Gánh nặng đè lên vai Đại biểu Quốc hội (Phần I): Những nghị sỹ lập kỷ lục

Ngày nay, nghị sỹ hay đại biểu quốc hội có ở mọi quốc gia, mọi chế độ; dù bầu cử thực chất hay không, tranh cử dưới hình thức đảng phái hay cá nhân, đều được tổng hợp từ lá phiếu của cử tri. Thành thử vai trò, ảnh hưởng của nghị sỹ trên chính trường quyết định số phận tham chính của đảng phái thuộc những nghĩ sỹ đó; buộc nghị sỹ phải là những “chiến sỹ” thực sự trên chính trường. Từ đó, ở Đức đã sản sinh ra bao nghị sỹ với bao kỷ lục thường xuyên được lập mới; không chỉ tạo dấu ấn bản thân họ mà cả hình ảnh quốc hội trong tiềm thức người dân.

Số lượng nghị sỹ hiện ở ta 500, nhưng chỉ có 154 chuyên trách, bằng 1/4 so với số nghị sỹ chuyên trách của Đức là 631 trên tổng dân số hai nước tương đương nhau. Quốc hội hai nước cũng hoạt động khác nhau; trong khi ở ta chỉ có hai kỳ họp 1-2 tháng trong năm, thì ở Đức họ phải làm việc toàn phần cả năm như bất kỳ công chức nào. Mỗi tháng, cứ hai tuần họp thì hai tuần chuẩn bị. Trong hai tuần nội họp, các ngày đầu tới giữa tuần dành cho các cuộc họp của các nhóm nghị sỹ thuộc các đảng phái khác nhau, các cuộc họp ủy ban, hội đồng, các nhóm làm việc, các cuộc chất vấn, hai ngày tiếp theo họp toàn thể. Mỗi ngày kéo dài tới 15 tiếng, căng thẳng như bất cứ lao động nặng nhọc nào. Chính vì vậy vai trò nghị sỹ họ thường trực trong đời sống chính trị đất nước; “thời thế tạo anh hùng” ở họ đã sản sinh ra bao nghị sỹ với bao kỷ lục thường xuyên được lập mới; không chỉ tạo dấu ấn bản thân họ mà cả hình ảnh quốc hội trong tiềm thức người dân.

Nhiệm kỳ vừa qua, danh hiệu vua thuyết trình được truyền thông trao cho Nghị sỹ Pascal Kober, 42 tuổi, đảng FDP, vốn là cha xứ ở Sindelfingen, Baden-Württemberg. Không nghị sỹ nào phát biểu nhiều như ông. Trong 251 buổi họp nhiệm kỳ qua từ tháng 10.2009 tới 9.2013, ông phát biểu chẵn đúng 140 lần. Ông bình luận trung thực về kỷ lục của mình: “Tôi không phải nhà hùng biện của FDP. Tôi phát biểu nhiều vì trách nhiệm của tôi phải theo dõi trợ cấp cho người thất nghiệp lâu năm và hưu trí vốn rất nóng”. Các đảng khác SPD, Linken và đảng Xanh đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề đó, nên ông có nhiệm vụ giải trình dưới danh nghiã đại diện cho FDP trong Liên minh cầm quyền. Vị trí số hai thuộc về Nghị sỹ Heinrich Kolb của FDP với 119 lần thuyết trình. Tiếp đó có 6 nghị sỹ thuyết trình trên 100 lần.

Trong suốt bốn năm, Cựu Chủ tịch đảng FDP Wolfgang Gerhardt chỉ có hai bài phát biểu trên diễn đàn, hai lần phát biểu không đăng ký trước và hai lần đưa ra sáng kiến nhóm. Ít hơn nữa là Phó Chủ tịch đoàn nghị sỹ thuộc đảng CDU/ CSU (cầm quyền), chỉ có hai bài phát biểu trên diễn đàn, một lần đề xuất luật và một lần chất vấn Chính phủ. Cả hai đều ý thức được thực tế đó của mình vốn không đáp ứng được đòi hỏi cao cả của một nghị sỹ, nên không ứng cử tiếp kỳ bầu cử Quốc hội 2013. Đó chính là lòng tự trọng tối thiểu của một chính khách không thể “cố đấm ăn xôi”, một khi lá phiếu người dân quyết định chính sinh mệnh chính trị họ! 

Danh hiệu Nữ hoàng chất vấn thuộc về nghĩ sỹ Ulla Jelpke, 62 tuổi, Đảng Linke. Trong vòng bốn năm, bà đã đặt tới 958 câu hỏi buộc Chính phủ Liên bang phải trả lời, suýt soát bằng toàn thể nghị sỹ quốc hội ta giả định thay nhau chất vấn liên tục suốt cả hai kỳ họp quốc hội trong một năm. 99 lần bà lên diễn đàn phát biểu, chất vấn, lập luận rất kỹ càng, và tự mệnh danh là “búa bổ” làm đau đầu Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich trước các câu hỏi hóc búa của bà. Thần tượng mà Ulla Jelpke theo đuổi không ai khác chính là nhà sáng lập Đảng Cộng sản Đức, Karl Liebknecht – người đã chất vấn với vô vàn câu hỏi làm “đảo điên” Chính phủ Đế chế Đức cũng như những người trong Đảng Cộng sản ủng hộ chiến tranh hồi thế chiến thứ nhất – từng được thế giới những người cộng sản tôn vinh ngưỡng mộ, và nay trở thành linh hồn của chính”Nữ hoàng” trong quốc hội một quốc gia tư bản, CHLB Đức. Vị trí số hai thuộc về Nghị sỹ Bärbel Höhn, Đảng Xanh, đã đặt 701 câu hỏi chất vấn về môi trường và năng lượng trong bốn năm qua. Chất vấn không đăng ký trước, kỷ lục thuộc về hai nghị sỹ của đảng Xanh, ông Volker Beck với 139 lần và Hans-Christian Ströbele với 111 lần. Tổng kết lại, nghị sỹ phe đối lập chất vấn tích cực hơn phe cầm quyền, bởi ai không cầm quyền thì chỉ còn cách chiếm lĩnh diễn đàn Quốc hội, nếu muốn những chủ trương chính sách nhà nước mà Đảng mình ủng hộ hay phản đối, được thừa nhận.

Kỷ lục trả lời chất vấn nhiều nhất được lập bởi nghị sỹ Hartmut Koschyk, thuộc đảng CSU – Quốc vụ khanh của Bộ Tài chính (Thứ trưởng, chịu trách nhiệm quan hệ với Quốc hội). Ông trả lời tổng cộng 1.314 lần trước các câu hỏi của nghị sỹ đảng đối lập. Giả định mỗi lần trả lời nội dung chừng một trang giấy A4, để đọc nó bình quân hết cỡ năm phút, thì Hartmut Koschyk đã dành tổng số 110 tiếng, tức 13 ngày họp, tám tiếng mỗi ngày, trả lời liên tục trước Quốc hội không giải lao – tính ra chiếm chừng 1/8 tổng thời lượng cả hai kỳ họp Quốc hội nước ta trong một năm.


Người ký dự thảo luật nhiều nhất là Chủ tịch đoàn Nghị sỹ của Đảng SPD, ông Frank-Walter Steinmeier tổng cộng 516 lần. Phần lớn các dự thảo này bị bác bỏ, bởi phe đối lập SPD chiếm thiểu số trong Quốc hội.

Ý nghĩa to lớn của các kỷ lục trên nằm ở chỗ, các phiên họp Quốc hội họ đều được truyền hình trực tiếp (trừ ngoại lệ), giúp dân chúng vốn là đồng chủ nhân đất nước hình dung được toàn bộ những gì “công bộc” do họ trả lương đã làm, cả về tinh thần lẫn khả năng, cả cống hiến đóng góp, lẫn sai phạm thất bại, để quyết định lá phiếu của mình cho kỳ bầu cử tới!

Khác với kỷ lục của họ, ở ta cũng có những phát ngôn ấn tượng làm nóng truyền thông mỗi kỳ họp Quốc hội; thậm chí qua đó được gắn những biệt danh, như “nghị sỹ rau muống” khi Đại biểu Quốc hội này lấy giá rau muống Việt Nam so với thế giới để đòi xem lại độ chính xác chỉ số lạm phát lớn ở ta; hay “nghị sỹ IQ” khi Đại biểu Quốc hội này ủng hộ xây dựng đường sắt cao tốc ở ta bằng cách lấy chỉ số IQ vốn chẳng liên quan trực tiếp gì, ra so sánh…

Những phát ngôn như vậy sẽ không thể xảy ra, nếu Quốc hội và nghị sỹ của ta được đầu tư nhân, tài, vật lực đáp ứng mọi đòi hỏi cho công việc nghị sỹ như ở họ. Ở Đức, riêng bộ máy phục vụ cho 631 nghị sỹ hiện nay lên tới 2600 nhân viên chuyên nghiệp, chưa kể mỗi nghị sỹ có một văn phòng riêng ở điạ phương với ít nhất 3 nhân viên văn phòng trình độ đại học. Mọi vấn đề liên quan tới khoa học kỹ thuật, thông tin, mà nghị sỹ đòi hỏi đều được đáp ứng bởi một trung tâm khoa học sẵn sàng thực hiện và cung cấp, chỉ cần nghị sỹ đặt yêu cầu. Bên cạnh đó còn trung tâm cung cấp thông tin bao gồm thư viện, trung tâm lưu trữ tư liệu của quốc hội, hồ sơ công báo… nghị sỹ tha hồ tra cứu! Chỉ khi đó mới tránh được sức ép lên nghị sỹ do thiếu thông tin, thiếu kiến thức cập nhật; người dân có thể kỳ vọng và có quyền đòi hỏi những kỷ lục mà những đại biểu của dân có thể và phải mang lại cho họ!

(Còn tiếp)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)