Hà Lan quảng bá cho xe đạp

Xe đạp có thể giúp cho các nước mới nổi khắc phục những vấn đề về môi trường và ngăn ngừa ùn tắc giao thông. Vì lẽ đó, Hà Lan cử đại sứ của mình đi khắp thế giới để quảng bá cho việc sử dụng xe đạp.

Ông Achmetdschan Jesimov là thị trưởng thành phố Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan với 1,4 triệu dân, nhưng chỉ có khoảng 10.000 người – tương đương 0,7% cư dân – sử dụng xe đạp. Bản thân ông Jesimov đi làm bằng đạp, mặc dù tuyến đường đến nhiệm sở khá xa và có nhiều dốc, từng tham gia bốn cuộc đua xe đạp, và giờ đây ông muốn động viên người dân thành phố tăng cường đi xe đạp.

Cùng với thủ đô Astana, Almaty muốn trở thành “thành phố xe đạp” của vùng Trung Á. Chính vì thế, hai vị thị trưởng của hai thành phố này đều có chung một số điện thoại của những “đại sứ xe đạp” Hà Lan là ông Tom Godefrooij và một số bạn hữu. Cùng với tổ chức “Dutch Cycling Embassy”, Hà Lan đang đẩy mạnh quảng bá, tư vấn cho việc đi lại bằng xe đạp và hỗ trợ xây dựng tuyến đường dành cho xe đạp nhằm tránh ùn tắc giao thông và giảm tải cho môi trường.

Cũng như Kazakhstan, các nước đang phát triển và các nước mới nổi đều có sự bùng nổ về xe ô tô. Theo một báo cáo của tổ chức TÜV Süd thì ở Ấn Độ “ngày càng có nhiều người thuộc giới trung lưu chỉ đi lại bằng ô tô con”. Hiện nay, Ấn Độ có 60 triệu xe ô tô, đến năm 2015, con số này sẽ tăng gấp đôi. Tại các nước mới nổi như Kazakhstan, Ấn Độ hoặc Brazil, một số vấn đề như an toàn giao thông, hạ tầng cơ sở về đường sá, cầu cống và bảo vệ môi trường đang trở nên nổi cộm và hết sức bức bách.

Đề cao xe đạp trong quy hoạch đô thị

Theo “đại sứ xe đạp” Tom Godefrooij thì “một khi những người Ấn Độ hay Trung Quốc chỉ đi lại bằng ô tô hay xe máy thì vấn đề giao thông ở các đô thị các nước này nhất định sẽ trở nên bất cập”. Vì thế, Godefrooij và hai người bạn của ông đang cố thuyết phục người dân Brazil, Ấn Độ và Kazakhstan tăng cường dùng xe đạp.

Tom Godefrooij cho rằng: “Trong việc quy hoạch đô thị và quy hoạch về giao thông, thế giới phải chú ý nhiều hơn đến vai trò của chiếc xe đạp”. Vì mục đích đó, Tom Godefrooij và cộng sự từng có mặt ở nhiều quốc gia để thuyết trình trước các chuyên gia quy hoạch đô thị về vấn đề này. Họ tổ chức các cuộc hội thảo và xây dựng các phương án thiết kế đường dành cho xe đạp và phát triển đô thị một cách bền vững. Godefrooij đi khắp nơi trên thế giới và kể về “nền văn hóa xe đạp” ở đất nước ông. Theo ông, ở Hà Lan người ta có thể đi lại bằng xe đạp trên một phần ba các tuyến đường (ở Đức con số này chỉ khoảng 10%). Vì thế, nhân viên nhà băng diện comple nghiêm chỉnh hay nhân viên văn phòng mặc váy ngắn đạp xe đi làm là chuyện hết sức bình thường. Nếu như số nhân viên này đi ô tô thay vì đi xe đạp thì nguy cơ ùn tắc sẽ tăng thêm 2%. 

Tác dụng của xe đạp đối với bảo vệ môi trường hết sức rõ ràng và đầy tính thuyết phục. Năm ngoái, “Dutch Cycling Embassy” đã hợp tác với chính quyền thành phố Rio de Janeiro ở Brazil trong việc quảng bá đi xe đạp. Theo tính toán của các chuyên gia ở đây, nhờ dùng xe đạp, lượng khí thải CO2 của thành phố giảm được 8%. Trong khi đó, thành phố này mới chỉ có 270 km đường dành cho xe đạp và 600 xe đạp cho thuê. Nếu chính quyền thành phố xây thêm 100 km đường xe đạp hoặc tăng số xe đạp cho thuê lên 3.000 chiếc thì giảm được thêm 7,5% khí thải CO2. Tom Godefrooij cho rằng: “Điều quan trọng là phải lôi kéo, vận động các quan chức chính quyền ở địa phương vào cuộc để họ ủng hộ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, giúp việc đi lại bằng xe đạp an toàn và hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều người cùng tham gia.”

London sẽ trở thành thiên đường của người đi xe đạp

Theo Frank Schröter, chuyên gia về bảo vệ môi trường trong quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị thuộc Đại học Tổng hợp Braunschweig thì đến nay ô tô vẫn luôn được coi là có vai trò trung tâm trong chính sách quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. Các dự án như “Dutch Cycling Embassy” có thể góp phần làm thay đổi tư duy này. Schröter cho rằng: “Xe đạp sẽ ngày càng quan trọng hơn. Có thể coi đây là điều kiện duy nhất để giải quyết các vấn đề như ùn tắc giao thông và nhất là ô nhiễm môi trường.”

Hà Lan và Đan Mạch là những nước kiểu mẫu trên thế giới về sử dụng xe đạp. Thí dụ thành phố Copenhagen (Đan Mạch) chi mỗi năm 30 triệu Euro vào hạ tầng cơ sở phục vụ xe đạp. Tuy nhiên, nay mai London sẽ đầu tư vượt con số này: Hồi tháng ba vừa qua, thị trưởng London Boris Johnson cho hay, thành phố sẽ cải tạo để trở thành thiên đường đối với những người đi xe đạp. Để làm được việc đó, London dự định sẽ đầu tư hơn 1 tỷ Euro trong mười năm tới.

Tom Godefrooij nhận xét, sở dĩ nhiều người Hà Lan sử dụng xe đạp một phần vì đất nước này rất bằng phẳng. Tuy nhiên, theo ông, đồi núi không phải là yếu tố gây cản trở mà chủ yếu là sự thiếu quyết tâm về chính trị và những ái ngại, dè dặt về văn hóa. “Ở Mỹ Latin, người ta coi đi xe đạp chỉ là hoạt động thể dục, thể thao.” Ở Ấn Độ và Trung Quốc, hầu như ai cũng ước ao có một chiếc ô tô riêng, đi xe đạp bị coi thuộc diện “nghèo khổ”. Godefrooij nói, điều này có thể thay đổi nếu như tạo được các tuyến đường phù hợp dành riêng cho người đi xe đạp. Và người ta sẽ buộc phải đi xe đạp khi mà ô tô không thể nhúc nhích vì mọi ngả đường đều kẹt cứng.
 

XH dịch

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)