Giải pháp cho tình trạng thiếu thông tin khoa học

Tại sao các nhà nghiên cứu nước ta thiếu thông tin? Câu trả lời là do thiếu cơ sở vật chất và trường đại học cũng chưa quan tâm (hay chưa nhận thức) đúng mức đến tầm quan trọng của thông tin trong nghiên cứu khoa học. Tình trạng trên tương phản với tình hình ở các trường đại học hay viện nghiên cứu khoa học phương Tây, nơi mà thông tin được xem là một loại cơ sở hạ tầng (infrastructure). Trong các tiêu chuẩn dùng để xếp hạng và đánh giá danh tiếng của các trường đại học, ngoài các tiêu chuẩn khoa bảng, hệ thống thư viện và tập san khoa học là một tiêu chuẩn rất quan trọng. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy các trường đại học “khoe” hệ thống thư viện của mình để cạnh tranh nhau thu hút sinh viên hay nghiên cứu sinh.

Giải pháp nào cho Việt Nam
Để khắc phục tình trạng thiếu thông tin ở nước ta, một tình trạng mà một nhà nghiên cứu mới đây cho rằng “không thể chấp nhận được”, tôi đề nghị vài biện pháp cụ thể như sau:
Thiết lập một cơ sở dữ liệu khoa học quốc gia. Hiện nay, nước ta có nhiều tập san khoa học, tuy chất lượng chưa cao, nhưng cũng cung cấp nhiều thông tin có ích và liên quan đến khoa học trong nước. Nhưng các thông tin này chưa được hệ thống hóa, và tình trạng này gây không ít khó khăn cho nhiều nhà nghiên cứu trẻ, kể cả nghiên cứu sinh, vì họ không truy tìm được tài liệu cần thiết.  Một vài nghiên cứu sinh phàn nàn với người viết bài này rằng khi họ trình bày đề cương nghiên cứu trước thầy cô, họ bị phê bình rằng chỉ trích dẫn các báo cáo ở nước ngoài mà “coi thường” nghiên cứu từ trong nước, nhưng trong thực tế, rất khó mà biết các nhà nghiên cứu trong nước đã làm gì vì không có cơ sở dữ liệu.
Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu rất quan trọng. Trước đây, trước những lo ngại về chất anthrax trong chiến dịch chống khủng bố, các nhà khoa học truy tìm tài liệu khoa học và may mắn thay, vào lúc đó, chỉ có Thư viện Anh (British Library) là cơ quan duy nhất có hệ thống hóa dữ liệu khoa học trước năm 1950. Qua truy cập tài liệu, các nhà nghiên cứu mới phát hiện rằng chưa có nghiên cứu gì về anthrax trong suốt 47 năm! Nếu không có cơ sở dữ liệu của Thư viện Anh, có lẽ người ta phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để biết về anthrax. Qua kinh nghiệm này, ở Mĩ và một số nước như Anh và Úc, các thư viện quốc gia có chương trình hệ thống hóa toàn bộ các bài báo khoa học trong một cơ sở dữ liệu và đưa lên internet. Chẳng hạn như hệ thống dữ liệu Pubmed Central (PMC, www.pubmedcentral.nih.gov) của Mĩ có mục đích tập hợp và hệ thống hóa các bài báo khoa học từ các tập san khoa học trong và ngoài nước Mĩ. Với PMC, chúng ta có thể truy nhập những bài báo công bố từ đầu thế kỉ 20. Nước ta có thể học từ PMC để phát triển một cơ sỡ dữ liệu nội địa và qua đó giúp cho thế hệ sau trong nghiên cứu khoa học.
Chủ động liên lạc với chương trình OARE và WHO để đảm bảo Việt Nam nằm trong danh sách của họ.  Việc làm này đòi hỏi sự chủ động của một số tổ chức đại diện trong nước (chẳng hạn như Bộ Y tế hay Bộ KH&CN và Bộ Tài nguyên & Môi trường). Những thành viên chính trong chương trình OARE là Kimberley Parker (Giám đốc thư viện Đại học Yale), Barbara Aronson (Giám đốc chương trình HINARI của WHO).
Tích cực tham gia vào chương trình Open Access để đảm bảo các nhà khoa học trong nước có thể truy nhập vào các tập san do chương trình này quản lí. Chương trình Open Access có mục tiêu chính là tạo điều kiện cho các nhà khoa học trên khắp thế giới, kể cả ở các nước đang phát triển, có thể truy nhập thông tin khoa học miễn phí. Chương trình này đang được rất nhiều đại học trên thế giới ủng hộ và rất thành công, không chỉ trong xuất bản ấn phẩm khoa học mà cả lĩnh vực phần mềm máy tính như ngôn ngữ R chẳng hạn. Chúng ta có thể tranh thủ mời các nhân vật chính trong chương trình này (chẳng hạn như Leslie Chan, Barbara Kirsop, Stevan Harnard) đến Việt Nam để thảo luận về cách Việt Nam có thể tham gia hay đóng góp vào chương trình Open Access.
Quan trọng hơn hết là mở rộng và đầu tư vào công nghệ thông tin và internet. Phải nói ngay rằng hệ thống internet tại các trung tâm nghiên cứu và đại học nước ta chưa hoàn chỉnh, và trong tình trạng đó, tất cả các giải pháp trên sẽ không thể nào và không bao giờ thành hiện thực, bởi vì tất cả các giải pháp Open Access, OARE hay HINARI đều dựa vào internet. Do đó, các trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải trước hết kiện toàn hệ thống internet và thư viện. Nếu chưa có hai cơ sở vật chất này, chúng ta chưa thể thảo luận gì được với các nhóm mà tôi vừa nêu.
Vì thiếu thông tin, cho nên rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học chỉ đơn thuần lặp lại những gì người khác đã làm. Phần lớn các nghiên cứu y học ở trong nước mà người viết có dịp điểm qua đều lặp lại những gì những nhà nghiên cứu nước ngoài, thậm chí trong nước, đã làm từ hơn 20 năm về trước. Nói cách khác, vì thiếu thông tin cho nên chất lượng nghiên cứu khoa học ở nước ta còn thấp, và đó cũng chính là một trong những lí do tại sao các công trình nghiên cứu ở nước ta rất ít xuất hiện trên các tập san khoa học quốc tế.
Thiếu thông tin cũng có thể dẫn đến hao tổn ngân sách một cách không cần thiết.  Chẳng hạn như năm ngoái, có người đề nghị tiến hành một nghiên cứu với ngân sách 444 tỉ đồng nhằm nâng cao chiều cao người Việt, vì theo họ, “so với người trưởng thành ở Nhật Bản cùng nhóm tuổi thì người Việt Nam vẫn còn thấp hơn 10cm” (Thanh Niên Online 13/3/2006) và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố di truyền đến chiều cao chỉ 23%. Nhưng các thông tin làm cơ sở cho dự án nghiên cứu này không đúng. Chỉ cần truy nhập vào thư viện y khoa quốc tế, có thể thấy ngay rằng sự khác biệt về chiều cao trong một quần thể do các yếu tố di truyền ảnh hưởng từ 65% đến 87%. Ngoài ra, chiều cao hiện nay ở người Việt cũng tương đương với chiều cao ở người Nhật, Trung Quốc và Thái Lan.  Nếu có đầy đủ thông tin thì ý tưởng của dự án đó đáng lẽ không nên có, chứ chưa nói đến việc viết thành một đề án!

Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả