Giải pháp đầu tiên: tìm ra những nhà quản lý KH giỏi

Với cách nhìn nhận của riêng mình, tôi xin nêu lên một vài ý kiến đánh giá như sau về tình hình khoa học nước nhà và nêu ra một số giải pháp để chúng ta cùng suy nghĩ:

Nhược điểm cơ bản
Nhược điểm cơ bản nhất trước tiên thuộc về năng lực và trách nhiệm của các nhà quản lý. Vì nhiều lý do trong đó có cả danh vọng và quyền lực khiến họ dễ hành động sao cho có lợi cho bản thân, không chú ý đúng mức đến phát triển nghiên cứu khoa học chân chính, thiên về chủ nghĩa hình thức, cào bằng giữa kết quả công bố trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng bởi ISI và các “tác phẩm” đăng trên các tuyển tập hội nghị khoa học trong nước. Điều này dễ nhận biết qua các “luật sân chơi” như các tiêu chuẩn xét phong chức danh khoa học đối với giáo sư và nghiên cứu viên các loại, các tiêu chí tuyển chọn đề tài, cất nhắc cán bộ, v.v…
Với phương tiện truyền thông ngày nay chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng được đẳng cấp của các nhà khoa học, chẳng hạn như trang web được nhiều người biết đến http//scholar.google.com. Nó cho phép ta có thể định lượng được số phần trăm “học thật” của các “học giả”. Từ đây ta có thể lọc ra số bài báo đăng trên các tạp chí được liệt vào danh sách xếp hạng bởi ISI của mỗi nhà khoa học. Có thể nói đến 90% số người với đủ loại chức danh cao không viết nổi một bài báo khoa học theo đúng chuẩn mực, một tỷ lệ “phế phẩm” khá lớn. Ấy thế nhưng người ta lại tổ chức những buổi lễ trao bằng cấp, công nhận chức danh rất hoành tráng tại những nơi được xem là có uy nghiêm như Văn Miếu. Họ muốn nói lên điều gì? Phải chăng là muốn nhắn nhủ các thế hệ con cháu phải noi gương các bậc tiền bối đang nằm trên các lưng rùa kia: “Học và thi đỗ để ra làm quan”. Tuy vậy thời điểm lịch sử thì đã quá khác biệt rồi. Thời của các bậc tiền bối chỉ yêu cầu đến thế, còn thời đại ngày nay hẳn phải khác xưa: học lấy bằng Tiến sĩ để nghiên cứu khoa học chứ không phải để chơi chữ và làm quan. Từ đây tôi thấy rất ái ngại cho đề án 20,000 Tiến sĩ cho 10 năm tới. Nó vừa thật lại vừa giả, thật đó là con số, còn giả ở phía  người sở hữu tấm bằng kia. Chúng ta còn thấy gì nữa ở mặt tồn tại này? Đó là các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, còn thiếu nhiều chuẩn mực xác đáng cho việc tuyển chọn và nghiệm thu và tệ hại hơn nữa đó là sự phân bố kinh phí tùy tiện, không hợp lý. Điều này cũng dễ hiểu, bởi do sự phân bố của 90% kia trong các hội đồng. Như thế đề tài khoa học cũng chỉ là “trò chơi” để kiếm của “trời cho”.Về mặt bố trí cơ cấu lãnh đạo trong các cơ quan khoa học, chắc hẳn còn nhiều chuyện để bàn. Sự đề bạt cán bộ chủ yếu do sự dàn xếp của một số người nào đó, thông thường sự ưu ái đặc biệt sẽ dành cho các nhân vật có công theo cung phụng bấy lâu. Còn đối với những người có thành tích thật sự trong nghiên cứu khoa học, không ngừng nâng cao năng lực để tiếp cận và đạt đến trình độ quốc tế thì thường bị ganh ghét, đố kỵ, khiến họ phải sống thu mình trong không gian chật hẹp và luôn canh chừng sự “quan tâm” của các đồng nghiệp. Quả là trong thế giới của người say thì người tỉnh mới chính là người say.

Những hệ lụy

Theo bảng xếp loại về chỉ số phát triển con người (HDI) của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tiến hành năm 2006 thì Việt Nam đạt 0.709 điểm, đứng vào vị trí thứ 109 trên 177 nước tham gia từ 192 nước thành viên dựa trên số liệu của năm 2004.
Bảng xếp loại phân chia làm 3 nhóm quốc gia: nhóm có chỉ số cao (63 nước), chỉ số trung bình (83 nước) và chỉ số thấp (31 nước). Việt nam được xếp vào nhóm có chỉ số trung bình, đứng ngay sau Indonesia (0.711) và trước Kyrgyzstan (0.705). Chỉ số này dựa vào các tiêu chí tuổi thọ, học vấn và thu nhập tính theo GDP bình quân đầu người, nó cung cấp một sự đánh giá khái quát về sự phát triển con người của một quốc gia. Theo báo cáo mới đây nhất, Việt nam vẫn tiếp tục duy trì được thứ hạng của mình và chứng tỏ có sự nổ lực đáng kể trong những năm vừa qua. Ngoài ra còn nhiều chỉ tiêu đánh giá khác đặc biệt chú trọng đến phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học, chẳng hạn chỉ tiêu đánh giá về sự cởi mở, đa dạng và những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu của các trường đại học trên toàn thế giới được công bố bởi Tạp Chí Newsweek (năm 2006) đã xếp loại 100 Đại học hàng đầu, trong đó đại học Harvard vẫn liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng. Các vị trí từ 1-10 có đến 8 trường đại học của Mỹ và 2 trường đại học của Anh: Đại học Cambridge đứng thứ 6/100 và Oxford đứng thú 8/100. Châu Á chiếm 11 trường trong bảng xếp loại: Nhật (5 trường: Tokyo, Kyoto, Osaka, Tohoku và Nagoya), Hồng Kông (3), Trung Quốc lục địa (1), Ấn độ (1) và Israel (1). Tỷ lệ các tiêu chí để xếp loại gồm 50% kết quả được dựa trên ba yếu tố về số lượng các nhà nghiên cứu cao cấp trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, số lượng bài viết xuất bản trên tạp chí quốc tế có uy tín; 40% dựa theo các tiêu chí phần trăm các khoa quốc tế và sinh viên quốc tế, sự đánh giá của các thành viên trong khoa và tỉ lệ khoa trên sinh viên và 10% còn lại là số lượng đầu sách trong thư viện.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng nhân tố khoa học và giáo dục luôn luôn là cơ sở cho các chỉ tiêu đánh giá về chỉ số HDI.

Hậu quả trực tiếp từ những nhược điểm nêu trên sẽ là sự thất vọng và mất niềm tin trong mỗi người đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học chân chính, hoài nghi bản thân và mục đích đang theo đuổi. Từ đó dẫn đến tâm lý ngại đấu tranh, ngại chia sẻ, phó mặc cho sự đời đang nổi trôi. Đây chính là lúc thuận lợi cho chủ nghĩa cơ hội có đất để phát triển. Con người trở nên tầm thường và nhỏ nhen trong cuộc sống và có xu hướng hùa theo đám đông vì mục đích mưu sinh. Đối với những người có đủ bản lĩnh, họ vẫn cứ miệt mài lao động khoa học, vẫn công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế. Nhưng tiếc thay hành động đó không được đáp lại bằng sự hân hoan mà có khi là sự châm chọc, mỉa mai. Do đó nếu họ muốn được bình yên tồn tại thì hãy làm việc đơn lẻ và thầm lặng, vì đây cũng chính là cái gai trong mắt bao người khác. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ vẫn cố tình đánh đồng giữa công bố quốc tế và trong nước và họ lý giải rằng những người có công bố quốc tế là những người làm lý thuyết, còn họ không có công bố quốc tế vì họ làm thực tế! Thực tế nào vậy? Ai sẽ là người đánh giá cái được gọi là thực tế này? Trước hết việc giải quyết các bài toán được đặt ra bởi thực tế cũng phải dựa vào cơ sở khoa học, phương pháp nghiên cứu, đánh giá và nhận định khoa học. Rõ ràng đây chính là kết quả nghiên cứu khoa học rồi, thế thì hãy công bố đi để có những nhà khoa học đủ trình độ đánh giá một cách khách quan. Nếu như chưa làm được điều đó thì xin hãy cố gắng, đừng ngụy biện. Nhưng tiếc thay họ còn không ít lần răn đe những người dám trái ý, rất đơn giản vì họ thuộc tầng lớp được gọi là “ủy viên hội đồng” trong cơ quan khoa học và nếu cần họ sẵn sàng sát phạt đối phương chỉ bằng lá phiếu cỏn con. Thế là xong! Còn nguy hại hơn nữa chính những cán bộ này sẽ là đại diện cho cơ quan khoa học để luận bàn các đại sự như thông qua việc xây dựng qui hoạch cán bộ khoa học của cơ quan, đơn vị mình.
Có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho khoa học nước nhà chậm phát triển.

Giải pháp cấp bách
Có vẻ khôi hài nhưng cũng giống như chuyện khi chúng ta đi mua hàng, khi phát hiện ra bị cân sai việc đầu tiên là xem lại người cầm cân và tiếp đến là chuẩn mực đo lường của chiếc cân. Như vậy để có một nền khoa học phát triển yếu tố đầu tiên chúng ta cần phải tìm ra những nhà quản lý khoa học giỏi, có tâm huyết, đủ nhìn xa trông rộng, không quanh quẩn với chiếc ghế của mình và biết lắng nghe để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời. Nhất thiết phải tổ chức lại các đơn vị nghiên cứu khoa học hiện nay sao cho hoạt động có hiệu quả, có thưởng phạt công bằng. Đây là việc hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay, vì con số cán bộ nghiên cứu lên đến hàng trăm ở mỗi cơ quan. Do đó phải có chuẩn mực rõ ràng đối với các chức danh khoa học để dần phân loại ra những người không phù hợp với công việc chuyên môn.

Xin mạo muội đưa ra một số tiêu chuẩn để chúng ta cùng suy nghĩ:
Cụ thể yêu cầu đối với chức danh GS, NCVCC cần có 2 bài báo (ISI) trong 5 năm cuối, đối với PGS, NCVC cần 1 bài báo (ISI) trong 5 năm cuối và đối với NCV phải có công bố (ISI) trong vòng 10 năm trở lại. Số cán bộ không đạt yêu cầu nên cho về hưu hoặc chuyển đổi công tác phù hợp, nhưng phải chú ý đến đời sống của họ. Có như vậy họ mới không cảm thấy bị bỏ rơi và yên tâm với vị trí công tác mới. Khi đã tạo dựng được đội ngũ khoa học hãy nuôi sống họ bằng đồng lương và tạo điều kiện cho họ học tập nâng cao trình độ thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Phải có chính sách khen thưởng thỏa đáng về thành tích chuyên môn thông qua các công bố quốc tế mà họ đã đạt được, cần có chính sách trọng dụng số người đã từng học tập và làm việc ở các nước tiên tiến. Sự đề bạt chức vụ khoa học cũng cần phải xem xét nghiêm ngặt hơn để tránh những phần tử cơ hội. Yêu cầu tối thiểu đối với các chức vụ từ phó phòng ở các cơ quan nghiên cứu là phải có công bố quốc tế độc lập trong vòng 5 năm tính đến thời điểm hiện tại. Có như thế họ mới đủ khả năng lãnh đạo chuyên môn và dìu dắt các thế hệ đi sau trong nghiên cứu khoa học. Khi thu nhập của người ăn lương đã được bảo đảm, nhà nước sẽ không cần tốn tiền của cho các loại đề tài khoa học phân tán như hiện nay, mà chỉ tập trung vào các dự án trọng điểm và kinh phí chỉ dành cho nghiên cứu chứ không phải dành cho việc cứu đói như hiện nay. Đối với chính sách hưu trí phải giải quyết nghỉ hưu dứt điểm, không nên xử dụng các chức danh GSPGS hiện tại để mời ở lại thêm 5 năm. Đó chính là yếu tố đã tạo động cơ cho dòng người chạy theo thành tích ảo trong bao năm qua. Nếu cần thiết nên mời những nhà khoa học có cống hiến thật, chẳng hạn có từ 10 công bố quốc tế (ISI).
Có như thế nạn loạn bằng cấp và chức danh khoa học dởm mới được chữa trị tận gốc và chắc rằng trong 10 năm tới sẽ có thêm nhiều công bố khoa học đúng nghĩa và khoa học công nghệ Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trong thời đại hội nhập.

TS. Đặng Hữu Chung – Hà Nội

Tác giả