Hành xử khi thi hành công quyền

Câu chuyện người cảnh sát tát tai người đi đường ở Hà Tĩnh chỉ là một trong số nhiều ví dụ về nạn bạo hành của người thi hành công quyền mà chúng ta thường gặp. Có thể cái tát tai lộ liễu làm người ta sốc, nhưng hằng ngày nạn bạo hành tương tự vẫn diễn ra trước mắt bao người như chuyện đương nhiên mà người dân vì lý do này hay lý do kia đã không lên tiếng, chẳng hạn cán bộ điều tra đánh nghi can khi hỏi cung tại trại giam, thẩm phán đập bàn nặng lời với bị cáo và đương sự khi xét xử, viên chức hành chính quát tháo người dân đến cửa công quyền, cảnh sát giật chìa khóa xe máy của người vi phạm luật giao thông, vân vân và vân vân...


Nguồn gốc nạn bạo hành của người thi hành công quyền nói trên xuất phát từ thái độ xem thường người dân vốn vẫn tồn tại bấy lâu. Não trạng ban phát ân huệ khi người dân cần đến sự hỗ trợ của bộ máy công quyền hoặc não trạng tự ban cấp cho mình quyền trừng phạt người vi phạm pháp luật bất chấp thủ tục tố tụng luật định đã ngấm sâu và lâu trong cách suy nghĩ và ứng xử của không ít quan chức từ trung ương đến địa phương. Sâu và lâu… đến mức vị Trưởng Công an huyện Kỳ Anh thản nhiên như không khi chứng kiến cảnh người cảnh sát giật chìa khóa xe máy và tát tai người không đội mũ bảo hiểm!
Khoan nói đến sự vi phạm luật pháp rõ ràng của hành vi bạo hành khi thi hành công quyền, những hành động xem thường người dân kiểu như vậy cho thấy sự thiếu tôn trọng nhân phẩm công dân là tình trạng phổ biến và đáng báo động ở nhiều nơi.  Phản ứng cam chịu và im lặng bấy lâu của người dân vì ngại phiền toái và để được việc (tránh voi chả xấu mặt nào!) phần lớn do sự thiếu hiểu biết của người dân về các quyền mà hiến pháp và luật pháp dành cho mình.
Quyền được tôn trọng nhân phẩm như một con người là quyền tự nhiên và thiêng liêng mà không một cơ quan hay thế lực nào có thể ban cấp hoặc xâm phạm vì bất kỳ lý do gì. Việc bảo đảm các quyền này của công dân đã được ghi trong Hiến pháp, trong nhiều Nghị quyết của Đảng, của pháp luật và các qui định về nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi thành viên trong các cơ quan công quyền. Vì vậy, cần phải có những biện pháp xử lý thích đáng những hành vi bạo hành của người thi hành công quyền. Có như vậy người dân mới có thể trở thành người chủ thực sự trong một thể chế dân chủ đích thực.


Lê Công Định

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)