Hải quân và các tác vụ phi chiến đấu

Các quốc gia duy trì sự hiện diện và sức mạnh trên biển bằng hoạt động quốc phòng, kinh tế, thương mại, khoa học, du lịch... Ngoài khả năng và quan tâm về tác chiến trên biển, quốc gia có hải quân còn có thể phát triển những khả năng phi tác chiến1 như cứu hộ cứu nạn thiên tai hay tai họa từ con người gây ra, ngăn trừ cướp biển, vô hiệu hóa khủng bố, chống buôn ma túy, buôn người, chống hủy hoại môi trường và nâng cao nhận thức không gian hải dương2.

Lợi ích khai thác tuyến giao thông biển còn có trợ giúp nhân đạo, giảm sức tàn phá của thiên tai, xác định địa bàn hoạt động của hải quân, xây dựng niềm tin giữa các quốc gia, bảo vệ hòa bình và thủ thắng khi có chiến tranh.

Bão Haiyan tàn phá khủng khiếp đất nước Philippines với gió giật ở tốc độ 275km/h, sóng cao 15m khiến nhiều làng mạc thị trấn hoang tàn, khiến hơn 10 ngàn người chết, gần 700 ngàn người phải rời chỗ ở. Cơn bão tai ác không thua kém chiến tranh này đã làm dậy lên mối quan tâm của cả thế giới. Hải quân các nước Anh, Mỹ với độ cơ động cao đang có những nỗ lực phi chiến đấu để cứu trợ thiên tai tại Philippines. Nhiều nước gởi tiền và phương tiện cứu hộ đến giúp đỡ Philippines. Từ các nỗ lực cứu trợ này của thế giới và hải quân các nước, chúng tôi xin giới thiệu các công tác phi quân sự của những đội ngũ sống và làm việc trên biển và các đại dương.

Các vấn đề an ninh trên biển

Phó Đô đốc hải quân Hoàng gia Hà Lan J.W.Keller nhận xét: “Các hiểm họa an ninh trên biển như hải tặc, buôn ma túy, võ khí, võ khí hủy diệt, di cư bất hợp pháp cũng như các vùng tiềm tàng xung đột là rộng khắp và khó đoán định”.

Chuẩn Đô đốc Hải quân Hoàng gia Na Uy Jan Eirik Finseth cũng bàn về những mối nguy này: “Các hoạt động bất hợp pháp như hải tặc, buôn lậu và khủng bố sẽ không giới hạn ở một vùng biển, lục địa hay quốc gia nào cả. Chúng cũng không khác gì thiên tai hay thảm họa môi trường.”

Đô đốc Sebastian Zaragoza Soto của Tây Ban Nha khẳng định, “An ninh trên biển là một vấn đề chính trị tổng thể chứ không chỉ là việc của hải quân. Chống tội phạm trên biển đã ra ngoài phạm vi giải quyết đơn thuần của giới quân sự.”

Lãnh đạo các nước trên thế giới cũng thống nhất cần phải có một sự hợp tác sâu rộng đối với các vấn đề trên biển. Phó Đô đốc Russels E. Shalders thuộc Hải quân Hoàng gia Úc kêu gọi một cuộc tiếp cận toàn diện cấp chính phủ đối với các vấn đề an ninh biển và rằng đây có lẽ là cơ hội và thách thức quan trọng nhất. Hải quân các nước có thể đã chia sẻ thông tin và năng lực, song các cơ quan thương mại và hành chính khác cũng có tầm quan trọng không kém.

Chuẩn đô đốc Hải quân Anh John Richard Hill còn cụ thể hơn3 khi cho rằng các nước lớn không phải chịu thách thức về lãnh thổ, các nước nhỏ thì nhờ cậy các nước lớn để bảo đảm an ninh biển. Còn lại các nước tầm trung cần đủ mạnh để bảo đảm an toàn, an ninh biển, cũng chính là an ninh cho các lợi ích quan trọng trên đất liền.

Cướp biển là tội ác phổ biến trên các vùng biển và được ghi trong các điều 100-107 của UNCLOS. Các hoạt động bạo lực trên biển diễn ra tại các vùng thuộc sự cai quản của quốc gia duyên hải chỉ được gọi là cướp tàu có võ trang4, và trách nhiệm xử lý thuộc về nước cai quản vùng biển đó. ReCAAP tức Hiệp định hợp tác chống cướp biển và cướp tàu có võ trang5 là một công cụ hiệu quả cho các nước ASEAN, Nhật, Trung, Hàn, Ấn, Bangladesh, Sri Lanka và có hiệu lực từ tháng 9/2006 dù Indonesia và Malaysia vẫn chưa là thành viên. Theo Cơ quan hàng hải quốc tế – IBM6 thì các vụ cướp và tấn công tàu có võ trang toàn cầu trong 2005 là 276 trường hợp, giảm 53 lần (16.1%) so với 2004 (329 lần). Trong đó Đông Nam Á tập trung nhiều và chiếm 122 lượt (44.2%) và Somalia tăng mạnh từ 2 vụ (2004) lên 35 vụ (2005). Khu vực quanh lục địa Ấn Độ cũng có số vụ cướp có võ trang cao (36 vào 2005 và 32 vào năm 2004). Có những vụ chỉ là trấn lột dọc mạn tàu hay khi tàu thả neo và có những vụ là cướp tàu hay bắt thủy thủ đoàn đòi tiền chuộc. Các tàu dầu hay container ít khi bị tấn công trừ những khi giảm tốc hay dừng hẳn.

Khủng bố trên biển là một vấn đề càng gần đây càng nghiêm trọng. Tiếp theo những vụ cướp tàu khách Achille Lauro và một nhóm khủng bố Palestine giết một người Mỹ năm 1985, vào năm 1988, Công ước về trấn áp các hành vi vi phạm an toàn hàng hải ra đời. Công ước này rút ngắn khoảng cách giữa hệ thống pháp luật và trật tự trên biển bởi những hạn chế về các định nghĩa “thế nào là cướp biển”. Cuộc đánh đắm tàu Superferry 4 vào tháng 2/2004 gần Manila khiến 116 người thiệt mạng, cuộc tấn công tàu Our Lady Mediatrix giết chết 40 người, và hàng loạt các cuộc tấn công tàu khác như USS Cole (2000), Limburg (2004) cũng như các hoạt động khác của các nhóm Abu Sayyaf, Al Qaeda đã làm gia tăng lo ngại các nhóm khủng bố tìm kiếm các con tin ngoài biển thay vì trên đất liền. Sự liên kết hay chỉ thuần là kết hợp của các nhóm khủng bố như Abu Sayyaf, Al Qaeda… có cùng mục tiêu gây tiếng vang, trao đổi võ khí hay kinh nghiệm tác chiến với các đối tượng tàu hàng, tàu khách, tàu dầu cũng là những vấn đề phải giải quyết. Bạo hành trên biển cũng là một hoạt động ngăn trở thương mại tác hại đến toàn thể cộng đồng thế giới.

Hầu hết các cuộc vận chuyển ma túy là thông qua đường biển. Tại các vùng Caribe, Tam giác vàng (Myanmar, Thái Lan, Lào), Lưỡi liềm vàng (Afghanistan, Pakistan, Iran), các loại amphetamine như sabu và “đá” và cả các loại hóa chất phục vụ cho sản xuất ma túy đều có thể đi về ngang dọc trên các vùng biển này. Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về ngăn chận Vận chuyển ma túy và các loại thuốc liên quan tâm thần (1988 Vienna Convention)7 là công ước đặc biệt chú trọng xử lý việc chở ma túy trên biển. Ngoài ra, điều 108 UNCLOS cung cấp cơ sở hợp tác cho các nước trong công việc chống vận chuyển ma túy trên các vùng biển.

Mua bán người có khuynh hướng gia tăng trong thời gian gần đây và thường liên quan đến mua bán vũ khí, ma túy và mại dâm. Đã có hơn 5.000 người di cư lậu đã chết trên biển trong năm 2011 chỉ riêng ở vùng biển Caribe chưa kể các khu vực nóng khác như Bắc Úc, eo Malacca, Đông Bắc Á và hai bờ Đông Tây của Hoa Kỳ.

Những làn sóng dân tị nạn gần đây sang các nước phát triển8 cũng là một vấn nạn trên biển về các hình thức buôn bán người trá hình. Công ước LHQ nhằm ngăn trừ tội phạm xuyên quốc gia9 được Đại hội đồng LHQ thông qua vào tháng 11/2000 nhấn mạnh nỗ lực giải trừ việc buôn bán con người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em.

Nhiều quốc gia đã có các nỗ lực pháp lý chống lại việc đánh cá bất hợp pháp tại chính vùng biển họ cai quản và cả vùng biển quốc tế. Năm 1995, LHQ đã thông qua Thỏa thuận về thực hiện các điều khoản của UNCLOS 1982 liên quan bảo tồn và quản lý ngư nghiệp và nguồn cá có khuynh hướng thiên di cao10. Những thỏa thuận này có đề cập đến các quy tắc cho ngư dân đánh bắt cả ở Tây và trung tâm Thái Bình Dương. Theo đó, các nước cần tuân theo các quy định về đánh cá không tận diệt và bảo đảm bảo tồn các nguồn cá. Nguồn cá chung của thế giới ngày càng cạn kiệt, các nước đã có những đội kiểm tra ngư nghiệp bài bản như Đoàn bảo vệ ngư nghiệp11 thuộc Hải quân Hoàng gia Anh – tham gia vào hoạt động giám sát ngư nghiệp của không chỉ Anh quốc mà còn của các nước khác hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển Anh.

Các lực lượng tuần duyên triển khai mỏng cùng với ý thức môi sinh kém dẫn đến nhiều vụ phá hoại môi trường như đổ nước thải, dầu thải ra biển. Ngoài Công ước về can thiệp và Công ước London,12 Công ước Marpol 73/7813, có các quy định cho tàu mang cờ các quốc gia ký kết được quyền hành xử tương thích ở những lúc những nơi nhất định. Quốc gia cận bờ có quyền lục soát các tàu thuyền mang cờ các quốc gia trong công ước để ngăn ngừa các hành động phá hoại môi trường như kiểm tra giấy chứng nhận và cả đình chỉ hành trình nếu thiếu các chứng từ phù hợp. Ngược lại các tàu mang cờ quốc gia tham gia công ước có thể cùng phối hợp trong các chiến dịch điều tra vi phạm môi trường như xả chất thải, phá san hô. Các tàu này có quyền và nghĩa vụ vượt ra ngoài biên giới quốc gia trong việc bảo vệ môi sinh môi trường biển cả.

Sau sự kiện 11/9, không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác đã tìm hiểu hơn nữa về những hướng tiếp cận an ninh của mình từ phía biển. Nhận thức không gian hải dương14 cũng có khi được biết dưới tên ý thức cảnh huống15 là điều khiến các nước quan tâm nhiều hơn đến những tác động từ biển đến. An ninh trên các vùng biển, do vậy, được quan tâm nhiều hơn. Các kế hoạch tăng hiệu năng các tiện ích tìm kiếm và xác định tầm xa16 đã được đề ra và thực hiện. Nhiều nước như Mỹ và Úc đã có các biện pháp nhằm xác định rõ các loại phương tiện kể cả khi chưa tiến vào vùng biển của họ. Một số kế hoạch gắn liền với nhận thức không gian hải dương là Hệ thống thông tin hàng hải Úc (AMIS)17 do Tư lệnh biên phòng (BPC)18 phát triển và có khả năng theo dõi mọi loại tàu bè trong vòng EEZ của Úc. BPC là một cơ quan liên hợp gồm Bộ quốc phòng (ADF)19, Hải quan Úc (ACS)20 và các cơ quan khác.

Các tác vụ phi chiến đấu của hải quân

Lực lượng hải quân các nước trên thế giới, ngoài trách nhiệm bảo vệ vùng mặt biển, đáy biển, vùng trời, vùng lục địa và không gian điện tử21 cho đất nước của mình cũng có thể đối mặt các vấn đề vừa nêu. Các tác vụ phi chiến đấu mang nhiều ý nghĩa khác biệt và hệ quả đa dạng.

Hải quân có thể được điều động trong các công tác cứu trợ nhân đạo, trong các sứ mệnh cung cấp tiện ích xã hội, y tế hay chuyên môn cho các cộng đồng bị nạn hay gặp tình cảnh khó khăn. Trong năm 2006, tàu bệnh viện USNS Mercy đã cung cấp dịch vụ y tế và huấn luyện miễn phí đến các nước Indonesia, Bangladesh, Đông Timor và Philippines.

Các lực lượng hải quân Anh, Mỹ hiện đang tăng tốc để cứu trợ cho Philippines sau cơn bão Haiyan (11/2013) cũng chính là phát huy khả năng, sức người sức của của nhân loại trong tai nạn quá lớn này22.

Trong năm 2006, tàu USS Emory S. Land đã mở một chiến dịch ngoại giao sức mạnh mềm đối với các nước Vịnh Guinea nhằm huấn luyện hải quân, thực hiện các dự án quan hệ cộng đồng, sửa chữa tàu và khảo sát thủy văn. Tàu USS Peleliu cũng lên kế hoạch cứu trợ nhân đạo và thực hiện các sứ mạng dân sự tại Đông Á và Thái Bình Dương trong 2007. Nhằm hạ thấp chi phí vận hành, các tàu dân sự cũng đã được huy động để song hành với các tàu quân sự của các nước trong dịch vụ cứu trợ nhân đạo.

Hình ảnh của Ấn Độ đã được nâng cao đáng kể vào 2007 khi Hải quân Ấn gần như ngay lập tức vận chuyển 5.000 tấn gạo đến cứu trợ Bangladesh bị tàn phá bởi cơn bão Sidr. Tương tự, Hải quân Ấn độ đã huy động tức khắc những loạt hàng viện trợ, cứu trợ khẩn cấp đến Myanmar khi nước này bị cơn bão Nagris tàn phá tháng 5 năm 2008.

Những biến cố như bão lớn, sóng thần, sự cố hỏa hoạn, bạo động, nổ nhà máy hạt nhân thường dẫn theo các hệ quả hư hỏng, ách tắc của phi trường, bến cảng, trục lộ, giao thông, viễn thông và làm đình trệ các dịch vụ y tế, sinh hoạt của dân thường. Khi đó Hải quân với độ cơ động cao sẽ là nhân tố cứu trợ tích cực nhất và ít bị phụ thuộc vào các bế tắc như nêu trên. Họ sẽ là những người đến cứu giúp đồng loại đầu tiên.

Sứ mạng tìm kiếm và cứu nạn23 của hải quân-không quân bao trùm không chỉ ở biển mà còn có thể trải rộng ra lục địa, vùng núi, vùng băng, vùng sa mạc, đầm lầy hay nơi có thiên tai, động đất, núi lửa, sụp hầm mỏ … Lực lượng tìm kiếm và cứu nạn tinh nhuệ của các nước có thể phục vụ các đoàn khoa học nghiên cứu ở các vùng khí hậu khắc nghiệt, cứu nạn du lịch, thể thao… dành cho các nạn nhân, bệnh nhân… goài việc làm chủ các công cụ như trực thăng, tàu phá băng, chó nghiệp vụ, lực lượng hải quân còn phải nắm vũng các kiến thức về địa lý, địa hình và quan trắc thời tiết.

Điều này đã diễn ra tại Aceh sau cơn sóng thần tai ác 26/12/2004, hoặc sau cơn bão Katrina ở New Orleans 2005. Đi kèm sự cứu hộ, cứu nạn, lực lượng hải quân còn có khả năng cung cấp cả dịch vụ y tế, thực phẩm nhanh và cả lều bạt tạm thời cho cả nạn nhân và đội ngũ thiện nguyện viên bất chợt tập trung về địa điểm có tai nạn. Hải quân còn có thể giám sát, ngăn chặn và can thiệp vào các hoạt động phá hoại của con người. Các cuộc diễn tập hải quân giữa Mỹ và các nước Thái Bình Dương24 còn đề cao việc bảo vệ môi trường khi sử dụng nhiên liệu sinh học, giải phóng phong tỏa biển cho các bên tham gia diễn tập.

Ngoài công tác cứu nạn, sự hiện diện của hải quân trên biển cũng chính là thể hiện sức mạnh mềm một cách uyển chuyển, độc lập, mạnh mẽ của một đất nước có quyền lợi và nghĩa vụ với tài nguyên chung của nhân loại. Sự có mặt ấy góp phần giúp đỡ các nạn nhân yếu thế của thiên tai, nhân họa và ngăn ngừa các tác nhân trục lợi mặt biển như cướp biển, buôn ma túy, buôn người và tác động tích cực đến tình hình địa chính trị của khu vực – khiến cho các tác nhân gây biến cố phải cân nhắc. Ít nhất là chúng phải cân nhắc về khả năng tác động hình ảnh và phản ứng của dư luận thế giới.

Chính với các hiện diện tích cực này mà các nước có thể tối đa hóa lợi ích kinh tế của mình thông qua khai thác địa thế biển, khai thông giao thông sông biển, duy trì chất lượng cảng, bảo đảm nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu cho thị trường và thương mại nói chung.

Với tính cơ động cao, hải quân một nước có các phương cách xây dựng an ninh và củng cố lòng tin – MCSBM25– hữu hiệu với hải quân và nhân dân các nước khác. Các hoạt động này sẽ giảm thiểu căng thẳng xung đột do hiểu nhầm và đánh giá nhầm sức mạnh quân sự. MCSBM có nhiều hình thức từ song phương, đa phương đến toàn cầu. MCSBM mang tính biểu tượng chính trị cao và là tác nhân đối ngoại không chỉ về mặt quân sự mà còn về văn hóa, xã hội, thể thao cho diện mạo quốc gia trong thời bình.

Hợp tác hải quân các nước sẽ trải dài từ mức độ thấp như tàu thăm viếng cảng, người thăm viếng tàu, trao đổi nhân lực, đối thoại hải quân – hải quân, hội nghị nhiều bên đến mức độ cao hơn như chia sẻ thông tin, phát triển lý thuyết quốc phòng, chia sẻ các chuẩn tắc vận hành26 cho các cuộc thao dượt song phương và đa phương; tránh va chạm27; chống cướp biển; duy trì hòa bình; hợp tác dự báo thời tiết; bảo vệ các tuyến thông thương biển28; và chống phong tỏa.

Cuộc thao dượt Carat của Mỹ và các nước ASEAN đều có các tác vụ huấn luyện biển bờ, lặn cứu hộ, lên tàu trong điều kiện thời tiết xấu, thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu hộ, chữa lửa và kiểm soát sự biến, cấp cứu y tế và phối hợp trực thăng vận biển bờ.

Còn ở các cuộc thao dượt Malabar (Mỹ, Ấn, Nhật, Úc và Singapore) ngoài những bài tập tác chiến còn có các nội dung khác như chống khủng bố, lặn cứu nạn, hậu cần tiếp liệu, giải cứu tàu mắc cạn, tiêu trừ chất độc trên biển, trên không, cứu trợ thiên tai, thiết lập hệ thống bệnh viện dã chiến…

Diễn đàn Các lực lượng biển – ISS29– do hải quân Mỹ tổ chức thường niên quy tụ nhiều lãnh đạo hải quân các nước đến tham gia và thúc đẩy các cuộc hợp tác giữa hải quân các nước, trong đó diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương -WPNS30– mà Việt Nam tham gia là nơi hội tụ lãnh đạo lực lượng hải quân các nước Thái Bình Dương. Những năm gần đây các hoạt động phi tác chiến như diễn tập cứu nạn biển, rà phá mìn và bảo vệ môi trường đã trở nên thường xuyên hơn. Sáng kiến hợp tác hải quân 1.000 tàu –TSN31– của Mỹ dựa một phần trên các nguyên tắc hợp tác này.

Về phương diện giữ gìn hòa bình, trong 20 năm qua, lực lượng hải quân các nước đã tiến hành nhiều tác vụ tại vùng Vịnh Somalia a và khu vực Balkan, Campuchia và Đông Timor. Các hoạt động hỗ trợ hòa bình32 bao gồm:

•  Các hoạt động giữ gìn hòa bình tuân thủ Chương 6 của Hiến chương LHQ và các lực lượng quốc tế hoạt động với sự ủy nhiệm của các bên đang trong tranh chấp. Hải quân các nước đươc sử dụng đề tuần tra bờ biển cửa sông, bến cảng nhằm mục đích giám sát ngừng bắn.

•  Các hoạt động thực thị hòa bình tuân thủ Chương 7 của Hiến chương LHQ, nơi đó các bên tranh chấp có thể chưa đồng ý về sự can dự của quốc tế và khi đó các hoạt động cưỡng chế có thể sẽ cần thiết để vãn hồi hòa bình33.

•  Hoạt động xây dựng hòa bình nhằm giúp đỡ tái thiết một quốc gia hay một khu vực chịu dư chấn của một cuộc chiến tranh. Các công tác quan trọng sẽ phá hủy bom mình, thủy lôi, mở các hải cảng, phi trường và trục vớt, cứu hộ…

Kết luận

Với các tai họa từ thiên nhiên và với các tác nhân ảnh hưởng đến an ninh chung của con người, hải quân các nước sẽ nâng cao năng lực đánh giá thiên tai, địa chính trị không kém tác động dân sự của các tuyến thông thương biển, cả khả năng liên quan sông, bờ biển, và biển, phối hợp không lực, nâng cao khả năng tìm kiếm cứu hộ, hiểu biết địa hình, logistics và vận dụng, tận dụng tốt các cuộc huấn luyện phi tác chiến.

Trong phát triển kinh tế và thương mại, các năng lực và tài nguyên trên cũng phải được chia sẻ cho lợi ích dân sự của quốc gia. Sự phối hợp chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, công nghệ thông tin, tình báo, tuần thám và trinh sát34 luôn cần thiết để sử dụng và phát huy không chỉ trong các tác vụ phi chiến đấu mà còn rộng ra các mặt dân sự khác và tác chiến quốc phòng.

Một trong những nhiệm vụ của hải quân là bảo vệ người dân sử dụng biển một cách an toàn, an ninh, toàn vẹn và hữu hiệu. Từ trọng tâm bảo vệ đất biển trời và không gian điện tử cụ thể cho lợi ích công dân nước mình, hải quân của một nước có thể phát huy sức mạnh ngoài sức mạnh quân sự. Khi đó, hải quân còn có thể mang sứ mạng của những nhà ngoại giao khi tham gia tích cực vào các hoạt động phi tác chiến như nêu trên.

Các đội hải quân Bắc Hải và Hoàng Sa của Việt Nam từ mấy thế kỷ trước cũng đã thực hiện các tác vụ phi chiến đấu qua nhiều công việc cứu nạn tàu thuyền cho con người, khai thác tài nguyên trên các vùng quần đảo từ Hoàng Sa, Trường Sa cho đến các vùng biển đảo khác. Họ đã để lại nhiều công tích về mở mang bờ cõi, khẳng định chủ quyền đất-biển cho con cháu Việt Nam mãi về sau.

Trong tình hình ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc quấy phá, ức hiếp và ngăn cản đánh cá trên những vùng biển truyền thống và hợp pháp, hoạt động của các lực lượng trên biển của Việt Nam nhằm bảo vệ họ là cần thiết.

Tham khảo:

– Tài liệu hội thảo biển Đông, Sheraton, tháng 11/2012

– Michael K.Connors, Remy Davison, Jorn Dosch, The new global politics of Asia Pacific, Second edition, Routledge 2012

– Andrew TH Tan, The politics of Maritime Power, Rouledge, 2011

– Geoffrey Till and Patrick C. Bratton, Sea Powers and the Asia Pacific, Routledge, 2012

– Vijay Sakhuja- Asian Maritime Power in the 21 st Century- Institute of South Esat Asian Studies- 2011

* Quỹ Nghiên cứu biển Đông

1 MOOTW: Military operations other than war

2 MDA : Maritime domain awareness

3 Maritime Strategy for Medium Power, 1986

4 Armed robbery against ship

5 ReCAAP: The Regional Cooperation Agreement against Piracy and Armed Robbery Against Ships

6  International Maritime Bureau

7 The 1988 UN Convention against Illicit Traffic in narcotic Drugs and Psychotropic Substances

8 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/new-boat-pp-aus-06252013114210.html

9 UN Convention against Transnational Organized Crime

10 Conservation and management of straddling fish stocks and highly migratory fish stocks

11 Fisheries protection squadron of the Royal Navy

12 Intervention Convention, London Convention

13 International Convention for the Prevention of Pollution From Ships, 1973 as modified by the Protocol of 1978. (“Marpol” là viết tắt của marine pollution và 73/78 là cho hai năm 1973 và 1978)

14 Maritime domain awareness

15 Situational awareness

16 Long range identification and tracking

17 Australian Maritime Information System

18 Border Protection Command

19 Australian Defence Force

20 Australian Customs Service

21 Tạm dịch từ cyberspace

22 http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-24895620

23 Search and rescue: tìm kiếm và cứu nạn

24 RIMPAC

25 Maritime Confidence- and Security-Building Measures

26 Standard Operating Procedures

27 incident at sea

28 sea lines of communications

29 International Seapower Symposium

30 Western Pacific Naval Symposium

31 Thousand-Ship Navy

32 Peace Support Operations

33 Seapower Centre Australia 2000, trang 66

34 Command, control, communication, computer, intelligence, surveillance & reconnaissance: C4ISR

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)