George Soros “Châu Âu? Làm gì còn nữa”

Nhà đầu tư và nhà hoạt động từ thiện George Soros giải thích vì sao EU phải tổ chức lại. 

Không có nhà đầu tư nào lại phân cực như George Soros,  85 tuổi, sinh ra ở Hungari và trở nên giầu có ở Hoa kỳ – ông là người thông qua đầu cơ đồng bảng Anh mà chỉ sau một ngày kiếm được tiền tỷ. Bản thân Soros cũng coi mình là người đầu cơ, nhưng với ý nghĩa tích cực  –  tức là người nhìn thấy trước và phanh phui những yếu kém của hệ thống.  Tuy nhiên ông  cũng là người bỏ ra tiền tỷ  ủng hộ quá trình dân chủ hóa vào thời điểm mà một người như  Mark Zuckerberg còn đi nhà trẻ…

Ông coi bà thủ tướng Angela Merkel là người quá cứng rắn trong việc xử lý vụ khủng hoảng đồng Euro dẫn đến nguy cơ làm EU tan rã.  Nhưng ông lại rất ấn tượng về sự chào đón người nhập cư của bà đến nỗi Soros đã phải thốt lên tại cuộc gặp ở Budapest  “Có thực đây vẫn là bà thủ tướng này hay không?“.

George Soros, 85 tuổi, sinh ra ở Budapest từng trải qua giai đoạn hoành hành của chủ nghĩa quốc xã, trong chiến tranh thế giới hai ông hoạt động bí mật, sau đó  di tản sang Hoa kỳ với lưng vốn 500 đôla và mơ ước sẽ kiếm được nửa triệu đôla để trở thành triết gia. Từ số vốn ban đầu ông đã kiếm được 20 tỷ đôla và ông tiếp tục tài trợ cho triết học. Quỹ Soros hoạt động theo ý tưởng về một xã hội cởi mở theo tinh thần của Karl Popper.

WirtschaftsWoche: Thưa ngài Soros, “TIME” vừa bình chọn bà thủ tướng  Angela Merkel là nhân vật của năm. Tạp chí này ca ngợi bà là  “Nữ thủ tướng của thế giới tự do”. Có quá lời không, thưa ngài?

George Soros: Tất nhiên không. Trước sau tôi vẫn cho rằng chính sách tiết kiệm của Châu Âu là hoàn toàn sai lầm. Nhưng với tôi thì từ lâu bà ấy đã là nhà lãnh đạo châu Âu mà không ai có thể tranh cãi và gián tiếp là nhà lãnh đạo thế giới tự do [theo quan điểm phương Tây]  –  kể từ khi bà ấy cương quyết đương đầu với tổng thống Nga Wladimir Putin trong vụ tranh chấp Ukraina. Trước đó tôi đánh giá bà ta là một nữ chính trị gia tài năng, biết chú ý đến kết quả thăm dò dư luận. Nhưng trong mối quan hệ với Nga thì bà ấy đã bất chấp dư luận công cộng. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng người tị nạn bà Merkel đã sớm nhận ra vấn đề này có thể làm tiêu biến EU  – nó trước hết đe dọa sự tự do đi lại qua biên giới theo hiệp định Schengen và cũng đe dọa thị trường tự do nội địa.

Bà Merkel vốn là một người thận trọng, thế mà giờ đây bỗng nhiên bà trở nên kiên định một cách cuồng nhiệt. Điều đó làm cho nhiều người Đức không khỏi trăn trở, lo lắng.

Tôi lại đánh giá cao sự kiên định cuồng nhiệt này, có thể vì điều này làm cho tôi hoài tưởng đến thời kỳ tôi là nhà đầu tư. Tất nhiên, có nhiều lý do làm người ta hoang mang lo lắng. Đành rằng EU đã được thử thách trong các cuộc khủng hoảng, chính các cuộc khủng hoảng đó đã làm cho EU đi lên. Nhưng lần này không phải chỉ có một cuộc khủng hoảng  mà là năm hay sáu cuộc khủng hoảng xẩy ra cùng một lúc.

Vậy ta hãy điểm lại nhé: Hy lạp và đồng Euro, nước Nga, Ukraine, nguy cơ Brexit (người dịch: trưng cầu dân ý do Anh đề xuất ), cuộc khủng hoảng người tị nạn… Còn quên cái gì  nữa không nhỉ?

Có đấy. cuộc xung đột  Syria, điều này là một trong những nguyên nhân làm nổ ra cuộc khủng hoảng tị nạn. Hành động khủng bố ở Pari đã làm cho các cuộc thảo luận về chính sách đối với người tị nạn trở nên khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Và liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng cơ bản nữa hay không, điều này phụ thuộc vào người Đức.

Thưa, ý ngài là thế nào?

Nếu ai đó có thể chặn đứng được sự tan vỡ của châu Âu thì đó chính là người Đức.  Trong thời kỳ bà Merkel làm thủ tướng, nước Đức đã leo lên địa vị bá chủ ở châu Âu, nhưng cho đến lúc này nước Đức chưa hề phải trả giá, cho dù có một vài người Đức to mồm la ó, không hài lòng  về các khoản tín dụng dành cho Hy lạp. Rõ ràng người Đức là những kẻ thắng cuộc về kinh tế trong liên minh tiền tệ. Đáng ra những kẻ làm bá chủ không nên chỉ lo cho quyền lợi của mình, mà còn phải lo cho quyền lợi của những người dành lòng tin cho họ. Liệu nước Đức có muốn đảm nhận trách nhiệm này – như Hoa kỳ sau năm  1945 – giờ đây nước Đức phải quyết định.

Bà Merkel có thể mất ghế thủ tướng.

Trong cuộc khủng hoảng về người tị nạn, theo tôi, đây là một vấn đề có tính nguyên tắc, tôi nghĩ bà thủ tướng nhận thức được độ rủi ro đối với mình.

Việc làm của bà thủ tướng làm bản thân tôi rất cảm kích. Tôi đã sống sót sau chiến tranh, đã trải qua Holocaust và qua sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội [theo kiểu] Liên Xô, bản thân tôi từng là người tị nạn. Tôi đã ủng hộ hàng tỷ đôla để chuyển đổi châu Âu thành một xã hội cởi mở và cởi mở với thế giới. Theo tôi bà Merkel cũng tranh đấu vì mục tiêu như vậy, có lẽ điều này có dấu ấn từ kinh nghiệm bản thân khi là con của một mục sư và những kinh nghiệm về sự bó buộc ở Cộng hòa Dân chủ Đức.

Ngài là nhân vật chủ chốt đã  hỗ trợ nền dân chủ ở Đông Âu. Tại sao ở đó sự căm ghét người tị nạn lại lớn như vậy ?

Thủ tướng Hungari Victor Orbán muốn gây hoài nghi về vai trò thủ lĩnh châu Âu của bà Merkel – và ngoài ra còn muốn làm xói mòn những nguyên tắc của châu Âu. Người ta phải tưởng tượng về một gọng kìm: tổng thống Nga Wladimir Putin tấn công EU từ bên ngoài còn Orbán từ bên trong. Các vị có thấy tại đại hội của đảng CSU Orbán cùng với  Horst Seehofer đã tấn công bà Merkel như thế nào không?

Nhưng chỉ một mình Orbán thì không thể kích nổi sự thù nghét người nước ngoài ngày càng tăng ở Đông Âu.

Orbán đâu có đơn độc. Jarosław Kaczyński, đảng của ông này vừa dành được thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Ba lan cũng theo đuổi cách tiếp cận tương tự. Ba Lan là một trong những quốc gia có sự đồng nhất cao nhất về dân tộc cũng như tôn giáo ở châu Âu. Đối với nước Ba lan Thiên chúa giáo thì một người Hồi giáo nhập cư là “kẻ xa lạ”. Và trong cuộc tranh cử vừa qua  Kaczyński đã thành công trong việc rủa xả  những “kẻ xa lạ” này.

EU đang cân nhắc việc trừng phạt đối với chính phủ Ba lan và Hungari. Tình hình nghiêm trọng như vậy sao?

Cả hai đều tán dương sự tách biệt dân tộc và tôn giáo để tăng cường quyền lực của mình. Điều này làm tôi nhớ đến những năm giữa cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất và thứ hai, khi đô đốc Horthy ở Hungari và nguyên soái Piłsudski ở Ba lan tìm cách thâu tóm các tổ chức dân chủ vào trong tay mình. Giờ đây các chính phủ mới này cũng đang nhắm tới ý đồ trên.

Trong khi đó Ba Lan được đánh giá là một trong những  thành công to lớn  nhất cả về kinh tế và chính trị ở Châu Âu.

Nhiều người từng nghĩ rằng, Ba Lan có thể trở thành đối tác quan trọng của Berlin tương tự như nước Pháp – và cũng là một thành lũy trước Putin.

EU bị đe dọa từ bên ngoài?

Điều lý thú là cách đây khoảng một phần tư thế kỷ Liên xô trong tình trạng khốn đốn và EU thì ở thế đi lên và cả hai đều nỗ lực xây dựng một hình mẫu mới và hiện đại về một dạng chính phủ quốc tế. Liên Xô thì tìm cách liên kết vô sản toàn thế giới. EU thì hướng tới nhất thể hóa và mở rộng một cách hòa bình trên nguyên tắc một xã hội tự do và cởi mở.

Và cả hai giờ đây đã trở thành quá khứ?

Thế vào vị trí của Liên xô là Putin của nước Nga, nước Nga đang mong muốn trở thành một cường quốc của thế giới.

Xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong EU có khả năng chiếm ưu thế. Bà Merkel có thể tin vào một xã hội cởi mở. Cả những người đang đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Ukraina cũng đang hướng theo mục tiêu đó. Chỉ có điều những giá trị này ngày nay không còn tồn tại ở EU. Châu Âu là một đối tác bình đẳng và tự do? Điều đó đâu còn nữa.

Nhưng những gì mà bà Merkel đã làm hoàn toàn không có tính chất quốc gia chủ nghĩa. Bà mở cửa biên giới cho những người tị nạn Syri và từ đó buộc EU phải làm theo.

Nước Đức có thể là một ngoại lệ. Nhưng mọi quốc gia thành viên khác đang chỉ chú ý đến lợi ich của riêng họ. Đã đến lúc EU phải có một chính sách chung đối với người tị nạn. Chính sách này phải toàn diện và phải bao trùm ranh giới của châu Âu. Sự tổn hại sẽ ít hơn và chắc chắn ít tốn kém hơn nếu những người xin tị nạn ở nguyên tại vị trí của họ. Mỗi năm EU dành  15.000 Euro cho một người xin tị nạn để họ có chỗ ở, được chăm sóc y tế và được đào tạo – và cũng để giảm nhẹ gánh nặng với những nước thành viên tiếp nhận người tị nạn.

Nhưng EU làm gì có tiền?

Ngân sách hiện nay tất nhiên không đủ để thực hiện việc đó. Nhưng EU có thể phát hành trái phiếu dài hạn, tận dụng lợi thế tình trạng tín dung AAA của EU. Điều này có thể là một sự kích thích tinh thần  đối với ngân sách tác động đến nền kinh tế châu Âu – và có thể chia sẻ công bằng gánh nặng giữa những nước tiếp nhận người tị nạn và những nước không muốn thực hiện điều đó.

Thưa ngài, tại sao ngài lại rời bỏ kinh doanh chứng khoán?

Rất đơn giản: vì tôi thấy lo lắng cho nhân loại. Có thể các vị nghĩ, tôi cường điệu – nhưng toàn bộ nền văn minh phương Tây của chúng ta có nguy cơ bị tiêu tan. Nhờ khoa học tự nhiên, con người có thể chế ngự được thiên nhiên. Nhưng khả năng chúng ta tự chế ngự được bản thân mình lại không tiến kịp. Vì vậy tôi đầu tư ngày càng nhiều hơn vào khoa học xã hội, thí dụ như cho nhà máy trí tuệ của tôi  Institute for New Economic Thinking.

Nghe thật ảm đạm. Ngài thực sự bi quan như vậy sao?

Điều này tôi học từ cụ thân sinh của  tôi. Năm 1944 khi bọn Quốc xã chiếm đóng Hungari ông đã sớm tìm cách đưa chúng tôi đi. Nếu không chúng tôi hẳn không thể sống sót. Có thể nói ông cụ tôi đã nhìn thẳng vào sự thật, thay vì phủ nhận thực tế đó.  Tôi bao giờ cũng tính đến những điều tồi tệ nhất đầu tiên. Điều này giúp tôi nhiều trong hoạt động đầu tư, và nó cũng giúp tôi mỗi khi tôi suy nghĩ về những vấn đề chính trị. Vì khi đứng trước hiểm nguy, chúng ta có thể tìm ra các khả năng để xử lý. Bao giờ cũng vậy, trước khi hửng sáng bầu trời luôn tối tăm nhất. 

Thưa ngài điều này có đúng với Hy lạp hay không?

Rất tiếc là không. Cuối năm 2009 khi cuộc khủng hoảng thực sự bùng phát thì EU – đứng đầu là Đức –  đã giúp đỡ, nhưng với một cái giá quá đắt. Họ đã đòi lãi suất quá cao cho các khoản vay tín dụng, do đó nợ nhà nước của Hy Lạp là không thể trả nổi. Rất tiếc trong những vòng đàm phán mới đây nhất người Đức lại lặp lại sai lầm này. Họ lại đưa ra những điều kiện đẩy Hy lạp   lao sâu hơn nữa vào tình trạng phá sản. Hy Lạp sẽ không bao giờ trả nổi những khoản nợ này.

Liệu Hy lạp có thể trở thành địa bàn đầu tư thú vị đối với các nhà đầu tư tư nhân?

Không thể, chừng nào Hy lạp còn là một phần của khu vực đồng Euro (Euro-Zone). Hy lạp sẽ không thể hồi phục với đồng Euro, vì tỷ giá chuyển đổi quá cao làm cho đất nước này không thể cạnh tranh nổi.

Trong bối cảnh những cuộc khủng hoảng này ngài có thấy lo lắng khi nước Anh muốn biểu quyết về việc thoái lui?

Không có Anh quốc thì EU sẽ yếu đi nhiều. Xét cho cùng thì Anh bao giờ cũng đóng vai trò cân bằng, vì ở Anh kinh tế thị trường mạnh mẽ hơn nhiều khi so với Pháp chẳng hạn.

Vì thế bà Angela Merkel muốn giữ người Anh trong EU. Nhưng dường như đa số dân Anh lại muốn thoái lui.

Chỉ vì chiến dịch Brexit đang đánh lừa dư luận. Hiện tại nước Anh đang trải qua thời kỳ làm ăn tuyệt vời nhất. Anh quốc được tiếp cận với thị trường nội địa (của EU), khoảng một nửa xuất khẩu của Anh chẩy vào thị trường này. Trong khi đó cuộc khủng hoảng đồng Euro không kéo nền kinh tế Anh đi xuống. Chỉ có những cái đầu điên rồ  mới muốn đe dọa thực trạng này.

Vậy tại sao giới kinh tế Anh không phản đối?

Trong giới tư nhân những người điều hành nền kinh tế đương nhiên phản đối một cuộc trưng cầu dân ý  (Brexit). Nhưng họ cũng như chính phủ đã trì hoãn trong một thời gian dài, vì mọi người còn trông chờ vào cuộc thương lượng với  EU. Điều này làm cho những kẻ phản đối có được lợi thế ban đầu.

Nguyễn Xuân Hoài
dịch từ Tuần Kinh tế Đức

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)