E-ideas: Sáng tạo để đối phó với biến đổi khí hậu

Hội đồng Anh cho biết, các tác giả E-idea mới đây đã có buổi giao lưu và báo cáo tiến độ thực hiện các dự án của mình cho tới thời điểm này.

Giành chiến thắng với ý tưởng Vườn treo giải quyết vấn đề thiếu không gian để trồng cây ở những đô thị lớn, Nguyễn Văn Quy hiện đã mua sắm xong máy móc, nguyên vật liệu sản xuất, tuyển được tám công nhân để đào tạo và sản xuất thử nghiệm. Trung bình mỗi ngày, anh nhận được 10 email từ các địa phương khác nhau trên cả nước liên hệ mua sản phẩm hoặc nhờ tư vấn của dự án.

Dự án Excavatus với ý tưởng kinh doanh từ giun quế và phân bò đã giúp xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vì phân thải của trâu bò: 20m2 nuôi giun giải quyết 450kg phân bò mỗi tháng. Excavatus đã kí cam kết với các hộ nông dân tham gia dự án nuôi giun quế, hướng tới phát triển mô hình khép kín giun-gà thịt, giun-baba, phân giun-cây cảnh. Hiện tại, dự án đã cung cấp thịt giun tươi ổn định 10kg/tuần với giá 80.000đ/kg cho một đơn vị nghiên cứu khoa học nhằm sử dụng trong công trình nghiên cứu tách chiết tinh chất từ giun quế để chế biến dược liệu. Với đặc tính sinh trưởng nhanh của giun và nhu cấu có thật của thị trường, ý tưởng của Excavatus có nhiều triển vọng thương mại hóa, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn.

E-idea là cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng bảo vệ môi trường do Hội đồng Anh và Tổ chức Bảo đảm chất lượng Lloyd’s Register Quality Assuarance (LRQA) phối hợp tổ chức năm 2011 đã chọn ra sáu ý tưởng xuất sắc nhất để trao giải, mỗi giải trị trá 100 triệu. Cuộc thi đồng thời được tổ chức ở sáu nước khác là Úc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.

Dự án Phân ủ tại gia đình tại Bản Nhộp, Chiểng Bôm, Sơn La đã đào tạo được bốn giáo viên nguồn, những người trực tiếp học công nghệ làm phân ủ và hướng dẫn lại cho 74 hộ dân của bản. Điểm nhấn của dự án là bộ video hướng dẫn làm phân ủ bằng tiếng Thái giúp phổ biến một cách hiệu quả nhất công nghệ làm phân ủ đến các đối tượng người dân tộc ở đây.

Trong khi đó, nhóm Tái chế rác thải học đường để phủ xanh công trình, sau một thời gian vất vả thu thập, phân loại rác thải và thi công, đã tạo được mảng xanh tuyệt đẹp đầu tiên của mình tại trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

Còn ý tưởng táo bạo Green Health – Sức khỏe xanh – cũng đã thành hình với sản phẩm là một chiếc máy chuyển hóa nguồn năng lượng sử dụng khi người dân tập thể dục bên hồ để làm sạch nước hồ. Chiếc máy đã được đưa ra chạy thử ba lần để lấy ý kiến người sử dụng tại công viên Bách Thảo Hà Nội.

Nhóm thực hiện ý tưởng xây dựng Diễn đàn nông nghiệp hữu cơ thực hiện được nhiều hoạt động vượt ra khỏi không gian online để mang những kiến thức nông nghiệp hữu cơ vào cuộc sống với những hoạt động như Dạy bé trồng rau hay chuyển giao công nghệ làm bể biopod và nuôi BSF (Black Soldier Fly) cho bà con ở Suối Giàng, Yên Bái để xử lý rác thải và phân thải thành phân hữu cơ và tạo nguồn thức ăn chăn nuôi gà, lợn.

Mặc dù đây mới chỉ là những kết quả bước đầu của các nhóm tác giả sau nửa năm thực hiện dự án, nhưng điều quan trọng mà cuộc thi E-idea cũng như các dự án đã làm được là kích hoạt những ý tưởng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm cụ thể đóng góp vào việc cải thiện môi trường sống và, ở tầm vĩ mô hơn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)