Hệ thống các khuyến khích

Lương và bổng thường có mối tương quan tỷ lệ thuận với nhau. Lương cao thì bổng cũng cao. Tuy nhiên, thông thường, lương tăng theo cấp số cộng, mà bổng tăng theo cấp số nhân. Chính vì vậy, bổng đang có sức hấp dẫn lớn hơn lương rất nhiều. Bổng lại gắn với chức tước, vì vậy những chiếc ghế có sức cuốn hút rất lớn.

(Hệ thống khuyến khích hiện nay là làm sao để có chức cao hơn, chứ chưa phải làm sao để có được trình độ chuyên môn giỏi hơn). Và chúng ta sẽ thấy, hệ thống các khuyến khích điều chỉnh hành vi của con người một cách lâu bền và triệt để hơn cả.


Điều đáng buồn nói trên cho thấy hệ thống các khuyến khích có tác động lớn đến hành vi con người chúng ta, đồng thời, nó cũng gợi ý cho chúng ta về cách thức làm thế nào để bảo đảm hiệu quả cho những cố gắng cải cách. Cụ thể là, để cải cách hành chính thành công, điều cốt lõi là phải thay đổi hệ thống các khuyến khích đã được hình thành từ trước, nếu không những cố gắng là rất đáng quý về cải cách thủ tục, về thể chế, về công tác cán bộ…, thì mọi việc vẫn sẽ như xưa. Ở đời, đá có ném bao nhiêu, thì ao bèo vẫn phủ kín lại trở lại, bởi vì rằng động lực tự nhiên là sự phủ kín trở lại. Nếu chức vụ đưa lại thu nhập và bổng lộc nhiều hơn, thì những chiếc ghế sẽ có sức hấp dẫn nhiều hơn cả. Nếu gây khó cho dân mới có lợi, thì “một cửa” vẫn có thể gây ra sự tốn kém, mất thì giờ bằng cách dẫn đến nhiều bàn.

Muốn xác lập một nền hành chính công thật sự phụng sự nhân dân, thì hệ thống các khuyến khích phải được thiết kế sao cho các công chức càng phục vụ nhân dân tốt bao nhiêu, thì càng có lợi bấy nhiêu. Việc bầu cử các chức vụ lãnh đạo và một hệ thống lương bổng tử tế là một vài trong những khuyến khích như vậy. Các khuyến khích này đang được nghiên cứu để áp dụng ngày một nhiều hơn ở nước ta. Tuy nhiên, do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, chúng ta khó có thể xác lập được các khuyến khích này trong một sáng một chiều.

Có một việc dưới đây, có lẽ, sẽ dễ làm hơn. Đó là việc  xác lập hệ thống chỉ số về sự hài lòng của người dân. Ví dụ, chỉ số hài lòng của người dân đối với ngành địa chính đang tăng lên (?!) thì ngành địa chính xứng đáng được tôn vinh, được khen thưởng. Ngược lại, thì phải bị khiển trách, bị cắt tiền thưởng và không được tăng lương. Điều quan trọng ở đây là phải xây dựng cho được những cơ quan nghiên cứu dư luận xã hội độc lập và khách quan. Tình trạng  “mẹ hát, con khen”, hay tệ hơn, “thổi kèn, khen lấy” như một số địa phương đã làm thật sự chỉ gây tốn kém mà không mang lại lợi ích gì.

               

Tác giả