Góp tự do của mình vào đâu hiệu quả nhất ?

Dưới góc nhìn kinh tế và toán học, tác giả mạn đàm chuyện tối ưu hoá góp quyền tự do cho các chủ thể trung gian, bao gồm nhà nước.


PGS.TS Võ Trí Hảo.

Thuở hồng hoang, con người sống trong một xã hội chưa có luật pháp. Ở trạng thái tự nhiên đó, con người có mọi quyền, bao gồm cả quyền tự do giết người khác1. Tuy nhiên, trí thông minh của con người sớm nhận ra rằng: nếu mình có quyền tự do giết người khác, thì người khác cũng có quyền tự do giết mình. Việc từng cá nhân riêng lẻ tiếp tục giữ lại và hành xử một cách cá nhân các quyền tự do nguy hiểm này không có lợi cho từng cá nhân, không có lợi cho sự tồn tại của cộng đồng; họ cùng nhau thoả thuận từ bỏ quyền tự do này có điều kiện, có kiểm soát.

Ai sẽ là người kiểm soát quyền tự do này? “Bên thứ ba” được cộng đồng gửi gắm làm chủ thể tiếp nhận và hành xử phần quyền tự do này. Theo nguyên tắc gần trước, xa sau; cộng đồng ban đầu trao cho tù trưởng, tộc trưởng, rồi đến già làng, trưởng bản… “Bên thứ ba” này cứ thế tiến hoá dần để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của con người với tốc độ tương ứng với sự dịch chuyển của các nền văn minh của con người. Khi loài người từ bỏ lối sống lang thang săn bắn hái lượm, định cư tiến sang văn minh nông nghiệp thì “già làng, trưởng bản, trưởng tộc” không còn đủ sức giải quyết những tranh chấp đất đai, nguồn nước; càng không đủ sức đắp đê trị thuỷ; các làng ven sông thoả thuận liên kết lại để hình thành nên quyền lực liên làng, mà sự hình thành nhà nước Văn Lang cổ đại ở đồng bằng sông Hồng, Việt Nam là một ví dụ. Để vận hành quyền lực liên làng cần đến một tổ chức chuyên nghiệp; già làng, trưởng bản được thay thế bởi vua cùng hệ thống quan lại – nhóm người tách ra khỏi đời sống sản xuất trực tiếp; đổi lại cho sự đóng góp này, cộng đồng hy sinh một phần quyền tự do kinh tế, quyền tư hữu, đóng thuế nuôi họ, hình thành nên nhà nước của dân, do dân, vì dân; chứ không nhất thiết toàn nhân loại cứ phải đi theo con đường duy nhất đàn áp, cướp bóc lẫn nhau theo mô hình Athen cổ đại.

Nếu gán giá trị và lượng hoá một cách tương đối, thì việc góp các quyền tự do này cho các chủ thể trung gian, bên thứ ba này, để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình, cho cộng đồng sẽ có nhiều nét tương đồng với việc góp vốn đầu tư vào thành lập công ty cổ phần với đầy đủ cổ tức, rủi ro, bội tín, tái cơ cấu, M&A, phá sản… Dưới góc nhìn kinh tế và toán học, tác giả mạn đàm chuyện tối ưu hoá góp quyền tự do cho các chủ thể trung gian, bao gồm nhà nước.

Cạnh tranh thu hút “đầu tư” góp quyền tự do giữa nhà nước và các tổ chức phi nhà nước

Mỗi cá nhân chúng ta khi góp quyền tự do cho ai đó cũng sẽ có những mưu cầu, toan tính như thể một nhà đầu tư tài chính; họ cũng áp dụng nguyên tắc “trứng không để cùng một giỏ”; họ đa dạng hoá “kênh đầu tư góp vốn”, để phân tán rủi ro và thu được “lợi ích đặc thù”, mà ở các kênh khác không có được. Ví dụ, đa số nhân loại khi đến tuổi trưởng thành, chấp nhận hy sinh tự do của trạng thái độc thân, mang hầu hết của cải và tự do của mình để đầu tư vào hợp đồng quan trọng nhất của cuộc đời – contract of marriage – tức hôn nhân trong chế độ một vợ một chồng; một quan hệ hợp đồng mà một bên (thường là phụ nữ) xem là “đầu tư”, một bên (thường là đàn ông) quan niệm là “tiêu dùng” với quy trình thẩm định đối tác (tìm hiểu yêu đương), đặt cọc giao kết hợp đồng (ăn hỏi), ký kết hợp đồng với nghi thức chứng thực đăng ký giao dịch bảo đảm tại UBND xã phường và với lễ công bố hoành tráng.

Cũng giống như các nhà đầu tư tài chính, càng có nhiều đam mê sở thích, càng có nhiều “vốn” họ càng đầu tư đa dạng; các cá nhân không chỉ góp tự do của mình cho nhà nước, cho gia đình mà họ còn tham gia xây dựng, tạo lập hoặc gia nhập các hợp đồng mẫu có sẵn của các cơ quan, tổ chức, các hợp đồng này có thể thành văn, bất thành văn với tên gọi đa dạng từ điều lệ, hiến chương, nội quy, quy chế… Người mê sinh vật cảnh thì gia nhập hội cây cảnh, người muốn chia sẻ cảm xúc thì gia nhập câu lạc bộ thơ, người muốn bảo vệ lợi ích nhóm hội viên thì gia nhập hội bất động sản, hội taxi; người muốn đầu cơ chính trị thì tham gia các câu lạc bộ chính trị để được hưởng một số quyền miễn trừ, được cơ cấu, giới thiệu; người muốn giúp dân giúp nước thì liên kết những người đồng chí hướng (đồng chí) thành các tổ chức với kỷ luật chặt chẽ, sứ mệnh to lớn và kèm theo đó là sự hy sinh to lớn để đạt được lợi ích to lớn không phải cho riêng mình mà cho cộng đồng; suy cho cùng, đó cũng là một loại lợi ích tinh thần2.

Mỗi cá nhân khi tham gia vào bất kỳ quan hệ hợp đồng, gia nhập một “cộng đồng” nào đó họ đều phải góp một quyền tự do nào đó, để đổi lại một lợi ích nào đó. Vì vậy, có nhiều quyền tự do tự nhiên của chúng ta sinh ra bị hạn chế không phải bởi luật pháp; mà bởi chúng ta đã tự nguyện trao quyền hành xử nó cho một bên thứ ba khác nào đó; sau khi kết hôn thì ông chồng mất quyền cười tươi quá mức quy định với cô đồng nghiệp; sau khi gia nhập hội thì hội viên mất một phần quyền tự do tư hữu của mình tương ứng với phần hội phí; đôi khi thành viên của một tổ chức phải từ bỏ quyền tự do đi ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về – vốn là một quyền tự do hiến định, nhân dân quyết giữ lại ở Điều 23 Hiến pháp 2013 – để tự đặt mình về chế độ xin-cho; kiềm chế không tự mình thực hiện quyền tự do ứng cử của công dân tại Điều 27 Hiến pháp, mà tuân theo sự sắp đặt, phân công của tổ chức3.

Cũng như trên thị trường chứng khoán, công ty nào nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nhiều nhất sẽ là công ty mạnh nhất; tổ chức nào giành được sự hy sinh (góp tự do) nhiều nhất của những nhóm người xuất sắc nhất trong xã hội thì tổ chức đó sẽ trở nên mạnh nhất trong xã hội. Nhà nước là ứng cử viên số một bởi hai lý do chính: (a) Là tổ chức có số lượng thành viên đông nhất ở mỗi quốc gia; (b) Có tính độc quyền; trừ khi thay đổi quốc tịch, các thành viên trong một quốc gia không có một tổ chức tương đương thay thế để lựa chọn. Tuy nhiên, đông chưa hẳn đã mạnh; nhà nước đôi khi chỉ đứng vị trí số hai về sức mạnh quyền lực, do các “cổ đông quyền lực” dồn vốn cho một tổ chức khác và khéo léo kiểm soát nhà nước. Điều đó có nghĩa, quyền lực nhà nước luôn luôn phải được phân tích trong mối tương quan, chuyển hoá qua lại giữa các loại quyền lực khác; bản thân nhà nước cũng phải “cạnh tranh” với các loại tổ chức khác trong xã hội.

Ở Việt Nam, song song với quá trình Đổi mới là quá trình chuyển giao trở lại chức năng cung cấp một số loại dịch vụ công cho các tổ chức phi nhà nước, từ những việc khó thấy như chấn hưng Phật giáo đến những việc dễ thấy như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, BOT, trường học tư, bệnh viện tư… Và đặc biệt gần đây, sự cạnh tranh diễn ra ở các lĩnh vực vốn từng được xem là độc quyền nhà nước bất khả tranh như dịch vụ công chứng, dịch vụ cung cấp công lý, dịch vụ thi hành án. Sự linh hoạt này cho thấy, văn phòng công chứng tư nhân, trung tâm trọng tài thương mại, thừa phát lại đang góp phần giảm nặng ngân sách, thuế khoá cho người dân, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ đặc biệt là dịch vụ công chứng tư nhân.

Ở chiều ngược lại, khi một quy tắc xã hội (social norm) không đủ sức mạnh, kém hiệu quả để ngăn chặn bội tín, giảm bớt tranh chấp, thì nhà nước cần can dự, loại bỏ những quy tắc trái ngược lợi ích công cộng như tảo hôn, nối nòi, hoặc gán giá trị pháp lý cho các quy tắc xã hội, như quy tắc hụi, họ để đạo đức xã hội được hỗ trợ từ phía nhà nước để có thể vận hành tốt hơn. Năm 2018, ở Việt Nam đang thảo luận khuynh hướng chuyển giao ngược công việc phát triển hạ tầng giao thông từ mô hình BOT trở về mô hình đầu tư bằng ngân sách nhà nước, là một ví dụ về sự linh hoạt, chuyển đổi qua lại giữa khu vực công và khu vực tư.

Dưới góc nhìn này, việc góp quyền tự do cá nhân cho bên thứ ba hành xử sẽ giống như một danh mục “đầu tư”; cá nhân cần được bảo đảm quyền lựa chọn mà theo họ là sẽ tối ưu hoá giữa số lượng quyền phải từ bỏ và lợi ích thu lại tương ứng; tối ưu hoá diễn ra khi hệ thống tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn song song cho người dân, từ đó tạo ra cạnh tranh, áp lực đổi mới trên toàn bộ hệ thống4; để giảm bớt gánh nặng ngân sách, giảm bớt rủi ro bội tín, thì nguyên tắc “gần trước, xa sau” cần được tôn trọng, để bảo đảm người dân có quyền lựa chọn tổ chức nào gần họ nhất, họ tin tưởng nhất để trao quyền, chỉ khi tổ chức đó không đáp ứng được kỳ vọng, việc góp quyền mới đẩy lên cấp trên kế tiếp, lên tổ chức có quy mô lớn hơn; hay nói cách khác, nhà nước chỉ nên là lựa chọn sau cùng khi thị trường và xã hội thất bại; bởi bất cứ cái gì chuyển giao từ khu vực tư nhân, từ xã hội sang nhà nước thì tính cạnh tranh sẽ suy giảm.

Hiệu quả cuối cùng đòi hỏi sự linh hoạt

Tạo hóa sinh ra con người vốn bình đẳng, tự do. Nhưng chúng ta mang tự do cá nhân của mình góp vào nhiều nơi, trong đó có nhà nước. Khi chúng ta thỏa thuận cùng nhau “đầu tư” quyền tự do cho nhà nước, chúng ta nhận lại gì? Đó là hàng hóa công cộng đặc biệt theo nghĩa rộng, trong đó bao gồm từ giao thông, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, trật tự, giá trị đạo đức tốt đẹp (theo quan niệm của từng quốc gia tương ứng).

Để có một hàng hóa dịch vụ bất kỳ, người dân phải mua nó từ khu vực tư nhân hoặc khu vực nhà nước; dù cách nào thì người dân cũng đều mất tiền. Sự khác biệt căn bản nằm ở chỗ, khi mua từ khu vực tư nhân, có tồn tại sự cạnh tranh, người dân có quyền đàm phán rộng hơn, đàm phán trực tiếp và trả tiền trực tiếp, ví dụ thuê một công ty bảo vệ tư nhân để bảo vệ tính mạng tự do tài sản của mình; khi mua từ nhà nước, người dân ít có lựa chọn và phải thỏa thuận thông qua người đại diện là các cơ quan dân cử và phải trả tiền gián tiếp thông qua thuế, phí, để nhà nước tuyển dụng lực lượng cảnh sát để hướng tới mục đích tương tự.

Dưới góc nhìn kinh tế, người dân đều mất tiền và người dân quan tâm nhiều đến tổng số tiền phải chi và tổng số lợi ích nhận lại, mà việc tách bạch thành trả trực tiếp hay trả gián tiếp qua thuế phí. Vì vậy, người dân quan tâm nhiều hơn tới hệ số tổng chi/tổng lợi ích, sao cho họ nhận được dịch vụ tốt nhất, với chi phí thấp nhất có thể. Vì vậy, cần phải bảo đảm sự linh hoạt chuyển đổi qua lại giữa hai khu vực công và tư trong việc cung cấp dịch vụ công, mà không nên cứng nhắc một việc nào đó nhất định phải do tư nhân cung cấp; một việc nào đó nhất định phải do nhà nước cung cấp, mà không xuất phát từ hiệu quả hệ số tổng chi/ tổng lợi ích mà người dân đạt được; mọi phân tích hiệu quả phải xuất phát từ lợi ích của người dân; nhà nước chỉ là một trong số các công cụ giúp người dân đạt được lợi ích; chứ nhà nước không có lợi ích tự thân hay nói cách khác không có lợi ích nào của nhà nước không xuất phát và gắn liền với nhân dân; một lợi ích nhà nước tự thân, ví dụ nhu cầu quản lý nhà nước, mà không lý giải được nhu cầu, lợi ích tương ứng của nhân dân, đó là lợi ích ngụy biện, lợi ích nhóm thân hữu.
———–
*Khoa Luật, Đại học Kinh Tế TP.HCM
1. Các tộc người ở quần đảo Nam Dương (bao gồm Papua) vẫn tiếp tục duy trì quyền tự do này, cùng với tập tục ăn thịt người cho đến tận nửa đầu của thế kỷ 20. Xem thêm: https://vtc.vn/tuc-xam-minh-ky-quai-cua-bo-toc-san-dau-nguoi-d90259.html
2. Cổ đông/ người tham gia góp vốn vào doanh nghiệp cũng có hai loại loại: doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp xã hội vậy; doanh nghiệp xã hội cũng chia làm hai loại: doanh nghiệp xã hội trá hình và doanh nghiệp xã hội chân chính vì sự phát triển bền vững của môi trường, cộng đồng, xã hội.  
3. ttps://tuoitre.vn/ong-dang-hung-vo-nop-don-rut-khoi-danh-sach-tu-ung-cu-192590.htm
4. Hiện nay Điều 5 Khoản 1 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, đang loại bỏ quyền lựa chọn, sự đa dạng và cạnh tranh, hạn chế các hội mới ra đời khi hội cũ hoạt động không tốt, bằng cách đặt ra điều kiện thành lập hội mới: “không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)