thể ai đó cho rằng cắt giảm phát thải KHUNK là chuyện toàn cầu, các nước lớn phải lo, sớm muộn gì nhân loại sẽ tìm ra giải pháp. Quả là Việt Nam chỉ đóng góp 0,4% lượng khí CO2 toàn cầu, có cắt giảm cũng chỉ như muối bỏ bể so với 18% của Trung Quốc và 22% của Mỹ.
Song, có mấy lý do rất xác đáng khiến chúng ta phải vào cuộc ngay bây giờ bằng một chương trình hành động quốc gia toàn diện, thậm chí chưa từng có. Có như vậy mới chủ động đối phó với những tác động do biến đổi khí hậu ngày một dồn dập. Thứ hai, có chân trong Hội Đồng Bảo An LHQ, Việt Nam phải nhận lấy sứ mệnh góp phần tạo nên sự đồng thuận quốc tế trong cuộc chiến này của nhân loại. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần sớm rút ra bài học để tránh đi theo vết xe của các nước đi trước và nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế mới của thế giới – nền kinh tế phi cac-bon. Chắc chắn phải thay đổi hẳn quan niệm và tập quán, từ giới hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội đến người dân thường.
Hai sự kiện, một thông điệp
Năm 2007 đánh dấu cọc mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại với hai sự kiện lớn mang cùng một thông điệp.
1. Hàng trăm nhà khoa học nổi tiếng tập hợp trong Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến Đổi Khí Hậu (IPCC) đã khẳng định dứt khoát: 1) nhiệt độ Trái Đất tăng lên 0,7oC trong hai thế kỷ qua là chuyện có thật và do con người đốt quá nhiều nhiên liệu gây ra. Nếu đà này cứ tiếp tục, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên 5oC vào cuối thế kỷ 21 gây nên thảm họa khí hậu toàn cầu. 2) chặn đứng xu thế gia tăng các KHUNK là việc cấp bách, khả thi và ít tốn kém nhất. Chần chừ, sẽ vô phương cứu chữa. Cuộc tranh cãi về biến đổi khí hậu trong giới khoa học từ nhiều năm nay đã đến hồi kết, một bước ngoặt tạo nên sự đồng thuận rộng rãi trong chính giới và công luận trên toàn cầu.
2. Giá dầu thô leo thang và chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong tiếng kèn thu quân đưa lính Mỹ từ Iraq về nước. Vũ lực không bình ổn được nguồn cung cấp dầu mỏ cho các cỗ xe kinh tế trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay. Tháng 12/2007 vừa qua, Quốc Hội Mỹ đã thông qua đạo luật mới về năng lượng, quy định các tiêu chuẩn mới rất cao về tiêu hao năng lượng cho xe cộ, thiết bị gia dụng, thắp sáng, phát triển năng lượng và nhiên liệu tái tạo … nhằm sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông.
Vậy cứ móc nhiên liệu lên bơm vào cỗ xe kinh tế theo cái đà như lâu nay không được nữa rồi! Tạo hóa đã dày công chắt lọc ra từ lòng đất suốt hàng trăm triệu năm mới có được kho báu nhiên liệu hóa thạch như một thứ của hồi môn để bao nhiêu thế hệ trường tồn trên hành tinh này. Chính than đá và dầu mỏ thay cho lao
động cơ bắp và hơi nước đã tạo nên cuộc đại cách mạng công nghiệp trước đây hai thế kỷ. Nhưng sự phồn vinh do công nghiệp hóa mang lại đã kích thích con người tiêu xài phung phí. Xài hết “quota” của mình lại soán vào phần con cháu mai sau. Nhiên liệu sắp cạn, các hiện tượng thời tíêt khí hậu cực đoan lại ùn ùn kéo đến như cơn giận dữ Thượng đế đang trút lên đầu con người.
Không chần chừ được nữa
Nếu cứ đốt nhiên liệu như bấy lâu nay – theo kịch bản business-as-usual – hàm lượng các KGHUNK trong khí quyển sẽ tăng gấp đôi vào cuối thế kỷ (xem các khái niệm trong box 1) và nhiệt độ trung bình trên Trái đất sẽ tăng lên khoảng 5oC. Để tránh thảm họa, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước phải giữ cho nhiệt độ khí quyển trong thế kỷ 21 không tăng thêm quá 2oC. Vượt quá ngưỡng này sẽ là đại thảm họa và không thể đảo ngược được tình thế (xem Báo cáo IPCC 2007 và Báo cáo Phát Triển Con Người, UNDP 2007-08).
Muốn vậy, phải sớm bình ổn các KHUNK trong khí quyển không vượt quá 450 phần triệu (ppm). Để hình dung được cọc mốc này, nên nhớ rằng trong suốt hàng nghìn năm trước thế kỷ XVIII, hàm lượng CO2 trong khí quyển hầu như vẫn giữ nguyên ở mức 280 ppm (căn cứ trên vết tích lưu lại trong những cọc băng lấy lên từ Bắc cực và Nam cực), giờ đây đã tăng lên 383 ppm do đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng trong hai thế kỷ công nghiệp hóa vừa qua.
Để không vượt ngưỡng 450 ppm và 2oC nói trên, Liên Hiệp Quốc kêu gọi cắt giảm ngay lượng phát thải trên toàn thế giới sao cho đến năm 2050 chỉ còn 50% mức năm 1990. Các nước giàu có, “thủ phạm” gây nên tình trạng hiện nay, phải cắt giảm ngay để đến 2020 chỉ còn 70 – 80% và năm 2050 còn 20% mức năm 1990. Các nước đang phát triển có thể tiếp tục tăng phát thải cho đến 2020, sau đó phải cắt giảm để đến 2050 chỉ còn 20% mức năm 1990. Gộp chung lại theo kịch bản này, tổng lượng phát thải toàn cầu sẽ bắt đầu chậm lại và đảo chiều sau năm 2012-15.
Có hai chi tiết cần lưu ý. Khí CO2 sống rất lâu trong khí quyển, phân tử CO2 phát ra khi ta đốt nhiên liệu bây giờ vẫn có thể sống mãi đến thế kỷ sau mà chưa kịp hòa tan vào các đại dương hoặc trở về cội nguồn để biến thành cac-bon trong hệ sinh quyển. Cho nên sau khi phát ra, nó cứ tích luỹ lại trong khí quyển, hàm lượng CO2 cứ thế tăng lên, không sao giảm được. Muốn bình ổn nó, cách duy nhất là cắt giảm thật mạnh lượng phát thải.
Thứ hai, cho dù có bình ổn được KHUNK ở hàm lượng 450 ppm như LHQ khuyến cáo, chúng ta cũng không “chắc ăn”. Kết quả tính toán cho thấy ở mức hàm lượng 450 ppm này, vẫn có đến 50% khả năng nhiệt độ Trái đất vượt ngưỡng 2oC. Năng lực các công cụ tính toán hiện nay chưa cho phép các nhà khoa học quả quyết tốt hơn. Nhưng thà chịu đánh cược 50:50 và hành động ngay còn hơn là để hàm lượng CO2 tiếp tục tăng lên. Chẳng hạn, nếu tăng lên 550 ppm, khả năng vượt ngưỡng 2oC sẽ lên đến 80%, nghĩa là thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu gần như an bài. Thật phiền khi trong chuyện trọng đại này ta lại phải chấp nhận trò chơi may rủi. Nhưng chớ vì điểm yếu này mà chần chừ không chịu hành động.
Cắt giảm mạnh tiêu thụ xăng, dầu và than đá là giải pháp cấp bách đỡ tốn kém nhất để bình ổn các KHUNK. Nhưng lấy gì thay vào đó để cỗ xe kinh tế vẫn tiếp tục chuyển động?
Vai trò của năng lượng hạt nhân
Năng lượng hạt nhân với nguồn nhiên liệu thiên nhiên (uranium) và tái chế (plutonium) khá dồi dào, lại không phát thải cac-bon, nên lý ra phải được xem là ứng cử viên sáng giá nhất thay cho nhiên liệu hóa thạch. Song nhiều người lo ngại mối hiểm họa an toàn và an ninh toàn cầu lại xem đây là chuyện “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, nhất là trong bối cảnh nạn khủng bố đang hoành hành hiện nay. Thành ra điện hạt nhân chưa có vị trí trong số các giải pháp do LHQ khuyến cáo.
Dưới đây tóm lược nội dung tiểu mục “Năng lượng hạt nhân – những vấn đề gai gốc” trong Báo Cáo Phát Triển Con Người, UNDP 2007-08 thể hiện một lập trường trung dung của tổ chức quốc tế này.
Điện hạt nhân (ĐHN) hiện đang đóng góp 17% điện năng toàn cầu, 20% ở Anh, Mỹ và 80% ở Pháp. Từ bỏ ĐHN có thể làm tăng phát thải CO2. Biết thế, nhưng ĐHN vẫn không trở thành phương thuốc đặc trị cho căn bệnh thay đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2006, cả thế giới chỉ có một lò phản ứng được đưa vào vận hành ở Nhật, trong khi sáu lò khác bị đóng cửa ở các nước OECD. Trong mười năm tới, hằng năm có 8 lò nghỉ hưu. Pháp và Canada tuyên bố tiếp tục ĐHN, Đức và Thụy Điển cương quyết dừng. Mỹ không có đơn đặt hàng trong suốt ba thập kỷ qua (tuy nhiên đang có chính sách phục hồi ĐHN – chú thích của người viết).
Dự báo trung hạn cho thấy nguồn cung ĐHN sẽ chững lại hoặc đi xuống trên phạm vi toàn cầu. Yếu tố kinh tế bất lợi là vốn đầu tư quá lớn, từ 2 đến 3,5 tỷ USD cho một lò phản ứng (khoảng 1000 MW) chưa kể phí tổn chôn thải phóng xạ và tháo gỡ sau thời gian vận hành. Do đó, nếu thiếu chính sách khuyến khích từ phía nhà nước, rất ít công ty tư nhân quan tâm đến ĐHN. Yếu tố bất lợi về xã hội chính trị là tâm lý bất an trong dân chúng, đặc biệt là nguy cơ lan truyền vũ khí hạt nhân.
Năng lượng đang sử dụng rất phí phạm
Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lại chưa mặn mà với ĐHN, vậy lộ trình cắt giảm phát thải do LHQ khuyến cáo có khả thi không?
Trước hết phải nhận ra tình trạng sử dụng năng lượng hết sức phí phạm bấy lâu nay.
Trước khi Ấn Độ giành được độc lập cách đây hơn sáu thập kỷ, được hỏi Ấn Độ có nên theo gương công nghiệp hóa của Anh quốc không, Mahatma Gangdhi đã vặn lại: “người Anh đã dùng đến một nửa Trái đất để giàu có, nếu theo gương họ, dân ta cần bao nhiêu hành tinh cho đủ?”
Báo cáo Phát triển Con người UNDP, 2007-08 đã trả lời câu hỏi này. Cần phải có thêm từ 7 đến 9 hành tinh nữa để các nước đang phát triển hiện nay sống phồn vinh bằng cách phát thải như người Úc và người Mỹ (hai nước không ký tên vào Nghị Định Thư Kyoto). Với 4,5% dân số thế giới, người Mỹ tiêu thụ 33% năng lượng toàn cầu và đóng góp 30% (nhiều nhất, bỏ xa Nga và Trung Quốc chỉ có 8%) vào lượng KHUNK trên thế giới. Nếu giữ tốc độ tăng trưởng cao như mấy năm vừa qua, sau ba thập kỷ nữa Trung Quốc sẽ có 300 triệu người khá giả (20% dân số) tương đương với mức thu nhập bình quân của người Mỹ hiện nay. Cộng thêm vào đó là 300 triệu người khá giả nữa từ khắp các nước còn đang nghèo khó như Ấn Độ, Brazil, Inđônêxia, SNG v.v… Việt Nam lúc này sẽ góp mặt 10 triệu người. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai cũng theo đuổi giấc mơ Mỹ (american dream)?
Dầu mỏ lại sắp hết! Năm 1956, King Hubbert làm việc cho hãng Shell dựa trên mô hình những bước ngẫu nhiên trong toán học thống kê đã cảnh báo cho dân Mỹ biết rằng sản lượng dầu của họ sẽ đạt đến đỉnh điểm vào năm 1965-70, sau đó sẽ tụt dài, và cỗ máy công nghiệp khổng lồ nhất thế giới sẽ phải phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Đúng y như vậy! Cũng theo Hubbert, sản xuất dầu trên toàn thế giới sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 1995-2000. Những tính toán gần đây đã đẩy lùi cọc mốc này thêm mười năm nữa, nghĩa là loài người hiện đang bước lên đỉnh cao nhất của thời đại dầu mỏ. Hiện nay cứ đốt sáu thùng dầu, con người chỉ tìm thêm được một thùng.
Đứng trước thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu chính là cơ hội để mọi người, từ nhà lãnh đạo quốc gia đến chủ doanh nghiệp và người dân thường, nhận ra sai lầm trong lối tư duy, cách hành xử và tập quán sử dụng năng lượng phí phạm của mình. Có thế mới thực thi được ba giải pháp lớn: tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng/nhiên liệu tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch. Không đi vào chi tiết, chỉ xin nêu ra vài dẫn chứng dưới đây.
CO2 trở thành hàng hóa trong nền kinh tế phi cac-bon
Nền kinh tế thế giới, vốn phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch bấy lâu nay, sẽ thay đổi diện mạo để đến năm 2050 phát thải KHUNK chỉ còn 50% mức năm 1990 và sau đó tiếp tục giảm mạnh. Thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế ít cac-bon (low-carbon economy) và đến cuối thế kỷ 21 sẽ là nền kinh tế phi cac-bon (zero-carbon economy). Trong nền kinh tế mới này, phát thải CO2 trở thành hàng hóa, bị đánh thuế, được đưa ra thị trường, có thể mua bán căn cứ trên hạn ngạch (cap-and-trade), và được xem như một thứ tín dụng có thể vay mượn. Ai “tiết kiệm” được phát thải, chẳng hạn bằng cải tiến công nghệ, có quyền bán bớt hạn ngạch cho người khác. Mô hình này mới được thực thi ở các nước tiên tiến, những nước ký tên vào Nghị Định Thư Kyoto và cam kết cắt giảm phát thải ngay từ bây giờ.
Đưa phát thải CO2 ra thị trường chẳng những sẽ giúp bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn có điều kiện đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Đánh thuế cac-bon từ năm 1990 đã giúp Đan Mạch giảm tiêu thụ than từ 34% xuống 19% và tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái tạo. Các nước OECD dự tính sẽ thu được 265 tỷ USD hằng năm với mức áp thuế 20 USD/tấn CO2. Trong khi đó, với giá mua bán phát thải 60 – 100 USD/tấn CO2, các nước EU sẽ thực hiện thành công lịch trình cắt giảm phát thải của khối này trong vài thập kỷ tới.
Trong nền kinh tế phi cac-bon, công nghệ sản xuất năng lượng và nhiên liệu sẽ lên ngôi, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền sản xuất đại công nghiệp vốn “ỳ ạch” từ mấy thế kỷ qua, phá thế chông chênh giữa một bên là các ngành sản xuất cổ điển tốn năng lượng (khai khoáng, luyện kim, xi măng, phân bón…) với bên kia là công nghệ thông tin tiêu hao rất ít năng lượng và phát triển rất nhanh chóng.
Muốn chuyển sang nền kinh tế phi cac-bon, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nhận thức con người. Kích cầu là công cụ tăng trưởng, nhưng giờ đây khi Trái đất đang ấm lên, lằn ranh giữa nhu cầu đích thực và lãng phí phải trở thành một thứ chuẩn mực đạo lý.
Lạc lõng trong nền kinh tế phi cac-bon của thế giới
Đóng góp 0,4% vào lượng phát thải CO2 toàn cầu, Việt Nam chưa lọt vào danh sách các nước phải cam kết cắt giảm phát thải. Nhưng trong bối cảnh thế giới đang tiến vào nền kinh tế phi cac-bon, chúng ta sẽ rất lạc lõng nếu cứ bơm nhiên liệu vào các tổ máy phát điện để có tốc độ tăng trưởng điện năng gấp đôi GDP như hiện nay, 17%/năm, thậm chí còn cao hơn, 20%/năm. Ngay đến những nước khát năng lượng và tăng trưởng kinh tế rất nhanh cũng không “nóng” như ta, cụ thể Trung Quốc (9,7%/năm), Ấn Độ (6%/năm), các nước khác phần lớn thấp hơn 5-6%/năm.
Chúng ta lại rất phí phạm điện năng. Năm 2004, tiêu thụ 01 kWh người Việt chỉ làm ra 1 USD, trong khi Thái Lan: 1,25; Malaysia: 1,46; Philippine: 1,6; In đô nê xia: 2,4; Singapore: 2,8 U SD.
Rõ ràng, nền kinh tế của chúng ta rất không bình thường. Chắc chắn có những lỗ thủng khổng lồ hút hết năng lượng. Phải thận trọng, kẻo chính sách thu hút đầu tư cởi mở, tiêu chuẩn phát thải thấp và giá năng lượng rẻ, có thể biến nước ta thành bãi thải công nghệ lạc hậu trên thế giới. Tiêu hao năng lượng trên một USD sản phẩm giờ đây phải đưa lên tiêu chí hàng đầu khi xem xét các dự án đầu tư.
Người dân lại đang phải hít thở khí độc do đốt nhiên liệu thải vào khí quyển. Không chỉ ở đô thị, mà cả ở nông thôn. Hiện nay, nhiều nơi trên đồng bằng Bắc Bộ, hàm lượng bụi khí có kích thước bé hơn 2,5 micron đã ngang với Hà Nội. Thế mà Tổng Công Ty Điện lực EVN đang có kế hoạch tăng tiêu thụ than từ 5,2 triệu tấn hiện nay lên 49 triệu tấn năm 2015.
Rồi đây dân ta sẽ thở như thế nào? Mãi theo đuổi những con số tăng trưởng mà quên mất chất lượng cuộc sống, chúng ta đang lạc lõng trong thế giới này.